3.2. Hiện trạng sử dụng đất và các loại sử dụng đất nông nghiệp tại lưu vực hồ Ba Bể
3.2.2. Hiện trạng các loại sử dụng đất và kiểu sử dụng đất tại lưu vực hồ Ba Bể
Kết quả điều tra về hiện trạng các loại sử dụng đất và kiểu sử dụng đất tại lưu vực cho thấy trên địa bàn lưu vực có 06 loại hình sử dụng đất (LUT) với 27 kiểu sử dụng đất (bảng 3.9).
Bảng 3.9: Tổng hợp các loại sử dụng và kiểu sử dụng đất tại lưu vực hồ Ba Bể
STT LUT Kiểu sử dụng đất
1. 2 lúa (LUT 1) 1. Lúa xuân – Lúa mùa 2. 2 lúa-1 màu (LUT 2)
2. Lúa xuân – Lúa mùa – Rau
3. Lúa xuân – Lúa mùa – Khoai lang 4. Lúa xuân – Lúa mùa – Ngô đông
3. 1 lúa – màu (LUT 3)
5. Đỗ tương – Lúa mùa – Ngô đông 6. Ngô xuân - lúa mùa - rau đông 7. Ngô xuân - lúa mùa – khoai lang 8. Lúa mùa - Ngô xuân
9. Lúa mùa - Thuốc lá 10. Lúa mùa – Lạc 11. Lúa mùa – Đỗ tương 12. Lúa mùa – Dưa hấu 13. Lúa xuân – rau
14. Lúa mùa – khoai môn
4. Chuyên màu và cây CN ngắn ngày (LUT 4)
15. Ngô xuân – Ngô đông 16. Khoai môn – Ngô hè thu 17. Rau 3 vụ
18. Đỗ tương 19. Dong riềng 20. Sắn
21. Mía
5. Cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm (LUT 5)
22. Chè 23. Quýt 24. Mận 25. Xoài
26. Hồng không hạt 6. Rừng sản xuất (LUT 6) 27. Cây mỡ, cây keo
(Nguồn: Tổng hợp phiếu điều tra)
Dưới đây xin nêu một số đặc trưng của các loại sử dụng và kiểu sử dụng đất tại lưu vực:
3.2.2.1. Loại sử dụng đất chuyên lúa - 2 lúa (LUT 1)
Loại sử dụng đất này có diện tích 415,53 ha, chiếm 0,75% diện tích tự nhiên của lưu vực, được trồng chủ yếu trên đất phù sa, có địa hình bằng có khả năng tưới tiêu tốt, địa hình vàn thấp có thể bị úng nhẹ trong mùa mưa.
Đây là LUT có truyền thống, tồn tại từ lâu đời nhưng chỉ có 1 kiểu sử dụng đất duy nhất là gieo trồng 2 vụ lúa gồm lúa xuân và lúa mùa.
- Lúa xuân được gieo trồng trong mùa khô, gieo cấy vào đầu tháng 2 và thu hoạch vào cuối tháng 5. Vụ lúa xuân thường sử dụng các giống lúa trung ngày, thời gian sinh trưởng từ 130-135 ngày, phổ biến là giống lúa lai GF9, Khang dân, Thái Bình, Q5 và một số giống lúa lai như: Nhị ưu, Việt lai 20.
Vụ lúa xuân thường gặp khó khăn do khô hạn đầu mùa, vì vậy phải có nước tưới chủ động, giữa vụ thường gặp rét, cuối vụ nóng và bắt đầu có mưa, nên phải chọn giống có khả năng chịu rét. Hiện nay trên địa bàn lưu vực vẫn còn tồn tại vụ lúa xuân chính vụ ngoài xuân muộn giống như đồng bằng sông Hồng nên bộ giống đa dạng, được gieo cấy vào đầu tháng 2 và thu hoạch vào cuối tháng 5, với giống lúa được sử dụng chủ yếu là giống lúa xuân thái bình.
