Tỷ lệ một số yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường và liên quan của một số yếu tố nguy cơ với rối loạn glucose máu

Một phần của tài liệu Nghiên cứu kiến thức, thái độ, thực hành và tỷ lệ rối loạn glucose máu tại hải hậu nam định 2010 (Trang 67 - 70)

Nhận xét về sự phân bố của các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường như BMI lớn (= 23), vòng bụng lớn (= 90 cm ở nam hoặc = 80 cm ở nữ), tỷ số vòng bụng - vòng mông lớn (= 0,95 ở nam hoặc = 0,85 ở nữ), tăng huyết áp, ít hoạt động thể lực, tiền sử gia đình liên quan đến đái tháo đường, tiền sử sản khoa liên quan đến đái tháo đường (đẻ con nặng trên 4000gr hoặc/và được chẩn đoán bị đái tháo đường thai kỳ), chúng tôi thấy rằng tần suất của hầu hết các yếu tố nguy cơ nêu trên là tương đối cao.

Tỷ lệ đối tượng tăng cân béo phì là 24,4%, trong đó tỷ lệ tăng cân là 14,9%, béo phì độ 1 là 9,1%, béo phì độ 2 là 0,4%; tỷ lệ đối tượng có số đo vòng bụng lớn là 26,1% (nữ chiếm đa số 21,3% còn nam 4,8%); tỷ lệ đối tượng có tỷ số vòng bụng - vòng mông lớn là 32,7% (nữ: 24,9%; nam: 7,8%);

tỷ lệ đối tượng bị tăng huyết áp là 12,1%, tiền tăng huyết áp 24,2%; tỷ lệ đối tượng có hoạt động thể lực không đủ là 48,1%; tỷ lệ đối tượng có tiền sử gia đình liên quan đến đái tháo đường là 6,9%; tỷ lệ đối tượng nữ có tiền sử sản khoa liên quan đến đái tháo đường là 19,9%. Theo Tạ Văn Bình, Hoàng Kim Ước và cộng sự (2002) thì tỷ lệ tăng cân béo phì khu vực đồng bằng và khu vực các thành phố tương ứng là 20,2% và 32,8%; tỷ lệ đối tượng có số đo vòng bụng lớn là 9,9% và 23,0%; tỷ lệ đối tượng có tiền sử gia đình bị đái tháo đường là 3,6% và 4,1%; tỷ lệ đối tượng nữ có tiền sử sản khoa là 5,9%

và 7,7%; tỷ lệ đối tượng bị tăng huyết áp là 21,0% và 21,1%; tỷ lệ đối tượng có hoạt động thể lực không đủ là 6,9% và 23,1%. So sánh với kết quả nghiên cứu toàn quốc năm 2002 có thể thấy phân bố các yếu tố nguy cơ ở các đối tượng trong nghiên cứu của chúng tôi là tương đối cao. Điều này có thể giải thích phần nào cho câu trả lời tại sao tỷ lệ bệnh đái tháo đường và tiền đái tháo đường cao tại Huyện Hải Hậu.

Sự khác biệt về phân bố của các yếu tố nguy cơ theo giới nói chung là có liên quan. Các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh đái tháo đường chủ yếu phổ biến chủ yếu ở nữ giới, ngoại trừ các yếu tố nguy cơ là tăng huyết áp và tiền sử gia đình có liên quan đến đái tháo đường là sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê theo giới tính (giá trị p >0,05), các yếu tố nguy cơ khác như hoạt động thể lực không đủ, BMI lớn, vòng bụng lớn, tỷ số vòng bụng - vòng mông là các yếu tố nguy cơ phổ biến chủ yếu ở nữ giới so với nam giới (giá trị p tương ứng của yếu tố ít hoạt động thể lực là 0,015, các giá trị p khác đều < 0,005). Kết quả này cũng rất phù hợp với một số tác giả nước ngoài như Basit A, Hydrie MZ, Ahmed K, Hakeem R (2002)[36]; Birkeland KI, Claudi T, Hansteen V, Hansen KE, Hjermann I, Jenssen T, Jervell J, Os I (2000) [38]; Burke JP tại Mexico năm 2001 [66]

Mối liên quan giữa phân bố của các yếu tố nguy cơ mắc đái tháo đường theo tuổi nói chung là có, nhưng không hoàn toàn. Không thấy có sự khác biệt về tiền sử gia đình liên quan đến bệnh đái tháo đường giữa các nhóm tuổi (p<0,05); có sự khác biệt rất rõ rệt về tỷ lệ tăng huyết áp giữa các nhóm tuổi, tuổi của các đối tượng nghiên cứu càng cao thì nguy cơ mắc tăng huyết áp càng cao (p = 0,001); xu hướng khác biệt tương tự nhưng ở mức độ yếu hơn là tình trạng hoạt động thể lực (p = 0,018); các yếu tố nguy cơ khác như BMI, vòng bụng, tỷ số vòng bụng - vòng mông cũng có sự khác biệt giữa các nhóm tuổi, xu hướng nói chung là phân bố của các yếu tố nguy cơ này tăng dần theo nhóm tuổi và đạt mức cao nhất ở nhóm tuổi 45-54 tuổi, sau đó giảm dần nhưng vẫn ở mức cao hơn so với nhóm tuổi thấp của nghiên cứu (p < 0,001).

Phân bố tăng dần của các yếu tố nguy cơ nói chung theo tuổi, đặc biệt phân bố cao nhất của một số yếu tố nguy cơ (BMI lớn, vòng bụng lớn, tỷ số vòng bụng - vòng mông lớn) ở nhóm đối tượng 45-54 tuổi giải thích tỷ lệ mắc đái

tháo đường, tiền đái tháo đường tăng dần theo tuổi và đặc biệt tỷ lệ tăng cao ở nhóm đối tượng 55-64 tuổi.

Như chúng tôi đã đề cập tại phần trên, do thiết kế của nghiên cứu này là nghiên cứu mô tả vì vậy việc đánh giá mối tương quan giữa một số yếu tố nguy cơ gây bệnh với bệnh nghiên cứu có phần nào hạn chế và mục tiêu của nghiên cứu chủ yếu mô tả KAP của người dân và xác định tỷ lệ ĐTĐ và tiền ĐTĐ tại địa phương. Tuy nhiên, do các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu phân tích trên thế giới vì vậy trong nghiên cứu này chúng tôi không cố gắng chứng minh các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường mà chỉ đo lường mức độ liên quan của một yếu tố nguy cơ này với bệnh để góp phần dự đoán và xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh đái tháo đường týp 2 cho phù hợp.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu kiến thức, thái độ, thực hành và tỷ lệ rối loạn glucose máu tại hải hậu nam định 2010 (Trang 67 - 70)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(83 trang)
w