Các mô hình dạy học tích cực – Active Learning (Dạy học tích cực) là một thuật ngữ rút gọn, được dùng ở nhiều nước để chỉ những phương pháp giáo dục, dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Dạy học tích cực hướng tới việc hoạt động hóa, tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học, nghĩa là tập trung vào phát huy tính tích cực của người học chứ không phải là tập trung vào phát huy tính tích cực của người dạy, tuy nhiên để dạy học theo phương pháp tích cực thì giáo viên phải nỗ lực nhiều so với dạy theo phương pháp thụ động.
1.1.5. Định hướng đổi mới phương pháp dạy học:
Định hướng đổi mới phương pháp dạy và học đã được xác định trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII (1 - 1993), Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII (12 - 1996), được thể chế hóa trong Luật Giáo dục (12 - 1998), được cụ thể hóa trong các chỉ thị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là chỉ thị số 15 (4 - 1999).
Luật Giáo dục, điều 24.2, đã ghi: "Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh; phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học; bồi dưỡng phương pháp tự học, rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh". [3]
Có thể nói cốt lõi của đổi mới dạy và học là hướng tới hoạt động học tập chủ động, chống lại thói quen học tập thụ động. Đổi mới phương pháp dạy học thực chất là một quá trình nâng cao hiệu quả của việc dạy học, làm cho việc dạy học gắn bó, phục vụ tốt hơn, ngày càng nâng cao việc hình thành và phát triển các phẩm chất nhân cách của người học.
Cụ thể việc định hướng đổi mới phương pháp dạy học nói chung và phương pháp dạy học vật lý nói riêng như sau:
• Hoàn thiện chất lượng các phương pháp dạy học hiện có, nghiên cứu áp dụng sáng tạo một số chiến lược dạy học hiện đại
Đổi mới phương pháp không đồng nghĩa với việc xóa bỏ hoàn toàn các phương pháp dạy học truyền thống nhưng yêu cầu phải sử dụng các phương pháp dạy học đó theo tinh thần đổi mới. Nghĩa là vận dụng sáng tạo và kết hợp một số quan niệm dạy học tích cực vào hoàn cảnh giáo dục cụ thể của nước ta.
• Dạy học bằng hoạt động và thông qua hoạt động
“Mỗi người tự sinh thành ra mình, tạo dựng và phát triển ý thức và nhân cách bằng hoạt động và thông qua hoạt động” (Lý thuyết Vưgotxki). Việc học của học sinh có bản chất là hoạt động. Bằng hoạt động và thông qua hoạt động của bản thân mà người học chiếm lĩnh tri thức, hình thành phát triển năng lực trí tuệ cũng như quan điểm, đạo đức, thái độ. Theo định hướng này, học sinh sẽ không thụ động chờ rót kiến thức vào đầu, mà sẽ chủ động tìm hiểu nội dung, quan sát hiện tượng, tranh luận… để rút ra kiến thức, sự hiểu biết cho bản thân. Do đó, nhiệm vụ giáo viên là phải tổ chức, hướng dẫn và kiểm tra kết quả hoạt động của học sinh, giúp học sinh lĩnh hội không những kiến thức mà còn phát triển những phẩm chất, tâm lý, hình thành nhân cách.
• Bồi dưỡng khả năng tự học cho học sinh
Trong xã hội hiện đại đang biến đổi nhanh - với sự bùng nổ thông tin, khoa học, kĩ thuật, công nghệ phát triển như vũ bão - thì không thể nhồi nhét vào đầu óc học sinh khối lượng kiến thức ngày càng nhiều. Phải quan tâm dạy cho học sinh phương pháp học ngay từ bậc tiểu học và càng lên bậc học cao hơn càng phải được chú trọng.
Trong các phương pháp học thì cốt lõi là phương pháp tự học. Nếu rèn luyện cho người học có được phương pháp, kĩ năng, thói quen, ý chí tự học thì sẽ tạo cho họ lòng ham học, khơi dậy nội lực vốn có trong mỗi con người, kết quả học tập sẽ được nhân lên gấp bội.
Vì vậy, ngày nay người ta nhấn mạnh mặt hoạt động học trong quá trình dạy học, nỗ lực tạo ra sự chuyển biến từ học tập thụ động sang tự học chủ động, đặt vấn đề, phát triển tự học ngay trong trường phổ thông, không chỉ tự học ở nhà sau bài lên lớp mà tự học cả trong tiết học có sự hướng dẫn của giáo viên.
• Nghiên cứu đổi mới quá trình thực hành, thí nghiệm
Vật lí học là môn khoa học thực nghiệm. Do đó, thực hành vật lí là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp học sinh thu thập thông tin từ thực tế, xây dựng những hình tượng cụ thể về sự vật, hiện tượng mà các lời lẽ, văn tự dài dòng không thể diễn tả hết được.
