Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN NÂNG CAO
1.1. Các sư đoàn bộ binh và đội ngũ chính trị viên ở các sư đoàn bộ binh Quân đội nhân dân Việt Nam
1.1.1. Các sư đoàn bộ binh Quân đội nhân dân Việt Nam
Các SĐBB là lực lượng chiến đấu chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sự vững mạnh của SĐBB là một yếu tố cơ bản, có ý nghĩa quyết định tạo nên chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội. Các SĐBB thường đảm nhận nhiệm vụ tiến công hoặc phòng ngự độc lập trên một hướng của quân khu, quân đoàn hay trong đội hình chiến dịch của cấp trên, lực lượng nòng cốt trong chiến tranh nhân dân, tham gia bảo vệ an ninh trật tự, làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam định nghĩa: "Sư đoàn bộ binh Quân đội nhân dân Việt Nam thuộc quân chủng lục quân, thường gồm 3-4 trung đoàn bộ binh, và một số đơn vị trực thuộc, được trang bị gọn nhẹ, có thể cơ động và tác chiến trên nhiều loại địa hình khác nhau (rừng núi, đồng bằng, trung du...) có khả năng tác chiến hiệp đồng quân binh chủng trong đội hình cấp trên hoặc độc lập, thuộc biên chế của quân khu, quân đoàn hoặc trực thuộc BQP'', [128].
* Tổ chức biên chế của SĐBB Quân đội nhân dân Việt Nam.
Theo quy định, tổ chức biên chế của SĐBB đủ quân gồm: Ban chỉ huy sư đoàn; 4 cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, Kỹ thuật; 3 trung đoàn bộ binh đủ quân; 7 tiểu đoàn binh chủng kỹ thuật bảo đảm và các đại đội trực thuộc trinh sát, cảnh vệ, sửa chữa, kho kỹ thuật. Hiện nay toàn quân có 11 SĐBB đủ quân, 9 SĐBB có một trung đoàn bộ binh đủ quân, 12 SĐBB khung thường trực và dự bị động viên thuộc các quân khu, quân đoàn.
Hệ thống chỉ huy bao gồm 6 cấp: sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội, trung đội và tiểu đội. Hệ thống tổ chức đảng gồm: đảng bộ sư đoàn là đảng bộ
cấp trên trực tiếp cơ sở, đảng bộ trung đoàn, đảng bộ tiểu đoàn trực thuộc sư đoàn là đảng bộ cơ sở, đảng bộ tiểu đoàn thuộc trung đoàn là đảng bộ bộ phận và các chi bộ đại đội. Tổ chức cơ sở đoàn được thành lập ở các trung đoàn và các tiểu đoàn trực thuộc sư đoàn, liên chi đoàn ở các tiểu đoàn trực thuộc trung đoàn và chi đoàn ở các đại đội. Hội đồng quân nhân được tổ chức ở cấp đại đội và tương đương. Hội phụ nữ, công đoàn quốc phòng được thành lập và kiện toàn theo yêu cầu tổ chức biên chế, nhiệm vụ chính trị và đặc điểm của các đơn vị.
* Chức năng, nhiệm vụ của SĐBB Quân đội nhân dân Việt Nam Chức năng:
Quân đội nhân dân Việt Nam có các chức năng chiến đấu, công tác, lao động sản xuất [127, tr.112]. Là một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam, các SĐBB có đầy đủ các chức năng của quân đội. Thực hiện tốt các chức năng là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng và các tổ chức, các lực lượng ở các SĐBB.
Các SĐBB có các nhiệm vụ chủ yếu sau:
Thứ nhất, HL, SSCĐ nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của sư đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
HL,SSCĐ nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu là nhiệm vụ chính trị trung tâm đảm bảo cho các SĐBB sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu chống kẻ thù xâm lược bên ngoài và “DBHB”, bạo loạn lật đổ, khủng bố của các thế lực phản động bên trong bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. V.I Lênin chỉ rõ: “Một đội quân giỏi nhất, những người trung thành nhất với sự nghiệp cách mạng cũng đều sẽ lập tức bị kẻ thù tiêu diệt, nếu họ không được vũ trang, tiếp tế lương thực và huấn luyện đầy đủ” [139,Tr.497].
