3. LIÊN HỆ THỰC TIỄN NGÀY NAY, TRONG ĐIỀU KIỆN NÀY CẦN PHẢI LÀM GÌ
3.1. Thực trạng và giải pháp khắc phục những tiêu cực trong hoạt động của Nhà nước đặc biệt là nạn tham ô, lãng phí, quan liêu
3.1.1. Hoàn thiện đồng bộ các văn bản pháp luật
Ông Ðinh Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói: “ Tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản còn lớn, phổ biến là do sai phạm từ khâu khảo sát, thiết kế, lập dự án cho đến công tác đấu thầu xây dựng, nghiệm thu, thanh quyết toán khống khối lượng, sai đơn giá vật tư, v.v. Trong các sai phạm nêu trên, có thể nói sai phạm từ chủ trương đầu tư, hay quyết định đầu tư làm cho thất thoát, lãng phí trong xây dựng cơ bản là rất lớn (chiếm đến 70% số thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản). Có nhà máy trong quá trình xây dựng thì không thấy lãng phí, nhưng khi xây xong mới thấy lãng phí vì hoạt động không hết công suất, thậm chí là không hoạt động do thiếu nguyên liệu,
hoặc thị trường tiêu thụ sản phẩm không đáng kể. Có chợ làm xong không có người đến họp, bỏ đấy, mới thấy sự lãng phí không nhỏ. Những sai phạm từ chủ trương đầu tư thường khó kiểm tra, thanh tra và sau khi kiểm tra kết luận cũng khó xử lý.
Rồi chất lượng công trình yếu kém, nợ đọng xây dựng cơ bản đang là những vấn đề bức xúc trong lĩnh vực này.
Ðể ngăn chặn tình trạng nêu trên, chúng tôi xin đề nghị một số giải pháp sau:
• Tập trung hoàn thiện các quy định, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực này.
Trước hết, nên có sự chỉ đạo rà soát tổng thể các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là xây dựng bằng ngân sách Nhà nước. Hệ thống văn bản này phải đồng bộ, như các luật: Ðầu tư, Xây dựng, Ðấu thầu, Ðất đai và kể cả Luật Ngân sách. Có một số quy định trong các luật nêu trên chưa đồng bộ, gây khó khăn cho quá trình thúc đẩy đầu tư và gây thất thoát, lãng phí. Ðẩy mạnh việc quản lý chất lượng các công trình, cần có biện pháp quản lý hiệu quả. Các quy định chế tài quản lý chất lượng công trình của chủ đầu tư, chủ nhà thầu, tư vấn... đã có, nhưng phải tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng để đội ngũ cán bộ làm công việc này nắm vững và thực hiện tốt hơn.
• Về quản lý chi phí trong đầu tư xây dựng cơ bản hiện chưa có văn bản nào mang tầm Nghị định của Chính phủ mà mới có văn bản ở dạng thông tư liên bộ. Các loại văn bản này cần được ban hành có giá trị pháp lý như Nghị định với nội dung được đổi mới phù hợp tiến trình hội nhập kinh tế thế giới; quản lý giá, quản lý chi phí trong xây dựng phải gắn liền với thị trường. Xóa bỏ việc quản lý giá theo địa bàn, nên quản lý giá theo từng công trình, bởi hai nhà xây cạnh nhau, có thiết kế như nhau, cùng được khởi công và hoàn thành trong một thời điểm, nhưng chi phí có thể sẽ khác nhau vì việc xử lý móng không hẳn giống nhau do nền đất của hai nhà khác nhau.
• Xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể; giải quyết bình đẳng mối quan hệ giữa các chủ thể trong hoạt động xây dựng, nhất là giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Ðề cao vai trò của hợp đồng xây dựng. Khi làm hợp đồng phải theo thông lệ quốc tế, điều này rất quan trọng, nó gần như cơ sở pháp lý cao nhất để xử lý các tranh chấp giữa nhà thầu và chủ đầu tư, giữa các chủ thể tham gia ký hợp đồng. Tăng cường tính minh bạch, rõ ràng và trách nhiệm của các chủ thể thì sẽ có tác dụng tích cực để hạn chế thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng.
3.1.2. Sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các định mức để tiết kiệm, chống lãng phí
Ông Nguyễn Văn Ðua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh:
“Triển khai Chương trình kiểm tra số 07 của Ban Bí thư T.Ư Ðảng, Thành ủy TP Hồ Chí Minh tập trung chỉ đạo ráo riết, gắn với thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, để thành phố phát triển nhanh và bền vững; đồng thời góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng.