Thực hành giúp học sinh phát triển các kĩ năng quan sát, lắp ráp, suy đoán, làm việc nhóm ... Vì vậy, trong giờ thực hành giáo viên không nên hướng dẫn học sinh theo cách
“chỉ đâu làm nấy” mà nên giúp học sinh xác định mục tiêu thí nghiệm, xây dựng phương án thí nghiệm.
• Nghiên cứu sử dụng các phương tiện dạy học và tài kiệu hỗ trợ khác
Cùng với phấn bảng – những phương tiện chủ yếu được sử dụng trong dạy và học – chúng ta nghiên cứu và đưa vào sử dụng một số phương tiện dạy học hiện đại như: máy vi tính, máy chiếu, các phần mềm dạy học, internet… giúp làm tăng giá trị lượng thông tin, trao đổi thông tin nhanh hơn, nhiều hơn và hiệu quả hơn. Tuy nhiên giáo viên cần nghiên cứu sử dụng các phương tiện này một cách hiệu quả, sáng tạo, tránh lạm dụng, thay thế hoàn toàn thực tế bằng những mô phỏng ảo sẽ gây cho học sinh sự hiểu lầm và xa rời thực tế.
• Nghiên cứu cách soạn giáo án
Đổi mới phương pháp dạy học, giáo viên cần đổi mới cách thức tổ chức các hoạt đông học tập của học sinh, giáo án cũng soạn theo hướng này
Soạn giáo án cần soạn rõ các hoạt động. Mỗi hoạt động cần nêu rõ nội dung thật cụ thể, hoạt động của giáo viên, hoạt động và hình thức hoạt động của học sinh (theo cá nhân, nhóm hoặc cả lớp).
Cần chuẩn bị trước hệ thống câu hỏi định hướng để hướng dẫn học sinh thông qua các hoạt động.
Chuẩn bị các trang thiết bị và đồ dùng dạy học cần thiết.
• Nghiên cứu và đổi mới cách kiểm tra, đánh giá
Dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tạo niềm tin, năng lực tự học cho học sinh thì đánh giá cũng phải đổi mới theo hướng đánh giá sự phát triển mọi mặt năng lực của học sinh.
Cần chuyển từ đánh đánh giá sau quá trình dạy học sang quan tâm hơn đến đánh giá trong quá trình dạy học. Như vậy, giáo viên cần nghiên cứu các hình thức đánh giá, các tiêu chí, phương thức và phương tiện đánh giá. Đồng thời giáo viên cần hướng dẫn học sinh phát triển kĩ năng tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau để tự điều chỉnh cách học.
1.1.6. Phương pháp dạy học tích cực 1.1.6.1. Tính tích cực học tập
Tính tích cực là một phẩm chất vốn có của con người, bởi vì để tồn tại và phát triển con người luôn phải chủ động, tích cực cải biến môi trường tự nhiên, cải tạo xã hội. Vì vậy, hình thành và phát triển tính tích cực xã hội là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của giáo dục.
Tính tích cực học tập - về thực chất là tính tích cực nhận thức, đặc trưng ở khát vọng hiểu biết, cố gắng trí lực và có nghị lực cao trong quá trình chiếm lĩnh tri thức. Tính tích cực nhận thức trong hoạt động học tập liên quan trước hết với động cơ học tập. Động cơ đúng tạo ra hứng thú. Hứng thú là tiền đề của tự giác. Hứng thú và tự giác là hai yếu tố tạo nên tính tích cực. Tính tích cực sản sinh nếp tư duy độc lập. Suy nghĩ độc lập là mầm mống của sáng tạo. Ngược lại, phong cách học tập tích cực độc lập sáng tạo sẽ phát triển tự giác, hứng thú, bồi dưỡng động cơ học tập. Tính tích cực học tập biểu hiện ở những dấu hiệu như: hăng hái trả lời các câu hỏi của giáo viên, bổ sung các câu trả lời của bạn, thích phát biểu ý kiến của mình trước vấn đề nêu ra; hay nêu thắc mắc, đòi hỏi giải thích cặn kẽ những vấn đề chưa đủ rõ; chủ động vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để nhận thức vấn đề mới; tập trung chú ý vào vấn đề đang học; kiên trì hoàn thành các bài tập, không nản trước những tình huống khó khăn…
Tính tích cực học tập thể hiện qua các cấp độ từ thấp lên cao như:
- Bắt chước: gắng sức làm theo mẫu hành động của thầy, của bạn…
- Tìm tòi: độc lập giải quyết vấn đề nêu ra, tìm kiếm cách giải quyết khác nhau về một số vấn đề…
- Sáng tạo: tìm ra cách giải quyết mới, độc đáo, hữu hiệu.
