6. Cấu trúc luận văn
1.4. Kế thừa các đặc điểm loại hình của VHTĐ
1.4.3. Kế thừa tính chất ước lệ, tượng trưng, điển tích, điển cố
Ước lệ, tượng trưng, điển tích, điển cố là những đặc điểm quy phạm nổi bật của văn học trung đại. Người sáng tác thường hướng đến mục đích lời ít, ý nhiều, tạo nên sự hàm súc. Tác giả không cần diễn đạt nhiều, chỉ cần sử dụng đôi ba chữ đã gợi được cả một câu chuyện, một tấm gương có ý nghĩa giáo dục cao. Những sáng tác văn chương vận dụng những thủ thuật này mới được xem là bác học, trang nhã. Có thể liệt kê một vài hình ảnh tượng trưng mà văn học trung đại đã xác lập.
Nói đến người quân tử thì thường dùng cây tùng, cây bách để nêu bật được khí phách, phẩm tiết của họ. Nói đến mùa thu thì lá ngô đồng, hoa cúc vàng, sen tàn, giếng ngọc…Nói đến người đẹp thì chim sa cá lặn, nghiêng nước nghiêng thành…Vận dụng những đặc điểm này vào các tác phẩm sẽ tạo nên một hiệu quả thẩm mĩ nhất định. Mặt khác còn thể hiện sự tiếp biến và giao lưu văn hóa giữa nước ta và dân tộc Trung hoa. Nhưng nó cũng đòi hỏi người tiếp nhận phải có một kiến thức uyên bác để có thể hiểu được những điển cố, điển tích trong dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Sử dụng điển càng thành thạo thì càng chứng tỏ sự điêu luyện hiểu biết của nhà văn. Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi là một tác phẩm thể hiện
tư tưởng nhân nghĩa. Một khía cạnh của tư tưởng này là sự quan tâm đến cuộc sống yên ổn, no ấm của nhân dân. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc phải chiến đấu đánh đuổi kẻ thù xâm lược, diệt trừ những kẻ tham tàn bạo ngược. Tác giả bày tỏ tâm trạng:
“Đau lòng nhức óc, chốc đà mười mấy năm trời, Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối”
Chuyện Câu Tiễn nuôi chí phục quốc. Sau khi được tha, hàng ngày Câu Tiễn thường nếm mật đắng để ăn không biết ngon, thường nằm trên đống củi gai để ngủ không được yên giấc, dốc lòng rèn luyện tinh thần chịu đựng gian khổ. Sau 20 năm tích cực chuẩn bị, Câu Tiễn đã thắng nước Ngô, vua Ngô là Phù Sai phải tự sát.
Nguyễn Trãi đã mượn điển này để diễn tả quyết tâm nuôi chí lớn, quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm để đem lại sự yên ấm, thanh bình cho nhân dân trên khắp đất nước.
Truyện Kiều (tên gốc là Đoạn Trường Tân Thanh) là tác phẩm nổi tiếng nhất của đại thi hào Nguyễn Du, kiệt tác của văn học Việt Nam thời trung đại. Có thể nói, một trong những yếu tố làm nên thành công cho thi phẩm là hệ thống điển tích, điển cố mà tác giả sử dụng:
“Sân Lai cách mấy nắng mưa Có khi gốc tử đã vừa người ôm”
(Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích) Sân Lai: Sân nhà lão Lai Tử. Theo Hiếu tử truyện: Lão Lai Tử người nước Xuân thu rất có hiếu, tuy đã già mà còn nhảy múa ở ngoài sân cho cha mẹ xem để mua vui cho cha mẹ. Gốc tử: Gốc cây tử (cây thị), chỉ cha mẹ. Cả câu ý nói cha mẹ đã già rồi. Nguyễn Du mượn câu chuyện để nói lên tâm trạng nhớ thương và tấm lòng hiếu thảo của Kiều đối với cha mẹ có lẽ đã già yếu nơi quê nhà.
Ca ngợi vẻ đẹp của Thúy Kiều và Thúy Vân, nhà thơ nói:
“Một hai nghiêng nước nghiêng thành Sắc đành đòi một, tài đành họa hai”
(Đoạn trích Chị em Thúy Kiều)
Câu này Nguyễn Du lấy ý của thơ Lý Diên Niên “Bắc phương hữu giai nhân, tuyệt thế nhi độc lập, nhất cố khuynh nhân thành, tái cố khuynh nhân quốc" , nghĩa là “Phương bắc có người đẹp, nhất đời không ai bằng, liếc trông một lần nghiêng thành, trông hai lần nghiêng nước”; ngoảnh nhìn lại một cái thì thành người ta bị xiêu, ngoảnh nhìn lại cái nữa thì nước người ta bị nghiêng ngả. Ý nói sắc đẹp tuyệt trần của người phụ nữ có thể làm cho người ta say mê đến nỗi mất thành mất nước.
Tác giả dùng điển tích này để nói lên vẻ đẹp sắc sảo, mặn mà của Kiều.