- Lúa mùa gieo cấy vào cuối tháng 6 đầu tháng 7 ngay sau khi thu hoạch vụ Đông xuân xong. Vụ lúa mùa có 3 trà chính là trà mùa sớm, ngoài ra còn có mùa trung và mùa muộn bắt đầu vào cuối tháng 5 và kết thúc vào trung tuần tháng 9 hàng năm. Các giống lúa mùa trồng phổ biến gồm: Bao Thai, Khang Dân, Tạp giao… chủ yếu là trà mùa trung và trà mùa muộn.Năng suất lúa thay đổi theo chế độ tưới, địa hình khác nhau, song ít gặp rủi ro khi có những biến động về thời tiết, đồng thời đảm bảo ổn định nhu cầu lương thực cho tiêu dùng và chăn nuôi tại các hộ gia đình. Phân bón được dùng chủ yếu là phân hoá học, lượng phân chuồng ít. Chi phí giống, thuốc bảo vệ thực vật không nhiều, đây cũng là lý do mà những nông hộ ít có khả năng đầu tư sản xuất dễ chấp nhận.
LUT này thường áp dụng trên quy mô diện tích lớn nên thuận lợi cho việc cơ giới hóa trong sản xuất, xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng.
LUT cho năng suất cao, sản phẩm sản xuất ra không chỉ đáp ứng nhu cầu lương thực tại địa phương mà còn là nguồn cung cấp cho các vùng khác.
3.2.2.2. Loại sử dụng đất 2 lúa - 1 màu (LUT 2)
Diện tích có 916,55 ha, chiếm 1,66% diện tích tự nhiên của lưu vực.
Trong đó có 3 kiểu sử dụng đất gồm: Lúa xuân – Lúa mùa – Rau; Lúa xuân – Lúa mùa – Khoai lang; Lúa xuân – Lúa mùa – Ngô đông;
Đây là loại sử dụng đất phổ biến trong huyện nhưng rất ít gặp rủi ro do biến động của thời tiết, đồng thời đảm bảo ổn định nhu cầu lương thực cho tiêu dùng và chăn nuôi hộ gia đình. Phân bón sử dụng chủ yếu vẫn là phân hoá học, một phần là phân hữu cơ như phân chuồng và phân xanh tự sản xuất. Chi phí giống, thuốc bảo vệ thực vật không nhiều, đây là lý do mà những nông hộ ít có khả năng đầu tư sản xuất dễ chấp nhận và cũng là loại sử dụng đất khá phù hợp với tập quán canh tác của địa phương.
- Lúa xuân muộn: gieo từ 5/2 – 25/2 với các giống lúa: Khang dân, Thái bình…có thời gian sinh trưởng ngắn.
- Lúa mùa muộn sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 105-110 ngày như nếp, bao thai.
- Ngô đông: thường trồng các giống ngô có năng suất cao như: Ngô lai 4300 và một số giống ngô địa phương. Ngô đông trồng từ 10/9 đến 25/9, có thể trồng đến ngày 5/10 nhưng phải áp dụng biện pháp trồng bằng ngô bầu và dùng các giống ngắn ngày. Lượng giống sử dụng từ 12-13 kg/ha. Thường gieo 1-2 hạt/1 hốc, vì vậy nên làm bầu thêm một ít cây để trồng rặm. Khoảng cách trồng: hàng cách hàng 80 cm, cây cách cây 30 cm hoặc hàng cách hàng 75 cm, cây cách cây 35 cm.
- Khoai lang: được trồng ở những thửa ruộng có địa hình vàn thấp, thành phần đất cát pha, thịt nhẹ. Năng suất đạt từ 1,6 đến 2,0 tạ/sào. Thời vụ gieo trồng trong khoảng từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9. Lượng giống cho 1 sào từ 6 đến 8 kg/sào.
- Rau các loại: các xã trong lưu vực đã quan tâm trồng nhiều bắp cải, su hào, hành, tỏi, cà chua…cung ứng cho thị trường huyện Ba Bể, Chợ Đồn và Thành phố Bắc Kạn. Rau xanh dễ trồng, dễ chăm sóc, tốn ít công, ít sâu bệnh, thời gian trồng và chăm sóc ngắn, chỉ hơn 2 tháng đã cho thu hoạch, giá bán lại cao.
