Chương 2: CỐT TRUYỆN VÀ CÁC MÔ TÍP ĐẶC TRƯNG CỦA KIỂU TRUYỆN CHÀNG NGỐC
2.2. Mô típ đặc trưng
2.2.2. Mô típ “chàng ngốc làm theo lời vợ dặn”
“Chàng ngốc làm theo lời vợ dặn” cũng là một mô típ đặc trưng của kiểu truyện chàng ngốc. Qua khảo sát truyện, chúng tôi thấy có 9/25 truyện có mô típ này, chiếm tỉ lệ là 36% trong kiểu truyện chàng ngốc. Tiêu biểu là những truyện như: Phiêu lưu của anh chàng ngốc hay truyện làm theo lời vợ dặn (dân tộc Việt), Con vợ khôn lấy thằng chồng dại như bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu (dân tộc Việt), Chàng ngốc đi buôn (dân tộc Việt), Anh chàng ngốc (dân tộc Việt), Chàng ngốc đi học (dân tộc Nùng), Bợm già mắc bẫy hay là mưu trí đàn bà (dân tộc Việt), Anh chồng ngốc (dân tộc Việt), Chàng ngốc
săn hươu (dân tộc Hà Nhì), Thằng ngốc (dân tộc Hà Nhì). Khi khảo sát các truyện này chúng tôi nhận thấy mô típ “làm theo lời vợ dặn” cũng có điểm giống với mô típ “vợ khôn chồng dại” ở chỗ tất cả truyện này cũng đều thể hiện mối quan hệ vợ chồng trong sự đối lập giữa những anh chồng ngốc nghếch với những cô vợ thông minh, là người dẫn đường chỉ lối cho chồng trong mọi công việc. Anh chồng ngốc chỉ biết máy móc, thụ động làm theo lời vợ dặn, không chịu suy xét vấn đề trước sau, phải trái, làm những hành động trái với quy luật của tự nhiên nên cứ thất bại hết lần này đến lần khác. Vợ bảo kinh nghiệm ứng xử ở hoàn cảnh, hiện thực này thì anh ta lại bê y nguyên vào hoàn cảnh, đối tượng khác hoặc hiểu vấn đề một cách thiển cận. Những hành động ngốc nghếch của anh chồng ngốc khiến vợ vừa bực mình vừa thương chồng. Chẳng hạn vợ bảo muốn đặt được bẫy nhiều thì phải lên mái cao như mái nhà. Ngốc nghe lời vợ nói lại tưởng người ta đặt bẫy trên mái nhà nên nhân lúc vợ đi vắng ngốc đem bẫy lên mái nhà bẫy thú rừng. Kết cục chẳng bẫy được con thú nào cả. Vợ thấy chồng ngốc quá nên đã chỉ bảo cách đặt bẫy kĩ lưỡng hơn, vợ bảo phải đặt bẫy ở dưới đất thì mới bắt được thú rừng nên hôm sau ngốc mang bẫy ra cái rãnh sau nhà đặt, thú rừng đâu không thấy mà chỉ toàn là gà, lợn của dân làng sập bẫy. Hành động ngốc nghếch đến không thể tin nổi của ngốc đã khiến cô vợ rất bực mình nhưng cũng rất thương chồng. Hay vợ bảo làm giúp vợ một cái lều, chẳng cần to lắm chỉ như cái mai cua cũng được (ý là chỉ cần cái lều nhỏ thôi) nhưng ngốc tưởng vợ bảo bắt cua, lấy mai cua để làm lều nên hôm sau ngốc ra suối bắt cua lấy mai làm lều.
Biết rằng dù có chỉ bảo thế nào nhưng chồng vẫn không làm được việc gì nên vợ ngốc không cho chồng làm gì nữa ngoài việc ở nhà cho lợn ăn. Vợ dặn khi mặt trời xuống đến ngọn cây thì trèo lên cây gọi lợn về ăn nhưng ngốc làm cũng không xong, nghe lời vợ dặn ngốc trèo lên ngọn cây gọi lợn về ăn nhưng khi thấy có con kiến bò ngược thân cây xuống thì liền bắt chước và ngã lộn cổ mà chết trong truyện Thằng ngốc (dân tộc Hà Nhì). Hay trong truyện Phiêu
lưu của anh chàng ngốc hay truyện làm theo lời vợ dặn (dân tộc Việt) kể về anh chồng ngốc nghếch cứ làm theo lời vợ dặn mà không hề có sự suy xét những tình huống xảy ra sự việc. Vợ bảo anh ta đi buôn nhưng lần nào cũng thất bại vì anh ta cứ nghe lời vợ dặn việc này lại đi áp dụng vào việc khác.
