4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.2. Quản lý khai thác di sản văn hóa Quan họ trong hoạt động du lịch
4.2.9. Đánh giá công tác quản lý khai thác di sản văn hóa Quan họ trong hoạt động du lịch tỉnh Bắc Ninh thời gian qua
4.2.9.1. Những kết quả đạt được
Phải nói rằng Du lịch Quan họ là một loại hình du lịch không phải là mới nhưng cũng chưa thật phổ biến đối với Du lịch nước ta. Trong những năm
qua, Bắc Ninh đã chủ động triển khai một số biện pháp thiết thực đem lại hiệu quả bước đầu trong việc thúc đẩy ngành Du lịch Bắc Ninh phát triển, trong đó có Du lịch Quan họ.
Trước hết, đó là Công tác bảo tồn di sản văn hóa Quan họ Bắc Ninh đã đem lại những kết quả quan trọng. Nhờ có nỗ lực bảo tồn từ các cấp chính quyền Trung ương, địa phương và từ phía người dân – chủ nhân của di sản văn hóa Quan họ, mà Quan họ đã được khôi phục, giữ gìn. Nhờ vậy mà hoạt động du lịch dựa vào việc khai thác giá trị di sản văn hóa Quan họ mới có thể phát triển.
Thứ hai, Công tác đầu tư phát triển loại hình du lịch Quan họ cũng được cơ quan Quản lý nhà nước quan tâm, chú trọng. Một số dự án khu du lịch Quan họ đã khởi công, cơ sở hạ tầng giao thông đến các điểm du lịch, một số làng Quan họ gốc đang xây dựng; hệ thống biển chỉ dẫn du lịch được đưa vào sử dụng. Dự án bảo tồn làng Quan họ gốc như làng Diềm, làng Hoài Thị, làng Bồ Sơn đã hoàn thành và đang nghiên cứu để ứng dụng trên thực tế.
Bên cạnh việc đầu tư từ phía cơ quan Quản lý nhà nước, một số doanh nghiệp du lịch cũng mạnh dạn đầu tư thuyền cho khách du thuyền nghe hát Quan họ, đội diễn viên hát Quan họ phục vụ khách bất kể khi nào có yêu cầu…
Thứ ba, Sản phẩm du lịch Quan họ có sức lôi cuốn riêng cho nên lượng khách du lịch, nhất là khách du lịch nước ngoài tham gia những chương trình du lịch Quan họ tại Bắc Ninh gia tăng đáng kể trong những năm gần đây.
Bước đầu, các nhà xây dựng sản phẩm du lịch đã biết kết hợp một cách hiệu quả việc khai thác Quan họ trong hoạt động du lịch có gắn kết với tham quan các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội của Bắc Ninh để tạo nên những chương trình du lịch khép kín khá hấp dẫn. Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế vị trí của mình, Bắc Ninh đã thu hút nhiều khách nối tour từ Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn… góp phần đáng kể trong việc gia tăng lượng khách đến với tỉnh.
Thứ tư, Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ngày càng được tăng cường. Nhất là cơ sở lưu trú du lịch có bước phát triển rõ rệt cả về số lượng và chất lượng dịch vụ, ngày càng có nhiều nhà đầu tư tham gia xây dựng các cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Riêng trong giai đoạn 2011 - 2013 đã có 170 cơ sở được xây dựng mới (chiếm 1/3 số lượng cơ sở lưu trú giai đoạn 2010 - 2020) đưa tổng số cơ sở lưu trú cả tỉnh lên 356 cơ sở. Số lượng cơ sở lưu trú tăng nhanh cơ bản đáp ứng số lượng khách vào các mùa lễ hội.
Thứ năm, Các dự án Khu du lịch được tiến hành quy hoạch chi tiết. Có sự đổi mới chuyển đổi về phương thức đầu tư BT cơ sở hạ tầng và xác định chủ đầu tư.
Thứ sáu, Số lượng, chất lượng nguồn nhân lực du lịch tiếp tục được cải thiện. Trong 4 năm (2010 - 2013), đã thu hút thêm số lượng lao động bằng 1/3 số lao động trực tiếp của cả giai đoạn 2010 - 2020. Tính đến 6/2014 toàn tỉnh có 1.705 lao động trực tiếp làm việc trong các cơ sở kinh doanh du lịch. Tỷ lệ lao động phổ thông trong ngành du lịch đã giảm xuống, từ tỷ lệ 70 - 80%
năm 2010 nay đã xuống 40%.
Thứ bảy, Công tác tuyên tuyền, quảng bá du lịch có bước tiến bộ. Tổng kinh phí đạt trên 1,3 tỷ đồng. Sau khi sát nhập thành sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch công tác tuyên truyền quảng bá du lịch có được sự đa dạng và rộng rãi khi kết hợp, lồng ghép với việc tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao có qui mô lớn trên địa bàn của tỉnh như: Giải Boxing nữ quốc tế, giải bóng truyền nữ, Festival Bắc Ninh 2014, chương trình nghệ thuật Về miền Quan họ, chương trình thi hát Dân ca Quan họ đầu xuân...
4.2.9.2. Những vấn đề tồn tại
Thứ nhất, chưa có một quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quan họ và đưa ra các chiến lược phát triển du lịch xứng tầm, thể chế các chiến lược thành các kế hoạch đặc biệt về đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.
