Vị trí của “Người Dublin” trong sự nghiệp sáng tác của James Joyce

Một phần của tài liệu hiện tượng epiphany trong tập truyện ngắn “người dublin” của james joyce (Trang 43 - 48)

1.2. Về tập truyện ngắn “Người Dublin”

1.2.3 Vị trí của “Người Dublin” trong sự nghiệp sáng tác của James Joyce

James Joyce sáng tác không nhiều: 3 tập thơ “Nhạc phòng” (Chamber Music, 1907), “Những bài thơ một xu”(Poems Pennyeach, 1927), “Colleted Poems”

(Colleted Poems, 1936); 3 tiểu thuyết “Chân dung một nghệ sĩ trẻ” (A Portrait of the Artist as a Young Man,1916), “Ulysses” (Ulysses ,1922), “Sự thức tỉnh của người Finnegan” (Fennagan Wake, 1939); 1 vở kịch “Sự lưu đày” (Exiles,1918) và tập truyện ngắn duy nhất “Người Dublin” ( Dubliners, 1914). Joyce bắt đầu sáng tác truyện ngắn từ lời đề nghị của George Russell yêu cầu ông viết một câu chuyện đơn giản mà lôi cuốn để in trên tờ báo Ailen Homestead để có một món nhuận bút giữa lúc gia cảnh đang túng quẫn. George Russell là nhân vật có ảnh hưởng đến con đường sáng tạo của James Joyce, ông vừa là một nhà nghệ sĩ đa tài, một nhà nghiên cứu phê bình, là chính trị gia và sau hết là một biên tập viên. Chính George Russell đã khuyến khích James Joyce sáng tác và giới thiệu ông với các nhà văn Ai-len đương thời. George Russell cũng được hóa thân thành một nhân vật trong “Ulysses”

sau này. Lời mời của George Russell là động lực để tháng 8 năm 1904 Joyce cho ra đời truyện ngắn đầu tiên “Chị em gái” (The Sisters) dưới bút danh Stephen Deadalus.

Truyện ngắn này đã khơi nguồn cảm hứng, chuẩn bị quan điểm, chủ đề và giọng điệu cho các câu chuyện tiếp theo. Ông tâm sự với bạn bè rằng việc mà mình đang cố gắng làm có sự tương đồng với với những bí ẩn của thánh lễ. Viết những truyện ngắn để mang đến cho mọi người những niềm vui trí tuệ hay tinh thần, bằng ngòi bút của mình “chuyển bánh mì của cuộc sống vào trong nghệ thuật” [78] nhằm nâng cao đời sống tinh thần và đạo đức. Theo James Joyce, người nghệ sĩ phải biết phát hiện ra những biểu hiện tinh thần bất ngờ trong những lời nói hàng ngày, trong những cử chỉ hoặc trong một ý tưởng nào đó chợt lóe lên trong tâm trí của chính họ.

Dù sự tiếp nhận của công chúng dành cho “Chị em gái” khá lạnh nhạt nhưng sau đó một tháng, khoảng tháng 9 năm 1904, truyện ngắn thứ hai “Eveline” đã ra đời.

Tháng 10 năm đó là một bước ngoặc trong cuộc đời James Joyce khi ông cùng người yêu là Nora rời Dublin sang sống và dạy học ở Pola, một thành phố cách Trieste 150 dặm trên bờ biển Adriatie thuộc miền đông bắc Ý. Từ tháng 12 năm 1904 đến tháng 1 năm 1905, Joyce viết 2 truyện ngắn “Sau cuộc đua” và “Đất sét”. Cùng lúc đó, ông dành nhiều thời gian hơn để viết tiểu thuyết tự truyện “Chân dung một nghệ sĩ trẻ”.

