Chương 3. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN
3.2. Cơ sở dữ liệu về các loài cá
Chúng tôi đã xây dựng được danh sách và nhập vào phần mềm hệ thống phân loại 264 loài cá nước ngọt ở Nam Bộ, xếp trong 155 giống, 68 họ, 16 bộ và 7 liên bộ (theo hệ thống của Eschmeyer W. N. (1998)) do chính tác giả và cộng sự nghiên cứu được trong nhiều năm qua (xem phụ lục 4, hình 3.6, 3.9).
Khó khăn lớn nhất và mất nhiều thời gian nhất đối với chúng tôi là công việc xây dựng hệ thống phân loại cá, vì hiện nay các tài liệu (giấy và số) trong nước và trên thế giới đang tồn tại song song hai hệ thống phân loại cá của Lindberg G. V.
(1974) và hệ thống phân loại cá Eschmeyer W. N. (1998), FAO (2010). Tuy nhiên, theo tham khảo ý kiến của các chuyên gia đầu ngành về ngư loại ở trong và ngoài nước, thì hệ thống phân loại cá hiện nay được sử dụng phổ biến là của Eschmeyer W. N. (1998), FAO (2010). Vì các tác giả này đã dựa trên những nghiên cứu mới nhất về giải phẫu, sinh lí, sinh hóa, di truyền, phân tích ADN,… để sắp xếp các loài cá vào hệ thống theo thang bậc tiến hóa từ thấp đến cao. Chính vì thế, hệ thống phân loại cá này vừa mang tính hiện đại, vừa có độ tin cậy cao hơn.
Chúng tôi đã tra cứu, đối chiếu, tu chỉnh từng tên loài, tên đồng vật (synonym), các taxon trong các tài liệu (giấy và số) trong nước và trên thế giới với hệ thống phân loại cá của Eschmeyer W. N. (1998), FAO (2010), sau đó sắp xếp các loài vào trật tự của hệ thống. Kết quả đã thu được danh sách hệ thống phân loại cá nước ngọt ở Nam Bộ mới nhất, có giá trị cao về mặt khoa học, giúp các nhà nghiên cứu về ngư loại học không mất thời gian phải đi tra cứu lại từ đầu.
3.2.2. Cơ sở dữ liệu cá dưới dạng kí tự (chữ và số)
Chúng tôi đã xây dựng được CSDL chi tiết về 264 loài cá nước ngọt ở Nam Bộ (kế thừa từ những công trình nghiên cứu của chính tác giả và cộng sự từ năm
2003 đến nay, tham khảo thêm từ các tác giả khác) với hơn 400 trang A4. Cấu trúc về CSDL của cá được xây dựng dựa trên sự tham khảo các tài liệu chuyên ngành trong và ngoài nước như: Sách đỏ Việt Nam, Động vật chí Việt Nam (tập, 10, 12, 19, 20,…), Cá nước ngọt Việt Nam (tập 1, 2, 3), Fish Base trên website http://www.fishbase.org, … gồm hệ thống phân loại đầy đủ của từng loài; tên đồng vật (synonym), tài liệu hoặc trang web tham khảo, tên tiếng Anh, tên địa phương, số mẫu nghiên cứu, địa điểm thu mẫu, mô tả (các chỉ số đo, đếm, đặc điểm về hình thái, màu sắc) về mẫu cá trưởng thành hoặc con non (nếu có), mẫu vật, phân bố, sinh học - sinh thái, giá trị sử dụng, ngư cụ khai thác, tình trạng, phân hạng, biện pháp bảo vệ, hình ảnh màu và đen trắng minh họa,… (xem phụ lục 6 trong đĩa CD- ROM).
