TRUYỆN NGẮN NAM CAO
I. Đôi nét về nhà văn Nam Cao và đặc điểm truyện ngắn của Nam cao
2. Đặc điểm truyện ngắn Nam Cao
Trong trào lưu hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1940-1945, Nam Cao nổi lên như một nhà văn tiêu biểu và độc đáo. Qua sáng tác của mình, Nam Cao đã phản ánh được cái khung cảnh ngột ngạt, tăm tối của xã hội Việt Nam trước cách mạng tháng Tám. Nam Cao viết rất nhiều, nhưng sáng tác của ông có thể quy về hai đề tài chủ yếu: người nông dân và người tiểu tư sản trí thức nghèo.
Thông qua đề tài người nông dân, Nam Cao đã bày tỏ thái độ trân trọng, xót thương đối với những người nông dân nghèo. Đồng thời, phản ánh được quá trình phá sản, bần cùng hóa của người nông dân.
Trong truyện ngắn Nam Cao vấn đề cái nghèo, cái đói được nhà văn đề cập hết sức mạnh mẽ. Nó tái hiện lại một thời kì lịch sử dân tộc hơn hai triệu người chết đói. Cái đói đeo đẳng con người dẫn đến nhiều bi kịch đau thương: Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên lão chọn cái chết để mình không phải là gánh nặng của con, lão chết chứ không phạm đến miếng đất mà lão dành cho con, anh đĩ Chuột trong Nghèo cũng chọn lấy cái chết để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, nhưng oan nghiệt thay trước lúc chết anh vẫn còn nghe vanh vảnh tiếng bà Huyện đòi nợ và tiếng vợ con van xin khóc lóc để xin lại mẻ gạo của gia đình…
Cũng có những cái đói làm thui chột đi nhân cách con người. Tiêu biểu là bà cái Đĩ trong Một bữa no. Cuộc đời của bà là những chuỗi ngày đau khổ, cái khổ đeo bám từ tấm bé, bà lấy chồng cũng khổ chồng bà chết sớm để lại cho bà đứa con, bà cố nuôi con những mong được nhờ cậy lúc tuổi già nào ngờ con bà cũng chết, để lại cho bà đứa cháu. Bà lấy tình yêu cháu làm vui nhưng cuộc sống quá nghèo khó và bà ngày càng già yếu, không thể nuôi nổi cháu, cháu bà buộc phải đi ở cho người ta để kiếm cơm. Cuộc sống của bà ngày càng khó khăn, bà làm đủ mọi việc để kiếm miếng cơm nhưng bà vẫn đói. Một lần bà đói quá, bà đành đánh liều đến nhà bà phó
Thụ nơi cháu bà đi ở với hi vọng có được một bữa cơm. Rồi bà cũng được ăn nhưng ăn trong sự nhục nhã và khinh bỉ của bà phó Thụ. Sau bữa ăn no đó là cái chết của bà lão. Bà phó Thụ lấy cái chết đó làm bài học kinh nghiệm để dạy những đứa ở trong nhà: “Chúng mày xem đấy. Người ta đói đến đâu cũng không thể chết nhưng no một bữa là đủ chết. Chúng mày liệu mà ăn tộ vào!...”. Qua đây nhà văn thể hiện nỗi xót xa, đau đớn với những con người nghèo khổ. Một bữa no không chỉ đơn thuần là tiếng kêu cứu đói trước cái chết của bà cái Đĩ, mà đó là tiếng kêu cứu trước cái chết tinh thần của một nhân cách. Điều mà nhà văn muốn nói ở đây đó cái nhục mà con người phải đối diện trước cái đói. Con người có thể từ bỏ nhân phẩm, từ bỏ tính chất con người của mình để chấp nhận cuộc sống của con vật.
Cái đói trở thành nỗi ám ảnh đối với những người nông dân nghèo. Vì nghèo mà mẹ của Hảo trong Dì Hảo phải cho con mình đi ở để nhường cơm cho em nó, vì nghèo mà Dần trong Một đám cưới cũng phải đi ở khi mới mười hai tuổi, và phải lấy chồng trong cảnh lạnh lẽo đến ghê gợm. Cô dâu chỉ mặc bộ đồ ngày thường để về nhà chồng, cả nhà trai và nhà gái chỉ có mẹ chồng, chồng Dần, bố Dần và hai em. Một đám cưới có thể nói là buồn như đám ma. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng chung quy lại cảnh nghèo và cái chết của họ là lời tố cáo xã hội sâu sắc.
Viết về đề tài người nông dân Nam Cao không chỉ dừng lại ở cái nghèo cái đói mà còn viết về sự tha hóa, biến chất trong con người. Tiêu biểu trong tác phẩm Chí Phèo vấn đề con người bị tha hóa hiện lên rất rõ. Chí Phèo vốn là một anh canh điền hiền lành, khỏe mạnh, có ước mơ dù nó rất đỗi giản đơn “chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải”. Nhưng ước mơ của Chí đã không thực hiện được, chỉ vì những ghen tuông cá nhân bá Kiến đã đẩy Chí vào tù. Chính từ đây đánh dấu cuộc đời tha hóa của một người nông dân lương thiện. Sau bảy, tám năm tù về Chí thay đổi hẳn từ nhân hình đến nhân tính – hắn trở thành con quỷ dữ của làng Vũ – Đại.
