CHƯƠNG 3: ĐẶC ĐIỂM VIỆC LÀM VIỆT NAM VÀ TÁC ĐỘNG CỦA NÓ
3.2 Tình trạng việc làm của Việt Nam diễn biến phức tạp
3.2.1 Thực trạng:
Dưới tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thực trạng việc làm trong thời gian gần đây diễn biến khá phức tạp. Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm trong thanh niên vẫn gia tăng. Đặc biệt, theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi lao động thiếu việc làm tăng từ 3% (năm 2008) lên 5,6% (năm 2009) và 4,1% (năm 2010), trong đó khu vực thành thị là 2%; khu vực nông thôn là 4,9%. Kết quả điều tra khảo sát tình hình thanh niên của Viện Nghiên cứu Thanh niên năm 2009 cho thấy, 69% số thanh niên chịu sự tác động trực tiếp về việc
làm, trong đó 43,4% ít việc làm hơn trước, 16,7% thất nghiệp và 8,7% phải làm những việc khác so với công việc trước đây.
3.2.2 Tình trạng thất nghiệp:
Tình hình thất nghiệp có xu hướng tăng mạnh, tập trung chủ yếu ở nhóm thanh niên đô thị. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp chiếm 4,2% (năm 2008); 4,1% (năm 2009) và tăng lên 5,2% (năm 2010), trong đó ở khu vực đô thị là 7,8%, cao gần gấp hai lần nông thôn (4,3%).
Điều đó đã được phản ánh qua thực tế là thời gian gần đây ở một số nơi, thị trường lao động phát triển khá sôi động, thậm chí nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở vào tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhu cầu lao động đã qua đào tạo, lao động có kỹ thuật ngày càng lớn đã khiến cho nhiều thanh niên không đáp ứng được các yêu cầu tuyển dụng. Vì vậy, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp vẫn cao. Chẳng hạn, tại Thành phố Hồ Chí Minh có gần 16.000 người được xác nhận là thất nghiệp; tại Bình Dương con số đó là 10.513 người; Đồng Nai: 3.786 người; Long An: 2.273 người.
3.2.3 Trợ cấp thất nghiệp:
Số đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp tỷ lệ khá cao. Trong số những người hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng thì số người ở độ tuổi dưới 24 là 12.275 người (chiếm 24,5%); từ 25 – 40 tuổi là 31.366 người (chiếm 62,7%); trên 40 tuổi là 6.416 người (chiếm 12,8%).
3.2.4 Môi trường việc làm:
Cùng với sự gia nhập WTO, các tổ chức lớn cũng như kí kết các hiệp định đa phương và song phương, việc làm ở Việt Nam đang tăng về chất về lượng. Ngày càng nhiều các tập đoàn, công ty, tổ chức… đầu tư vào VN, điều này tạo một số lượng việc làm chất lượng cao đáng kể cùng môi trường làm việc tiên tiến.
Tuy nhiên, cũng còn có những người lao động phải làm việc trong những điều kiện thiếu chất lượng, vi phạm quy định pháp luật về sử dụng lao động, sự khác biệt lao động ở những khu vực khác nhau.
Một số khó khăn hiện nay của thanh niên khu vực nông thôn, đặc biệt tại các khu vực thu hồi đất là: trình độ học vấn thấp nên không có cơ hội để có việc làm (68,4%), không có đất để sản xuất, kinh doanh (53,1%), thiếu kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh (26,5%), thiếu thông tin về thị trường lao động (23,3%), khó tiếp cận các nguồn vốn (22,3%).
3.2.5 Ở khía cạnh cung - cầu lao động
Việc làm mất cân đối lớn, cung lớn hơn cầu. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm chậm, tỷ lệ sử dụng lao động ở nông thôn thấp, chỉ đạt trên, dưới 70%. Số doanh nghiệp trên đầu dân số còn thấp nên khả năng tạo việc làm và thu hút lao động còn hạn chế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Tình trạng thiếu việc làm cao, chính sách tiền lương, thu nhập chưa động viên được người lao động gắn bó tận tâm với công việc.
Ở khía cạnh quản lý nhà nước đối với thị trường lao động, việc làm và vai trò điều tiết của Nhà nước đối với quan hệ cung cầu lao động còn hạn chế. Sự kiểm soát, giám sát thị trường lao động, việc làm chưa chặt chẽ. Chưa phát huy được vai trò của
“tòa án lao động” trong giải quyết tranh chấp lao động. Cải cách hành chính hiệu quả thấp đối với bản thân người lao động và cả xã hội.
Hình 6: Top 10 nhà tuyển dụng được yêu thích nhất năm 2013 tại Việt Nam
Cơ cấu lao động chưa phù hợp với sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo và đào tạo nghề thấp. Kỹ năng tay nghề, thể lực còn yếu, kỷ luật lao động, tác phong làm việc công nghiệp chưa cao. Các văn bản của Nhà nước hướng dẫn thực hiện các luật về lao động, việc làm và thị trường lao động chưa được thực hiện đầy đủ và nghiêm minh, gây áp lực cho vấn đề giải quyết việc làm. Khả năng cạnh tranh yếu, nhất là ở những lĩnh vực yêu cầu lao động có trình độ cao. Cơ cấu ngành nghề đào tạo chuyên môn kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế đòi hỏi.
Hệ thống giao dịch trên thị trường lao động yếu kém. Hệ thống thông tin thị trường lao động, việc làm chính thức chưa phát triển mạnh, chưa có các trung tâm giao dịch lớn đạt hiệu quả khu vực. Cả nước chỉ có khoảng 200 trung tâm và trên 3.000 doanh nghiệp giới thiệu việc làm, lại tập trung chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, song hoạt động chưa hiệu quả, chưa thường xuyên nên mới chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu thông tin của người lao động tìm việc làm.
Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức to lớn. Cạnh tranh diễn ra ngày càng gay gắt từ cấp độ sản phẩm, doanh nghiệp đến toàn nền kinh tế, từ bình diện trong nước đến ngoài nước. Một bộ phận doanh nghiệp không thích nghi kịp có nguy cơ phá sản, người lao động có nguy cơ thất nghiệp cao, thiếu việc làm, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Chất lượng nguồn lực lao động nước ta chưa đáp ứng yêu cầu, gây trở ngại trong quá trình hội nhập. Di chuyển lao động tự phát từ nông thôn ra thành thị, vào các khu công nghiệp tập trung và di chuyển ra nước ngoài kéo theo nhiều vấn đề xã hội nhạy cảm như "chảy máu chất xám”, “tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới”...