CHƯƠNG 1. LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ PHÁT TRIỂN CHO VAY ĐẦU TƯ CỦA QUỸ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN ĐỊA PHƯƠNG
1.2. PHÁT TRIỂN CHO VAY ĐẦU TƯ CỦA QUỸ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN ĐỊA PHƯƠNG
1.2.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến việc phát triển cho vay đầu tư của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương
a. Nhóm nhân tố bên trong Quỹ
* Chính sách tín dụng của Quỹ
Chính sách tín dụng tạo sự thống nhất chung trong hoạt động tín dụng, tạo đường hướng, chỉ dẫn cho cán bộ tín dụng. Chính sách tín dụng bao gồm các quan điểm, chủ trương, định hướng, quy định chỉ đạo hoạt động cho vay đầu tư của Quỹ; tất cả các yếu tố này tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến việc phát triển hoạt động cho vay đầu tư của Quỹ.
Nếu chính sách tín dụng đúng đắn, phù hợp, linh hoạt, đáp ứng được nhu cầu vay vốn của khách hàng thì sẽ thu hút được nhiều khách hàng đến vay vốn, bảo đảm chất lượng tín dụng, tạo điều kiện cho Quỹ phát triển hoạt động cho vay đầu tư. Ngược lại, nếu chính sách tín dụng không hợp lý, quá cứng nhắc, không đáp ứng được nhu cầu vay vốn của khách hàng thì Quỹ không thể thực hiện được mục tiêu phát triển cho vay đầu tư.
* Khả năng nguồn vốn cho vay của Quỹ
Vốn hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương gồm có vốn chủ sở hữu và vốn huy động.
- Vốn chủ sở hữu gồm vốn điều lệ do ngân sách địa phương cấp, vốn điều lệ tự bổ sung từ quỹ đầu tư phát triển và nguồn tự bổ sung khác.
- Vốn huy động gồm vay các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước, phát hành trái phiếu, các hình thức huy động vốn trung và dài hạn khác.
Quỹ Đầu tư phát triển địa phương chỉ được huy động vốn tối đa bằng 6 lần vốn chủ sở hữu của Quỹ tại cùng thời điểm. Nếu vốn chủ sở hữu càng lớn, khả năng huy động vốn của Quỹ càng cao.
Nếu vốn hoạt động của Quỹ càng lớn thì Quỹ mới có đủ tiền cho khách hàng vay, có điều kiện mở rộng hoạt động cho vay đầu tư; nếu vốn hoạt động
của Quỹ nhỏ, thì Quỹ không có đủ tiền cho khách hàng vay, Quỹ sẽ bỏ lở nhiều cơ hội đầu tư, làm hạn chế việc phát triển cho vay đầu tư.
* Năng lực điều hành của người lãnh đạo
Người lãnh đạo là người điều hành và quyết định mọi hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương, do đó việc phát triển cho vay đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào năng lực điều hành của người lãnh đạo. Nếu người lãnh đạo có năng lực, giỏi nghiệp vụ, hiểu biết sâu rộng về tình hình kinh tế xã hội địa phương thì quyết định về việc phát triển hoạt động cho vay đầu tư sẽ đúng đắn, mang lại hiệu quả kinh doanh cho Quỹ, bảo đảm khả năng hoàn trả, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương; Ngược lại, nếu người lãnh đạo thiếu năng lực, không nắm chắc nghiệp vụ, không hiểu biết về tình hình kinh tế xã hội địa phương, không nắm bắt, điều chỉnh hoạt động của Quỹ cho phù hợp tình hình kinh tế xã hội địa phương, sử dụng không hiệu quả nguồn nhân lực thì quyết định về việc phát triển hoạt động cho vay đầu tư có thể bị sai lầm, gặp rủi ro, làm hạn chế việc phát triển cho vay đầu tư.
* Năng lực và phẩm chất đạo đức của cán bộ tín dụng
Con người luôn luôn là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự thành bại của bất cứ một hoạt động nào trên mọi lĩnh vực. Đối với hoạt động cho vay đầu tư thì yếu tố con người lại càng đóng một vai trò quan trọng, nó quyết định đến chất lượng tín dụng và từ đó quyết định đến hiệu quả cho vay đầu tư.
Do đó các Quỹ cần chú trọng hơn đến việc nâng cao trình độ, phẩm chất của cán bộ tín dụng.
Cán bộ tín dụng là người trực tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, đề nghị cho vay, kiểm tra sử dụng vốn vay, đôn đốc thu hồi nợ nên năng lực và phẩm chất đạo đức của cán bộ tín dụng ảnh hưởng lớn đến phát triển cho vay đầu tư.
