CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI
2.2. Thực trạng phát triển kinh tế trang trại ở huyện Phú Lộc trong thời gian qua
2.2.1. Số lượng và phân bố trang trại
Theo số liệu của phòng nông nghiệp huyện, đến nay Phú Lộc có 134 TT phân bố chủ yếu ở các xã (thị trấn): Lộc Bổn; Xuân Lộc; Vinh Giang, đa số TT là quy mô nhỏ. Hàng năm, các TT tạo nhiều việc làm thường xuyên, ngày công lao động thời vụ, đóng góp vào GDP của huyện. Việc phát triển nhanh cả số lượng lẫn chất lượng TT đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn của huyện.
Bảng 2.4: Số lượng và phân bố các trang trại toàn huyện năm 2010.
(ĐVT: Trang trại) Loại hình TT
Phân bố Rừng
thương mại
Chăn nuôi
Nuôi trồng thủy sản
Tổng hợp
Tổng cộng
Toàn huyện 51 14 55 14 134
Xã Lộc Bổn 18 1 1 6 26
Xã Lộc Sơn 2 3 2 7
Xã Xuân Lộc 11 1 12
Xã Lộc Hòa 3 2 2 7
Xã Lộc An 2 2 5 9
Xã Lộc Điền 1 7 1 9
Thị trấn Phú Lộc 2 2 2 1 7
Xã Lộc Trì 4 1 5
Xã Lộc Bình 5 1 6
Xã Lộc Thủy 2 1 1 4
Xã Lộc Tiến 3 3
Xã Lộc Vĩnh 2 2 4
Xã Vinh Giang 22 22
Xã Vinh Hưng 10 10
Xã Vinh Hiền 3 3
(Nguồn: Số liệu phòng Nông nghiệp huyện Phú Lộc năm 2010) 2.2.2. Các loại hình trang trại
Trên địa bàn huyện Phú Lộc hiện nay, các TT tồn tại và sản xuất dưới bốn loại hình: rừng, chăn nuôi, NTTS và tổng hợp.
Bảng 2.5: Quy mô, cơ cấu trang trại toàn huyện Phú Lộc
(ĐVT: Trang trại) Loại hình TT: Số lượng: Chiếm tỷ lệ:(%) Rừng
Chăn nuôi
Nuôi trồng thủy sản Tổng hợp
51 14 55 14
38 10,5 41 10,5
(Nguồn: Số liệu phòng Nông nghiệp huyện Phú Lộc năm 2010) 2.2.3 Quy mô, năng lực sản xuất của các chủ trang trại ở huyện
* Đặc điểm chung của chủ TT:
Ở Thừa Thiên Huế nói chung và Phú Lộc nói riêng TT mới hình thành trong thời gian chưa lâu, nhưng đã có những bước phát triển mạnh ở nhiều ngành và nhiều địa phương. Một số TT đã từ bỏ lối sản xuất nhỏ vươn tới sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, đồng thời tạo ra nhu cầu và đẩy nhanh tiến trình hợp tác kinh tế trong sản xuất nông nghiệp ở nông thôn. Nhiều chủ TT đã chủ động áp dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất như: kỹ thuật nuôi con giống thủy sản (tôm, cá, baba...); kỹ thuật chăn nuôi lợn hướng nạc, lợn rừng; gà công nghiệp; kỹ thuật sản xuất lúa giống cấp I, biết lựa chọn bố trí cây trồng vật nuôi hợp lý đạt hiệu quả kinh tế cao. Một số chủ TT có vốn lớn mua sắm trang thiết bị từng bước thực hiện cơ giới hóa quá trình vào sản xuất như: Ôtô, máy kéo, máy bơm, xây dựng chuồng trại, bể nuôi ươm và các trang thiết bị tiên tiến khác vào sản xuất nên năng suất và chất lượng sản phẩm vượt trội so với các hộ gia đình khác. Nhưng nhìn chung đa số các chủ TT của Phú Lộc có trình độ học vấn thấp, đại bộ phận chưa qua đào tạo nên lúng túng trước cơ chế thị trường, việc điều hành tổ chức sản xuất, kinh doanh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và sự nhiệt tình của chủ TT nên chất lượng sản xuất-kinh doanh TT chưa cao và thiếu bền vững. Các TT có quy mô nhỏ, vốn ít, chủ yếu là lao động gia đình chưa qua đào tạo, KH-KT còn kém phát triển, sản xuất còn phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, sản phẩm đầu ra có tính cạnh tranh còn thấp.