3.2.2.3. Loại sử dụng đất 1 lúa – màu (LUT 3)
Diện tích có 713,45 ha, chiếm 1,29% diện tích tự nhiên của lưu vực.
Loại sử dụng này có 10 kiểu sử dụng đất, trong đó có 3 kiểu sử dụng đất gieo trồng 1 vụ lúa- 2 vụ màu và 7 kiểu sử dụng đất gieo trồng 1 vụ lúa- 1 vụ màu.
Các kiểu sử dụng đất 1 vụ lúa- 2 vụ màu gồm: đỗ tương – lúa mùa – ngô đông; ngô xuân - lúa mùa - rau đông; ngô xuân - lúa mùa – khoai lang.
Trong các kiểu sử dụng đất này, lúa là cây trồng chính thường chỉ gieo cấy vào vụ mùa do không có nước tưới chỉ dựa vào mưa, các loại cây trồng màu được luân canh theo mùa vụ phù hợp với điều kiện đất đai, tập quán canh tác và nhu cầu của từng nông hộ. LUT này phân bố rải rác trên địa bàn, được áp dụng ở những nơi có địa hình vàn cao, cao không có hoặc có điều kiện tưới không thuận lợi, đất có thành phần cơ giới phần lớn là cát pha. Các giống lúa được sử dụng gieo trồng phổ biến là giống ngắn ngày như khang dân, bao thai, 108… có thời gian sinh trưởng từ 100 - 115 ngày, năng suất lúa đạt 38 - 42 tạ/ha, vụ xuân thường trồng các loại cây trồng màu (ngô, lạc), vụ đông chủ yếu trồng rau hoặc khoai lang.
Các kiểu sử đất gieo trồng 1 vụ lúa- 1 vụ màu gồm: Lúa mùa - Ngô xuân;
Lúa mùa - Thuốc lá; Lúa mùa – Lạc; Lúa mùa – Đỗ tương; Lúa mùa – Dưa hấu; Lúa mùa – rau; Lúa mùa – khoai môn.
Lúa mùa được trồng tương tự như loại sử dụng đất 2 lúa, vụ xuân luân canh cây trồng màu như: rau, ngô, lạc, thuốc lá, đỗ tương, dưa hấu, khoai môn. LUT này được trồng trên đất có thành phần cơ giới thịt nhẹ đến thịt trung bình, khó canh tác.
Cây Dưa hấu trong kiểu sử dụng đất lúa mùa-dưa hấu: sự xuất hiện kiểu sử dụng này, trong đó có cây dưa hấu là một trong những cây trồng mới được đưa vào để sản xuất trên đất chuyển đổi từ ruộng khô hạn sang trồng màu đạt hiệu quả kinh tế khá cao tại xã Quảng Khê, huyện Ba Bể. Năng suất đạt 20 tấn/ha/năm nên một số hộ có thu nhập từ 65-70 triệu đồng/năm; đặc biệt vào thời kỳ giáp hạt tháng 5, đầu tháng 6. Trước đây vào thời gian này là thời điểm này bà con ở các thôn vùng cao thường hay thiếu đói nên khi đưa cây dưa vào trồng và thu hoạch dưa bán vào thời điểm này cũng phần nào đảm bảo giúp bà con có thu nhập, cứu đói kịp thời.
