2.1. Những vấn đề chung về nhân vật
“Nói đến nhân vật văn học là nói đến con đường miêu tả, thể hiện trong tác phẩm bằng phương tiện văn học” [43; 277]. Nhân vật văn học là đối tượng để nhà văn khái quát, phân tích đời sống và tái hiện bằng các phương tiện đặc trưng của văn chương. Nói đến nhân vật văn học là nói đến : “khái niệm dùng để chỉ hiện tượng các cá thể con người trong tác phẩm văn học - cái đã được nhà văn nhận thức và tái tạo, thể hiện bằng các phương tiện riêng của nghệ thuật ngôn từ” [60; 73].
Xem xét vai trò của nhân vật đối với hình thức tác phẩm, trong cuốn Văn chương dẫn luận, G. N. Pospelov nhấn mạnh:
“Nhân vật là phương diện có tính thứ nhất trong hình thức tác phẩm. Nó quyết định phần lớn vừa cốt truyện, vừa lựa chọn chi tiết, vừa ngôn ngữ, vừa kết cấu” [xem 17].
Nhân vật là yếu tố vừa thuộc về nội dung vừa thuộc về hình thức tác phẩm.
Nhân vật là điều kiện thiết yếu để sự khám phá, sự đánh giá - lí giải, sự miêu tả mang tính nghệ thuật của tác giả về đời sống đạt đến tính toàn vẹn, có chiều sâu và có sức hấp dẫn riêng đối với độc giả. Có thể nói, yếu tố nhân vật chi phối mạnh mẽ đến sự thành công hay thất bại của tác phẩm.
Nhân vật văn học sẽ có nhiều chức năng tương ứng với nhiều vai trò khác nhau trong tác phẩm. Nhìn một cách tổng quát, các chức năng đó là:
Thứ nhất: miêu tả và khái quát các loại tính cách trong xã hội.
Thứ hai: là công cụ để nhà văn sáng tạo nên thế giới nghệ thuật của tác phẩm, là chiếc chìa khóa để nhà văn mở cánh cửa bước vào hiện thực đời sống vô cùng rộng lớn, đặt ra những vấn đề mới mẻ, sâu sắc.
Thứ ba: biểu hiện tư tưởng, quan niệm của nhà văn về con người và cuộc sống.
Thứ tư: quyết định hình thức tác phẩm, tạo nên mối liên kết giữa các yếu tố thuộc hình thức tác phẩm.
Xét một cách chung nhất nhân vật văn học là thành tố quan trọng trong tác phẩm, là phương tiện để nhà văn phản ánh đời sống và được nhà văn xây dựng bằng những yếu tố nghệ thuật độc đáo. Nghiên cứu về tác phẩm văn chương cần phải tiếp cận nhân vật để chỉ ra cái mới trong ngòi bút nhà văn và đưa ra kết luận về những đóng góp riêng của nhà văn đó.
Mỗi nhà văn thường có những nhân vật trung tâm, ở đó thể hiện rất rõ phong cách nhà văn, đồng thời thông qua nhân vật có thể tìm hiểu quan niệm của nhà văn về hiện thực đời sống đã được khái quát. Đến với truyện ngắn Bảo Ninh, nhân vật có vai trò vô cùng quan trọng, nhân vật là linh hồn của mỗi tác phẩm, là người phát ngôn cho tư tưởng nhà văn, thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người của tác giả. Việc tìm hiểu thế giới nhân vật trong truyện ngắn Bảo Ninh là việc làm vô cùng cần thiết.
2.2. Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Bảo Ninh 2.2.1. Loại nhân vật người lính
Chiến tranh chống Mỹ chiếm trọn hai mươi năm của thế kỷ. Con người Việt Nam phải chịu sự tác động ghê gớm của cuộc chiến tranh trường kỳ ấy. Tới nay hòa bình đã trở lại nhưng những dư âm của chiến tranh vẫn là nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với con người thời hậu chiến. Sức tác động của chiến tranh đến nhân cách con người cả trong chiến tranh và trong hòa bình vẫn là một chủ đề của văn học hôm nay. Bên cạnh các tác giả văn học khác, Bảo Ninh đã tái hiện lại chân dung của người lính trong và sau chiến tranh một cách độc đáo.
Truyện ngắn Bức tranh của Nguyễn Minh Châu ra đời năm 1976 được coi là tác phẩm mở đầu cho sự đổi mới lĩnh vực viết về chiến tranh. Trong tác phẩm này Nguyễn Minh Châu đã đem đến cho văn học một cách nhìn mới về con người, hình tượng người lính không còn mang vẻ đẹp của người anh hùng nhất phiến toàn diện nữa mà ở đó người lính trở về cuộc sống thường nhật với bao khó khăn vất vả.