Nếu cán bộ tín dụng có trình độ, năng lực, đạo đức tốt, thẩm định và đề nghị cho vay đúng đối tượng, có hiệu quả, bảo đảm thu hồi được nợ thì Quỹ
có điều kiện phát triển hoạt động cho vay đầu tư; ngược lại, nếu cán bộ tín dụng trình độ kém, năng lực yếu, thông đồng với khách hàng để đề nghị cho vay không đúng đối tượng, không hiệu quả, thì món vay khó thu hồi hoặc không thu hồi được, Quỹ sẽ bị mất vốn, thua lỗ.
b. Nhóm nhân tố bên ngoài Quỹ
* Môi trường kinh tế xã hội
Môi trường kinh tế xã hội tác động mạnh mẽ đến hoạt động cho vay đầu tư của Quỹ cũng như các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Khi nền kinh tế đang tăng trưởng ổn định, doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, có nhiều nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, có khả năng trả nợ cho Quỹ. Ngược lại, khi nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái, mất ổn định, lạm phát cao, lãi suất cho vay cao, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, sản xuất bị đình trệ, sức mua bị giảm sút, hàng hoá bị ứ đọng, doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, không có khả năng trả nợ cho Quỹ, hoạt động cho vay đầu tư sẽ gặp nhiều rủi ro, bị thu hẹp.
* Môi trường pháp lý
Nếu những quy định pháp luật về hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương đầy đủ, rõ ràng, đồng bộ, buộc người vay vốn phải có ý thức trong sản xuất kinh doanh và trả nợ cho Quỹ, thì Quỹ sẽ an tâm cho vay đầu tư, tạo cơ sở chắc chắn để Quỹ xử lý nợ khi khách hàng không trả được nợ, giải quyết các khiếu nại, tranh chấp xảy ra. Nếu những quy định pháp luật về hoạt động của Quỹ chưa đủ, không rõ ràng, thiếu đồng bộ, còn nhiều kẻ hở, thì rất khó khăn cho Quỹ khi phát triển cho vay đầu tư, không có cơ sở để Quỹ xử lý nợ, giải quyết khiếu nại, tranh chấp.
Những chủ trương, chính sách về quản lý kinh tế nếu thay đổi một cách đột ngột sẽ gây xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến phát triển cho vay đầu tư của Quỹ.
* Khách hàng vay vốn
Khách hàng là nhân tố ảnh hưởng lớn tới việc phát triển cho vay đầu tư vì hiệu quả và chất lượng cho vay đầu tư phụ thuộc vào hiệu quả sản xuất kinh doanh của khách hàng.
Nếu khách hàng vay vốn sản xuất kinh doanh có hiệu quả, sản phẩm tiêu thụ được, kinh doanh có lãi, mới có khả năng trả đủ nợ gốc và lãi cho Quỹ, Quỹ thu hồi được vốn để tái đầu tư, trích lập quỹ để bổ sung thêm vốn điều lệ, mở rộng hoạt động cho vay đầu tư. Nếu khách hàng vay vốn sản xuất kinh doanh không hiệu quả, sản phẩm không tiêu thụ được, kinh doanh thua lỗ, khách hàng không trả được nợ và lãi cho Quỹ, Quỹ sẽ bị mất vốn, hạn chế việc mở rộng cho vay đầu tư.
* Tính phức tạp, đa dạng và đặc thù của dự án vay vốn
Dự án càng phức tạp, đa dạng thì thời gian thẩm định, xét duyệt cho vay thường kéo dài; đặc biệt đối với các dự án mang tính đặc thù, Quỹ Đầu tư phát triển địa phương phải thuê các công ty chuyên môn, chuyên gia tư vấn thì thời gian thẩm định, xét duyệt cho vay càng dài, ảnh hưởng đến việc phát triển cho vay đầu tư của Quỹ.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Trong chương 1, luận văn đã hoàn thành các công việc chủ yếu sau đây:
- Giới thiệu một cách tổng quan về đầu tư phát triển, cho vay đầu tư của nhà nước, Quỹ Đầu tư phát triển địa phương, sự cần thiết phải thành lập Quỹ Đầu tư phát triển địa phương, đặc điểm hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương có ảnh hưởng đến việc phát triển cho vay đầu tư; từ đó nêu các đặc điểm về cho vay đầu tư của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương.
- Làm rõ những nội dung chủ yếu về phát triển cho vay đầu tư của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương; trình bày các tiêu chí đánh giá việc phát triển cho vay đầu tư của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương; phân tích, đánh giá các
nhân tố ảnh hưởng đến việc phát triển cho vay đầu tư của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương. Trên cơ sở đó, sẽ làm cơ sở cho việc phân tích thực trạng phát triển cho vay đầu tư tại Quỹ Đầu tư phát triển Khánh Hòa, những kết quả đã đạt được cần khuyến khích phát triển và những vấn đề còn tồn tại cần phải giải quyết trong giai đoạn 2013 - 2020.
CHƯƠNG 2