Chương 3: ĐÓNG GÓP VỀ MẶT NGHỆ THUẬT TRONG VĂN XUÔI VIẾT
3.1 Nghệ thuật dựng truyện
3.1.1 Nghệ thuật xây dựng nhân vật
Khi bàn về nhân vật trong tác phẩm văn học, trong Sổ tay viết văn,nhà văn Tô Hoài đã nhận xét rằng: "Nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác". Nhân vật trong tác phẩm văn học đóng vai trò vô cùng quan trọng, nó trực tiếp thể hiện những điều mà nhà văn muốn gửi đến cho độc giả.Thông qua nhân vật, chúng ta cũng có thể hiểu được lịch sử, kinh tế, xã hội trong một giai đoạn cụ thể. Như thông qua nhân vật Tràng trong tác phẩm “Vợ Nhặt” của nhà văn Kim Lân, người đọc không chỉ biết đến ngoại hình xấu xí, tính cách cộc cằn thô lỗ của anh mà qua đó chúng ta còn biết về xã hội Việt Nam trong những năm 1945, hậu quả của nạn đói mang đến và tấm lòng của nhà văn trước hoàn cảnh đau đớn của nhân dân.
Nhân vật trong tác phẩm văn học rất đa dạng và phong phú. Đó có thể là những con người có tên, có tuổi (Chí Phèo, Lục Vân Tiên, Tấm Cám…), có thể không tên (thị, anh bán chiếu, cậu học trò…), hoặc đó cũng có thể là những loài vật, đồ vật vô tri vô giác. Trong Một số vấn đề về thi pháp văn học hiện đại, nhận định “từ trước đến nay, người ta hay phân tích nhân vật văn học như là sự miêu tả một loại người nào đó
trong xã hội, từ đó người ta thường đối chiếu nhân vật với loại người mà nó miêu tả xem có giống hay không giống để xác định mức độ chân thật”.[21;118] Các nhân vật trong tác phẩm văn học được tác giả xây dựng nên nhằm phản ánh hiện thực cuộc sống đồng thời thể hiện tâm tư, tình cảm, quan niệm, cái nhìn của nhà văn về cuộc đời. Khi đi tìm hiểu một nhân vật trong tác phẩm chúng ta không những tìm hiểu đặc điểm ngoại hình, tính cách của nhân vật mà còn nắm được những vấn đề mà tác giả muốn gửi gắm thông qua nhân vật đó.
Hệ thống nhân vật của Võ Quảng cũng là những nhân vật quen thuộc của từ xưa đến nay như: con người, hình ảnh thiên nhiên, loài vật, đồ vật… Tuy nhiên, trong các tác phẩm của Võ Quảng, các nhân vật có những nét mới, nét riêng không lẫn vào đâu được.
Ở thể loại truyện đồng thoại, Võ Quảng vẫn chọn xây dựng hệ thống nhân vật gần gũi, quen thuộc như trong các câu chuyện cổ tích. Nhân vật trong truyện đồng thoại chủ yếu là các loài vật, đồ vật quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Qua khảo sát một số truyện đồng thoại của Võ Quảng, chúng tôi thấy được các kiểu nhân vật chính sau:
+ Nhân vật là những loài động vật: Cóc Tía trong Chuyến đi thứ hai; Rùa trong Bài học tốt; Chèo Bẻo, Bồ Các, Vành Khuyên, Chim Chích trong Những câu chuyện;
Trâu Xe trong Ngày Tết của Trâu xe; Cun Cút trong Anh Cút Lủi; Giếc, Nòng Nọc trong Trong một hồ nước; …
+ Nhân vật là những đồ vật: Đồng Hồ Báo Thức, Lịch Treo, Đá Cuội trong Hòn Đá; Đò Ngang, Thuyền Mành trong truyện Đò Ngang
+ Nhân vật là những hiện tượng tự nhiên: Trăng Non trong Trăng Thức
Có thể thấy thế giới nhân vật trong truyện đồng thoại của Võ Quảng là loài vật và đồ vật đã được tác giả nhân cách hóa để chúng trở thành những con người biết suy nghĩ và hành động. Và chính vì nhân vật là những con vật, đồ vật quen thuộc trong cuộc sống nên tạo được sự gần gũi và hứng thú của độc giả thiếu nhi.
