Phong tục tập quán khác

Một phần của tài liệu thủy xá, hỏa xá trong lịch sử việt nam (Trang 89 - 99)

Chương 3. VÀI NÉT VỀ NỀN VĂN HÓA CỦA THỦY XÁ, HỎA XÁ

3.2. Văn hóa tinh thần

3.2.4. Phong tục tập quán khác

Nhiều phong tục tập quán của Thủy Xá, Hỏa Xá đã được các sử thần triều Nguyễn ghi lại trong bộ Đại Nam liệt truyện như: “nước này ở nơi xa xôi hẻo lánh, chính sự còn như thời thượng cổ, buộc dây làm nút để đánh dấu, tự cày lấy mà ăn, phong tục còn mộc mạc” [36, tr. 34].

Chính khi sứ thần của nhà Nguyễn đi tới vùng đất của vua Thủy Xá, Hỏa Xá để tìm hiểu về phong tục tập quán của họ khi về triều đã báo cáo lên như sau: “nước họ không có đặt quan chức, cũng không có bắt lính, không có hình luật, dân không biết văn tự, có vay mượn nhau thì lấy dây buộc nút để nhớ. Cách sinh sống thời chặt cây xuống, giùi lỗ xuống đất để trồng cấy, không biết cày bừa, hàng năm không có lấy thuế má gì cả, quốc trưởng cũng không đòi hỏi. quốc trưởng có đi đâu, gần thời chỉ độ 3, 4 người đi theo, xa cũng không quá hơn 10 người, cưỡi độ 3 con voi, đều đội nón lá không có tàn lọng”[36, tr. 37].

Lại cũng nghe nói hai quốc trưởng Thủy Xá, Hỏa Xá không bao giờ gặp nhau, bởi hễ trông thấy nhau là sẽ có một người chết. Quốc trưởng khi tuổi già đến thường truyền ngôi cho cháu nội hay cháu gọi là chú, bác mà không truyền lại cho con.

Phong tục ở Thủy Xá, Hỏa Xá lại có chỗ thú vị khác với các nơi khác, họ nói đêm là thứ mấy, chứ không nói là ngày, lấy thóc chín làm một năm mà không nói là năm, quan thì gọi là Lung, nhưng vì sứ giả không dám gọi là Lung nên chỉ xưng là Ma. Bên cạnh đó còn có tục không dám mặc áo hoa, cho nên phàm khi lại cống, mà lại cho áo lụa thì chỉ đều dùng một thứ mộc trơn mà thôi.

Trong vấn đề sinh đẻ, bà mẹ được coi trọng. Khi mang thai họ không được làm việc nặng nhọc. Họ rất lo sợ đẻ khó và chết vì sinh nở. Khi sinh nở sản phụ phải kiêng khem nhiều thứ như không ăn cơm nấu mà chỉ dùng cơm lam, không ăn thịt mà chỉ ăn rau...

Ti ểu kết chương 3

Tộc người Giarai ở Thủy xá, Hỏa Xá trong khoảng thời gian từ thế kỉ XV đến cuối thế kỉ XIX, dân tộc này đã xây dựng cho mình một nền văn hóa độc đáo, họ đã cùng nhau tạo dựng nên một kho tàng văn hóa truyền thống phong phú và đặc sắc gắn với sinh hoạt cộng đồng công xã. Kho tàng văn hóa truyền thống mà dân tộc này xây dựng nên khá đồ sộ, đa dạng, nổi bật lên những sắc thái điển hình và độc đáo của văn hóa công xã. Nền văn hóa ấy tương thích với tổ chức xã hội đặc thù ở giai đoạn tiền nhà nước, tiền giai cấp trên cơ sở kinh tế nông nghiệp thô sơ lấy canh tác nương rẫy làm căn bản, duy trì nếp sống du canh du cư, không ổn định, nền văn hóa ấy về cơ bản vẫn là nền văn hóa dân gian, mang tính cộng đồng cao trong sáng tạo cũng như trong hưởng thụ. Cộng đồng công xã từng là cái nôi của văn hóa dân gian và sau này là pháo đài vững chắc bảo vệ tài sản văn hóa dân gian ấy.

