2.2. Kết quả phân tích các nhân tố ảnh hưởng tới động lực làm việc của công chức tại Sở LĐTB&XH tỉnh Nam Định
2.2.6. Bình luận và nhận xét về nhân tố ảnh hưởng đến động lực làm việc của công chức tại Sở Lao động Thương binh & Xã hội tỉnh Nam Định
Kết quả cho thấy rằng chỉ có 4 trong số 8 biến có sự ảnh hưởng tới động lực làm việc của công chức Sở LĐTB&XH tỉnh Nam Định. Các nhân tố đó bao
gồm 03 nhân tố thúc đẩy là: đặc điểm công việc, cơ hội thăng tiến, quan hệ công việc; 01 nhân tố duy trì là: chính sách tiền lương.
Các phân tích chứng minh rằng nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến động lực làm việc của công chức Sở LĐTB&XH tỉnh Nam Định là chính sách tiền lương. Điều này cho thấy, công chức sẽ có động lực làm việc tốt hơn khi chính sách tiền lương của Sở là công bằng, hợp lý; mức lương chi trả tương xứng với năng lực làm việc của công chức; tiền lương được trả đúng hạn; được trả tiền lương làm ngoài giờ; có thể sống tốt bằng thu nhập tại Sở và cảm thấy thu nhập của mình cao hơn so với các đơn vị tương tự khác. Nhân tố này sẽ góp phần duy trì động lực làm việc của công chức, nghĩa là nó giúp mang lại sự hài lòng và ngăn ngừa sự không hài lòng trong công việc.
Nhân tố thứ hai ảnh hưởng đến động lực làm việc của công chức Sở LĐTB&XH tỉnh Nam Định là đặc điểm công việc. Có nghĩa là, động lực để công chức làm việc tại Sở LĐTB&XH tỉnh Nam Định là mong muốn có được công việc phù hợp, được mô tả rõ ràng, không quá căng thẳng, có nhiều động lực phấn đấu và công chức có thể cân bằng giữa công việc với cuộc sống. Nhân tố này sẽ góp phần thúc đẩy động lực làm việc của công chức, nghĩa là nó giúp mang lại sự hài lòng và tạo động lực trong công việc.
Nhân tố ảnh hưởng tiếp theo cơ hội thăng tiến. Khi công chức có được cơ hội phát triển nghề nghiệp như đào tạo, thăng tiến, thì họ càng có thêm động lực làm việc và cống hiến. Ngược lại, nếu Sở không chú trọng đến đào tạo, huấn luyện cán bộ nguồn; khi có cơ hội thăng tiến lại tuyển dụng từ bên ngoài hơn là thăng tiến nhân lực hiện hữu thì sẽ làm giảm đi nhiệt tình cống hiến của công chức. Công chức ở những cơ quan có khuynh hướng tự đào tạo và khi đã nâng cao năng lực thì họ sẽ ít chuyển đổi công việc.
Quan hệ công việc như quan hệ với cấp trên, với đồng nghiệp là một nhân tố thúc đẩy động lực làm việc. Vì thế nhân viên sẽ có động lực làm việc tốt hơn
khi có sự hỗ trợ từ cấp trên và cảm thấy hài lòng với công việc vì mối quan hệ tốt với cấp trên. Phong cách lãnh đạo của cấp trên thể hiện mức trao quyền cao cho nhân viên, mang đến cho nhân viên cơ hội sáng tạo, nêu sáng kiến và ra quyết định, sẽ giúp nhân viên thấy ý nghĩa hơn trong công việc, từ đó tăng động lực nội tại. Đây là điều mà các cơ quan nhà nước như Sở LĐTB&XH tỉnh Nam Định còn rất hạn chế. Ngoài ra, mối quan hệ với các đồng nghiệp khác trong Sở cũng là nhân tố thúc đẩy động lực làm việc của công chức. Công chức sẽ cảm thấy phấn kích và làm việc hiệu quả hơn khi có cấp trên thân thiện, tôn trọng cấp dưới và biết lắng nghe; có những đồng nghiệp thoải mái, dễ chịu; sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau.
Tiểu kết chương 2
Chương 2 là những nội dung nghiên cứu thực tế các nhân tố tác động tới động lực làm việc của công chức Sở LĐTB&XH tỉnh Nam Định để đưa ra những kết luận cho vấn đề, làm cơ sở cho những đề xuất ở chương sau. Quá trình nghiên cứu chương 2 gồm:
- Nghiên cứu những dữ liệu thứ cấp lịch sử hình thành của Sở LĐTB&XH tỉnh Nam Định, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của đơn vị
- Nghiên cứu đặc điểm của đội ngũ công chức tại Sở, số lượng và chất lượng hiện tại.
- Khảo sát và phân tích các dữ liệu sơ cấp thu thập qua khảo sát về những nhân tố ảnh hưởng tới động lực làm việc của công chức Sở LĐTB&XH tỉnh Nam Định bằng việc sử dụng mô hình 02 nhóm nhân tố của Herzberg. mẫu nghiên cứu là toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức hiện có tại Sở (58 người).
- Có 02 mô hình hồi quy được phân tích bằng phần mềm SPSS. Bên cạnh đó là việc phỏng vấn sâu 20 công chức (lãnh đạo, chuyên môn) của Sở để bổ sung thêm những kết quả mà phân tích định lượng chưa chỉ rõ.
- Kết quả nghiên cứu cho thấy, chỉ có 4/8 nhân tố theo mô hình Herzberg có ảnh hưởng tới động lực làm việc của đội ngũ công chức này (3 nhân tố thuộc nhóm thúc đẩy và 1 nhân tố thuộc nhóm duy trì). Những nhân tố còn lại không làm tăng sự bất mãn của công chức nhưng cũng không có ảnh hưởng tới động lực làm việc của họ. Với phát hiện này, chương 3 sẽ đề xuất những giải pháp tập trung vào những nhân tố có ảnh hưởng.