Cũng viết về người lính và chiến tranh, truyện ngắn Hai người trở lại trung đoàn của Thái Bá Lợi khám phá theo lối tư duy mới, những người lính ở đây không thể hiện phẩm chất anh hùng trong chiến đấu mà chủ yếu được khám phá trong các quan hệ đời thường, đời tư. Đó là những con người không còn mang vẻ đẹp lý tưởng của văn học thời chiến mà là con người với lẫn lộn tốt xấu, trắng đen.
Người lính trong truyện ngắn Bảo Ninh được nhìn nhận trong cuộc sống với đầy biến động. Bảo Ninh đã đem đến cho người đọc những hình tượng người lính với giọng nói riêng, tính cách riêng. Mỗi con người một số phận, mỗi con người với niềm đau hạnh phúc riêng trong một cảm nhận về thực tại...Tất cả họ hiện lên trang giấy như là nỗi ám ảnh về một quá khứ đầy đau thương nhưng rất đỗi anh hùng.
Người lính trong truyện ngắn Bảo ninh hiện lên với những mất mát, đau thương; những nhân vật tự thú, sám hối và kiểu nhân vật lạc thời.
2.2.1.1. Nhân vật người lính chịu nhiều mất mát, thiệt thòi
Đọc truyện ngắn Bảo Ninh, người đọc luôn nhận ra bất hạnh khác nhau của từng nhân vật. Trước hết đó là những nỗi đau, mất mát của người lính trong chiến tranh.
Mộc trong truyện ngắn Trại “bảy chú lùn” hy sinh cả thời tuổi trẻ của mình vì nhiệm vụ của người lính hậu cần. Bản thân Mộc cũng gánh chịu nhiều bất hạnh: mẹ chết , em trai chết. Phải đến 18 năm sau Mộc mới về thăm quê.
Chiến tranh, những hy sinh mất mát của cá nhân là nhiều vô kể. Bên cạnh Mộc, Y Nua cũng là một người lính được khắc họa với nỗi đau thương mất mát.
Trong chiến tranh Mộc không phải là người lính chiến, mới chớm chân qua biên giới anh đã bị sốt rét ác tính, đơn vị gửi anh về lán anh Nua - một trong những cơ sở hậu cần đầu tiên ở chiến trường B3. Cùng với năm đồng chí khác, Mộc đã được anh Nua một mình nuôi dưỡng. Thế nhưng như một định mệnh đã được định sẵn, buổi chiều trước hôm Mộc và các đồng chí rời trạm thì anh Nua chết ngoài nương "chôn Nua xong, không ai bảo ai "họ" đồng lòng ở lại cánh rừng này tiếp tục vụ rẫy mà anh Nua đang làm dở, cứ hết mùa rẫy này rồi đến mùa rẫy khác, cứ thế, cứ thế mãi...” Miêu tả cái chết của anh Nua, sự thủy chung tình nguyện ở lại của anh em, Bảo Ninh đã làm sáng lên nhân cách của người lính hậu cần. Nhân cách được định hình trong chiến tranh.
Bên cạnh Mộc, Y Nua, Trại “bảy chú lùn” còn xây dựng rất nhiều cái chết đau thương khác, đó là những người đồng đội của Mộc. Họ chết không chỉ bởi hòn tên mũi đạn của giặc Mỹ mà chết bởi những cơn sốt rừng, bởi những thân cây lớn đằn ngang người, những cái chết y hệt nhau. Lần lượt từng người một Mộc phải từ giã họ, Mộc nói: "chết vậy khổ lắm, hệt như nhau, các anh ấy lên cơn sốt lúc đang phát rẫy. Cây gẫy, chuyển răng rắc, nhưng mắt hoa, chân tay run giật, đáng lẽ tránh sang trái lại bước sang phải. Mà khi chưa tắt thở thì không thể nhấc cây lên được... cằm run bần bật, răng cắn nát môi, tóc bết vào trán và máu thì không rỉ một giọt, mắt tím thâm và tỉnh táo, chịu trọn cái đau cho đến lúc chết. Mọi người xúm quanh bất lực". Cái đau đớn của người chết và
cái đau đớn của người chứng kiến không có gì khác nhau. Tất cả những điều đó tạo thành bi kịch.