Trong một không gian địa lý cận kề và điều kiện tự nhiên tương đồng, người ở Thủy Xá, Hỏa Xá còn tiếp thu và dung hòa những nét văn hóa của tộc người lân cận hoặc các quốc gia xung quanh mình. Điển hình chúng ta thấy văn hóa của Thủy Xá, Hỏa Xá có ảnh hưởng của Văn hóa Chăm: tục hỏa thiêu người chết, cách ăn mặc và sử dụng những thứ vải vóc của người Chăm, cách gọi tên “Pơtao” cũng là một từ gốc Chăm, chiếc áo Ơi mặc có miếng vải đỏ trước ngực cũng là áo Chăm…Từ đó chúng ta thấy có sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc với nhau để tạo nên một nền văn hóa riêng độc đáo, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa đa dạng, đậm đả bản sắc của dân tộc Việt Nam.

K ẾT LUẬN

Như vậy, mặc dù lượng tài liệu nói về Thủy Xá, Hỏa Xá cực kì ít ỏi, nhưng tác giả cũng đã cố gắng để phục dựng lại một cách cơ bản nhất diện mạo về lịch sử và văn hóa của hai phiên vương Thủy Xá, Hỏa Xá từng tồn tại trong lịch sử Việt Nam từ thế kỉ XV cho đến tận thế kỉ XIX.

Thứ nhất: Về thủ lĩnh của Thủy Xá, Hỏa Xá và vai trò thực sự của họ là gì?

Pơtao Pui hay còn gọi là Hỏa Vương, thời phong kiến Việt gọi là Hỏa Xá. Người Khơme gọi là Sămdek Phlơng. Phạm vi ảnh hưởng của Mtao Pui là Cheo Reo và phụ cận.

Pơtao Ia còn gọi là Thủy Vương, thời phong kiến Việt gọi là Thủy Xá, người Khơme gọi là Sămdek tơk. Phạm vi ảnh hưởng là Plei Kly phía tây bắc của Cheo Reo (Đây huyện cực Nam của Gialai giáp với huyện Ea H’leo của Daklak nơi Vua Champa từng xây thành để kháng chiến chống Mông –Nguyên).

Trong dân gian còn lưu truyền “Aê Tụ ti ngŏ ,Aê Bŏ ti yŭ” có nghĩa là “Ông Tụ phía đông , Ông Bọ ở phía tây”.

Về Pơtao Angin, người Việt không nói đến việc phong Vương cho Vua gió.

Nhiều chi tiết chưa được kiểm chứng.

Người Giarai gọi vua Lửa là Pơtao. Thật ra chữ vua ở đây không đồng nghĩa với

“vua”, chúa” như chúng ta thường nghĩ. Pơtao của người Giarai không có nhiều thực quyền họ cũng đi lên nương làm rẫy, sinh con đẻ cái và cũng nghèo như bất cứ người Giarai nào. Quyền hạn của những ông vua này chỉ được thể hiện trong các lễ cúng và lễ hội cầu mưa. Lúc đó Pơtao sẽ dùng gươm thần làm cầu nối giữa người Giarai với thần linh để những vị thần trên trời có thể nghe thấy ước muốn của họ mà ban mưa cho dân bản.

Có thể những truyền thuyết về Vua Lửa và kiếm thần xuất phát những mong ước lâu đời của người dân nơi đây. Tây nguyên có đến 6 tháng mùa khô, địa hình núi cao, sông dốc nhỏ, ngắn nên nỗi lo về hạn hán là nỗi lo thường trực nhất của cộng động các dân tộc ở đây... Trong hoàn cảnh ấy, ước muốn lớn nhất của người Giarai là có thể cầu xin “mưa

thuận gió hòa”, để mùa màng tươi tốt, con heo, con bò sinh được nhiều con, cho lửa cháy trên bếp, cho con người không đau ốm… Tuy chỉ mang ý nghĩa tâm linh và thật sự không có thực quyền nhưng tầm ảnh hưởng về tinh thần của Pơtao (Vua lửa) đối với người Giarai là có thật. Người Rơngao quan niệm chức năng của Vua Lửa như là một trường hợp liên minh đặc biệt, người liên minh là thần của lưỡi gươm. Tuy nhiên thói quen liên minh ở người Giarai dường như chỉ là một nét mượn ở các bộ lạc Môn – Khơme. Từ tất cả những điều đó, ta có thể kết luận là Vua Lửa, vua Nước vốn thuộc kiểu các thủ lĩnh thị tộc được coi là có tính chất thần thánh.

