Đặc điểm của chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam

Một phần của tài liệu toàn văn LUẬN án TIẾN sĩ NGỮ văn vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong khoa nghiên cứu văn học ở việt nam từ 1975 đến nay (Trang 50 - 53)

Chương 1. Chủ nghĩa hiện thực - khái niệm, lịch sử và đặc điểm…

1.3.6. Đặc điểm của chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam

Chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam xuất hiện tương đối muộn, sau khi đã hình thành ở châu Âu gần một thế kỉ, đó là những năm 20 của thế kỉ XX. Vì hình thành trên cơ sở lịch sử xã hội và sự phát triển của văn hóa dân tộc nên chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam vừa mang những đặc điểm chung của chủ nghĩa hiện thực đã phát triển ở châu Âu vừa mang những nét riêng của văn học hiện

thực Việt Nam. Do cơ cấu xã hội của Việt Nam lúc bấy giờ là xã hội thực dân phong kiến, nên sự phân hóa và đấu tranh giai cấp diễn ra khá phức tạp. Ngoài mâu thuẫn giai cấp còn có mâu thuẫn dân tộc và cuộc đấu tranh giải quyết mâu thuẫn giai cấp gắn liền với đấu tranh giải phóng dân tộc. Điều kiện lịch sử xã hội này đã có ảnh hưởng không nhỏ đối với sự hình thành và phát triển của khuynh hướng văn học lúc bấy giờ. Về mặt văn hóa xã hội, truyền thống văn hóa, đạo đức đang bị xâm hại trầm trọng trước sức mạnh của đồng tiền và cuộc xâm lăng văn hóa từ phương Tây. Tuy nhiên, bên cạnh những biểu hiện lai căng và nguy cơ bào mòn bản sắc còn là quá trình tiếp thu những ảnh hưởng tích cực từ văn hóa phương Tây, như sự học tập các trào lưu văn hóa tiến bộ, trong đó có chủ nghĩa hiện thực và sự phát triển của một số thể loại như phóng sự, tiểu thuyết, truyện ngắn và kịch. Không có những thể loại này, chủ nghĩa hiện thực không thể thực hiện những yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật của mình. Hơn nữa, đây cũng là thời kì chữ quốc ngữ phát triển khá nhuần nhuyễn, giúp cho việc sáng tác và tiếp nhận trở nên thuận lợi và hiệu quả hơn. Những điều kiện văn hóa xã hội này chính là tiền đề góp phần tạo nên sự phát triển của chủ nghĩa hiện thực trên mảnh đất văn hóa Việt Nam.

Nhìn chung, chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam mang những đặc điểm chung của chủ nghĩa hiện thực phương Tây. Các nhà văn với cảm quan lịch sử đã phản ánh trong tác phẩm của mình những sự kiện nóng bỏng, những vấn đề cấp bách và quan trọng của thời đại, cho thấy được đối kháng và đấu tranh giải quyết xung đột giữa các giai cấp trong xã hội. Hơn nữa, họ cũng đi sâu khám phá thế giới bên trong con người, thể hiện một sự tinh tế trong cảm nhận và tái hiện đời sống tâm lí của con người. Ngôn ngữ dân tộc được sử dụng đạt đến độ thành thục, điêu luyện. Các thể loại văn học phát triển đa dạng, trong đó nhiều tiểu thuyết, nhất là truyện ngắn đạt đến trình độ không thua kém so với những đỉnh cao văn học phương Tây. Đó là lí do vì sao trong một số trường hợp, việc so sánh Nguyễn Công Hoan với Maupassand, Vũ Trọng Phụng với Balzac, Nam Cao với Chekhov không phải là nói quá. Tuy nhiên, do sự quy định của điều kiện lịch sử, xã hội nên văn học hiện thực Việt Nam chủ yếu xoay quanh mâu thuẫn giữa địa chủ phong kiến với

nông dân. Hình tượng nhân vật tư sản trong văn học Việt Nam tương đối mờ nhạt, nhường vị trí trung tâm cho những tên quan lại bóp nặn, áp bức nhân dân. Loại nhân vật này cùng với hình tượng nhân vật quan lại phong kiến trên đường tư sản hóa này và một số trường hợp nhân vật thực dân đã quyết định cảm hứng phê phán của văn học lúc này. Bên cạnh đó, khác với văn học hiện thực phương Tây, hình ảnh người nông dân thấp cổ bé họng chiếm một vị trí rất đáng kể trong văn học hiện thực Việt Nam, với cảm hứng trân trọng và cảm thương sâu sắc. Trong giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ, một số nhà văn đã tiếp thu tư tưởng Marxist, đã nhận thấy và miêu tả thành công cuộc đấu tranh của những con người giác ngộ lí tưởng cách mạng.

Văn học lúc này có thêm hình ảnh của giai cấp công nhân, thể hiện tinh thần chiến đấu và lạc quan cách mạng.

Nói tóm lại, chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam có những đặc điểm chung của văn học hiện thực thế giới, đồng thời có những đặc trưng riêng của một nền văn học phát triển trong điều kiện lịch sử xã hội đặc biệt. Chính điều này đã quy định nên những đặc điểm của việc nghiên cứu chủ nghĩa hiện thực trong khoa nghiên cứu văn học của Việt Nam.

Chương 2

Một phần của tài liệu toàn văn LUẬN án TIẾN sĩ NGỮ văn vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong khoa nghiên cứu văn học ở việt nam từ 1975 đến nay (Trang 50 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(214 trang)