Ma túy và hành vi nghiện ma túy

Một phần của tài liệu hành vi lệch chuẩn của vị thành niên tại các trường, trung tâm cai nghiện trực thuộc lực lượng thanh niên xung phong thành phố hồ chí minh (Trang 35 - 58)

Chương 1. LÝ LUẬN VỀ HÀNH VI LỆCH CHUẨN CỦA VỊ THÀNH NIÊN ĐANG CAI NGHIỆN MA TÚY

1.2. Cơ sở lý luận về hành vi lệch chuẩn của vị thành niên đang cai nghiện ma túy

1.2.2. Ma túy và hành vi nghiện ma túy

1.2.2.1. Ma túy, quá trình sử dụng ma túy và lệ thuộc ma túy 1.2.2.1.1. Ma túy

Tác giả Đặng Ngọc Hùng cho rằng “các chất ma túy là các chất độc có tính chất gây nghiện, có khả năng bị lạm dụng, sự nghiện ngập chính là biểu hiện trạng thái bị ngộ độc mãn tính do các chất ma túy gây nên cho người sử dụng ma túy”

[14, 19].

Theo từ điển bách khoa nguồn mở, ma túy là tên gọi chung chỉ những chất kích thích khi dùng một lần có thể gây nghiện có nguồn gốc tự nhiên hay nhân tạo.

Những chất này khi đưa vào cơ thể sống sẽ làm thay đổi trạng thái nhận thức và sinh lý [46].

Ma tuý là danh từ dùng chung để chỉ những chất tự nhiên hay tổng hợp gây tác động lên hệ thần kinh, đặc biệt là thần kinh trung ương, có đặc tính hấp thu nhanh, có hiệu quả sinh học cao tạo nên trạng thái hưng thần, cảm giác khoái lạc gây ra sự lệ thuộc về tâm lý, có thể có khả năng dung nạp làm cho người sử dụng

có khuynh hướng ngày càng dùng tăng liều dẫn đến sự lệ thuộc về mặt sinh lý. Khi ngưng sử dụng đột ngột có khả năng gây cảm giác thèm nhớ, cảm giác đau đớn và rối loạn một số hoạt động chức năng, tâm thần của người sử dụng hay còn gọi là hội chứng cai thuốc (Withdrawal syndrome).

Khái niệm chất tác động tâm thần danh mục gồm mười một chất: rượu, amphetamine và những chất có tác dụng tương đồng, caffeine, cannabis, cocaine, hallucinogen, inhalants, nicotine, opioids, phencyclidine và các thuốc sedatives, anxiolytics, hypnotics. Theo DSM - IV - TR thì không thể tách biệt được giữa chất hợp pháp và chất bất hợp pháp vì có những chất trong danh mục thuốc điều trị nhưng lưu hành bất hợp pháp và dùng không nhằm mục đích trị liệu [16].

Theo điều 2 của Luật sửa đổi và bổ sung một số điều luật phòng, chống ma túy, có hiệu lực từ ngày 1/6/2001, quy định:

“1. Chất ma tuý là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành.

2. Chất gây nghiện là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh, dễ gây tình trạng nghiện đối với người sử dụng.

3. Chất hướng thần là chất kích thích, ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện đối với người sử dụng.

4. Tiền chất là các hoá chất không thể thiếu được trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma tuý, được quy định trong danh mục do Chính phủ ban hành.

5. Thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần là các loại thuốc chữa bệnh được quy định trong các danh mục do Bộ Y tế ban hành

6. Cây có chứa chất ma tuý bao gồm cây thuốc phiện (cây anh túc), cây cô ca, cây cần sa hoặc cây khác có chứa chất ma tuý do Chính phủ quy định.

7. Phòng, chống ma tuý là phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tệ nạn ma tuý và kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý.

8. Tệ nạn ma tuý là tình trạng nghiện ma tuý, tội phạm về ma tuý và các hành vi trái phép khác về ma tuý.

Người nghiện ma tuý là người sử dụng chất ma tuý, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này” [33].

Vì vậy có thể quan niệm ma túy là chất có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp, khi đưa vào con người nó có tác dụng làm thay đổi trạng thái ý thức và sinh lý của người đó, nếu lạm dụng ma túy sẽ dẫn đến sự lệ thuộc về mặt sinh lý và tâm lý vào ma túy, khi đó gây tổn thương cho người sử dụng và công đồng.

