CHƯƠNG 4: SO SÁNH CHUYỂN VỊ NGANG GIỮA MÔ PHỎNG PLAXIS 3D VÀ QUAN TRẮC CỦA CÔNG TRÌNH TƯỜNG VÂY THỰC TẾ
4.5 Một số kết luận rút ra từ chương 4
- Dạng mặt bằng hố đào sâu của công trình lựa chọn nghiên cứu chuyển vị của tường vây tương đối phức tạp, có nhiều đoạn cạnh gấp khúc và các góc nhọn, góc tù có các giá trị khác nhau.
- Qua các giai đoạn thi công hố đào sâu ta nhận thấy trên mặt bằng thì chuyển vị ngang lớn nhất trong tường vây chủ yếu tập trung ở cạnh của hố đào có chiều dài lớn, ở cạnh của mặt bằng hố đào ngắn, chuyển vị ngang thường có giá trị nhỏ. Qua đó ta nhận thấy rằng hiệu ứng không gian của tường vây có ảnh hưởng đến chuyển vị ngang của hố đào sâu.
- Chuyển vị ngang của tường vây hố đào sâu tại vị trí góc nhọn thường nhỏ hơn ở vị trí góc tù.
- Biểu đồ chuyển vị tường vây theo chiều sâu có được từ kết quả quan trắc thực tế và chuyển vị của tường thu được từ mô hình Plaxis 3D có khác nhau về giá trị;
tuy nhiên nhìn chung dạng đồ thị của hai trường hợp này cũng gần tương đương.
- Tùy theo vị trí đặt mốc quan trắc chuyển vị thực tế, khi so sánh với chuyển vị trên mô hình cũng có khác nhau, cụ thể ở mốc quan trắc số 2 thì chuyển vị trên mô hình nhỏ hơn so với mốc quan trắc 1.
- Theo chiều sâu của tường vây thì chuyển vị lớn nhất trên mô hình trong khoảng độ sâu từ (4 - 8) m.
PHẦN KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Kết luận:
Qua kết quả phân tích và tính toán trong nội dung luận văn, tác giả đưa ra những kết luận sau:
- Với cùng điều kiện địa chất, cùng điều kiện về kết cấu tường vây và chiều sâu hố đào, khi xem xét một số dạng mặt bằng hố đào khác nhau sử dụng phần mềm Plaxis 3D mô phỏng và phân tích thấy rằng độ chuyển vị ngang lớn nhất của tường vây có giá trị khác nhau về độ lớn cũng như vị trí xuất hiện của nó.
- Việc mô phỏng công trình tường vây barrette trong thi công hố đào sâu cho công trình có hai tầng hầm trên phần mềm Plaxis 3D đã thể hiện rõ sự làm việc không gian, hiệu ứng góc của hệ tường vây barrette.
- Việc mô phỏng công trình tường vây barrette trong thi công hố đào sâu ứng với một số dạng mặt bằng hố đào khác nhau trên phần mềm Plaxis 3D đã giúp cho người thiết kế thấy được những vị trí nào, những cạnh tường nào của hố đào có khả năng gây ra những chuyển vị lớn nhất, tức là dễ bị mất ổn định nhất để từ đó có những giải pháp chính xác hơn trong công tác thiết kế, thi công hố đào sâu.
- Sử dụng mô hình MC để mô phỏng công trình thực tế và xác định độ chuyển vị ngang, sau đó đem so sánh với kết quả quan trắc thực tế trong quá trình thi công hố đào nhận thấy rằng: chuyển vị thực tế và tính toán trên phần mềm có sự sai khác về độ lớn tuy nhiên dạng biểu đồ chuyển vị cũng tương đối phù hợp. Tùy thuộc vào vị trí của các điểm quan trắc chuyển vị của hố đào mà hình dạng biểu đồ chuyển vị tường vây theo độ sâu có sai khác với kết quả mô phỏng trên mô hình Plaxis 3D.
Kiến nghị:
- Các dạng mặt bằng hố đào sâu khác nhau trong các bài toán được đặt ra để phân tích chỉ là giả định và điều kiện địa chất là giả định. Chưa có điều kiện
tổng hợp các công trình thực tế có dạng tương tự, có kết quả quan trắc thực tế để phân tích và so sánh.
- Các kết quả phân tích trong nội dung luận văn chỉ dùng mô hình MC, nếu có điều kiện cần phân tích thêm với các mô hình khác để có những nhận xét cụ thể hơn.
- Trong điều kiện của luận văn chỉ mới so sánh chuyển vị tường vây ứng với một công trình thực tế và ứng với một điều kiện địa chất cụ thể, cần có thêm các công trình thực tế ứng với các dạng địa chất khác kèm theo các kết quả quan trắc chuyển vị để so sánh.