Mặc dù diện tích, sản lượng dưa tăng qua các năm và mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho người dân, nhất là bà con thôn vùng cao nhưng tiêu thụ còn bấp bênh, chưa bền vững. Do vậy, trong thời gian tới cấp uỷ, chính quyền các xã đã nghiên cứu xây dựng mô hình hợp tác xã liên kết bao tiêu sản phẩm tại các thôn để người dân yên tâm phát triển loại cây này, mang lại nguồn thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
3.2.2.4. Loại sử dụng đất chuyên màu và cây công nghiệp ngắn ngày (LUT4) Diện tích có 1.422,49 ha, chiếm 2,57 % tổng diện tích đất tự nhiên của lưu vực, trong đó có 07 kiểu sử dụng đất: Ngô xuân – ngô đông; khoai môn – ngô hè thu; rau 3 vụ; đỗ tương; dong riềng; sắn; mía. Chi tiết về các kiểu như sau:
- Kiểu sử dụng đất Ngô xuân – ngô đông phát triển nhiều ở các xã Xuân Lạc, Nam Cường, Bằng Phúc của huyện Chợ Đồn và xã Quảng Khê của huyện Ba Bể. Kiểu sử dụng đất này đang bố trí trên các bãi bồi ven sông, có nguồn nước sông nhưng không có công trình thuỷ lợi nên không chủ động được tưới tiêu nước, đất có thành phần cơ giới nhẹ từ cát pha đến thịt nhẹ. Vụ ngô xuân gieo trồng từ 25/01 đến 25/2, ngô đông trồng từ 10/9 đến 25/9, một số diện tích bãi bồi nước sông ngập, rút chậm nên thời vụ đông kéo dài đến 5/10. Trong trường hợp gieo muộn phải chọn các giống ngắn ngày và áp dụng kỹ thuật làm ngô bầu.
- Kiểu sử dụng đất khoai môn-ngô hè thu bố trí trên đất gò đồi, thiếu nước tưới, khô hạn, đất có thành phần cơ giới nhẹ. Vụ xuân trồng khoai môn, vụ hè thu gieo trồng ngô, thời vụ gieo trồng từ tháng 4 đến tháng 7.
- Kiểu sử dụng đất trồng sắn: đây là loại cây có khả năng thích ứng rộng, có thể trồng trên tất cả các loại đất nhưng chủ yếu trên đất dốc, kể cả đất dốc lẫn nhiều đá, một số diện tích được làm thành ruộng bậc thang để trồng sắn.
Do khả năng chịu hạn tốt nên được người dân lựa chọn sắn để trồng. Sắn được trồng từ tháng 2 đến trung tuần tháng 3 dương lịch khi có mưa xuân, trời bắt đầu ấm lên. Thời gian sinh trưởng tuỳ giống nhưng thường từ 7-10 tháng (ngắn hơn các giống đang trồng từ 1-2 tháng). Chiều cao cây trung bình là 2,2 m, số củ trung bình 12,7/cây, chiều dài củ 25-26 cm. Thân nâu đỏ, không phân cành hoặc phân cành 1 cấp, phiến lá nhỏ, cuống lá và phiến đá màu xanh, ruột củ trắng, vỏ củ màu nâu. Năng suất từ 25 - 30 tấn/ha (tuỳ theo điều kiện đất đai và trình độ kỹ thuật canh tác) tỷ lệ tinh bột: 28 - 30%.
- Cây đỗ tương: được trồng chủ yếu trên đất đồi và mỗi năm chỉ trồng một vụ, với diện tích nhỏ nhưng tập trung tại từng vùng, vì cây đậu tương hay bị bọ xít phá hoại, làm tập trung sẽ giảm thiệt hại cho người dân. Cây đỗ tương ít được trồng xen với các loại cây trồng khác vì người dân chưa hiểu biết về lợi ích của nó cùng với thói quen trồng xen canh chưa phổ biến tại địa phương.
- Cây dong riềng:
Theo tính toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bắc Kạn, một năm thuận thời tiết, không sâu bệnh thì một ha lúa cho thu nhập 50-60 triệu đồng, ngô năng suất cao cũng chỉ đạt được 40-45 triệu đồng/ha, trong khi dong riềng cho thu nhập 100-150 triệu đồng/ha. Tính rủi ro của dong riềng (mất mùa) lại ít do chịu hạn tốt. Trong khi đó, việc trồng
dong riềng dễ hơn trồng ngô, trồng lúa. Đặc biệt, loại cây này thích hợp với đất đồi, núi.
Do cây dong riềng là cây không kén đất, thích hợp với điều kiện sinh thái trên địa bàn lưu vực hồ Ba Bể nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung. Cây dong riềng chịu được nhiệt độ cao tới 37-38 độ C với gió khô và nóng, nhưng cũng giỏi chịu rét nên thích hợp cả ở vùng núi cao và vùng thấp. Vào mùa đông nhiệt độ dưới 10 độ C, các loại cây trồng khác như khoai lang, sắn không trồng được, nhưng dong riềng vẫn phát triển tốt. Cây dong riềng cũng chịu hạn tốt hơn ngô, khoai lang và sắn.