1.2.2.1.2. Quá trình sử dụng ma túy và lệ thuộc ma túy

Những nghiên cứu ban đầu cho thấy những người cai nghiện ma túy tại Trung tâm cai nghiện khi vào cai nghiện lần đầu tiên thì họ đã có quá trình sử dụng ma túy từ 3 đến 5 năm. Việc lạm dụng chất có thời gian lâu như vậy đã làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của người nghiện ma túy.

Bảng 1. 2. Các giai đoạn phải trải qua của người sử dụng ma túy ++++ ++ - - - - - - Gặp vấn đề trục

trặc, tìm đến ma túy như một sự

giải thoát, tự chữa trị Do bạn bè rủ rê

sử dụng …

Tâm lý sảng khoái, êm dịu, hạnh phúc. Nội

lực tiềm tàng (“Cảm giác

tuần trăng mật”)

Bên cạnh tình trạng sảng khoái

bắt đầu xuất hiện tình trạng đói thuốc, đau

khổ …

Giai đoạn nô lệ ma túy. Ảnh hưởng xấu đến

sức khoẻ, gia đình, pháp luật,

xã hội.

Xuất hiện nhu

cầu cai nghiện thật sự.

Giai đoạn này có thể kéo dài từ 3  10 năm

Trước tiên, chúng ta cần đề cập đến thuật ngữ lạm dụng ma túy khi phân tích thuật ngữ lệ thuộc ma túy. Lạm dụng ma túy: là một kiểu sử dụng thuốc có chứa chất ma tuý mà người ta dựa vào thuốc đó lâu dài và quá mức, cho phép nó chiếm một phần quan trọng trong đời sống của họ. Một tình trạng tiến triển nhiều hơn của việc lạm dụng chất ma túy đó là lệ thuộc chất.

Có nhiều loại ma túy khác nhau bị lạm dụng hoặc gây lệ thuộc như các chất gây êm dịu, gây ngủ, chống lo âu, các thuốc á phiện và các chất kích thích tâm thần. Các chất ma túy bị lạm dụng có một tính chất chung: là chúng tạo ra sự hoạt hoá tâm thần vận động, làm cho người sử dụng cảm thấy có năng lượng và trong kiểm soát.

Người nghiện ma túy là người tiếp tục lạm dụng ma túy tạo nên sự lệ thuộc về thể chất, tinh thần vào ma túy. Họ cần sử dụng thuốc (giảm triệu chứng, cắt cơn nghiện) để cảm thấy bình thường. Sự lệ thuộc này thường đi kèm bởi việc dung nạp đối với thuốc đó, vì thế người sử dụng cần liều cao hơn để đạt được tác dụng mong muốn. Người đó cũng có thể trải nghiệm không thoải mái, đôi khi là hội chứng cai nghiện nguy hiểm nếu người đó dừng thuốc một cách bất ngờ. Các triệu chứng này có thể bao gồm đau cơ, co thắt cơ, lo âu, vã mồ hôi, buồn nôn và đối với một số thuốc thậm chí có thể gây co giật và chết. Các triệu chứng cai nghiện có thể bắt đầu từ vài giờ sau liều cuối cùng và có khuynh hướng gia tăng cường độ trong vài ngày trước khi giảm đi.

Ở góc độ này, lạm dụng ma túy đề cập tới việc sử dụng ma túy có chủ định, gây ra những hậu quả là lệ thuộc về mặt thể chất và tinh thần vào ma túy:

Lệ thuộc về mặt thể chất: lạm dụng ma túy dẫn đến lệ thuộc về mặt thể chất vào ma túy, quá trình này đã làm cho (sức khỏe) cơ thể suy giảm nhanh, người sử dụng ma tuý cần đến ma tuý để duy trì sự cân bằng của cơ thể, thể hiện bằng sự ham muốn không thể cưỡng lại được và phải đưa ma tuý vào cơ thể bằng bất cứ giá nào. Ngược lại, nếu ngưng sử dụng ma tuý sẽ dẫn đến hội chứng cai nghiện, đó là những cơn vật vã dữ dội, ngáp, chảy nước mắt, nước mũi, khó chịu, đau bụng, người nổi da gà... Cùng với các triệu chứng trên, người sử dụng ma tuý do tìm mọi cách để có ma tuý nên không tự chủ được bản thân, dễ dẫn đến các hành vi có hại cho chính họ, gia đình và cộng đồng. Sự lệ thuộc ma tuý về thể chất thường chỉ là sự khởi đầu của quá trình nghiện ma tuý.