Năm 1905 là năm ông hoàn thành nhiều truyện ngắn quan trọng: Một trường hợp đau

lòng, Nhà nội trú, Bản sao, Ngày Thường Xuân trong Phòng Hội Đồng, Một cuộc chạm trán, Một người mẹ, Araby Ân sủng.Sau đó, ông hoàn thành các câu chuyện còn lại: Một đám mây nhỏ, Hai chàng Galangvà tiến hành sắp xếp thứ tự các các câu chuyện theo dụng ý tạo lập một chuỗi epiphany phản ánh từng chặng trong cuộc đời một con người.

Năm 1906, Joyce và gia đình nhỏ của mình sống chật vật ở Roma và trong hoàn cảnh đó ông đã viết lại “Một trường hợp đau lòng” cùng lúc với việc bắt tay viết

“Ulysses”. Cũng trong năm đó ông có hợp đồng xuất bản tập thơ “Nhạc phòng” và mặc dù thơ của ông được nhiều người đánh giá là “những vần thơ đẹp và đầy kĩ năng” nhưng ông lại cho rằng “Một trang của “Một đám mây nhỏ” mang lại cho tôi niềm vui nhiều hơn tất cả những câu thơ của tôi”[78]. Mùa đông năm 1906-1907 khơi nguồn cảm hứng cho Joyce viết “Người chết” sau những ngày tồi tệ sống ở Roma. “Người chết” là truyện ngắn cuối cùng, được ông viết và gửi bổ sung cho nhà xuất bản nhưng câu chuyện ấy lại làm tăng giá trị cho toàn tập truyện. Nó được đánh giá là một trong những áng văn xuôi hay nhất của thế kỉ XX.

Người Dublin” là một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của James Joyce dù nó có vẻ khiêm nhường trước sự vĩ đại của “Ulysses”“Sự thức tỉnh của người Finnegans”nhưng nó đã khơi nguồn cảm hứng đầu tiên cho những tiểu thuyết đồ sộ ấy. Năm 1906, lúc sắp hoàn thành “Người Dublin”, Joyce đã nảy ra ý tưởng gọi những cư dân Dublin của mình bằng cái tên Ulysses, những anh hùng lang thang vô định, quẩn quanh trong cái thành phố như một mê cung không lối thoát mà lòng thì bề bộn những khát vọng, trăn trở và bế tắc.

“Người Dublin” bao chứa những chủ đề, những thể nghiệm nghệ thuật mang tính cách mạng làm nên phong cách James Joyce. Từ những đề tài về hiện thực đen tối của Dublin, hiện thực tâm hồn con người Dublin đến cả những góc khuất tâm hồn người nghệ sĩ James Joyce đều được khơi nguồn ở tập truyện này và còn trở lại trong các tác phẩm khác. Luận văn thạc sĩ của Lê Minh Kha từng khẳng định rằng “để hiểu về Joyce cũng như các tác phẩm sau này của ông, không thể không bắt đầu từ tập truyện này” [26,2]. Quả vậy, các tác phẩm của James Joyce thường có liên quan mật

thiết với nhau, đặc biệt rất dễ nhận thấy là 15 truyện ngắn của “Người Dublin” có sự liên văn bản với các tác phẩm khác. Vở kịch duy nhất của James Joyce, “Sự lưu đày”, dựa trên nền câu chuyện “Cõi chết” được phát triển lên, xoay quanh mối quan hệ tình cảm vợ chồng, bạn bè và những trăn trở về tình yêu, lòng chung thủy… Mỗi câu chuyện trong “Người Dublin” là một lát cắt, một mảnh vỡ (chữ dùng của nhà nghiên cứu Đào Ngọc Chương) của một cuộc đời mà nếu lắp ghép lại theo tuyến tính nó sẽ thành một biến thể của tự truyện “Chân dung một nghệ sĩ trẻ”, một phần của tiểu thuyết “Ullysses” và “Sự thức tỉnh của người Finnegans”.

