IV. CÁC TÁC ĐỘNG KHÁC
11. KHIẾU NẠI VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI
187. Các cơ quan có trách nhiệm thực hiện quy trình giải quyết khiếu nại, thắc mắc trong quá trình thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng bao gồm UBND Thành phố, các Sở Ban ngành có liên quan, Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng các cấp, UBND địa phương nơi bị ảnh hưởng của dự án và Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng cho các Dự án đầu tư xây dựng cũng như Ban QLDA NN&PTNT tỉnh Bình Định. Tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ của từng cấp, cơ chế giải quyết khiếu nại, thắc mắc của các hộ BAH sẽ được quy định theo các văn bản pháp luật của Nhà nước ban hành.
Trang 84
188. Để đảm bảo các hộ BAH có cơ hội trình bày các khiếu nại liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, trình tự khiếu nại chi tiết sẽ được thiết lập cho dự án. Mục tiêu là nhằm giải quyết các khiếu nại của các hộ BAH nhanh và đúng thủ tục. Cơ chế sẽ được thiết kế đơn giản, dễ hiểu, nhanh chóng, công khai và công bằng. Bằng cách giải quyết các khiếu nại ở từng cấp dự án, tiến độ thực hiện dự án chắc chắn sẽ có hiệu quả hơn. Những người bị thu hồi đất nếu chưa đồng ý với quyết định về phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thì được khiếu nại theo quy định của pháp luật.
189. Việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư cùng với trách nhiệm giải quyết khiếu nại, thời hiệu khiếu nại và trình tự giải quyết khiếu nại thực hiện theo quy định tại Điều 204 của Luật Đất Đai 2013, điều 89, 90 của Nghị định số 43/2004/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ Việt Nam về thực hiện Luật Đất đai.
190. Các trường hợp giải quyết khiếu nại liên quan đến quyết định hành chính về quản lý đất đai sẽ tuân theo các quy trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị phương án trong thi hành án dân sự đã nêu trong Luật khiếu nại năm 2011 và thông tư 02/2016/TT-BTP ngày 1/2/2016 của Bộ Tư Pháp.
11.2. Thủ tục khiếu nại
191. Mọi thắc mắc và khiếu nại của người bị ảnh hưởng bởi dự án về quyền hưởng bồi thường, chính sách bồi thường, giá bồi thường, thu hồi đất, tái định cư và các quyền được hưởng liên quan đến các chương trình hỗ trợ khôi phục sẽ được ghi nhận và xử lý bởi đơn vị chức năng các cấp. Các tổ chức xã hội ở địa phương như Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Tổ hoà giải v.v… được huy động để tham gia tích cực vào quá trình hòa giải, giải quyết khiếu nại, thắc mắc của người bị ảnh hưởng bởi dự án.
192. Thủ tục giải quyết khiếu nại gồm bốn bước như sau:
Bước 1: Những ý kiến thắc mắc, khiếu nại của những người bị ảnh hưởng được gửi đến TT PTQĐ, hoặc UBND phường/xã nơi có công trình dự án, hoặc BQL dự án. BQL dự án sẽ kết hợp với các cơ quan có liên quan của thành phố để giải quyết những khiếu nại này.
TT PTQĐ và/hoặc UBND cấp phường/xã có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến thắc mắc, khiếu nại của người bị ảnh hưởng. Đối với vụ việc phức tạp thì thời gian giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến thắc mắc, khiếu nại.
Bước 2: Nếu kết quả giải quyết của TT PTQĐ và/hoặc UBND cấp phường/xã chưa được người bị ảnh hưởng đồng thuận thì người bị ảnh hưởng có quyền khiếu nại đến UBND cấp thành phố.
Phó chủ tịch UBND huyện/thành phố là Chủ tịch hội đồng giải phóng mặt bằng có trách nhiệm tổ chức xem xét và giải quyết khiếu nại của người bị ảnh hưởng với sự tham gia của các cơ quan đơn bị liên quan tham gia hội đồng. Thời gian giải quyết khiếu nại của Hội đồng giải phóng mặt bằng trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Đối với vụ việc phức tạp thì thời gian giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến thắc mắc, khiếu nại.
Trong trường hợp khiếu nại của người bị ảnh hưởng vượt quá thẩm quyền của Hội đồng Giải phóng mặt bằng, Hội đồng sẽ báo cáo UBND huyện/thành phố giải quyết, đồng thời thông báo cho người bị ảnh hưởng biết. Hội đồng Giải phóng mặt bằng có trách nhiệm làm việc với các cơ quan thuộc UBND thành phố để giải quyết khiếu nại của người bị ảnh hưởng trong thời hạn 15 ngày. Khi nhận được ý kiến giải quyết của UBND huyện/thành phố, UBND xã/phường có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết cho người bị ảnh hưởng.
Trang 85
Bước 3: Nếu giải quyết UBND huyện/thành phố (Hội đồng Giải phóng mặt bằng) chưa được người bị ảnh hưởng đồng thuận thì người bị ảnh hưởng có quyền khiếu nại đến UBND tỉnh.
Đơn khiếu nại của người bị ảnh hưởng gửi đến UBND tỉnh Bình Định.
UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo Hội đồng Giải phóng mặt bằng và các cơ quan liên quan của thành phố giải quyết trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày UBND tỉnh tiếp nhận khiếu nại. UBND tỉnh có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết cho người bị ảnh hưởng.
Bước 4: Nếu người bị ảnh hưởng vẫn không đồng thuận với quyết định giải quyết của UBND tỉnh thì người bị ảnh hưởng có thể khiếu nại đến Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc đến Toà án để được giải quyết theo luật định.
Thực tế, theo Luật khiếu nại năm 2011, người bị ảnh hưởng có thể trình lên tòa án tại bất kỳ thời điểm nào nếu họ muốn.
Trường hợp người bị ảnh hưởng gửi khiếu nại đến Hội đồng nhân dân thành phố, Hội đồng nhân dân sẽ chỉ đạo UBND thành phố xem xét giải quyết khiếu nại. Thời hạn giải quyết khiếu nại trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân thành phố nhận được đơn khiếu nại.
Trong thời gian chờ giải quyết khiếu nại, kể cả giải quyết tranh chấp tại tòa án, thì người bị ảnh hưởng phải bàn giao mặt bằng cho dự án theo đúng tiến độ. Tiền bồi thường, hỗ trợ sẽ được chuyển vào một tài khoản ngân hàng thương mại.
193. Các cơ quan chịu trách nhiệm về khiếu nại và giải quyết khiểu nại trong quá trình giải phóng mặt bằng và bồi thường là UBND các huyện/TP, các phòng ban có liên quan. Ban bồi thường giải phóng mặt bằng ở tất cả các cấp và UBND các xã/phường bị ảnh hưởng bởi dự án.
Tất cả hồ sơ khiếu nại và giải quyết khiếu nại của cơ quan liên quan được lưu trữ tại Trung tâm Phát triển Quỹ đất các huyện/TP và Ban QLDA NN & PTNT tỉnh Bình Định. Ban QLDA có trách nhiệm cập nhật danh sách các hộ khiếu nại và tình trạng giải quyết khiếu nại thể hiện trong các báo cáo giám sát nội bộ.