Thành ủy vừa chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra việc sử dụng đất, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản từ tài chính công, vừa chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố thanh tra hàng loạt các vấn đề và xử lý nghiêm khắc cán bộ sai phạm, như vụ hầm chui cầu Văn Thánh II, đường Nguyễn Hữu Cảnh, v.v. Không chỉ chỉ đạo xử lý những vụ việc cụ thể, Thành ủy còn ra các chỉ thị về tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, điều hành của chính quyền, nhằm kiên quyết khắc phục những sai phạm trong quản lý kinh tế, quản lý trật tự đô thị;
sử dụng đất đai; giao đất, thu hồi đất; xử lý việc tự chuyển mục đích sử dụng đất trái phép và nhiều lĩnh vực kinh doanh khác. Thành ủy chủ trương thu hồi đất của các dự án chậm triển khai; cho lập quỹ chuyển đổi nghề, học nghề cho con em nhân dân trong vùng quy hoạch phải giải phóng mặt bằng... Do vốn có hạn, cho nên thành phố tập trung đầu tư cho các dự án có chương trình, dự án triển khai nhanh, hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải. Ðặc biệt là Thành ủy luôn lãnh đạo rà soát các quyết định đầu tư, các dự án đầu tư để tập trung vào các dự án cấp bách, có khả năng phát huy tác dụng, sớm phục vụ
phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố cũng quyết định thành lập các ban bồi thường giải phóng mặt bằng của các quận, huyện; kiện toàn nhân sự các ban quản lý dự án, phân cấp cho quận, huyện trực tiếp làm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư. Chương trình kiểm tra số 07 của Ban Bí thư đã giúp các cấp ủy đảng Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc hơn nội dung, tầm quan trọng của vấn đề, tập trung chỉ đạo kiên trì, kiên quyết và hiệu quả chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Ðể tiếp tục đẩy mạnh chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm nay và những năm tiếp theo, đề nghị T.Ư cần nghiên cứu, rà soát, bổ sung hoàn thiện các loại định mức. Quản lý định mức là cơ sở cực kỳ quan trọng, là căn cứ để theo dõi, kết luận đúng, sai trong quá trình thực hiện. Về đầu tư xây dựng cơ bản, chất lượng, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản phụ thuộc nhiều khâu. Trong đó, chất lượng của khâu tư vấn giám sát là khâu hết sức hệ trọng. Song hiện nay, chi phí cho tư vấn giám sát lại chưa thật phù hợp. Thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định mời tư vấn nước ngoài giám sát một số dự án. Nhưng mức chi phí cho khâu này theo quy định hiện nay không còn phù hợp. Vấn đề đặt ra là, muốn nâng cao chất lượng tư vấn giám sát thì phải thay đổi chi phí giám sát, nhất là khi mời tư vấn giám sát nước ngoài. Có một số quy định rất cụ thể, tỉ mỉ, tưởng là tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện giám sát.
Nhưng không hẳn như vậy, mà có khi nó lại là quy định máy móc, rườm rà, vô hình trung làm cho ta tự trói mình. Một số loại đơn giá tổng hợp chẳng hạn, phải phụ thuộc vào giá cả thị trường biến động từng ngày từng giờ trong khi phải được phê duyệt mới được mua. Do vậy, nhiều văn bản phải được rà soát, điều chỉnh, tạo sự đồng bộ, phù hợp cơ chế quản lý kinh tế mới và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.”
3.1.3. Mạnh dạn phân cấp
Ông Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội: “Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thành ủy Hà Nội đã đề ra các biện pháp tăng cường lãnh đạo của Ðảng trong thời gian tới. Cụ thể là triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng và lãng phí, Thành ủy đã có kế hoạch, thời gian phân công cụ thể từng đồng chí phụ trách các lĩnh vực để khắc phục những tồn tại nhất là việc thanh toán, quyết toán dứt điểm các công trình xây dựng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Xử lý kiên quyết, triệt để những dự án công nghiệp, khu đô thị mới có vi phạm về quản lý, sử dụng đất. Nâng cao công tác cải cách hành chính trên ba lĩnh vực: đầu tư xây dựng cơ bản, quy hoạch; quản lý và sử dụng đất đai; mua sắm trang thiết bị tài sản công, v.v. Xây dựng các quy chế liên thông và kiện toàn Ban chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phân cấp, ủy quyền cho cơ sở xây dựng một số cơ chế liên thông trong các lĩnh vực đầu tư; cấp đất; quản lý vốn nhằm thực hiện ngay các kiến nghị của Ðoàn kiểm tra T.Ư.
Ðể thực hiện tốt những biện pháp nêu trên, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội kiến nghị với T.Ư một số nội dung cụ thể:
• Ðề nghị Chính phủ bảo đảm đủ, kịp thời vốn cho tiến độ cho các dự án của T.Ư trên địa bàn, đặc biệt là vốn cho công tác giải phóng mặt bằng. Kế hoạch vốn phải đồng bộ với tiến độ, phương án giải phóng mặt bằng của dự án để dự án sớm đưa vào sử dụng theo kế hoạch.
