Đặc điểm bệnh lý và lâm sàng của bệnh

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ bệnh tiên mao trùng (Trypanosomiasis) ở trâu tại huyện Yên Sơn tỉnh Tuyên Quang và thử nghiệm phác đồ điều trị (Trang 23 - 27)

2.1. Cơ sở khoa học của đề tài

2.1.3. Đặc điểm bệnh lý và lâm sàng của bệnh

Khi ruồi trâu, mòng đốt, hút máu và truyền tiên mao trùng vào trâu, bò, ngựa, tiên mao trùng xâm nhập vào da, gây ra vết viêm trên mặt da.

Theo dõi có thể quan sát được phản ứng viêm ở da của thỏ, cừu, dê và bò gây nhiễm thực nghiệm tiên mao trùng, kích thước chỗ viêm phụ thuộc vào số lượng tiên mao trùng được tiêm truyền (ước chừng khoảng 108 tiên mao trùng có thể gây viêm da - ở vị trí tiêm truyền), một số lượng lớn tiên mao trùng phát triển ở tại chỗ viêm này.

Vào máu, tiên mao trùng nhân lên theo cấp số nhân ở trong máu, trong bạch huyết và ở trong các mô khác của cơ thể vật chủ theo cách phân chia theo chiều dọc. Số lượng tiên mao trùng trong máu không phải lúc nào cũng như nhau. Mật độ tiên mao trùng thay đổi theo ngày. Biểu đồ sóng tiên mao trùng cho thấy, xen kẽ giữa những sóng tiên mao trùng mạnh là những đợt sóng yếu. Mỗi đợt sóng tiên mao trùng bắt đầu bằng sự tăng số

lượng tiên mao trùng trong máu, sau đó giảm và khó phát hiện thấy tiên mao trùng. Mỗi đợt tiên mao trùng tăng lên trong máu là biểu hiện sự xuất hiện một quần thể tiên mao trùng có tính kháng nguyên bề mặt mới, quần thể này có thể tiếp tục sinh sản và tồn tại một thời gian cho đến khi cơ thể xuất hiện kháng thể đặc hiệu với chúng.

Tiên mao trùng phát triển nhanh trong máu, tiêu thụ Glucose và các chất đạm, chất béo và khoáng chất trong máu ký chủ bằng phương thức thẩm thấu qua bề mặt cơ thể để duy trì hoạt động và sinh sản. Ở súc vật bị bệnh, trong 1 ml máu có thể có 10.000 - 30.000 tiên mao trùng. Với số lượng nhiều như vậy, tiên mao trùng chiếm đoạt dinh dưỡng nhiều, làm cho súc vật bệnh gây còm, thiếu máu và mất dần khả năng sản xuất sữa, thịt, mất dần khả năng sinh sản và giảm sức đề kháng với các bệnh khác (Phạm Sỹ Lăng, Tô Long Thành, 2006) [10].

Sống trong máu vật chủ, tiên mao trùng còn tạo ra độc tố Trypanotoxin, độc tố này gồm: độc tố do tiên mao trùng tiết ra qua màng thân trong quá trình sống và độc tố do xác chết của tiên mao trùng phân huỷ trong máu sau 15 - 30 ngày. Độc tố của tiên mao trùng tác động lên hệ thần kinh trung ương làm rối loạn trung khu điều hoà thân nhiệt, gây sốt cao và gián đoạn (lúc sốt, lúc hết sốt xen kẽ nhau). Khi sốt thường có rối loạn về thần kinh (kêu rống, run rẩy, ngã vật xuống). Độc tố cũng phá huỷ hồng cầu, ức chế cơ quan tạo máu làm cho vật chủ thiếu máu và suy nhược dần. Độc tố còn tác động tới bộ máy tiêu hoá, gây rối loạn tiêu hoá, làm con vật ỉa chảy. Hội chứng tiêu chảy thường xảy ra khi xuất hiện tiên mao trùng trong máu con vật bệnh.

Khi tăng lên với số lượng lớn trong máu, tiên mao trùng còn làm tắc các mao mạch, làm tăng tính thấm thành mạch, dần dần tạo ra các ổ thuỷ thũng chất keo vàng dưới da.

2.1.3.2. Triệu chứng lâm sàng của bệnh tiên mao trùng ở trâu

Trâu bị bệnh thể hiện các triệu chứng lâm sàng chủ yếu như sau:

- Sốt cao và gián đoạn: sau 14 - 30 ngày bị ruồi, mòng hút máu truyền tiên mao trùng, trâu bò thường đột ngột lên cơn sốt (40 - 41,70C) kéo dài 2 - 4 ngày rồi giảm, thời gian sau nhiệt độ lại tăng lên. Thời gian gián đoạn giữa hai cơn sốt dài hay ngắn tuỳ theo thể trọng con vật. Khi sốt, kiểm tra máu thường thấy tiên mao trùng.