3.2.2.5. Loại sử dụng đất cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm (LUT 5) Diện tích loại sử dụng đất cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm có 638,43 ha, chiếm 1,15 % diện tích tự nhiên của lưu vực, trong đó có 5 kiểu sử dụng đất gồm: kiểu sử dụng trồng hồng không hạt, trồng mận, trồng quýt, trồng xoài được phát triển ở vườn đồi, chân núi dọc theo các khe nước. Cây hồng không hạt phân bố nhiều nhất ở xã Quảng Khê của huyện Ba Bể và xã Quảng Bạch của huyện Chợ Đồn. Cây mận sớm tập trung chủ yếu ở các xã Nam Cường, Quảng Khê, Hoàng Trĩ. Cây quýt mới phát triển ở các xã Tân Lập, Quảng Khê, Đồng Phúc. Người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật về giống, sử dụng các biện pháp kích thích ra hoa, đậu quả.
Các kiểu sử dụng đất này đều được bố trí trên các vùng đồi ít dốc, phân bố rải rác trong vườn của các hộ gia đình tự cải tạo hoặc trồng xen ở những vạt đất trồng cây hàng năm. Riêng cây quýt đã hình thành vùng tập trung với diện tích lớn. Khác với các LUT và kiểu sử dụng đất cây hàng năm phân bón sử dụng cho LUT cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm chủ yếu là phân chuồng, phân hoá học nhưng lượng bón thấp. Năng suất phụ thuộc vào mức độ phân bón và chăm sóc của các hộ gia đình. Đây là loại sử dụng đất có hiệu quả trong lưu vực nhưng khó khăn trong tiêu thụ, nhất là cây quýt đã hình thành vùng tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá.
3.2.2.6. Loại sử dụng đất lâm nghiệp (LUT6)
Diện tích có 48.609,63 ha, chiếm 87,92% diện tích tự nhiên của lưu vực. Riêng kiểu sử dụng đất trồng rừng sản xuất có 21.333,57 ha, chiếm 38,58 % diện tích tự nhiên của lưu vực, hiện nay rừng sản xuất được trồng cây mỡ và trồng keo nhưng chủ yếu là cây mỡ. Cả 2 kiểu sử dụng đất của LUT này đều bố trí chủ yếu trên đất đồi cao, đất bị khai thác không phục hồi rừng được nữa nên người dân cần trồng lại rừng bằng cây nguyên liệu phục vụ chế biến để thu hút lao động, giảm tỷ lệ đất trống đồi trọc, đến lúc được
khai thác người dân có thêm nguồn thu nhập.
Cây mỡ là cây gỗ thường xanh cao tới 25-30 m, đường kính ngang ngực 30 cm và có thể tới 50-60 cm. Thân tròn thẳng,vỏ xám bạc. Thân cây đơn trục, có một ngọn chính. Cây mỡ được trồng phổ biến trên các đồi núi trọc, đất nghèo kiệt, phân bố ở độ cao 300-400 m trở xuống, trong các hệ đồi bát úp, sinh trưởng, phát triển trên các đất feralit đỏ vàng, sâu, ẩm, thoát nước.
Mỡ thường được trồng vào các đầu mùa mưa tháng 4, 5, 6 vì lúc đó sẽ tạo cho cây có khả năng phát triển.
Gỗ mỡ chịu được mưa nắng, dễ cưa xẻ, bào trơn, tiện. Là loại gỗ được nhân dân ưa chuộng, được dùng làm nguyên liệu giấy, đồ gia dụng (cột, kèo nhà, bàn ghế, giường, tủ). Năng suất cây mỡ đạt 14 m3/ ha/năm.
Bên cạnh các cây trồng chính nêu trên trong lưu vực còn có các loại rừng trồng khác như quế, hồi, xoan, lát.... tuy nhiên các cây này chỉ trồng với quy mô nhỏ mang tính chất hộ gia đình tự phát chưa có quy hoạch, định hướng phát triển cụ thể các loài này.