Bên cạnh những nhân vật là loài vật hay đồ vật thì thế giới nhân vật trong truyện đồng thoại của Võ Quảng cũng có xuất hiện bóng dáng con người. Con người không xuất hiện trực tiếp mà hiện hữu thông qua vai trò người kể chuyện. Thường xuất hiện ở cuối các câu chuyện như trong truyện Mèo tắm:
“Các bạn hãy quan sát một chú Mèo ngồi dưới sân, đang tắm khô, hãy nhìn mặt mày của chú, đã biết câu chuyện kể trên đây đã từng xảy ra thuở trước” hoặc trong truyện Vượn hú “Cho đến ngày nay, khi các bạn đi qua một cánh rừng vẫn còn nghe tiếng hú của Vượn. Tiếng hú đó không còn lanh lảnh reo vui, mà bên trong có một cái gì ấm ức buồn buồn. Nguyên là vì Vượn đã có lần bắt chước những việc bậy bạ, đưa đến những tai hoạ lớn lao, như tôi vừa kể”
(Mèo tắm) Chúng ta còn bắt gặp con người còn hiện hữu trong thế giới truyện đồng thoại của Võ Quảng là những nhân vật làm nền như: trẻ em múa hát vui chơi dưới ánh trăng trong đồng thoại “Trăng thức” hoặc chỉ hiện lên thấp thoáng trong hoài niệm của nhân vật chính chẳng hạn anh bộ đội đã hy sinh trên chiến trường được tái hiện thông qua ký ức của nhân vật Đá Cuội trong đồng thoại “Hòn đá”.
Còn ở tiểu thuyết Quê Nội và Tảng Sáng nghệ thuật xây dựng nhân vật chủ yếu được thể hiện thông qua ngoại hình, hành động và tính cách nhân vật.
Ngoại hình là một trong những yếu tố tạo nên sự thành công của một nhân vật trong tác phẩm.Đó là những hình ảnh, dáng vẻ bên ngoài mà chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt. Nhưng để nhân vật đó ghi được dấu ấn trong lòng người đọc đòi hỏi tác giả phải có sự sáng tạo cho nhân vật của mình. Có thể ở khuôn mặt, đôi mắt, bàn chân, nụ cười… Như khi nhắc đến Thúy Kiều trong “truyện Kiều” của Nguyễn Du, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến một người con gái có vẻ đẹp “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”.
Hay hình ảnh Chí Phèo trong tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao, một con quỹ dữ của làng Vũ Đại, chuyên đi rạch mặt ăn vạ…
Hiểu được tầm quan trọng và ảnh hưởng của ngoại hình nhân vật đến sự thành công của tác phẩm, Võ Quảng đã quan sát và khắc họa nhân vật của mình một cách chân thật và tỉ mỉ. Nhân vật Cục hiện lên dưới ngòi bút của ông là một cậu bé chăn trâu, “tự xưng là Triệu Tử Long” khi chơi trò đánh trận giả. Chúng tưởng tưởng ra Triệu Tử Long là một vị tướng “vừa đẹp, vừa oai”, “Mặt đỏ như son, mắt sắc như gươm, xiêm giáp rực rỡ đủ màu, sau lưng còn cắm bao nhiêu cung tên, cờ xí” nhưng thực chất đó chỉ là “thằng Cục. Nguyễn Văn Cục hái trộm ổi của ông Bảy Hóa”,
“thằng miệng hùm gan sứa. Bị chó đuổi, mày bỏ chạy vấp gãy một chân”. Hay“Tướng Quan Công vượt năm cửa ải chém. Sáu tướng của Tào Tháo” lại chỉ là “Thằng Kề có cải bụng chửa to như cái cối” đến “Hạng Võ có sức mạnh vô địch” lại là một thằng “bị mụt chum bao, chân đi cà nhắc, sức không trói nổi con gà”. Với một vài chi tiết nhỏ, Võ Quảng đã khắc họa thành công chân dung các nhân vật của mình.Từng nhân vật hiện lên trong tác phẩm thật ấn tượng và đáng yêu.
Sau đám trẻ chăn trâu, Võ Quảng hướng ngòi bút đến nhân vật Cù Lao, cậu bé trở về từ biển và bị đám trẻ trong làng gọi là “mọi biển”. Cù Lao hiện lên dưới những ánh nhìn lạ lẫm và dò xét của bọn trẻ, đó là cậu bé “gầy đét. Đầu nó đội chiếc mũ giống chiếc mũ nồi, đủ màu xanh đỏ từng khoanh ghép lại”. Miêu tả Cù Lao, Võ Quảng đã sử dụng những từ ngữ độc đáo để làm nổi bật sự khác nhau giữa Cậu bé sống ngoài biển với đám trẻ trong làng “nước da nó đen thui” do cháy nắng và cách ăn mặc kì dị không giống ai “Quần dài không ra quần dài, quần xà lỏn không ra quần xà lỏn”.
Với một vài câu văn miêu tả, Võ Quảng đã giúp người đọc có thể hình dung ra được hình ảnh của hai nhân vật chính trong truyện, đặc biệt là Cù Lao.
Bên cạnh hai nhân vật chính, Võ Quảng còn miêu tả hàng loạt các nhân vật phụ trong tác phẩm bằng những hình ảnh, ngôn ngữ giàu tính gợi hình. Như khi tả ông Biện Thành, tác giả viết “người thấp, to ngang nhưng rất nhanh nhẹn” “hay quấn trên đầu chiếc khăn lông to”, cô Tuyết Hạnh được miêu tả là một “Người gầy nhom, xanh xao như bị đói”.
Ở bộ tiểu thuyết Quê Nội, không chỉ con người, mà hình ảnh các con vật quen thuộc trong đời sống hằng ngày cũng được Võ Quảng mang vào trang văn của mình.