Chí Phèo triền miên trong những cơn say, ăn trong lúc say, cướp giật dọa nạt trong lúc say,… và sau cùng với chiến thuật “dùng người” của bá Kiến, Chí đã trở thành tay sai đắc lực của lão, Chí càng ngày càng rơi vào hố sâu tội lỗi. Từ đây cuộc đời của Chí bị khép trong vòng luẩn quẩn đầy tủi nhục, tối tăm. Nam Cao tố cáo sự hủy diệt ghê gớm phẩm chất, nhân cách một con người do chế độ nhà tù gây nên. Từ một người hiền lành, nhẫn nhục, Chí trở thành một tên côn đồ hung dữ “giở toàn giọng uống máu người không tanh”. Những tưởng cuộc đời của Chí thế là hết,
nhưng không tình yêu của thị Nở và bát cháo hành ấm nóng tình người đã đánh thức những tình cảm, làm sống dậy trong Chí những khao khát xưa kia. Và thị Nở sẽ là ánh sáng mở đường cho Chí trở về với lương thiện. Nhưng nghiệt ngã nhất là lúc Chí có thể làm hòa với mọi người thì những định kiến khắc khe của xã hội đã không đón nhận Chí vào con đường bằng phẳng của xã hội loài người, không cho Chí cơ hội trở về với lương thiện. Cái chết của Chí chính là bản cáo trạng, lời cảnh báo cho một xã hội mới: cần thay đổi những định kiến để con người có được cuộc sống đúng nghĩa. Kết thúc tác phẩm là một câu hỏi lớn về vấn đề nhìn nhận con người; thị Nở nhìn xuống bụng và nghĩ tới cái lò gạch bỏ không xa nhà và vắng người qua lại, mở đầu cho một cuộc đời mới và cách nhìn nhận của con người về cuộc đời ấy.
Một khía cạnh của vấn đề tha hóa đó là vấn đề về nhân cách. Nhân vật người cha trong Trẻ con không được ăn thịt chó là điển hình tiêu biểu của một nhân cách sa đọa, méo mó và độc ác. Trong tác phẩm hắn hiện nguyên hình là một thằng người, mà phần con là nổi trội, hắn chỉ biết nghĩ đến miếng ăn của riêng mình, trong đầu hắn lúc nào cũng nghĩ đến rượu và thịt chó, hắn tranh mất phần của con… Hay trong Dì Hảo nhân vật người chồng là một đại diện tiêu biểu cho sự ít kỷ nhỏ nhen, hắn chỉ ăn uống và vui thú, hắn bắt vợ hắn làm để cung phụng cho hắn…
Với đề tài người tiểu tư sản trí thức nghèo, trong tác phẩm của mình Nam Cao thể hiện rất đặc sắc các khía cạnh của những người trí thức tiểu tư sản lúc bấy giờ. Đó là bi kịch vỡ mộng của người trí thức tiểu tư sản nghèo, là bi kịch “chết mòn” tinh thần, đồng thời cũng là những đấu tranh để tự vượt lên mình.
Người trí thức trong truyện ngắn Nam Cao, là những con người có ước mơ hoài bão lớn nhưng gánh nặng cơm áo, gạo, tiền đã phần nào giới hạn đi lý tưởng của họ. Hộ trong Đời thừa là một người say mê lý tưởng có những hoài bão lớn, là nhà văn có tâm huyết với nghiệp văn chương: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”. Hộ cũng đã từng tâm niệm: “Một tác phẩm thật sự có giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng những gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn”. Hộ cũng từng có lý tưởng sống cao đẹp: “Kẻ mạnh không phải là kẻ
giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của mình” chính vì thế Hộ đã đưa tay cứu vớt cuộc đời của Từ, nuôi con Từ và phụng dưỡng, lo ma chay cho mẹ Từ. Và cũng từ đấy Hộ rơi vào bi kịch:
“Hắn hiểu thế nào là giá trị của đồng tiền; hắn hiểu nỗi đau của một kẻ đàn ông khi thấy vợ con mình đói rách” Hộ đã từng nghĩ đến câu nói: “Phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ”. Rồi cuộc đời Hộ rơi vào bi kịch, hắn bắt đầu nhậu nhẹt, la mắng vợ con, có khi đuổi cả vợ con, xem họ là vật cản cho đời hắn. Nhưng điều đáng quý ở Hộ là Hộ vẫn giữ được nhân cách cao đẹp của người trí thức, Hộ thấy hối hận về những điều đã làm. Cuối tác phẩm người đọc cũng có thể nhận thấy được sự thay đổi và hướng đi mới cho người trí thức này. Hộ đã vươn lên để vẫn giữ được nhân cách cao đẹp của người trí thức.
Tương tự như Hộ, Điền trong Giăng sáng cũng rơi vào bi kịch của lòng thương và sự nghiệp. Điền rất yêu văn chương có những quan niệm nghệ thuật đáng quý: “Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia, toát ra từ những kiếp lầm than”.
Điền yêu văn Điền cam chịu tất cả để được làm một nhà văn chân chính: “Điền chăm chỉ đọc sách, viết văn. Điền náo nức muốn trở thành một văn sĩ. Điền nguyện sẽ cam chịu tất cả những thiếu thốn, đọa đày mà nhà văn nước mình phải chịu”.
Điền rất yêu trăng, trăng rất mộng rất thơ, nhưng vợ Điền thì: “Trăng chỉ là đỡ tốn hai xu dầu”. Hiện thực cuộc sống vợ đói, con khóc không cho Điền lãng mạn nữa.
Điền phải quay về thực tại và thấy phải có trách nhiệm với vợ con. Cuối cùng lòng yêu chiến thắng sự nhỏ nhen, ích kỷ: “Sáng hôm sau, Điền ngồi viết. Giữa tiếng con khóc, tiếng vợ gắt gỏng, tiếng léo xéo đòi nợ ngoài đầu xóm. Và cả tiếng chửi bới của một người láng giềng ban đêm mất gà”. Điền nhận ra rằng văn chương cần phải phản ánh hiện thực. Đây là quan điểm hết sức tiến bộ hiện thực - nhân đạo.