Cơ sở hạ tầng du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhất là cơ sở hạ tầng các khu du lịch và các điểm du lịch. Các dự án khu du lịch được coi là khâu đột phá cho du lịch, song tiến độ thực hiện dự án theo quy hoạch còn rất chậm. Hiện nay các dự án khu du lịch vẫn chỉ dừng ở việc xây dựng một số tuyến đường giao thông. Do vậy chưa tạo ra được điểm nhấn hấp dẫn để thu hút và lưu giữ chân khách khi đến với Bắc Ninh. Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức BT đã xác định được chủ đầu tư nhưng chưa đảm bảo tiến độ thực hiện.
Công tác đầu tư, quy hoạch phát triển du lịch Quan họ mới ở giai đoạn đầu. Tuy một số hoạt động đầu tư phát triển du lịch Quan họ bắt đầu triển khai nhưng thực tế tiến độ rất chậm, vốn ít. Cho đến nay, chưa xây dựng được quy hoạch du lịch cho các làng Quan họ gốc, chưa có một kế hoạch tổng thể hay một chiến lược lâu dài cho phát triển du lịch, trong đó có khai thác, phát huy giá trị di sản Quan họ. Vì thế, hoạt động du lịch Quan họ hiện nay chỉ mới mang tính chất bột phát, nhất thời, khi khách có yêu cầu thì đáp ứng mà hầu như chưa được đầu tư một cách bài bản, hoặc đã có nhưng số lượng tại điểm đến còn quá ít.
Thứ hai, công tác xây dựng sản phẩm du lịch Quan họ chưa chuyên nghiệp. Tuy một số sản phẩm du lịch Quan họ đã bước đầu tạo được ấn tượng cho du khách nhưng nhìn chung sản phẩm còn hết sức nghèo nàn, đơn điệu;
thiếu các dịch vụ du lịch đạt chuẩn phục vụ du khách. Sản phẩm du lịch nói chung mới mang tính chất “tự biên tự diễn”, thô sơ, thiếu tính sáng tạo. Ngoài hát dân ca Quan họ, chưa có dịch vụ du lịch nào hấp dẫn thu hút khách lưu lại lâu hơn.
Bắc Ninh chưa có được những sản phẩm du lịch đặc thù chất lượng cao, nên chưa tạo được điểm nhấn để thu hút và lưu giữ khách đến Bắc Ninh. Sản phẩm phần lớn chỉ dựa vào giá trị sẵn có của các điểm di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống và Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Các điểm
quy hoạch du lịch mới chỉ đầu tư trùng tu, tôn tạo là chính còn hạn chế về cơ
sở hạ tầng (Đường vào, cảnh quan, môi trường) và chất lượng phục vụ (hướng dẫn viên, hàng lưu niệm, phong cách đón tiếp, dịch vụ thông tin...).
Thứ ba, công tác tuyên truyền quảng bá cho hoạt động du lịch Quan họ vẫn còn bỏ trống. Cơ quan Quản lý nhà nước về du lịch và doanh nghiệp đều chưa chú trọng đến việc xúc tiến hình ảnh du lịch Quan họ Bắc Ninh. Điều này không chỉ thể hiện rõ trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh, chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp… mà có thể thấy trước mắt là trong các tập gấp, tờ rơi thiếu hẳn thông tin về du lịch Quan họ, hoặc có chăng thì chỉ là nội dung giới thiệu chung chung, không đầy đủ. Ngoài ra, cộng đồng người dân cũng không được tập huấn kỹ năng làm du lịch, nhận thức về vai trò của hoạt động du lịch Quan họ của người dân còn rất thấp.
Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch tuy đã có chuyển biến, song chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Các sản phẩm quảng bá như tờ rơi, tờ gấp, đĩa VCD, DVD, sách... số lượng phát hành trong giai đoạn vừa qua mới chỉ đáp ứng việc cung cấp tới các điểm diểm di tích, khách sạn, các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu trên địa bàn Bắc Ninh, chưa quảng bá đến được các thị trường khách du lịch lớn trong và ngoài nước…
Thứ tư, là công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch Quan họ còn hạn chế. Nguồn nhân lực chính là yếu tố then chốt của các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành kinh tế dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, nhân lực của ngành du lịch Bắc Ninh vừa thiếu vừa yếu. Du lịch Quan họ thiếu những hướng dẫn viên, thuyết minh viên am hiểu về Quan họ và có đủ trình độ ngoại ngữ để chuyển tải cho khách du lịch. Nhận thức của người dân về phát triển du lịch Quan họ cần phải được tuyên truyền, nâng cao. Cán bộ của Ngành Du lịch phải được đào tạo, chuẩn hóa về trình độ chuyên môn và ngoại ngữ.
Thứ năm, mặc dù các chỉ tiêu phát triển du lịch có nhịp độ tăng trưởng cao nhưng tỷ lệ đóng góp vào cơ cấu kinh tế chung của tỉnh còn thấp chưa
tương xứng với tiềm năng du lịch.
Thứ sáu, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn vừa ít về số lượng, yếu về năng lực chuyên môn và năng lực tài chính. Chất lượng dịch vụ du lịch chưa được đảm bảo và đặc biệt là đội ngũ lao động trong ngành du lịch thiếu tính chuyên nghiệp. Các loại hình kinh doanh du lịch phát triển thiếu đồng bộ, tính đến tháng 6/2014 có trên 412 cơ sở kinh doanh du lịch có tới 398 cơ sở kinh doanh lưu trú, nên khả năng hỗ trợ lẫn nhau rất thấp.
Chất lượng nguồn nhân lực du lịch chưa cao, có tới 40% lao động chưa qua đào tạo. Đặc biệt đội ngũ hướng dẫn viên du lịch còn thiếu và yếu về chuyên môn nghiệp vụ; chưa có điểm di tích lịch sử - văn hóa nào có hướng dẫn viên hoặc thuyết minh viên chuyên nghiệp làm việc tại điểm.