Xây dựng kiểu người như Mộc, nhà văn còn xoáy sâu vào nỗi đau lẩn khuất trong tâm hồn của mỗi người lính. Anh đã yêu mà không dám thổ lộ, anh cay đắng nhìn người mình yêu (Nga) sinh con cho người khác... rồi lại thương yêu đứa trẻ như con mình. Đây chính là bi kịch tình yêu trong đời của Mộc. Anh là mẫu người chỉ yêu một lần trong đời. Bi kịch của Mộc cũng là bi kịch của nhiều người lính, là bi kịch yêu thương mà không được đền đáp, khát khao một mái ấm gia đình nhưng điều đó lại vượt quá tầm tay. Người lính đã hy sinh tất cả tất cả cho cuộc sống, hạnh phúc của mọi người nhưng cái mà họ nhận lại có khi chỉ là những khổ đau, mất mát, những cay đắng, xót xa. Và ở truyện ngắn Trại
"bảy chú lùn" không chỉ mình Mộc âm thầm đau đớn vì tình yêu mà còn có Huy, có Nga. Khi miêu tả số phận như Mộc, Bảo Ninh nhằm lý giải một điều:
chiến tranh làm cho con người biết hy sinh và bi kịch do chiến tranh đem lại là điều khó tránh khỏi.
Cùng có nỗi đau như Mộc nhân vật "tôi" trong truyện Bí ẩn của làn nước không thể quên được điều bí ẩn của riêng mình. Năm tháng trôi qua, thời gian như dòng sông trôi chảy, chiến tranh là nguyên cớ của mọi nỗi đau, và với nhân vật "tôi", đó là nỗi đau không thể nói nên lời, nó ở trong tận cùng tim anh, trong sự mất mát vô bờ - trong định mệnh oái oăm. Bảo Ninh đã chớp lấy một khoảng khắc đau buồn do chiến tranh gây ra, tạo nên một tình huống đầy kịch tính: đó là trong cơn hoạn nạn của "đại hồng thủy", nhân vật "tôi" không thể cứu được vợ con mình mà cứu đứa con của người khác. Thật chua xót khi mọi người lầm tưởng đứa con gái anh cứu được là con anh. Không ai biết, chỉ có anh và dòng nước biết, sự nhầm lẫn của số phận và nỗi bi kịch âm thầm chảy trong mạch
huyết của anh: "Thời gian, năm tháng cứ trôi, dòng sông và lịch sử, tất cả đểu đổi thay nhưng mà niềm đau của đời tôi thì khôn nguôi bởi ấy là một niềm đau không thể nói nên lời".
Thể hiện rõ nhất cho những bi kịch của người lính trong chiến tranh phải kể đến bi kịch của tình yêu. Cùng với bi kịch tình yêu của Mộc trong Trại “bảy chú lùn”, Bảo Ninh cũng chú tâm xây dựng rất nhiều bi kịch tình yêu khác trong cuộc sống của người lính trong chiến tranh. Ít viết về nỗi đau, sự li biệt là đặc trưng của truyện ngắn cách mạng, còn ở truyện ngắn Bảo Ninh, tác giả muốn thể hiện hoàn cảnh của chiến tranh là hoàn cảnh đã khiến cho tình yêu lứa đôi không được vẹn tròn. Các truyện ngắn hầu hết viết về nỗi bi thương, đau khổ của tình yêu trong hoàn cảnh chiến tranh. Rửa tay gác kiếm là nỗi xót xa của người chồng bị phụ bạc, Bí ẩn của dòng nước là nỗi chua chát về một định mệnh oái oăm, Thời tiết của ký ức là sự khắc khoải về năm tháng không được sống cùng nhau của Phúc và Quỳnh... Mỗi câu chuyện thể hiện một bi kịch tình yêu khác nhau. Thường khi nói đến tình yêu, người ta thường nghĩ đến một vẻ đẹp lãng mạn, thơ mộng. Thế nhưng hầu hết truyện ngắn Bảo Ninh chỉ có một nỗi buồn, tất cả bi kịch ấy đều là bi kịch mà chiến tranh gây ra đối với người lính.
Có thể thấy rõ bi kịch tình yêu của người lính qua truyện Hà Nội lúc không giờ. Đó là một câu chuyện của người lính thời hậu chiến khi trở về với căn nhà cũ, anh là: "người bộ hành đang dạo bước canh khuya, lặng lẽ rẽ khỏi đời thực, âm thầm đi lẫn vào sự vật xưa kia" anh trở về với không gian sinh hoạt ở căn nhà số bốn, nơi đó ghi dấu ấn của đêm Hà Nội lúc không giờ, nơi có những đứa trẻ nghèo vui chung nhau đón tết, chúng lớn lên và chứng kiến tình yêu của anh Trung, chị Giang và Pét xồm. Chiến tranh tất cả mọi người phải lên đường chiến đấu, chiến tranh khiến cho những đứa trẻ nơi căn nhà số bốn phải xa cách nhau. Trong ngày lễ tiễn tân binh, lũ trẻ con đã ngậm ngùi trước những giọt nước
mắt của chị Giang khi tiễn anh Trung lên đường nhập ngũ. Không gian sinh hoạt đó khép lại, thời thơ ấu của bọn trẻ vĩnh viễn ra đi . Nhưng chính từ nơi đó bao tình yêu đã nảy nở, có tình yêu của anh Trung đối với chị Giang, của Pets xồm đối với chị Giang và của cả thằng bé mười ba tuổi đối với chị Giang. "Gần trọn đời trai trẻ của tôi không hề được hưởng tình yêu... tình cảm dành trọn cho đồng đội" nhưng đằng sau thực tại nhân vật tôi đã nghĩ về chị Giang, tưởng tượng ôm chị ấy trong vòng tay để chạm vào đôi môi của chị, hít thở hương thơm của làn da và mái tóc chị. Có thể thấy chiến tranh đã biến tình yêu lứa đôi thành bi kịch, sau này nhân vật tôi đã hiểu ra rằng: "những tội lỗi trong mơ ngày đó chính là hình bóng của mối tình đầu". Có điều gì đó xót xa trong tâm hồn người lính thời hậu chiến - phải chăng là sự thấu hiểu về thân phận tình yêu trong chiến tranh:
"qua hết những năm vị thành niên cho đến ngày nhập ngũ, trải sáu năm chiến trường chẳng từng được gần gũi một người con gái nào".