Trong HL,SSCĐ, các SĐBB phải tuân thủ chỉ lệnh, nội dung quy định của cấp trên, vận dụng phù hợp với điều kiện cụ thể nhằm làm cho mọi quân nhân quán triệt đầy đủ quan điểm, tư tưởng quân sự của Đảng, tư tưởng chỉ đạo, phương thức tác chiến trong giai đoạn mới, bảo đảm hoàn thành tốt
nhiệm vụ trong mọi tình huống. Hoạt động HL,SSCĐ của các SĐBB là quá trình làm công tác chuẩn bị về con người, tổ chức, vũ khí, trang bị, phương án quân sự và các mặt bảo đảm khác, để khi tình huống xảy ra sư đoàn luôn chủ động, không bị bất ngờ, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hoạt động HL,SSCĐ của các SĐBB phải bảo đảm đối phó hiệu quả với mọi hình thức, quy mô, tính chất loại hình chiến đấu mà địch có thể gây ra, cả vũ trang, phi vũ trang và sự kết hợp giữa các hình thức đó.
SSCĐ của các SĐBB không chỉ sẵn sàng về con người, vũ khí, trang bị, tư thế tác phong, chấp hành kỷ luật, chế độ quy định, mà còn là sự kiên định về chính trị, lập trường tư tưởng, sự nhận thức tình hình, sẵn sàng chuyển sang trạng thái chiến đấu, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, sẵn sàng nhận và hoàn thành các nhiệm vụ, trong mọi tình huống khi có lệnh. Trình độ SSCĐ của các SĐBB phụ thuộc rất lớn vào chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của sư đoàn, trình độ tổ chức, chỉ huy của cán bộ và cơ quan các cấp, ý thức tổ chức kỷ luật của mỗi quân nhân, từng phân đội, cũng như toàn sư đoàn trong việc nắm chắc các chỉ thị, quy định của BQP, của cấp trên về nhiệm vụ SSCĐ, nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, từ đó nâng cao tinh thần cảnh giác, xây dựng bản lĩnh chính trị, ý thức thường trực hoàn thành tốt nhiệm vụ; đồng thời đặt ra yêu cầu cao trong lãnh đạo chuẩn bị con người và vũ khí trang bị của đơn vị; duy trì chế độ, nền nếp, tỉ mỉ, chu đáo, thường xuyên trong trạng thái SSCĐ, khi có tình huống không bị bất ngờ, bước vào chiến đấu được ngay. Mặt khác, SSCĐ còn thể hiện ở việc thường xuyên kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung các loại văn kiện, kế hoạch SSCĐ theo đúng quy định của cấp trên, nhất là kế hoạch cơ động lực lượng, phương án chiến đấu trong khu vực đảm nhiệm, luyện tập tổng hợp các phương án (kể cả phương án diễn tập chống khủng bố); nâng cao trình độ, năng lực chỉ huy của cán bộ, khả năng cơ động của bộ đội, sẵn sàng nhận và thực hiện nhiệm vụ một cách chính xác với hiệu quả cao nhất.
Chính vì vậy, các SĐBB phải tập trung mọi nỗ lực nâng cao chất lượng huấn
luyện, trình độ SSCĐ và chiến đấu, đảm bảo chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống khi có lệnh. Nêu cao cảnh giác cách mạng, sẵn sàng ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chiến tranh xâm lược của địch; phòng, chống
"DBHB", bạo loạn lật đổ, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN;
bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng - văn hoá và an ninh xã hội; sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quốc tế khi có lệnh.
Hai là, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy.
Các SĐBB phải thường xuyên quán triệt sâu sắc các chỉ thị, quy định của BQP, chỉ thị, hướng dẫn của các quân khu, quân đoàn về xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong rèn luyện chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, kỷ luật quân đội và quy định của đơn vị.
Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục thuyết phục với các biện pháp quản lý hành chính, kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm các trường hợp tự do vô kỷ luật.
Tích cực củng cố xây dựng cảnh quan môi trường đơn vị chính quy, xanh, sạch, đẹp; hệ thống bảng, biển thống nhất, chấp hành nghiêm các quy định, chế độ, nền nếp chính quy trong tổ chức biên chế, trong các hoạt động HL,SSCĐ, trong chấp hành mang mặc quân phục, lễ tiết tác phong quân nhân; duy trì nghiêm nền nếp, chế độ trong ngày trong tuần, gắn với tăng cường quản lý quân số, tư tưởng, kỷ luật; coi trọng phát huy trách nhiệm của cán bộ chỉ huy các cấp trong kiểm tra, quản lý đơn vị; tăng cường biện pháp quản lý toàn diện bộ đội trong đó lấy ngăn ngừa là chính; thực hiện có nền nếp kỷ luật quân sự, trong bảo quản, sử dụng vũ khí, khí tài trang bị, bảo đảm an toàn giao thông. Thường xuyên quan tâm đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhân dân, gia đình để quản lý, giáo dục quân nhân có hiệu quả; tạo chuyển biến tiến bộ vững chắc về ý thức tự giác chấp hành kỷ luật, nề nếp chính quy;
đảm bảo 100% cán bộ, chiến sĩ trong sư đoàn chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, quy định của đơn vị, kỷ luật dân vận, đảm bảo an
toàn tuyệt đối trong mọi hoạt động của sư đoàn.
Ba là, tham gia cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa.
Các SĐBB trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, thảm hoạ trên địa bàn đóng quân, và các địa phương khác khi được giao.
Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung và tổ chức luyện tập, diễn tập thuần thục các kế hoạch, phương án cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm hoạ tại đơn vị; giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị; duy trì chế độ, quy định, nhanh chóng triển khai thực hiện nhiệm vụ, không để bị động bất ngờ; xây dựng, củng cố doanh trại, kho tàng đảm bảo an toàn, vững chắc. Khi thiên tai, thảm hoạ xảy ra, kịp thời sử dụng lực lượng, phương tiện, trang bị ứng phó hiệu quả. Sau thiên tai, thảm hoạ, khẩn trương củng cố doanh trại, kho tàng, xử lý môi trường, phòng, chống dịch, bệnh trong đơn vị; bảo quản, bảo dưỡng vũ khí trang bị, cơ sở vật chất kỹ thuật, duy trì đơn vị thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch.
Tham mưu, đề xuất với địa phương chủ trương, biện pháp cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, thảm hoạ; xây dựng, bổ sung và phối hợp với các lực lượng trên địa bàn luyện tập theo phương án. Khi thiên tai, thảm hoạ xảy ra, tổ chức sử dụng lực lượng, phương tiện của đơn vị kịp thời phối hợp với các lực lượng liên quan thực hiện nhiệm vụ theo phương châm “bốn tại chỗ”. Sau thiên tai, thảm hoạ, phối hợp với các lực lượng và nhân dân nhanh chóng khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, đời sống của nhân dân trên địa bàn.
Thứ tư, tăng gia sản xuất góp phần cải thiện đời sống của bộ đội.
Thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức cho bộ đội về vị trí, tầm quan trọng, ý nghĩa của việc tăng gia sản xuất gắn với thực hành tiết kiệm.
Thấu suốt tư tưởng Hồ Chí Minh:“Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm đó là chính sách chung của Đảng, Chính phủ...Mục đích của tiết kiệm không phải là là bớt ăn, mà là thêm ăn cho bộ đội no” [81]. Cấp uỷ, chỉ huy phải thường xuyên xác định đúng chủ trương, biện pháp, kế hoạch tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm trong đơn vị. Tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra việc
tăng gia sản xuất đúng qui định pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội. Chấp hành nghiêm chế độ giờ thứ 8 hàng ngày dành cho tăng gia sản xuất. Đồng thời thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra chặt chẽ việc phân phối, sử dụng kết quả lao động đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm, công khai, công bằng, dân chủ, góp phần củng cố lòng tin của bộ đội, tăng cường đoàn kết nội bộ, động viên được tinh thần tích cực tăng gia sản xuất trong đơn vị.