Nhiệm vụ bình thường của các Vua Lửa, Vua Nước là cầu mưa khi nắng hạn hoặc cầu cho hết dịch bệnh của người hay động vật. Ta có thể thấy ví dụ cụ thể là vào năm 1919, tất cả các nhà cho đến tận vùng Rhadé đều treo những lá bùa do Vua Lửa cung cấp nhằm chống lại dịch cúm làm chết rất nhiều người năm trước đó. Quyền lực của ông có được là do sự tin tưởng vào thần thánh của người dân.

Thứ 2: Có hay không nhà nước Thủy Xá, Hỏa Xá?

Chúng ta đều biết, thực ra xã hội Tây Nguyên chưa có nhà nước. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, đến giữa thế kỷ XX thì Tây nguyên vẫn còn đang ở giai đoạn mạt kỳ mẫu hệ. Cái gọi là chính quyền mới chỉ xuất hiện vai trò của già làng, một vài nơi có tù trưởng như ông Chut Cheo Reo, người lãnh đạo nhân dân Giarai Ayun Pa chống pháp... Cho nên từ “Pơtao” như lâu nay ta hay dịch là “vua” thực ra là không chính xác. Ở đây, Pơtao để chỉ mối liên hệ giữa người Giarai với các sức mạnh vô hình với họ như thần linh hoặc vũ trụ. Các Pơtao cũng đồng thời giữ mối liên hệ giữa huyền thoại và lịch sử. Thế tức là Pơtao là những người không thực quyền, họ chỉ có vai trò là cầu nối giữa cộng đồng với các đấng siêu nhiên, cụ thể ở đây là với việc cầu mưa. Ở đây, ta cũng cứ gọi là “vua’ theo truyền thống. Trong hệ thống các vua mang yếu tố thần quyền ở Tây Nguyên gồm vua Lửa, vua Nước, vua Gió thì vua Lửa là người có vai trò lớn trong đời sống tinh thần các tộc người Tây Nguyên, đặc biệt là người Gia Rai. Những ông vua này đã từng nhận sắc phong của triều Nguyễn trong những nỗ lực cố gắng của các vua Nguyễn muốn thâu tóm vùng đất cao nguyên rộng lớn này. Siu Luynh là đời Pơtao thứ 14 trong hệ thống các

Pơtao đã tồn tại ở Tây nguyên. Gọi là vua nhưng thực chất họ không khác gì người bình thường, cũng đi làm rẫy kiếm ăn, lấy vợ sinh con. Họ chỉ thực sự có quyền khi mà hạn hán thì cúng cho mưa và mưa nhiều quá thì lại cúng cho hết mưa để khỏi úng. Vua có một thanh gươm nghe đồn là gươm thần được tôi bằng máu người mới nguội, hiện được cất rất kỹ tại một hang đá ngay bên cạnh làng Ơi, giữa cánh đồng Ayun hạ bây giờ. Đây là một thanh gươm có thật nhưng chưa ai được thấy bao giờ. Có một số nhà nghiên cứu đã nhiều lần đến Tây Nguyên, nhiều lần ngồi uống rượu với “vua”, nhiều lần xem xét quanh cái hang kiếm thần ấy, nhưng chưa bao giờ dám xin xem thanh gươm thiêng vì xung quanh nó có quá nhiều mẩu chuyện huyền thoại lẫn thêu dệt. Năm 1990, giáo sư Nguyễn Tấn Đắc là người đầu tiên ngoài tộc được phép xem thanh gươm đó sau một lễ cúng và hứa không chụp hình. Theo tài liệu điền dã mà ông ghi lại, đó chỉ là một con dao cán dài và đã gỉ sét hết - như minh chứng cho những suy đoán về cuộc sống nghèo khổ, không của cải và ngai vàng của những “Ơi” mà sử sách Việt Nam gọi là vua Lửa, vua Nước. Từ năm 1904, một viên sĩ quan Pháp (có tài liệu nói là cố đạo, là nhà khoa học) tên là Odend’hal cùng 4 tuỳ tùng chỉ vì lý do cứ đòi xem gươm cho bằng được, đã bị dân làng giết chết. Qua quá trình tìm hiểu, cả bằng tư liệu lịch sử cũng như tư liệu điền dã của giáo sư Nguyễn Tấn Đắc và của cá nhân, chúng ta đi đến kết luận rằng Pơtao là một người đàn ông Giarai hiền lành, có vợ con đàng hoàng, cũng phải làm việc lam lũ, đến nhà ban ngày bao giờ cũng phải nhờ người lên rẫy, cách nhà hàng 5, 7 cây số tìm, vì ông suốt ngày làm việc trên ấy.