Có thể thấy, các tác giả của giai đoạn văn học trung đại rất chú ý đến việc sử dụng điển tích, điển cố. Đôi khi sự lạm dụng quá nhiều làm cho tác phẩm của họ trở nên cầu kỳ, khó hiểu. Một phần họ chịu sự ràng buộc của tính quy phạm thẩm mĩ trong văn chương nhà Nho, đó là chuộng cái đẹp có sẵn và tác phẩm văn chương cần phải có tính trang nhã, cao quý. Việc sử dụng điển sẽ tạo được tính hàm súc cao nhất. Tuy nhiên ở từng giai đoạn cụ thể, các tác giả tài năng, một mặt tuân thủ tính quy phạm, mặt khác lại phát huy cá tính sáng tạo, từng bước phá vỡ tính quy phạm thúc đẩy sự phát triển của văn học nên đến nửa cuối thế kỉ XIX, các nhà nho tuy cũng dùng điển nhưng với một mật độ vừa phải, không lạm dụng như trước. Thậm chí, các tác giả của giai đoạn giao thời này còn sử dụng những địa danh cụ thể trên chính quê hương mình để đưa vào thơ. Trong Chinh phụ ngâm, chúng ta bắt gặp những địa danh xa lạ:
“Giận thiếp thân lại không bằng mộng Được gần chàng bến Lũng thành Quan”
Bến Lũng: tức rặng núi Lũng Sơn ở Thiểm Tây và Cam Túc; Thành Quan: tức Hàm Cốc Quan hay Đồng Quan, là các tên cửa ải ở Thiểm Tây. Với người dân chúng ta thì những tên gọi ấy hoàn toàn xa lạ. Thử tìm hiểu bài thơ Chạy giặc của Nguyễn Đình Chiểu:
“Bến Nghé của tiền tan bọt nước Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”
(Chạy giặc)
Hay như bài thơ Tự Tràocủa Tú Xương:
“Vị Xuyên có Tú Xương Dở dở lại ương ương”
Bến Nghé, Đồng Nai, Vị Xuyên là những địa danh của đất nước ta và cho dù độc giả không biết nhiều về những nơi này thì ít ra họ cũng xác định được vị trí của nó trên lãnh thổ nước nhà. Do đó nó tạo sự gần gũi trong tiếp nhận thơ văn thời kì này. Sẽ là phiến diện nếu người viết đem so sánh những địa danh này với những địa danh trong điển của Trung Hoa. Có thể là những địa danh ấy chưa thể trở thành những điển tích, điển cố của nước ta nhưng nó cũng đánh dấu một sự thay đổi theo hướng tích cực của nền văn học trung đại trên hành trình chuyển sang cận đại. Đó là sự phá vỡ những khuôn phép ước lệ của văn chương trung đại một thời.
Nguyễn Khuyến là nhà thơ của cuộc sống nông thôn. Ông nổi tiếng với chùm ba bài thơ thu về làng cảnh Việt Nam. Trong đó Thu điếu là một điển hình cho sự sáng tạo của nhà thơ. Có thể thấy, ngay từ việc lựa chọn đề tài mùa thu đã mang đến một hương vị quen thuộc của thơ ca cổ. Những biểu hiện của mùa thu thường là lá vàng rơi, cành trúc, trời thu, trăng thu, nước thu, gió thu…, tất cả tạo nên tính ước lệ cho các bài thơ thu của nhà thơ. Tuy nhiên bên cạnh việc sử dụng các yếu tố mang tính ước lệ, Nguyễn Khuyến cũng đã thể hiện sự sáng tạo của mình qua hình ảnh thơ:
“Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái”
Câu thơ gợi cho ta sự liên tưởng đến câu thơ của Sầm Tham:“Xuân lan hoàn phát cựu thời hoa” (Xuân nay lại nở hoa năm ngoái). Hay như câu thơ của Thôi Hộ:
“Nhân diện bất tri hà xứ khứ. Đào hoa y cựu tiếu đông phong” (Nay mặt người không biết đi ở chốn nào/ Chỉ còn hoa đào vẫn cười với gió đông như cũ). Các câu thơ như có sự tương đồng về ngữ nghĩa. Tuy nhiên, ở câu thơ của Nguyễn Khuyến là một tâm trạng hoài cổ xa xăm. Ông nhớ tiếc một thời đất nước bình yên. Và giờ đây, cảnh loạn lạc xảy ra trên quê hương mình nhưng ông không thể làm gì để cứu dân cứu nước. Nỗi đau bất lực trước thời cuộc luôn là tâm trạng thường trực trong ông. Nét mới của hình ảnh thơ Nguyễn Khuyến là ông tạo mùa thu bằng sự cảm
nhận riêng của mình. Mùa thu ấy rất giản dị và được cảm nhận bằng những cảm xúc của tâm hồn nhà thơ.
Bao giờ cũng vậy, một nền văn học mới ra đời sẽ tiếp thu những tinh hoa từ nền văn học đã có trước đó chứ không bao giờ phủ nhận hoàn toàn những giá trị văn học đã tồn tại một thời. Văn học nửa cuối thế kỉ XIX cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Có thể xem giai đoạn văn học này là một bản tổng kết cho chặng đường dài mười thập kỉ của nền văn học trung đại Việt Nam. Bản tổng kết này chứa đựng những thành tựu rực rỡ của dân tộc ta trong suốt quá trình khai phá và bảo vệ đất nước. Đồng thời, cũng mở ra những chuyển biến sâu sắc về nội dung và nghệ thuật làm tiền đề cho những bước chuyển đầu tiên sang một nền văn học cận đại.
Chương 2
NHỮNG CHUYỂN BIẾN VỀ QUAN NIỆM SÁNG TÁC VÀ NỘI DUNG