Ban đầu, anh ta bị lừa mua phải vịt trời nên chúng bay đi hết. Về nhà vợ bảo muốn biết là vịt trời hay vịt nhà cứ giơ gây vào chúng là biết. Hôm sau anh ta đi buôn lợn, theo lời vợ dặn anh ta giơ gậy dứ vào đàn lợn khiến chúng chạy mất. Và cứ máy móc làm theo lời vợ dặn hết lần này đến lần khác và gặp thất bại. Cuối cùng bị trâu húc chết vì nghe lời vợ không suy xét, cứ thấy ai đánh nhau thì phải vào can “dĩ hoà vi quý” nhưng ngốc lại thấy việc gì cũng làm theo lời dặn của vợ, vào can hai con trâu húc nhau thì bị chúng húc chết. Như vậy, mọi hành động ngốc làm đúng như lời vợ dặn rất bài bản nhưng lại rất máy móc và trái với quy luật của tự nhiên, không phù hợp với hoàn cảnh thực tế khách quan. Thế nên anh ta gặp hết thất bại này đến thất bại khác và cuối cùng phải nhận một kết cục đáng buồn là cái chết. Ngốc phải chịu cái chết bởi chính sự thiếu hiểu biết của mình.
Qua khảo sát, chúng tôi thấy, những anh chồng ngốc làm theo lời vợ dặn một cách máy móc dẫn đến thất bại nay đến thất bại khác có hai hướng kết thúc cho cuộc đời của ngốc: một là ngốc làm theo lời vợ dặn và thất bại nhưng ngốc may mắn có được cô vợ hiểu chuyện, thương chồng, nhẫn nhục chịu đựng sự chê bai của người đời mà dạy dỗ chồng trở nên khôn ngoan hơn như truyện Con vợ khôn lấy thằng chồng dại như bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu (dân tộc Việt), Anh chàng ngốc (dân tộc Việt), Anh chồng ngốc (dân tộc Việt), Chàng ngốc đi học (dân tộc Nùng). Hoặc chàng ngốc làm theo lời vợ dặn mà may mắn trở nên giàu có như truyện Chàng ngốc đi buôn (dân tộc Việt), Chàng ngốc săn hươu (dân tộc Hà Nhì). Và hai là chàng ngốc làm theo lời vợ dặn một cách máy móc, không suy nghĩ nên cuối cùng phải nhận kết cục đáng buồn là cái chết như truyện Phiêu lưu của anh chàng ngốc hay
truyện làm theo lời vợ dặn (dân tộc Việt), Thằng ngốc (dân tộc Hà Nhì)…
Truyện cổ tích chàng ngốc của Việt Nam cũng khác với truyện cổ tích chàng ngốc của nước ngoài ở mô típ này, truyện của nước ngoài thì lại để cho nhân vật chàng ngốc làm theo lời bố hoặc mẹ dặn. Ví dụ truyện Pi-e anh chàng ngốc của Pháp, Phiêu lưu của anh chàng ngốc của Miến Điện… làm theo lời mẹ dặn máy móc, dập khuôn nên thất bại hết lần này đến lần khác. Mô típ này cũng tạo nên nét riêng của kiểu truyện chàng ngốc trong truyện cổ tích sinh hoạt Việt Nam.
Như vậy, với mô típ “chàng ngốc làm theo lời vợ dặn”, tác giả dân gian đã khắc hoạ rõ nét sự ngốc nghếch của những anh chồng khi máy móc làm theo lời vợ dặn và dẫn đến thất bại vì không hiểu được bản chất của sự việc.
Qua những hành động ngốc nghếch đó, tác giả dân gian đem đến cho độc giả bài học kinh nghiệm sống và những tiếng cười sảng khoái, vui vẻ sau những giờ lao động vất vả.