Vậy nên chúng ta thấy, có ba Pơtao là xuất phát từ vũ trụ quan của người Giarai, theo đó vũ trụ được cấu tạo bằng ba yếu tố, hoặc vật chất trong vũ trụ tồn tại dưới ba trạng thái: Nước (Lỏng), Lửa (Nóng) và Gió (Khí). Khi ba yếu tố, hay ba trạng thái ấy ổn định, hài hòa, thì mọi sự đều tốt đẹp, dòng chảy của tự nhiên thông suốt, mưa thuận gió hòa, núi rừng và muôn vật yên ổn, con người thanh bình, hạnh phúc. Ba yếu tố cơ bản đó vừa là ba vừa là một, là ba trong một, là "tam vị nhất thể", có thể thể hiện thành ba mà cũng có thể đọng lại trong một, có đủ cả ba càng tốt, chỉ có một cũng không sao, trong

một đã chứa cả ba. (Chính vì vậy khi "Vua Nước", "Vua Gió" không còn, thì đối với người Giarai cũng không có gì quan trọng lắm).

Chức năng của Pơtao là điều hòa các yếu tố, tự nhiên và xã hội bởi đối với người Tây Nguyên, Tự nhiên và Xã hội luôn gắn bó làm một để cho mọi sự được tốt đẹp, yên ấm. Đối với người Giarai, ông không hề là "Vua", ông được dân các làng bầu lên qua các Khoa Yang, ông thường là người nghèo nhất trong làng, không có bất cứ quyền hành hay lợi ích đặc biệt nào. Ông chính là Rit của truyền thuyết. Ông gìn giữ sự điều hòa bằng cách hằng năm vào đầu vụ sản xuất "tuần du" qua các làng và cúng cầu mưa, hoặc cúng cầu yên khi có thiên tai, dịch bệnh. Ông giữ mối quan hệ giữa văn hóa, tự nhiên và siêu nhiên. Vua Lửa giữ một lưỡi gươm thiêng, tượng trưng cho quyền lực điều hòa thiêng liêng, được cất kín trong căn chòi trên một hòn núi bí mật, mà ngoài ông ra không ai được nhìn thấy nó. Jacques Dournes nói rằng ông là đại diện của "dân đen" (le petit peuple), “dưới bóng của các ông vua này, thần quyền nhều hơn là thế quyền” [24, tr. 40].

Người Giarai đã sáng tạo ra điều mà Dournes gọi là "một lý thuyết về quyền lực", độc đáo, đặc sắc, quyền lực của "dân đen" được thể hiện trong một thiết chế vừa thần quyền vừa thế quyền, đầy hiệu lực, không cần có nhà nước, không quân đội, cũng không cảnh sát, không cần có lãnh chúa…, ổn định bền vững qua lịch sử nghìn năm. Cũng có thể là một thiết chế quyền lực - phi quyền lực.

