CHƯƠNG VI THỜI TIẾT BIỂN ĐÔNG
6.3 Hệ quả của sự tương tác biển – khí quyển trên biển Đông
Kết quả quan trọng của tương tác động lực biển – khí quyển trong chế độ gió mùa dẫn tới sự biến đổi mạnh trong hoàn lưu biển. Thể hiện quan trọng nhất là ở sự chuyển hướng gần như đối lập nhau của các dòng chảy trong cả hai mùa gió cơ bản:
1) Về mùa đông: khi gió mùa Đông Bắc thịnh hành, dòng chảy trên mặt biển bị gió chi phối đã dẫn tới sự tăng cường của dòng chảy hướng Nam dọc theo bờ biển Việt nam, kể cả đối với vùng tiếp giáp với biển khơi ở Trung bộ cũng như vùng biển của Vịnh bắc bộ. Dòng chảy cực đại ở đây có thể đạt tới giá trị 1 đến 1,5 m/s. Tại các tầng nước biển sâu và phía ngoài trục chính này còn tồn tại các hoàn lưu xoáy với các quy mô, kích thước khác nhau nên có thể tạo nên các vùng nước đi lên và chìm xuống.
2) Về mùa hè: với gió mùa Tây Nam thịnh hành thổi theo hướng song song với đường bờ hoặc từ bờ ra biển. Trục của dòng chảy chính theo hướng Đông và Đông Bắc. Tại các tầng nước biển sâu và các vùng nằm phía ngoài trục chính này, hoàn lưu cũng bao gồm nhiều xoáy với các quy mô, kích thước khác nhau, trong đó có các xoáy thuận gây nên dòng nước đi lên và các xoáy nghịch lại làm cho nước chìm xuống.
Hình (6-7a, b) là sơ đồ dòng chảy mặt và gió trên biển Đông và các vùng kề cận vào mùa đông, mùa hè (theo Wyrtki).
Như vậy, xét về toàn bộ khôi nước biển thì sự vận chuyển nước biển mang tính khu vực cao và ít thấy sự ảnh hưởng một cách áp đảo của một nhánh hoàn lưu nào từ bên ngoài xâm nhập vào.
Tuy nhiên các bản đồ này và các bản đồ dòng chảy mặt trên biển Đông hiện có chưa bảo đảm độ chi tiết cần thiết để đánh giá sự biến động của hiện tượng động lực phức tạp này.
6.3.2 Chế độ nhiệt muối
Chế độ nhiệt muối biển Đông là hệ quả trực tiếp của sự tương tác biển – khí quyển khu vực.
Tác động của gió mùa lên chế độ nhiệt muối thể hiện thông qua các thông lượng nhiệt trao đổi giữa biển và khí quyển, dẫn đến sự hình thành cấu trúc nhiệt muối cho từng khu vực hay toàn bộ biển Đông.
1) Về mùa đông
Về mùa đông, dưới tác động của gió mùa cực đới với các dòng không khí bắt nguồn từ cao áp lục địa lạnh và khô (cap áp Xibêri), dẫn tới quá trình mất nhiệt đáng kể do phương thức trao đổi nhiệt rối, loạn lưu và ẩn nhiệt bốc hơi.
Tác động này đặc biệt mạnh tại vùng biển ven bờ phần Tây Bắc biển Đông bao gồm: vịnh Bắc bộ và phần biển gần lục địa Trung Quốc. Tại các khu vực này hình thành các khối nước có nhiệt độ rất thấp, thấp hơn nhiều so với các vùng biển kế cận; nhiệt độ nước biển ở các tầng mặt có khi xuống tới 14 – 15oC (hình 6-8a). Các khối nước này cùng với một phần nước lạnh từ biển Đông Trung Hoa có thể được dòng chảy hướng Nam mang đến tận vĩ tuyến 5-6oN.
Nếu so sánh dòng ẩn nhiệt do bốc hơi tại các khu vực, vùng biển có các khối nước biển có nhiệt độ thấp được hình thành do quá trình tương tác biển – khí quyển với các vùng biển khác ta thấy có sự chênh lệch đáng kể. Ví dụ: trong khi thông lượng ẩn nhiệt bốc hơi ở ven bờ phía Bắc biển Đông (nơi có các khối nước lạnh nói trên) là 200 wt/m2, thì ở ven bờ phía Nam biển Đông là 100 wt/m2.
Cùng với sự mất nhiệt, tác động của gió mùa Đông Bắc với tốc độ mạnh trên biển đã làm cho quá trình xáo trộn và đối lưu được tăng cường, dẫn đến sự hình thành một lớp nước với độ sâu khá lớn (đến khoảng 100 m ở vùng nước sâu hoặc đến tận đáy ở vùng nước nông) có nhiệt độ thấp đồng nhất trên mặt biển.
Do vậy, vào mùa đông cả khu vực Tây Bắc và gần như một nửa phần khu vực Bắc biển Đông có nhiệt độ thấp. Điều này thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng của sự tương tác biển – khí quyển.
Sự phân bố của chế độ muối cũng có nhưng tính chất tương tự (hình 6-9a).
2) Về mùa hè
Về mùa hè, dải phân kỳ và hoạt động của nước trồi đã hình thành nên một vùng biển có nhiệt độ tương đối thấp từ bờ biển Trung bộ ra ngoài khơi và dường như chế độ nhiệt biển Đông được tách ra thành hai phần đồng nhất về nhiệt (hình 6-8b)
Sự phân bố của chế độ muối cũng có nhưng tính chất tương tự như sự phân bố về chế độ nhiệt (hình 6-9b).
CÂU HỎI CUỐI CHƯƠNG VI
1) Thời tiết, hình thế thời tiết và những nột dung cơ bản về công tác dự báo thời tiết bằng phương pháp synốp ?
2) Nêu đặc điểm cơ bản của trường khí áp liên quan đến thời kỳ gió mùa mùa đông, liên hệ đến điều kiện thời tiết vùng ven bờ biển Việt Nam ?
3) Nêu đặc điểm cơ bản của trường khí áp liên quan đến thời kỳ gió mưa mùa hè, liên hệ đến điều kiện thời tiết vùng ven bờ biển Việt Nam ?
4) Các loại hình thế thời tiết cơ bản và các tổ hợp của chúng trên biển Đông?
5) Các hệ quả của sự tương tác biển – khí quyển trên biển Đông ?