Chương 4: Toàn cảnh sống động của
4. Các biện pháp bảo vệ di sản
Việc giới thiệu và tôn vinh đờn ca tài tử đã được các tỉnh, thành phố có nghệ thuật Đờn ca tài tử quan tâm với nhiều hình thức. Khi được công nhận là di sản văn hóa thế giới, những nỗ lực bảo vệ di sản như đã qua chưa đủ; cần phải có thêm nhiều biện pháp bảo vệ rộng hơn, sâu hơn để Đờn ca tài tử xứng tầm được tôn vinh, đồng thời có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc lưu truyền cho hậu thế…
4.1.Những nỗ lực bảo vệ di sản
Để giới thiệu và tôn vinh Đờn ca tài tử, nhiều chương trình biểu diễn, sáng tạo đã được cộng đồng nhiệt tình hưởng ứng như: Liên hoan Đờn ca tài
tử do các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng liên kết tổ chức suốt 10 năm qua;
nhạc hội Đờn ca tài tử, tôn vinh nghệ nhân ở CLB, nhóm, gia đình tổ chức tại TP. HCM; các cuộc giao lưu trình diễn do nhà văn hóa các địa phương hỗ trợ kinh phí.
Các nghệ nhân nổi tiếng đã tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ tại các lớp tập huấn ở một số tỉnh; nhiều nghệ nhân còn truyền dạy trực tiếp hoặc trên Internet dành cho học trò trong và ngoài nước như trường hợp nhạc sư Vĩnh Bảo. Năm 2005 - 2009, quỹ Sida Thụy Điển tài trợ cho sưu tầm, nghiên cứu, tư liệu hóa và truyền dạy Đờn ca tài tử tại các tỉnh Sóc Trăng, Tây Ninh, An Giang, Cà Mau… Tháng 12/2012, 108 tác giả ở nhiều địa phương trong cả nước đã tham gia cuộc thi viết lời mới cho 20 bản tổ nhạc tài tử, vọng cổ do TP. HCM tổ chức…
Từ năm 1997 đến nay, Nhà nước đã cấp kinh phí cho các địa phương sưu tầm, tư liệu hóa, kiểm kê Đờn ca tài tử và hỗ trợ các CLB, nhóm, gia đình tổ chức truyền dạy. Tuy nhiên, kinh phí chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Các cán bộ quản lý văn hóa địa phương còn hạn chế năng lực quản lý, nhận diện di sản và khả năng phối hợp cùng cộng đồng. Từ năm 2010 - 2012, Cục Di sản văn hóa, Viện Âm nhạc đã tổ chức tập huấn hàng năm về kiểm kê cho 21 tỉnh, thành phố có di sản; tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo quốc tế nhằm xác định rõ những giá trị của Đờn ca tài tử…
4.2.Đề xuất các biện pháp bảo vệ
Ngành Văn hóa từ Trung ương và các địa phương sẽ tiếp tục thực hiện việc sưu tầm, nghiên cứu, nhận diện, tư liệu hóa, kiểm kê Đờn ca tài tử và tập huấn để nâng cao nhận thức cộng đồng và phục vụ các mục đích quảng bá và giáo dục di sản; tổ chức các hội thảo quốc gia và quốc tế để trao đổi kinh nghiệm trong bảo vệ và phát huy Đờn ca tài tử. Khuyến khích cộng đồng ở miền Nam và cả toàn quốc tham gia thực hành Đờn ca tài tử và sáng tạo bài bản mới trên cơ sở 20 bản tổ.
Tiếp tục duy trì cả hai hình thức truyền dạy: truyền dạy theo hình thức truyền thống tại cộng đồng và nghiên cứu đưa Đờn ca tài tử vào nhà trường theo các chương trình giáo dục chính thức và ngoại khóa. Biên soạn, hoàn chỉnh bộ giáo án Đờn ca tài tử đủ điều kiện để giảng dạy ở các cấp trường học với sự hỗ trợ của các nghệ nhân. Đặc biệt là xây dựng chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân, người thực hành, truyền dạy, học viên theo học Đờn ca tài tử. Xây dựng quỹ bảo vệ Đờn ca tài tử với sự đóng góp của các doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng để hỗ trợ việc giáo dục và quảng bá di sản. Tiếp tục hỗ trợ kinh phí để duy trì hoạt động của các CLB, nhóm, gia đình. Các tỉnh, thành phố cùng toàn cộng đồng duy trì tổ chức các liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia định kỳ 3 - 5 năm/lần, trên cơ sở Liên hoan theo địa bàn tỉnh 2 năm/lần, huyện - xã 1 năm/lần. Thành lập Hội nghệ nhân, Hội người thực hành Đờn ca tài tử trên cơ sở các CLB, nhóm, gia đình ở cộng đồng; xây dựng chương trình hoạt động cho Hiệp hội để đóng vai trò tích cực trong việc truyền dạy cho thế hệ trẻ…
Thiết thực là việc hỗ trợ cộng đồng duy trì, phục hồi tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội liên quan đến Đờn ca tài tử; phục hồi các bài bản cổ, phát triển yếu tố mới phù hợp cuộc sống đương đại; đồng thời xuất bản, quảng bá, giới thiệu về Đờn ca tài tử cho công chúng trong và ngoài nước;
xây dựng cơ sở dữ liệu về Đờn ca tài tử tại Viện Âm nhạc Việt Nam theo hình thức mở, phục vụ việc nghiên cứu, khai thác thông tin để công chúng có thể dễ dàng tiếp cận.