• Sửa đổi một số quy định quản lý vốn ODA như quản lý ngân sách Nhà nước để sự theo dõi, giám sát hoạt động của các cơ quan liên quan. Quy định về quản lý, kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo hướng tăng cường chức năng giám đốc của ngành tài chính...
• Ban hành các cơ chế, chính sách đồng bộ về tài chính nhằm quản lý sử dụng tài sản Nhà nước theo đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức quy định pháp luật của Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí, như phân cấp quản lý xử lý tài sản, thực hiện đăng ký tài sản Nhà nước, đổi mới cơ chế quản lý quỹ nhà chuyên dùng thuộc sở hữu Nhà nước...
• Nghiên cứu cơ chế đấu thầu dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng tài sản cho các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp. Từng bước thay thế phương thức chi ngân sách cho đơn vị sự nghiệp mua sắm tài sản bằng việc cơ quan, đơn vị tự đặt mua sản phẩm.
3.1.4. Cần có Nghị quyết chuyên đề về công tác kiểm tra, giám sát của BCH Ðảng
Ông Ðinh Thanh Ðồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên: Kết quả đạt được trong việc tăng cường công tác kiểm tra của Ðảng theo tinh thần Chỉ thị 29 của Bộ Chính trị khóa VIII là cố gắng rất lớn của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp. Nhờ đó đã tạo bước chuyển biến đáng kể trong nhận thức và hành động đối với đội ngũ những người làm công tác này. Tuy nhiên so với yêu cầu còn nhiều hạn chế, bất cập.
Ðể tạo bước đột phá, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Ðảng, đề nghị T.Ư cần có Nghị quyết chuyên đề về công tác này. Về nhận thức, cần xác định công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Ðảng là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của toàn Ðảng, trước hết là nhiệm vụ của cấp ủy, do cấp ủy trực tiếp tiến hành. Từ khi có Chỉ thị 29 của Bộ Chính trị, hằng năm, các cấp ủy đảng địa phương đã xây dựng chương trình công tác kiểm tra của cấp ủy, có tổng kết rút kinh nghiệm đề ra phương hướng nhiệm vụ cho thời gian tiếp theo. Ðề nghị hằng năm, T.Ư tổng kết và chỉ đạo phương hướng, nhiệm vụ công tác kiểm tra năm sau, làm cơ sở cho địa phương, các cấp, các ngành thực hiện thống nhất. T.Ư cũng cần giao trách nhiệm cho ban cán sự Ðảng, Ðảng đoàn các cơ quan, bộ, ngành có chương trình kiểm tra đối với các lĩnh vực quản lý nhà nước, để tạo điều kiện cho công tác kiểm tra thuận lợi hơn;
có điều kiện kiểm tra hiệu quả hơn. Qua đó, chính đội ngũ cán bộ có điều kiện khắc phục các mặt hạn chế, yếu kém. Mặt khác, chú trọng củng cố tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra bảo đảm số lượng, đặc biệt là chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác kiểm tra trong hình tình mới. Ðồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình kiểm tra số 07 của Ban Bí thư về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, qua đó đề ra những giải pháp khắc phục các mặt yếu kém, chứ không phải kiểm tra rồi để đấy; nhất là phải xử lý nghiêm mọi trường hợp sai phạm, để xử lý bằng kỷ luật Ðảng, pháp luật nhà nước.
Trong công tác kiểm tra, chúng ta đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy là rất quan trọng và đúng, đồng thời phải gắn liền với phát huy vai trò, trách nhiệm của tập thể ban thường vụ cấp ủy, Ðảng Ðoàn, Ban Cán sự đảng, nhất là khi xây dựng chương trình công tác kiểm tra tránh sự cửa quyền trong chỉ đạo, lãnh đạo và điều hành.
3.1.5. Tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa UBKT các cấp với các cơ quan quản lý nhà nước Ông Nguyễn Sĩ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh: Từ việc kiểm tra theo Chương trình 07, chúng tôi có một số kiến nghị với UBKT T.Ư như sau: Việc kiểm tra này là cần thiết nhưng với ba nội dung là hơi nhiều. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã phải tập trung lãnh đạo và phân công một đồng chí Thường vụ và hai cán bộ có năng lực của UBKT Tỉnh ủy để phục vụ và làm thư ký cho Ðoàn kiểm tra. Các cuộc kiểm tra lần sau nên chọn nội dung kiểm tra gọn hơn, nội dung còn lại giao địa phương tự kiểm tra theo các chương trình, hướng dẫn của UBKT T.Ư. Mặt khác, cần có sự phối hợp giữa UBKT T.Ư với các bộ, ngành T.Ư liên quan đến nội dung kiểm tra tạo ra sự thống nhất, thông suốt những việc cần kiểm tra. Thí dụ, vấn đề đất đai liên quan Bộ Tài nguyên và Môi trường, vấn đề xây dựng cơ bản liên quan Bộ Xây dựng và các bộ liên quan... cần trao đổi, đối thoại để thống nhất khi xem xét kết quả kiểm tra. Nhất là khi
nêu nguyên nhân yếu kém, khuyết điểm ở địa phương, bởi ở đây còn có nguyên nhân khách quan do sơ hở của cơ chế, chính sách và trách nhiệm của các bộ, ngành chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Cần có sự phối hợp chặt chẽ để khắc phục một cách đồng bộ, kịp thời. Chúng tôi đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp tổ chức các đoàn kiểm tra chứ không chỉ có UBKT T.Ư tổ chức các đoàn kiểm tra. Như vậy mới thể hiện được sự lãnh đạo, sự quan tâm, trách nhiệm của cấp trên đối với cấp dưới và trách nhiệm của cấp ủy đối với công tác kiểm tra của Ðảng.