Theo chúng tôi sở dĩ tất cả các tác phẩm văn xuôi của James Joyce đều có sự liên hệ với nhau là vì trong mỗi tác phẩm đều ẩn khuất cái tôi nhà văn; đều có bối cảnh và nhân vật là thành phố và cư dân Dublin và đều thể hiện những đề tài về hiện thực cuộc sống và bí ẩn tâm hồn con người thành phố này trong những vấn đề dân tộc, tôn giáo và nghệ thuật.

Người Dublin” là một chuỗi những áng văn xuôi ra đời trong thời kì đầu của một sự nghiệp sáng tác mà James Joyce theo đuổi suốt cả cuộc đời. Tập truyện phản ánh những góc khuất nội tâm của người nghệ sĩ James Joyce trong những trăn trở về hiện thực cuộc sống nơi thành phố quê hương với những gam màu tối sáng đặc trưng của nó. Những thể nghiệm nghệ thuật mới mẻ và độc đáo, những hệ đề tài hiện thực và phong phú khiến tập truyện không chỉ giữ vị trí tiên phong trong thể loại truyện ngắn hiện đại mà còn có giá trị khơi nguồn cho mạch sáng tác đầy tâm huyết của người nghệ sĩ James Joyce. Khi viết “Người Dublin” James Joyce chủ trương sáng tạo một chuỗi epiphany để thức tỉnh tinh thần dân tộc mình. Vậy, hiện tượng epiphany sẽ được Joyce vận dụng như thế nào trong tập truyện ngắn duy nhất này để đạt được mục đích nghệ thuật mà chính ông đã đề ra.

Tiểukết chương 1

Trong chương I, chúng tôi đi tìm hiểu hai vấn đề mang tính nền tảng cho luận

văn. Đó là cách hiểu hiện tượng epiphany và những vấn đề của tập truyện ngắn

“Người Dublin”.

Epiphany là một khái niệm có nguồn gốc từ trong Kitô giáo. Epiphany có nghĩa là sự biểu hiện đột ngột bản chất của một đối tượng. Nó cũng có nghĩa là sự đột ngột nhận ra bản chất của con người và thế giới. Nó vừa liên quan đến đối tượng vừa liên quan đến chủ thể nhận thức. Bản chất của nó có liên quan tới các tôn giáo khác và cả các ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Từ trong tôn giáo, epiphany trở thành một khuynh hướng sáng tác văn học rất được các nhà nghiên cứu quan tâm. Nhà thơ lãng mạng Anh thế kỉ XIX William Wordsworth được xem là người đầu tiên đưa hiện tượng epiphany vào văn học. Song, đến James Joyce, epiphany mới thực sự trở thành một tiêu chí sáng tác vừa biểu hiện nội dung tư tưởng vừa chi phối thủ pháp nghệ thuật của người nghệ sĩ.

James Joyce đưa epiphany vào tác phẩm đầu tay của mình, tập truyện ngắn

“Người Dublin” mà ông gọi là một chuỗi epiphany. Tập truyện thể hiện cái nhìn của nhà văn về hiện thực cuộc sống của đồng bào ông. Nó bộc lộ mong ước của một nhà văn tuy sống tha hương nhưng luôn hướng về quê hương, luôn khao khát làm một cái gì đó để các cư dân Dublin có cái nhìn sáng suốt hơn vào cuộc sống của chính họ, để sống có ý nghĩa hơn. “Người Dublin” cũng là tập truyện ngắn có vị trí quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn James Joyce. Nó là tác phẩm đầu tay, thể nghiệm những ý đồ và thủ pháp nghệ thuật mà ông sẽ tiếp tục phát triển trong suốt sự nghiệp của mình. Đồng thời tập truyện cũng có vai trò như một tác phẩm tiên phong cho những cách tân của truyện ngắn hiện đại thế giới.

Một phần của tài liệu hiện tượng epiphany trong tập truyện ngắn “người dublin” của james joyce (Trang 43 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)