Thứ năm, tiến hành công tác dân vận, tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương đóng quân và địa bàn được phân công.
Trong điều kiện thời bình, các SĐBB thực hiện nhiệm vụ của đội quân công tác và các nhiệm vụ khác được giao. Trên cơ sở quán triệt, thực hiện nghiêm túc kỷ luật của quân đội, các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, quy định của địa phương, các SĐBB phải tích cực phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương, nắm chắc tình hình địa bàn, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, giúp đỡ nhân dân phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ rừng, tham gia di chuyển, giải phóng mặt bằng cho các công trình của Nhà nước tại địa phương, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong khu vực địa bàn đóng quân. Qua đó giúp cho quan hệ quân dân ngày càng được củng cố vững chắc, góp phần tô thắm hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" trong lòng dân; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng địa phương vững mạnh.
* Vai trò của các SĐBB Quân đội nhân dân Việt Nam
SĐBB là thành phần cơ bản trong biên chế tổ chức của Quân đội nhân dân Việt Nam, là lực lượng chủ lực, thường trực trong thực hiện các nhiệm vụ HL, SSCĐ, chiến đấu, công tác và lao động sản xuất... Vai trò của các SĐBB được thể hiện ở những vấn đề sau đây:
Một là, các SĐBB là một loại hình đơn vị chiến đấu cấp chiến thuật có thể tác chiến độc lập hoặc đảm nhiệm một hướng chiến dịch trong đội hình chiến đấu của cấp trên.
Theo quy định SĐBB là một loại hình đơn vị chiến đấu cấp chiến thuật,
được xác định là lực lượng nòng cốt trong thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất của các quân khu, quân đoàn, là đơn vị có thể tác chiến độc lập hoặc đảm nhiệm một hướng chiến dịch trong đội hình chiến đấu của cấp trên.
Việc ra đời các SĐBB đánh dấu một bước trưởng thành vượt bậc trong tổ chức lực lượng, tổ chức chỉ huy tác chiến và sự phát triển mới của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, cũng như trong làm nghĩa vụ quốc tế giúp đỡ các nước Lào và Cămpuchia, các SĐBB đã tham gia hầu hết các chiến dịch lớn, tiến hành nhiều trận đánh thắng lợi, ở các loại địa hình khác nhau như rừng núi, đồng bằng, thành thị, ven biển, sông nước, kênh rạch...góp phần tô thắm thêm truyền thống của các SĐBB; đó là những kinh nghiệm quý báu, những điều kiện thuận lợi giúp cho các SĐBB hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Ngày nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN các SĐBB là lực lượng nòng cốt, chủ yếu của các quân khu, quân đoàn trong thực hiện nhiệm vụ HL,SSCĐ và chiến đấu, lao động sản xuất, cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống thiên tai, địch họa, tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước, quân đội luôn đặc biệt quan tâm chăm lo xây dựng mà trước hết và chủ yếu tập trung xây dựng các SĐBB đủ quân VMTD, thực sự là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ của các quân khu, quân đoàn trong giai đoạn cách mạng mới.
Hai là, các SĐBB là lực lượng nòng cốt của các quân khu, quân đoàn trong HL,SSCĐ và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống.
Các SĐBB là lực lượng thường trực trong HL,SSCĐ và chiến đấu của quân đội. Trình độ HL,SSCĐ và sức mạnh chiến đấu của các SĐBB ảnh hưởng quyết định đến trình độ HL,SSCĐ và sức mạnh chiến đấu của các quân khu, quân đoàn và của quân đội.
HLCĐ của các SĐBB là hoạt động cơ bản, nhiệm vụ trọng tâm nhằm không ngừng nâng cao trình độ SSCĐ và sức mạnh chiến đấu của sư đoàn.