- Hội chứng thần kinh: ở một số trâu, bò khi lên cơn sốt còn thể hiện hội chứng thần kinh như điên loạn, mắt đỏ ngầu, húc đầu vào tường, chạy vòng quanh kêu rống lên. Trường hợp nhẹ thấy run rẩy từng cơn, mắt trợn ngược rồi đổ ngã vật xuống, sùi bọt mép giống như trâu bị cảm nắng. Sau 20 - 30 phút con vật lại đứng dậy đi lại được. Những trâu bò mắc bệnh có triệu chứng lâm sàng như trên thường là mắc bệnh ở thể cấp tính.

Trâu, bò bị bệnh mạn tính thường kéo dài, cơ thể suy yếu, liệt hai chân sau, nằm tư thế quỳ và không đi lại được. Mặc dù nằm liệt nhưng vẫn ăn và nhai lại cho đến khi sắp chết.

- Phù thũng dưới da: phù thũng thường thấy ở vùng thấp của cơ thể như ở bốn chân (từ khớp khuỷu trở xuống), phần yếm, ngực, bộ phận sinh dục.

- Viêm giác mạc và kết mạc mắt: triệu chứng này thấy ở hầu hết trâu, bò bệnh. Mắt có dử trắng hay vàng, chảy liên tục, nếu nặng thì mắt sưng đỏ ngầu. Khi khỏi bệnh, mắt có màng trắng (củi nhãn) kéo che kín giác mạc.

- Hội chứng tiêu hoá: một số trâu, bò bệnh bị ỉa chảy nặng, phân lỏng, màu vàng, sau chuyển màu xám, có lẫn bọt và chất nhầy. Các đợt ỉa chảy tiếp theo những cơn sốt cách quãng. Ỉa chảy trong bệnh tiên mao trùng thường dai dẳng và con vật vẫn ăn được.

- Gầy yếu, suy nhược: ở thể bệnh cấp tính trâu, bò gầy sút nhanh, chỉ sau 7 – 14 ngày từ khi phát bệnh con vật đã gầy rộc, mắt trũng sâu. Nếu

bệnh kéo dài thì con vật gầy xơ xác, lông dựng ngược, da khô nhăn nheo, niêm mạc mắt nhợt nhạt, lông dễ rụng, dần dần suy nhược cơ thể nặng, mất khả năng cày kéo và sinh sản. Nếu gặp điều kiện bất lợi như thiếu ăn, rét mướt thì trâu, bò dễ chết. Trong thực tế, có khoảng 3% trâu bệnh ở thể ẩn vẫn béo khoẻ, làm việc bình thường khi được chăm sóc nuôi dưỡng tốt.

Tình trạng thiếu máu thể hiện rõ trong bệnh do T. evansi gây ra. Theo Silva Rams và cs (1995), Smith R. D. (1995), số lượng hồng cầu và hàm lượng huyết sắc tố giảm, số lượng bạch cầu tăng, thành phần bạch cầu thay đổi: bạch cầu lympho, bạch cầu ái toan tăng nhưng bạch cầu trung tính giảm, protein tổng số và Albumin giảm rõ rệt.

Phạm Sỹ Lăng (1986) [9] cho biết, khi protein tổng số và Albumin giảm thì các thành phần α, β và γglobulin đều tăng, chỉ số A/G < 0,5.

Theo nhiều tác giả trong và ngoài nước, triệu chứng tương đối điển hình của bệnh, đó là hiện tượng gia súc bị sảy thai có nhiều T. evansi. Ở Việt Nam tác giả Bùi Quốc Huy (1998) [10] xác nhận một ổ dịch trâu Murrah (Cúc Phương – Ninh Bình) sảy thai có tiên mao trùng trong máu.

Theo Nguyễn Đăng Khải (1995) [7] lần đầu tiên những ca sảy thai do tiên mao trùng đã được chẩn đoán và ghi nhận trên đàn trâu Murrah nuôi tại trung tâm Phùng Thượng. Tổng số có 28 con bị sảy thai chiếm 46,6% số trâu chưa đẻ. Qua xét nghiệm toàn đàn 34/78 trâu dương tính với T. evansi sau khi đã loại trừ BrucellaLeptospira. Tác giả còn cho biết, tháng 1/1991 tại huyện Mường Khương bệnh tiên mao trùng đã làm chết 26 con trâu và sảy thai 60 con trâu.

2.1.3.3. Bệnh tích của bệnh tiên mao trùng

Trâu bị bệnh tiên mao trùng khi chết gầy xơ xác, mổ khám thấy có những biến đổi bệnh tích đại thể rõ rệt ở hệ tuần hoàn và hô hấp: tim nhão, xoang bao tim tích nước vàng; phổi xung huyết và tụ máu từng đám nhỏ;

gan sưng to, nhạt màu; lách sưng, mềm nhũn và nhạt màu; hạch lâm ba sưng

và có tụ máu trong hạch; cơ nhão, màu nhợt nhạt, nhát cắt rỉ nước; xoang ngực và xoang bụng tích dịch màu vàng nhạt; có những đám keo nhầy vàng dưới vùng da thuỷ thũng.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ bệnh tiên mao trùng (Trypanosomiasis) ở trâu tại huyện Yên Sơn tỉnh Tuyên Quang và thử nghiệm phác đồ điều trị (Trang 23 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(67 trang)