1.1.6.2. Phương pháp dạy học tích cực
Phương pháp dạy học tích cực – Active Learning (PPDH tích cực) là một thuật ngữ rút gọn, được dùng ở nhiều nước để chỉ những phương pháp giáo dục, dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học.
"Tích cực" trong PPDH - tích cực được dùng với nghĩa là hoạt động, chủ động, trái nghĩa với không hoạt động, thụ động chứ không dùng theo nghĩa trái với tiêu cực.
PPDH tích cực hướng tới việc hoạt động hóa, tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học, nghĩa là tập trung vào phát huy tính tích cực của người học chứ không phải là tập trung vào phát huy tính tích cực của người dạy, tuy nhiên để dạy học theo phương pháp tích cực thì giáo viên phải nỗ lực nhiều so với dạy theo phương pháp thụ động.
• Học tập tích cực chỉ xuất hiện khi học sinh có cơ hội để tương tác với môn học. Nó là bất cứ những gì học sinh làm được khi tham gia lớp học, mà không phải là ngồi lắng nghe bài giảng một cách thụ động.
• Học sinh hoạt động để tìm kiếm kiến thức hơn là tiếp nhận kiến thức, nó cũng có thể là quá trình trao đổi kiến thức.
• Giáo viên tạo điều kiện, hướng dẫn quá trình học tập của học sinh hơn là ra mệnh lệnh.
Muốn đổi mới cách học phải đổi mới cách dạy. Cách dạy chỉ đạo cách học, nhưng ngược lại thói quen học tập của trò cũng ảnh hưởng tới cách dạy của thầy. Chẳng hạn, có trường hợp học sinh đòi hỏi cách dạy tích cực hoạt động nhưng giáo viên chưa đáp ứng được, hoặc có trường hợp giáo viên hăng hái áp dụng PPDH tích cực nhưng không thành công vì học sinh chưa thích ứng, vẫn quen với lối học tập thụ động. Vì vậy, giáo viên phải kiên trì dùng cách dạy hoạt động để dần dần xây dựng cho học sinh phương pháp học tập chủ động một cách vừa sức, từ thấp lên cao. Trong đổi mới phương pháp dạy học phải có sự hợp tác cả của thầy và trò, sự phối hợp nhịp nhàng hoạt động dạy với hoạt động học thì mới thành công.
1.1.6.3. Mối quan hệ giữa dạy và học tích cực với dạy học lấy học sinh làm trung tâm
Từ thập kỉ cuối cùng của thế kỷ XX, các tài liệu giáo dục ở nước ngoài và trong nước, một số văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo thường nói tới việc cần thiết phải chuyển dạy học lấy giáo viên làm trung tâm sang (Teacher-centered Learning) dạy học lấy học sinh làm trung tâm (Learner-centered Learning, Student-centered Learning)
Dạy học lấy học sinh làm trung tâm còn có một số thuật ngữ tương đương như: dạy học tập trung vào người học, dạy học căn cứ vào người học, dạy học hướng vào người học… Các thuật ngữ này có chung một nội hàm là nhấn mạnh hoạt động học và vai trò của học sinh trong quá trình dạy học, khác với cách tiếp cận truyền thống lâu nay là nhấn mạnh hoạt động dạy và vai trò của giáo viên.
Lịch sử phát triển giáo dục cho thấy, trong nhà trường một thầy dạy cho một lớp đông học trò, cùng lứa tuổi và trình độ tương đối đồng đều thì giáo viên khó có điều kiện chăm lo cho từng học sinh nên đã hình thành kiểu dạy "thông báo - đồng loạt". Giáo viên quan tâm
trước hết đến việc hoàn thành trách nhiệm của mình là truyền đạt cho hết nội dung quy định trong chương trình và sách giáo khoa, cố gắng làm cho mọi học sinh hiểu và nhớ những điều giáo viên giảng. Cách dạy này đẻ ra cách học tập thụ động, thiên về ghi nhớ, ít chịu suy nghĩ, cho nên đã hạn chế chất lượng, hiệu quả dạy và học, không đáp ứng yêu cầu phát triển năng động của xã hội hiện đại. Để khắc phục tình trạng này, các nhà sư phạm kêu gọi phải phát huy tính tích cực chủ động của học sinh, thực hiện "dạy học phân hóa", quan tâm đến nhu cầu, khả năng của mỗi cá nhân học sinh trong tập thể lớp. Phương pháp dạy học tích cực, và quan điểm dạy học lấy học sinh làm trung tâm ra đời từ bối cảnh đó.
Trên thực tế, trong quá trình dạy học người học vừa là đối tượng của hoạt động dạy, lại vừa là chủ thể của hoạt động học. Quá trình dạy học là quá trình tương tác giữa hoạt động dạy của giáo viên và hoạt động học của học sinh.Dưới sự chỉ đạo của thầy, người học phải tích cực chủ động cải biến chính mình về kiến thức, kĩ năng, thái độ, hoàn thiện nhân cách, không ai làm thay cho mình được. Vì vậy, nếu người học không tự giác chủ động, không chịu học, không có phương pháp học tốt thì hiệu quả của việc dạy sẽ rất hạn chế.