Lệ thuộc ma túy có liên quan đến Endorphine (morphine nội sinh). Vào năm 1975, y học đã phát hiện chất endorphin có tác dụng tương tự như morphin đưa từ ngoài vào (ngoại sinh). Trong cơ thể con người có sẵn một loại ma tuý, nhưng nó hoàn toàn vô hại, vì nó do chính cơ thể sinh ra (nội sinh) để phục vụ cho nhu cầu của cơ thể nên không có sự dư thừa, không có hiệu ứng phụ. Chính nhờ morphin nội sinh này mà cuộc sống của con người bớt đi nhiều sự đau đớn. Ví dụ một các kim đâm vào tay sẽ cảm thấy đau nhói, nhưng các đau ấy lại tan biến đi rất nhanh. Hay có sự cố gì đấy làm đau lòng, nỗi đau ấy cũng nguôi ngoai, niềm lạc

quan lại trỗi dậy. Chính endorphin đã giúp con người như vậy. Ngược lại, nếu không có endorphin, ngưỡng đau của con người sẽ rất thấp, nên sẽ thấy đau nhiều hơn, dài hơn. Đáng lý ít đau sẽ thành đau rất nhiều; đáng lý chỉ đau ít phút thành đau kéo dài... như vậy, Endorphine ở người nghiện MT thường ít hơn người bình thường.

Một người khi sử dụng ma túy lặp đi lặp lại nhiều lần, dẫn đến thay đổi một số chất sinh học đóng vai trò điều hoà các quá trình của cơ thể, buộc cơ thể phải tự điều chỉnh để quen dần với sự với sự có mặt của ma tuý ngoại sinh, một trong các sự điều tiết đó làm giảm “công suất” tiết ra morphin nội sinh và cuối cùng là hoàn toàn không tiết ra các morphin nội sinh nữa. Lúc đó người sử dụng ma tuý không còn morphin nội sinh nên trở thành người phụ thuộc hoàn toàn vào ma tuý đưa từ bên ngoài vào, nếu không sự điều hoà hoạt động sinh lý của cơ thể (vốn do endorphin đảm nhiệm) sẽ bị hụt hẫng, rối loạn, dẫn đến những cơn vật vã dữ dội đến mức người sử dụng ma tuý không chịu đựng nổi, buộc phải tìm mọi cách đưa ma tuý vào cơ thể.

Lệ thuộc về mặt tinh thần:

Trước hết, vấn đề cảm xúc được nhiều nhà Tâm lý học quan tâm trong những năm gần đây. Cảm xúc không chỉ ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến trí tuệ mà còn trực tiếp tham gia vào quá trình hình thành hành động trí tuệ của chủ thể. Cảm xúc và trí tuệ là hai mặt của một hành động cá nhân. Cảm xúc của người cai nghiện có sự thay đổi đặc biệc theo hướng lì về cảm xúc trong định hướng hành vi.

Các nhà Tâm lý học cho rằng, trong mối quan hệ tác động qua lại giữa chủ thể với “trường cư xử”, trong đó cảm xúc là động lực của các cư xử, còn tri giác, vận động và trí tuệ là sự cấu trúc hóa các cư xử đó. J. Piaget quan niệm, mỗi cư xử bao hàm hai mặt: mặt năng lượng và mặt nhận thức hay cấu trúc. Mặt năng lượng là do hệ thống cấu trúc tạo ra, còn cấu trúc hay nhận thức là kết quả của trí tuệ. Như vậy cảm xúc và nhận thức không thể tách rời nhau, mặc dù chúng có sự khác biệt.

Mặt khác, kết quả mỗi thao tác, mỗi hành động sẽ mang đến cho chủ thể những

cảm xúc mới. Đến lượt nó, cảm xúc này sẽ chi phối các quyết định tiếp theo của chủ thể [5, 171 - 174].