* Tình hình chung sử dụng lao động của các TT:
Lực lượng lao động trong các TT của huyện chủ yếu là chủ TT và các thành viên trong gia đình, đây là những người có quan hệ huyết thống, gần gũi như: cha mẹ, vợ chồng, anh em. Lao động được tổ chức gọn nhẹ, đơn giản, quản lý điều hành linh hoạt, dễ dàng và hiệu quả. Ngoài ra, để phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh, TT gia đình còn phải thuê mướn lao động bên ngoài nhất là vào thời vụ gieo trồng, thu hoạch. Quy mô thuê muớn lao động trong TT tùy thuộc vào quy mô sản xuất kinh doanh của TT. Có hai hình thức thuê mướn lao động trong các TT gia đình, đó là: thuê lao động thường xuyên và thuê lao động theo thời vụ. Theo thống kê của phòng Nông nghiệp Phú Lộc năm 2010, KTTT của huyện sử dụng hơn 1600 người lao động. Trong đó TT rừng là loại hình sử dụng nhiều lao động nhất với trung bình 20 người/ TT. Vì tính chất nặng nhọc của loại hình lao động này nên các chủ TT cần
huy động số lượng lớn lao động cho việc xới đất, chăm sóc và đặc biệt là thu hoạch rừng. Lao động được sử dụng ở đây chiếm 95% là lao động nam có sức khỏe tốt, sống và làm việc nhiều ngày trên rừng. Cũng như loại hình TT rừng thương mại, NTTS cũng là loại hình sử dụng nhiều lao động và đa số là lao động nam vì tính chất công việc khó khăn (nạo vét hồ nuôi, thu hoạch thủy sản,…). Đối với hai loại hình chăn nuôi và tổng hợp thì xu hướng sử dụng nữ nhiều hơn vì đây là công việc phù hợp với các lao động nữ. Nhìn chung thì các TT của huyện sử dụng lao động tương đối hiệu quả. Tùy vào điều kiện và tính chất công việc mà các chủ TT đã sử dụng lao động phù hợp đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Đa số các chủ trang trại đã biết sử dụng lao động và phân bố các nguồn lực một cách hợp lý. Đối với lao động chưa qua đào tạo nên sử dụng vào công đoạn như quét dọn chuồng trại, nạo vét ao hồ, đào đất, trồng rừng. Còn đối với lao động qua đào tạo sử dụng chủ yếu trong khâu kĩ thuật, việc đó phù hợp với thực trạng của huyện. Với mức lương bình quân khá cao cho một lao động thì phần nào đảm bảo được đời sống của người lao động, giúp họ lao động năng nổ, nhiệt tình hơn góp phần vào việc phát triển KTTT trên địa bàn huyện.
* Tình hình chung sử dụng đất đai của các TT.
Phú Lộc có 48178.27 ha đất nông nghiệp (đất sản xuất nông nghiệp là 7970.11 ha; đất lâm nghiệp 38785.79 ha; đất NTTS 1420.01 ha). Trong đó có khoảng 2951 ha là thuộc sở hữu của các TT trên địa bàn. Con số này nói lên các TT chiếm một diện tích khá lớn trong diện tích đất nông nghiệp của huyện. Việc sử dụng đất của các TT cũng có những đặc điểm khác nhau, tùy vào loại hình TT. Nếu như TT rừng chiếm diện tích đất lớn nhất thì các TT chăn nuôi lại chiếm diện tích nhỏ nhất vì vậy huyện đã căn cứ vào tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, hỗ trợ vốn, lãi suất vốn vay ngân hàng để giúp nông dân phát triển KTTT. Cơ chế, chính sách của Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh về khuyến khích phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm trên địa bàn đã và đang góp phần quan trọng thúc đẩy chăn nuôi phát triển.