Quá trình dạy học bao gồm hoạt động dạy (hoạt động tổ chức, điều khiển của giáo viên) và hoạt động học (hoạt động tự tổ chức, tự điều khiển của học sinh). Trong đó, giáo viên phải có cách thức dạy và học sinh phải có cách thức học. Các cách thức dạy và học hợp thành các phương pháp dạy học nhằm giúp giáo viên và học sinh hoàn thành các nhiệm vụ, mục đích dạy học đề ra. Do vậy, đổi mới phương pháp dạy học phải đổi mới cả phương pháp dạy của giáo viên và tương ứng với nó là phương pháp học của học sinh.
1.1.6.4. Cơ sở sinh học của mô hình dạy học tích cực lấy người học làm trung tâm [4]
• Học thuyết I. P. Pavlop
Pavlop đã làm thí nghiệm cho chó ăn sau khi bật sáng đèn hoặc bấm chuông reo, lặp đi lặp lại nhiều lần, tạo thành phản xạ có điều kiện, tiếng chuông hay ánh đèn bật sáng là kích thích có điều kiện.Theo Pavlop, dạy là thành lập những phản xạ có điều kiện, hình thành kinh nghiệm hành động. Học là hình thành những phản xạ trả lời mới chưa có trong vốn phản xạ không điều kiện được di truyền.
Cơ chế để hình thành một phản xạ có điều kiện là phối hợp một kích thích có điều kiện với một kích thích không điều kiện để tạo một trả lời không điều kiện.
Theo cách đó, quy trình dạy – học gồm có các khâu chủ yếu sau đây:
- Xác định yêu cầu cần dạy, tức là định rõ phản xạ có điều kiện sẽ hình thành; chọn tác nhân kích thích (tiếng chuông reo hay ánh đèn bật sáng); tiếp theo đó là biến tác nhân kích thích trung tính thành tác nhân kích thích có điều kiện.
- Tăng hiệu quả dạy - học: bằng cách kết hợp tác nhân kích thích trung tính với tác nhân kích thích không điều kiện một số lần tối thiểu để củng cố phản xạ trả lời, hoặc bằng cách tăng cường độ kích thích không điều kiện để thúc đẩy động cơ học.
Theo học thuyết Pavlop, sau này được gọi là học thuyết về phản xạ có điều kiện thụ động, bài học do người dạy đưa ra, áp đặt cho đối tượng học, mục đích và nội dung đều do người dạy định đoạt. Đó là dạy học thụ động lấy việc dạy (người thầy) làm trung tâm. Con chó trong sơ đồ dạy chó của Pavlop là hình ảnh người học thụ động tiếp thu những gì thầy truyền đạt.
• Học thuyết B. F. Skinner
Theo Skinner, cha đẻ của điều khiển học, học là tự điều hòa hành vi để dẫn đến một hành vi mong muốn bằng cách thử - sai.
Thí nghiệm nổi tiếng của Skinner là thí nghiệm dạy chim bồ câu: bồ câu bị nhốt trong lòng đan thưa, tuy cũng là cách li, nhưng chỉ tương đối, vì vẫn tiếp xúc với môi trường sống quen thuộc, tự mình tìm lấy thức ăn trong số các hạt có hình thù giống nhau (nhưng có màu sắc khác nhau) được rải ra trong chuồng. Bồ câu mổ đi mổ lại nhiều lần cho đến khi tự phát hiện ra hạt vàng ăn được. Bồ câu được chủ động thử, thấy sai thì làm lại, nếm rồi nhả hoặc ăn, cho đến khi tìm được hạt ăn được.
Một thí nghiệm điển hình nữa là dạy chuột đạp cần câu cơm: chuột được nhốt trong một hộp mà ở đáy có một chỗ khập khiễng khi bị ấn thì mở nắp đậy thức ăn. Chuột lang thang trong chuồng (động tác ngẫu nhiên và tự phát) tình cờ dẫm lên chỗ khập khiễng và thưởng ăn. Thế là nó đã vỡ lẽ, đã hiểu được bài học thực tiễn tự mình đạp cần câu cơm. Thế là từ đó nó mải miết đạp lên cần, có giờ đạp đi đạp lại đến 80 lần.
Từ thí nghiệm của, Skinner rút ra ba quan niệm lý thuyết:
- Chỉ học cái đang làm, làm là để học. Hiểu biết tức là hành động có hiệu quả.
- Học bằng kinh nghiệm: trẻ phải được tiếp xúc với môi trường mà nó đang sống. Giáo viên phải cung cấp cho học sinh những cơ hội tích lũy kinh nghiệm bản thân.