Đó là hình ảnh những chú gà thi nhau cất tiếng gáy vang khắp xóm mỗi buổi sớm mai.Là hình ảnh những chú trâu, mà đặc biệt trong tác phẩm là con trâu Bĩnh của nhà Cục. Trâu Bĩnh làm bạn với gia đình Cục được bảy tám năm nay. Có thể đấy là những con vật quá đỗi quen thuộc đối với người dân vùng nông thôn. Những con vật vô tri vô giác dưới ngòi bút của Võ Quảng hiện lên sinh động và độc đáo. Nhà văn như thổi vào chúng những suy nghĩ, hành động, tình cảm, cảm xúc giống như một con người. Để rồi khi thực dân Pháp nổ súng tấn công Hòa Phước, cuộc sống khó khăn gia đình Cục phải bán trâu Bĩnh đi. Dường như cả Cục và Trâu Bĩnh đều không muốn rời xa nhau, nó cứ
“trì lại không chịu bước”, “nghếch mõm nhìn về phía chị Ba” như một lời cầu cứu, một lời chào tạm biệt những người mà nó đã gắn bó bấy lâu nay. Để rồi qua đó, Võ Quảng muốn mang đến cho các em những cái nhìn mới mẻ về các con vật trong cuộc sống hằng ngày, khơi dậy ở các em tình yêu thương và bảo vệ các loài động vật.
Quê Nội và Tảng Sáng là câu chuyện được viết nên từ những câu chuyện thật, con người thật ở quê hương mà Võ Quảng sống.Không chỉ xây dựng nhân vật thông qua ngoại hình mà ông còn đưa nhân vật của mình đến với độc giả thông qua tính cách. Trẻ em là lứa tuổi hồn nhiên, trong sáng, và dễ nắm bắt tâm lý. Chính vì thế, khi đi vào tác phẩm, các em vẫn giữ được nét hồn nhiên, đáng yêu và tinh nghịch của mình. Đó là hình ảnh Cục bắt chước người lớn “uống chè đặc”, “ăn cay”, “nói lớn” vì trong tâm trí non nớt của những đứa trẻ, chỉ cần làm những việc giống người lớn là có thể trở thành người lớn thật sự. Không chỉ Cục mà Cù Lao cũng hồn nhiên, vô tư không kém. Đó là việc Cù Lao đem hết bí mật anh Bốn Linh dặn “không được nói với ai” kể cho Cục nghe. Đến khi Cù Lao nhớ lại mình đã lỡ lời thì không còn kịp nữa.
Hai nhân vật Cục và Cù Lao được dựng lên như một hình tượng điển hình, mang đầy đủ các tính cách của lứa tuổi thiếu nhi. Khi đọc tác phẩm chúng ta ít nhiều sẽ bắt gặp hình bóng mình trong đó: hồn nhiên, trong sáng, vui tươi mà tinh nghịch.
Đi miêu tả tính cách các nhân vật thiếu nhi nhưng Võ Quảng cũng không quên tìm hiểu tính cách các nhân vật người lớn trong tác phẩm. Đó là những người dân khoẻ mạnh như dượng Hương Thư giỏi chèo thuyền vượt thác sâu nguy hiểm: “Dượng Hương Thư đánh trần đứng sau lái co người phóng chiếc sào xuống lòng sông nghe một tiếng “soạc”! Thép đã cắm vào sỏi! Dượng Hương ghì chặt trên đầu sào, lấy thế trụ lại, giúp cho chú Hai và thằng Cù Lao phóng sào xuống nước.Chiếc sào của Dượng Hương dưới sức chống bị cong lại. Nước bị cản văng bọt tứ tung” hay đó là
“Những động tác thả sào, rút sào rập rang nhanh như cắt. Thuyền cố lấn lên. Dượng Hương Thư như một pho tượng đồng đúc, các bắp thịt cuồn cuộn, hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa ghì trên ngọn sào giống như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh, hùng vĩ”. Đó là hình ảnh những người phụ nữ đảm đang việc trong nhà ngoài ruộng như : “Chị Ba vuốt nếp, hông xôi, nấu đỗ trộn vào nhau, xéo với đường làm món xôi ngọt. Chị Ba bới tất cả vào một cái khay, ép xôi lại, rắc vừng. Mùi thơm của xôi bay ra, tưởng không có mùi thơm nào thơm hơn được” hay “Chị Bốn mang giỏ đi hái dâu dưới rộc. Chị là tay hái dâu loại giỏi.Giữa những cành dâu, hai tay chị như bướm lượn, không ai nhìn kịp”.Là những người anh hùng cách mạng dũng cảm, luôn một lòng giúp dân giúp nước như chú Năm Mùi, anh Bốn Linh, thầy Lê Hảo… Có thể không dành nhiều chi tiết miêu tả nhưng với một vài chi tiết nhỏ những người dân Hòa Phước hiện lên chân thực và sinh động, để lại nhiều dấu ấn trong lòng người đọc.