Từ những vấn đề về cảm xúc nêu trên, chúng tôi cho rằng “cảm giác thích thú” khi sử dụng ma túy là dạng “cảm xúc đặc biệt” do quá trình (nhiều năm) sử dụng ma túy mang lại, cảm xúc này luôn được củng cố qua hành vi lạm dụng chất ma túy. Chính cảm xúc này đã chi phối hứng thú và hành vi bàn bạc về ma túy của người cai nghiện.

Quá trình sử dụng ma túy quá mức đã “làm ngu đần trí não” bằng cách tạo ra những khoái cảm giả tạo và củng cố hành vi sử dụng sử dụng ma túy. Đây là vấn đề chủ yếu của người sử dụng ma tuý. Họ luôn tự thấy “nó xảy ra ở trong đầu”

hoặc “tôi không thể thoát khỏi ý nghĩ dùng ma tuý”. Đến lúc này, người ta dùng ma tuý hết lần này đến lần khác không phải vì cơ thể ốm đau mà là vì một cái “nhu cầu bức thiết” tìm kiếm “điều gì đó sảng khoái hơn”, hay để giải thoát khỏi nỗi sợ hãi, sự thèm khát. Thực tế ma tuý đã “nói” với não: “phải dùng ma tuý nhiều hơn!”. Và não ta đã ngu đần làm theo lời “dạy bảo” ấy của ma tuý, kiểu như “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”. Đây là yếu tố bên trong (tâm lý), tạo nên hành vi ám ảnh do sử dụng một chất ma túy.

Chính “cảm giác tuần trăng mật” và quá trình “làm ngu đần trí não” cùng với những “cảm giác thích thú” có được sau những lần sử dụng ma túy là những cảm xúc, là yếu tố bên trong thâm nhập vào toàn bộ quá trình nhận thức, từ tri giác sự vật hiện tượng đến tư duy trừu tượng. Toàn bộ quá trình này tạo nên “ảo giác đen” và đến lượt nó, “ảo giác đen” chi phối bởi cảm xúc, hành vi, nhận thức cá nhân, trong từng tình huống cụ thể.

Tùy theo loại ma túy sử dụng, tùy theo không gian, thời gian sử dụng và đặc điểm nhân cách, người sử dụng ma túy sẽ cảm nhận được các loại ảo giác khác nhau, bao gồm ảo giác về thời gian, ảo giác về không gian, ảo giác về âm thanh, ngưỡng cảm giác bị sai lệch, cảm giác đau, cảm giác đói… không được phản ánh đúng. Các loại ảo giác này được người nghiện ma túy khái quát trong một từ “phê”

(cảm giác “phê” thuốc), đi kèm với cảm giác “phê” là những rối loạn hành vi.

Khi tập trung cai nghiện người nghiện ma túy thường tụ tập nói về cảm giác “phê” việc mô tả cảm giác “phê” rất khác nhau ở mỗi cá nhân, mỗi cá nhân diễn đạt cảm giác này dưới một “cảm giác thích thú”, với một hứng thú rất “trọn vẹn” và dường như muốn lây lan cảm giác thích thú này sang người khác.

Những người sử dụng ma túy lâu năm (trên mười năm) thường có nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng. Đó là kinh nghiệm pha chế ma túy, kinh nghiệm mua / bán ma túy, kinh nghiệm đối phó với công an, dân phòng, kinh nghiệm trường cai, kỹ thuật tiêm / hút, hít ma túy… kể cả kinh nghiệm quan hệ tình dục khi chơi ma túy. Những kinh nghiệm này là “kho tàng hiểu biết” để kể cho vị thành niên đang cai nghiện. Vị thành niên thường có tuổi sử dụng ma túy thấp, cai nghiện lần đầu nên việc nghe các anh cai nghiện lâu năm kể về ma túy cũng hứng thú, nghe cho vui… cái “ảo giác đen”, cùng với cảm giác “phê” là nguồn (ngữ liệu) tưởng tượng vô cùng phong phú cho người kể và người nghe, nó được thêu dệt thành hình ảnh “cô ba” trong giới nghiện ma túy. Hình ảnh “cô ba” được thêu dệt và ca tụng hàng ngày trong giới nghiện, chính “cô ba” là món ăn tinh thần không thể thiếu được trong thực đơn giao tiếp hàng ngày của người cai nghiện. “cô ba” đã ám ảnh tâm trí người nghiện, chi phối cảm xúc, hành vi, nhận thức của người nghiện ma túy.