Khi người Việt dịch Pơtao là Vua, người Pháp dịch là Roi, người Mỹ dịch là King, và đối xử với Pơtao như là "Vua của người Giarai", thì người Giarai cũng không cãi lại, không phản đối. Họ sẵn sàng để cho triều đình Việt, nhà nước Pháp, quyền lực Mỹ cứ hiểu thế đi, chẳng sao cả. Thậm chí các Pơtao cũng ứng xử lại với các thế lực bên ngoài ấy như mình chính là vua của người Giarai vậy. Triều đình Huế đã từng phong tước, ban các thứ vật phẩm tượng trưng cho vua Lửa, vua Nước, mà họ gọi là Hỏa Xá, Thủy Xá, và coi là các "chư hầu". Các Pơtao vui vẻ nhận, lại còn định kỳ "triều cống"

triều đình các lâm sản quý: ngà voi, sừng tê giác, mật và sáp ong… Người Pháp, người Mỹ cũng từng đối xử với các Pơtao và được các Pơtao đối xử lại hệt như vậy, không hơn không kém. Các thế lực bên ngoài ấy ngỡ như vậy là đã nắm, đã thần phục được người

Giarai, dân tộc Giarai, cộng đồng Giarai qua các Pơtao của mình. Còn họ, lặng lẽ, họ vẫn giữ nguyên nền độc lập riêng của mình, với thiết chế kỳ lạ, đặc sắc của mình, chỉ có họ hiểu, chỉ họ biết với nhau, một nền độc lập dựa trên sự hài hòa của tự nhiên và xã hội, lấy nền tảng văn hóa làm chính. Cũng có thể nói cách khác đối với người Giarai, chính trị chính là văn hóa. Thiết chế Pơtao chính là một thiết chế chính trị - văn hóa độc đáo, hiệu quả. Không phải ngẫu nhiên mà Giarai là dân tộc có tính độc lập và sức đề kháng dân tộc mạnh mẽ, sâu sắc nhất ở Tây Nguyên.

Trên thực tế, có những thiết chế trên cấp buôn làng, nhưng chúng lại không mang đặc trưng chính trị. Một vài xã chung nhau một khu đất để trồng cấy du canh, và do đó đòi hỏi phải có thần hộ mệnh chung cho khu đất ấy. Một vài thiết chế tôn giáo có ảnh hưởng đối với cả một vùng rộng lớn, chẳng hạn như Pơtao của người Giarai, là những vị pháp sư giữ một vị trí đặc quyền gắn liền với các yếu tố lửa, nước và gió. Từ Pơtao có nguồn gốc từ tiếng Chăm, dùng để chỉ những cá nhân có vị trí quan trọng về mặt chính trị hoặc tôn giáo như vua, hoàng thân và các thủ lĩnh địa phương, cũng như những thầy tu và pháp sư có ảnh hưởng lớn. Những thủ lĩnh địa phương khác khi đạt đến những địa vị có thế lực cũng sẽ nhận được danh hiệu pơtao hoặc mesao. Thông thường, từ này được dùng để chỉ “nhà vua”, do vậy đã dẫn đến sự nhầm lẫn của những người quan sát phương Tây, những người cố tìm kiếm các vị vua với sự uy quyền và giàu có thường thấy, nhưng thay vào đó lại chỉ thấy các thủ lĩnh nhỏ hoặc các lãnh tụ tôn giáo mà thôi.

Pơtao của người Giarai gắn với thần linh, Pơtao nói cái gì thì có cái đó nên người ta tin và tôn thờ các Pơtao. Tuy nhiên Pơtao của người Giarai không có chức năng quản lý nhà nước, họ chỉ là những người được thần linh giao cho nhiệm vụ trông coi và giúp đỡ mọi người. Người dân họ quý Pơtao nên tự động cho heo, gà, gạo, tiền chứ hoàn toàn không phải là hình thức đóng thuế bắt buộc.

Và cũng chính từ vai trò của những Pơtao như vậy mà họ đã xây dựng được một mối quan hệ gắn bó với triều đình nhà Nguyễn cũng như với Champa và Campuchia.

Những mối quan hệ ấy được duy trì trong lịch sử và được ghi lại trong sử sách của cả người Việt và người Khơme chứng tỏ Thủy Xá và Hỏa Xá trong lịch sử là có thật, có tồn

Một phần của tài liệu thủy xá, hỏa xá trong lịch sử việt nam (Trang 89 - 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)