Song bên cạnh đó, đất đai canh tác chưa được quan tâm đúng mức để có khả năng phục hồi sau thời gian sử dụng, nếu không quan tâm đúng mức thì nguy cơ hoang hóa đất đai sẽ là không hề nhỏ. Các TT có quỹ đất chủ yếu là đất khai hoang, đất trống đồi núi trọc, đất chuyển nhượng,... lại không khai báo hoàn toàn với chính quyền nên chính quyền gặp nhiều khó khăn trong vấn đề quản lý. Trong quá trình mở
rộng quỹ đất có một số TT khai thác, chặt phá cây cối mà không có quy hoạch cụ thể làm ảnh hưởng xấu đến môi trường và quy hoạch chung của huyện. Người dân tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khai thác đất, đá, cát, sỏi gây sạt lở và hủy hoại môi trường nghiêm trọng.
* Tình hình chung huy động vốn và sử dụng vốn của các TT.
+ Tình hình huy động vốn:
Để phát triển KTTT, mở rộng quy mô thì yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là vốn. Trên địa bàn huyện Phú Lộc hiện nay với sự quan tâm của Nhà nước và chính quyền địa phương, việc tiếp cận, huy động nguồn vốn của các TT đã có bước thuận lợi, dễ dàng hơn. Một số chủ TT đã tiếp cận được nguồn vốn vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, quỹ tín dụng nhân dân xã (phường), từ hội nông dân, hội phụ nữ và các tổ chức khuyến nông khác…với lãi suất ưu đãi, tuy không lớn nhưng đã đáp ứng được phần nào nhu cầu sản xuất và kinh doanh. Ngoài ra các TT ở huyện còn huy động nguồn vốn nhàn rỗi từ nhân dân, đây là nguồn vốn dễ tiếp cận hơn, ít phải thủ tục, giấy tờ nhưng lãi suất cao hơn và thời gian tương đối ngắn. Đây là điều kiện, tiền đề thuận lợi để các TT có nguồn vốn, đầu tư mở rộng sản xuất.
Trong những năm qua nhờ nguồn vốn trên các TT trong huyện đã phát triển mạnh mẽ, mở rộng quy mô ví dụ như các trang trại rừng ở Lộc Bổn, Xuân Lộc, TT NTTS ở Vinh Hiền, Vinh Giang, Lăng Cô. Tuy nhiên ở một số địa phương vì nhiều lí do các TT khó lòng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, thủ tục rườm rà, không có tài sản thế chấp nên làm lỡ quá trình tái đầu tư sản xuất, mở rộng quy mô của các TT. Nguồn vốn bên ngoài thì lãi suất cao làm các chủ TT không dám mạnh dạn vay vốn để sản xuất kinh doanh.
+ Tình hình sử dụng vốn:
Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay với ưu đãi nên nhiều TT đã sử dụng đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Nhưng làm thế nào để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay vẫn đang là bài toán khó đối với các chủ TT nói chung và các thành phần kinh tế khác nói riêng ở Việt Nam. Theo đà phát triển cả về số lượng và chất lượng của KTTT trên địa bàn huyện thì có thể khẳng định đa phần các TT đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay. Nhiều TT đã mạnh dạn mở rộng sản xuất, đầu tư KH-KT, cây trồng, vật nuôi…làm tăng quy mô TT, tạo nhiều việc làm cho người lao động trên
địa bàn, góp phần cải thiện đời sống của người dân và đóng góp vào tăng trưởng GDP của huyện. Điển hình là các TT trồng rừng ở Lộc Bổn cá biệt có các TT diện tích lên đến hàng trăm ha và nguồn vốn hàng chục tỷ đồng. Nhiều TT NTTS ở Vinh Hiền đã mở rộng diện tích nuôi trồng lớn, nuôi các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm chân trắng, tôm sú, lợi nhuận hàng năm hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, bên cạnh các TT đã thành công trong việc huy động và sử dụng nguồn vốn thì vẫn còn một số TT sử dụng chưa được hiệu quả. Nhiều TT chăn nuôi, NTTS vì tính chất mạo hiểm của nó nên các chủ TT không dám mở rộng quy mô sản xuất. Nguồn vốn vay được họ chỉ dùng để đầu tư con giống, thức ăn để tái sản xuất với quy mô cũ mà chưa mở rộng được quy mô, tăng khả năng sản xuất, nuôi trồng.
Tóm lại, việc huy động và sử dụng nguồn vốn ở huyện Phú Lộc còn nhiều bất cập cần được tháo gỡ, phần này sẽ được chúng tôi phân tích rõ trong phần cơ cấu lao động của các trang trại và cơ cấu trình độ của các trang trại của 30 TT điều tra và đưa ra các giải pháp, kiến nghị.