Từ năm 2003 đến nay, chúng tôi đã thu được ở Nam Bộ 2.436 mẫu cá, với 264 loài cá nước ngọt, xếp trong 155 giống, 68 họ và 16 bộ. Có 21 loài có nguồn gốc từ nơi khác nhập cư đến, chiếm 7,95%. Có 125 loài đang bị giảm sút mạnh hoặc chưa tìm thấy, cần được bảo vệ, chiếm 47,35%. Có 8 loài trong Sách đỏ Việt Nam (2007), chiếm 3,03%. Về mức độ thường gặp, có 4 loài có độ thường gặp “rất nhiều” chiếm 1,52%, có 38 loài có độ thường gặp “nhiều” chiếm 14,39%, có 59 loài có độ thường gặp “ít” chiếm 22,35%, có 139 loài có độ thường gặp “rất ít” chiếm 52,65% và có 24 loài “không gặp” chiếm 9,09% (theo công thức của Nguyễn Hữu Dực và Tống Xuân Tám, 2008). Phân bố của các loài cá theo mùa như sau: mùa mưa có 222 loài chiếm 92,50%, mùa khô có 212 loài chiếm 88,33%. Phân bố của các loài cá theo môi trường nước: hệ sinh thái nước đứng thuộc môi trường nước ngọt có 124 loài chiếm 51,67%, hệ sinh thái nước chảy thuộc môi trường nước ngọt có 143 loài chiếm 59,58%; hệ sinh thái nước đứng thuộc môi trường nước lợ có 37 loài chiếm 15,42%, hệ sinh thái nước chảy thuộc môi trường nước lợ có 134 loài chiếm 55,83%. Phân bố các loài cá theo lưu vực sau như sau: thượng lưu có 159 loài chiếm 60,53%, trung lưu có 194 chiếm 73,48%, hạ lưu có 159 loài chiếm 60,53%.
Đây là một khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian và công sức để phân tích mẫu, đo đếm các chỉ số, mô tả thực, sưu tầm thêm, chắt lọc thông tin, tu chỉnh, biên tập từ các tài liệu in trên giấy, đĩa CD/DVD, trên các trang web khác nhau để đưa vào CSDL của từng loài cá.
3.2.3. Cơ sở dữ liệu cá dưới dạng hình ảnh
Từ những công trình nghiên cứu của chính tác giả và cộng sự từ năm 2003 đến nay, chúng tôi đã chụp hình màu được 240 loài cá ở Nam Bộ, 24 loài cá còn lại do không thu được mẫu nên chúng tôi lấy hình màu từ các trang web khác (xem phụ lục 7 trong đĩa CD-ROM). Chúng tôi đã biên tập, chỉnh sửa (nén dung lượng, cắt bỏ các chi tiết thừa, tinh chỉnh độ nét, chú thích,…) của 264 hình cá này.
Ngoài ra, chúng tôi đã scan từ các tài liệu hoặc download từ các trang web tổng cộng được 264 hình vẽ đen trắng để minh họa cho 264 loài cá khi xây dựng CSDL. Vì những hình màu tuy đẹp, phản ánh trung thực hình dạng và màu sắc của cá nhưng đôi khi có những chi tiết như râu, gai cứng các tia vây,… bị che khuất khi chụp hình, thì những hình vẽ này sẽ bổ sung cho các hình chụp trên để tiến hành đối chiếu, định loại mẫu vật thật được chính xác hơn. Khi sử dụng những hình này trong phần mềm, chúng tôi có ghi rõ từng địa chỉ trang web sử dụng cho mỗi hình cá (xem phụ lục 7 trong đĩa CD-ROM).
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ KẾT LUẬN
Chúng tôi đã xây dựng được phần mềm tra cứu định loại cá, đáp ứng đầy đủ mục tiêu và nội dung nghiên cứu của đề tài; bước đầu xây dựng được hệ thống phân loại và CSDL khá chi tiết cho 264 loài cá nước ngọt ở Nam Bộ, xếp trong 155 giống, 68 họ, 16 bộ và 7 liên bộ. Mỗi loài cá có kèm theo một hình chụp màu và hình vẽ đen trắng để minh họa.
KIẾN NGHỊ
Tiếp tục cập nhật, hoàn chỉnh CSDL của 264 loài cá đã nghiên cứu và xây dựng CSDL cho những những loài cá nước ngọt khác ở Nam Bộ chưa được đưa vào phần mềm.
Tiếp tục bổ sung những loài cá nước ngọt ở Nam Bộ vào hệ thống phân loại để hệ thống này ngày càng được hoàn chỉnh hơn.
Nghiên cứu bổ sung thêm những tính năng của phần mềm như cho phép người dùng truy cập CSDL không chỉ bằng tên gọi của các loài cá, mà có thể bằng các từ khóa được xây dựng từ những đặc điểm mô tả chính về hình thái của loài cá đó.
Chuyển cơ sở dữ liệu của các loài cá này từ hình thức truy cập trên CD-ROM và máy vi tính đơn lẻ lên hình thức truy cập qua mạng internet để phổ biến rộng rãi đến người dùng.