Ðề nghị UBKT T.Ư nghiên cứu, giải quyết những yếu kém, bất cập về bộ máy tổ chức và cán bộ của UBKT các cấp đáp ứng yêu cầu của công tác kiểm tra, giám sát trong những năm tới và tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát của UBKT các cấp. Tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên kể cả UBKT cấp tỉnh, cấp huyện, nhất là đối với cơ sở. Cần có quy hoạch đào tạo bồi dưỡng về công tác kiểm tra, giám sát cho cán bộ, nhất là đối với cán bộ cấp huyện, cấp cơ sở.
Xây dựng quy chế phối hợp giữa Ủy ban kiểm tra đảng với các ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị. Chúng tôi đề nghị T.Ư sớm xây dựng chương trình kiểm tra trong thời gian tới để các địa phương chủ động tổ chức thực hiện.
3.1.6. Ðề cao trách nhiệm của các đoàn kiểm tra
Ông Phạm Thanh Vận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ: Chúng tôi có cảm nhận là cứ tiến hành kiểm tra ở đâu, nơi nào cũng có sai phạm, không nhiều thì ít. Như vậy lãng phí diễn ra ở các cấp, các ngành, các địa phương, các lĩnh vực với cấp độ khác nhau. Quá trình tổ chức thực hiện có nhiều sơ hở để người thực hiện trục lợi. Hậu quả của lãng phí không những làm nhiều cán bộ hư hỏng mà còn làm dân mất lòng tin với hệ thống chính trị và tạo điều kiện cho bọn xấu bôi nhọ chế độ ta.
Theo chúng tôi muốn việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thật sự có chuyển biến tích cực:
• Thứ nhất, phải mạnh dạn, kiên quyết xử lý nghiêm minh, khách quan, những tập thể, cá nhân sai phạm. Nhất là các vụ việc đã được kết luận trong đợt kiểm tra lần này, có như vậy mới tạo được sự răn đe, cảnh báo.
• Thứ hai là: Sớm xem lại một số chủ trương, chính sách, quy định, cơ chế của Ðảng và Nhà nước liên quan đến một số lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, lãng phí. Một số chính sách liên quan đến quyền lợi của cán bộ, đảng viên nếu xét thấy có sơ hở và không còn phù hợp, dễ bị lợi dụng thì phải sửa đổi ngay. Các cơ chế, chính sách phải được thực hiện một cách đồng bộ, nhất quán, không để tình trạng tùy tiện vận dụng, mỗi nơi mỗi khác.
• Thứ ba là, đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, xác định rõ trách nhiệm và mối quan hệ công tác giữa cấp ủy, chính quyền một cách minh bạch, nhất là về lãnh đạo kinh tế để dễ xử lý trách nhiệm khi có sai phạm. Như vậy mới khắc phục được tình trạng tranh công, đổ lỗi, nhất là đổ lỗi cho cơ chế, chính sách, cho tập thể .
• Thứ tư, tăng thêm các quy định về quyền hạn và trách nhiệm của trưởng đoàn kiểm tra và các thành viên đoàn. Nơi nào có thiếu sót, sai phạm mà kiểm tra không phát hiện ra hoặc kết luận không đúng bản chất sai phạm và có biểu hiện thiếu khách quan, bao che thì phải bị xử lý trách nhiệm nghiêm minh...
3.1.7. Tiết kiệm, chống lãng phí bằng cách quản lý chặt các nguồn vốn
Ông Trương Văn Ðoan, Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch và Ðầu tư: Ðể chống thất thoát, lãng phí, từng bước loại trừ tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, chúng tôi xin góp một số ý kiến như sau:
• Thứ nhất là, nguồn vốn ngân sách: việc phân bổ nguồn vốn này cho các địa phương, đơn vị đều có tiêu chí về: dân số, diện tích, sự phát triển, nộp ngân sách; hay là tỉnh