Khi viết về chiến tranh, Bảo Ninh quan tâm đến những đau thương, mất mát của con người từ những nỗi đau thể xác đến nỗi đau tâm hồn. Điều mà những nhân vật của họ mong đợi là hết chiến tranh, nhưng liệu có phải sau chiến tranh họ sẽ trở lại cuộc sỗng bình thường, hòa bình có đồng nghĩa với hạnh phúc.
Xây dựng nhân vật với những đau thương, mất mát không chỉ ở trong cuộc chiến mà cả những di chấn ở thời bình, Bảo Ninh đã góp phần lý giải cho câu hỏi đó.
Âm thầm với nỗi đau từ hơn hai mươi năm trước, Mộc trong truyện ngắn Trại "bảy chú lùn" làm bạn với cánh rừng già, quên cuộc sống đã hòa bình từ lâu. Anh không ra khỏi khu rừng gắn với anh một thời bom lửa. Với anh cũng như những đồng đội của anh gửi tuổi trẻ cho chiến tranh, chờ đợi hết chiến tranh, nhưng khi chiến tranh kết thúc, bước hòa bình, anh ngỡ ngàng, cô độc, người thân chẳng còn ai, không có gia đình. Mọi sự với người đàn ông như Mộc thế là dở dang. Mộc mất thăng bằng trước cuộc sống hòa bình. Anh không thích nghi
với cuộc sống ngoài khu rừng già, hết chiến tranh anh vẫn ở lại với cánh rừng bốn bề vắng lặng, một mình cô đơn. Theo như lời của Mộc, anh cô đơn bởi chịu sự trừng phạt của số phận vì anh vào chiến trường mà không biết thằng Mỹ mồm ngang mũi dọc ra sao? anh đã ở nơi đây những hơn hai mươi năm cũng day dứt bởi điều đó.
Câu nói của anh với người đưa thư: "họa chăng có ông trời muốn biên thư cho tôi" là một câu nói đùa nhưng thực sự pha lẫn chua xót. Mộc hiểu rõ sự liên hệ của anh với mọi người là không có, trước đây anh có đồng đội nhưng không ai sống sót qua nổi chiến tranh. Những đau khổ tích tụ lại khiến Mộc không thể rời được chốn ấy, dù trong thời chiến anh đã luôn luôn sống trong hy vọng, trong thấp thỏm: hy vọng một ngày hết chiến tranh.
Cũng như Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh, Khương trong Rửa tay gác kiếm không thể nào thoát khỏi những di chấn của chiến tranh. Ban ngày khương hoàn toàn bình thường nhưng cứ đến nửa đêm anh lại “nghiến răng, nói mớ và rên rỉ”. Những đau đớn của Khương là đau đớn của giấc mơ. Trong mơ, Khương thấy lại “cảm giác đau của những lần bị thương trước đây”. Vết thương chiến tranh ấy chỉ xuất hiện ở trong thời bình. Không phải chỉ có Khương mới mắc căn bệnh đó mà hầu hết những người lính trong khu nghỉ dưỡng đều ít nhiều mang những di chấn của chiến tranh. Bảo Ninh viết: "Tú chẳng hạn, luôn sống lại với trái bom CBU ném xuống rừng cao su Xuân Lộc. Hầm sập và Tú ú ớ ngạt thở, thấy mình bị chôn sống. Còn tôi, tôi mơ thấy mưa thuốc độc, mơ thấy những rừng già trên bờ Ngọc Bờ Chiêng bị bọn Mỹ biến thành đại ngàn củi khô". Nỗi khiếp sợ súng đạn chiến tranh của những người lính đã biến thành những giấc mơ hãi hùng trong thời hậu chiến.