Như vậy, có thể khẳng định lệ thuộc ma túy về mặt tâm lý ở người đang cai nghiện ma túy chính là hành vi tụ tập bàn bạc về ma túy, nghe người khác nói về ma túy, nói cho người khác nghe về ma túy. Những hành vi này đã làm thui chột ý chí, nhận thức của họ, vì vậy người sử dụng ma túy luôn có lý do biện hộ cho việc sử dụng ma túy (sự lệch chuẩn trong tư tưởng). Trong giới hạn của đề tài nghiên cứu, chúng tôi tập trung nghiên cứu các hành vi nghe về ma túy, nói về ma túy, bàn bạc về ma túy, suy nghĩ - biện hộ cho việc sử dụng ma túy. Chúng tôi hiểu về thuật ngữ nghe, nói, bàn bạc về ma túy theo nghĩa đơn giản nhất của nó trên phương diện hành vi cụ thể.

Tóm lại, quá trình sử dụng ma túy quá mức và sử dụng lặp lại nhiều lần sẽ dẫn đến nghiện ma túy, bao gồm sự lệ thuộc về mặt thể chất và tinh thần vào ma túy.

1.2.2.2. Hành vi nghiện ma túy 1.2.2.2.1. Quan niệm “nghiện”

Nghiện theo cách nói dân dã của người miền Bắc, người miền Nam sử dụng từ ghiền là ý chỉ đến một loại thói quen, sở thích đặc biệt liên quan đến một lĩnh vực nào đó của cuộc sống dù tốt hay xấu. Nếu không có cái để thỏa mãn “cái nghiện” ấy thì như cuộc sống của họ trở nên khó khăn về mặt tinh thần và thể chất.

Trong từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học: nghiện hay còn gọi là

“ghiền” là chỉ một sự ham thích đến mức thành thói quen khó bỏ.

Trong từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam viết về nghiện là: nghiện là một hiện tượng trạng thái tâm lý tinh thần thường để lại dấu ấn rõ nét trên vỏ não và hiện tượng này khó có thể từ bỏ được. Nghiện game, nghiện ma túy, ... đều làm thay đổi dần não bộ [42].

Xét trên bình diện Tâm lý học, tác giả Vũ Dũng cho rằng nghiện là trạng thái tâm lý thường là bất bình thường của con người, xảy ra sau khi bị tiêm nhiễm một cách không chủ định một chất nào đó, hoặc sử dụng nhiều lần một sự vật, hiện tượng nào đó kèm theo sự biến đổi các quá trình tâm - sinh lý của cơ thể và biểu hiện ra ngoài thông qua hành vi, cách ứng xử và quan hệ của họ với những người xung quanh. Theo tác giả, nghiện được biểu hiện ở ba mức độ:

- Mức độ nhẹ: Hành vi và cách ứng xử của người nghiện rất khó phân biệt so với người bình thường.

- Mức độ trung bình: Hành vi và trạng thái bất bình thường thỉnh thoảng lại xuất hiện, nhưng người nghiện vẫn còn ý thức được hành vi, cách ứng xử của mình.

- Mức độ nặng: Hành vi và cách ứng xử của người nghiện hoàn toàn hoặc gần như mất khả năng kiểm soát ý thức [5, 510].

Dựa trên nhiều quan niệm khác nhau về thuật ngữ “nghiện”, trong phạm vi nghiên cứu đề tài này, chúng tôi hiểu nghiện là trạng thái tâm lý bất bình thường của con người do sự ham thích quá mức và lặp lại nhiều lần một sự vật, hiện tượng nào đó kèm theo sự biến đổi các quá trình tâm - sinh lý của cơ thể và lệ thuộc vào sự vật, hiện tượng đó.

Một phần của tài liệu hành vi lệch chuẩn của vị thành niên tại các trường, trung tâm cai nghiện trực thuộc lực lượng thanh niên xung phong thành phố hồ chí minh (Trang 35 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(139 trang)