TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM TRONG SẠCH VỮNG MẠNH

Một phần của tài liệu BAI GIANG Tư tưởng Hồ Chí Minh (Trang 25 - 28)

1. Xây dựng Đảng – quy luật tồn tại và phát triển của Đảng

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng cộng sản Việt Nam trong sạch, vững mạnh chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong toàn bộ di sản tư tưởng của Người.

- Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn liền với sự tồn tại của Đảng; còn Đảng còn hoạt động, còn cần phải tổ chức, xây dựng, chỉnh đốn. Các kỳ Đại hội Đảng của ta cũng nhấn mạnh: xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đối với vận mệnh của chế độ và của bản thân Đảng.

- Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một tất yếu khách quan vì:

+ Xây dựng, chỉnh đốn Đảng bị chế định bởi quá trình phát triển liên tục của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo là một quá trình, bao gồm nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn; mỗi thời kỳ, giai đoạn có những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể và những yêu cầu riêng. Trước diễn biến của điều kiện khách quan, bản thân Đảng phải tự chỉnh đốn, tự đổi mới vươn lên làm tròn trọng trách trước giai cấp và dân tộc.

+ Đối với toàn Đảng, Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: Đảng sống trong xã hội, là một bộ phận hợp thành cơ cấu của xã hội; mỗi cán bộ, đảng viên đều chịu ảnh hưởng, tác động của môi trường xã hội. Trong hoàn cảnh xã hội thuộc địa nửa phong kiến, kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, trình độ sản xuất lạc hậu mà tiến dần lên chủ nghĩa xã hội như Việt Nam, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng càng phải được chú ý quan tâm đặc biệt.

+ Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là cơ hội để mỗi cán bộ, Đảng viên tự rèn luyện, giáo dục và tu dưỡng tốt hơn, hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, đặc biệt là giữ được các phẩm chất cách mạng tiêu biểu.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là làm cho mỗi cán bộ, đảng viên hiểu rõ, hiểu đúng và thực hành tốt quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng. Mặt khác giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên tự nhìn nhận lại mình.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng không thể buông lỏng việc thắt chặt công tác kiểm tra, quản lý cán bộ, đảng viên.

Trên bình diện cá nhân, xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nhu cầu tự hoàn thiện, nhu cầu tự làm sạch nhân cách của mỗi cán bộ, đảng viên.

+ Trong điều kiện Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng càng phải làm thường xuyên hơn. Bởi Hồ Chí Minh nhìn thấy và nhận diện rõ tính hai mặt của quyền lực: một mặt, quyền lực có sức mạnh to lớn để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới nếu biết sử dụng đúng; mặt khác, quyền lực cũng có sức phá hoại ghê gớm nếu người nắm quyền lực bị thoái hóa, biến chất, đi vào con đường tham muốn quyền lực…Vì vậy, Đảng phải đặc biệt quan tâm đến việc chỉnh đốn và đổi mới để hạn chế, ngăn chặn và đẩy lùi tẩy trừ mọi tai nạn do thoái hóa, biến chất gây ra, trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính quyền nhà nước.

Nhận thức đúng sự tác động qua lại giữa môi trường xã hội và vai trò lãnh đạo của Đảng, đặc điểm phát triển tâm lý, nhân cách của cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh nói: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm này và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

2. Nội dung công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam a. Xây dựng Đảng về tư tưởng - lý luận

Để đạt mục tiêu cách mạng, Hồ Chí Minh chỉ rõ: phải dựa vào lý luận cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác- Lênin. Khi huấn luyện cho cán bộ cách mạng năm 1925- 1927, Người khẳng định: Đảng muốn vững phải có chủ nghĩa làm cốt…Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Và Người khẳng định

"chủ nghĩa” ấy là chủ nghĩa Mác- Lênin. Chủ nghĩa Mác- Lênin là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng cộng sản Việt Nam.

- Trong việc tiếp nhận và vận dụng chủ nghĩa Mác- Lênin, Hồ Chí Minh lưu ý những điểm sau đây:

+ Việc học tập, nghiên cứu, tuyên truyền chủ nghĩa Mác- Lênin phải luôn phù hợp với từng đối tượng.

+ Phải luôn phù hợp với từng hoàn cảnh, tránh giáo điều, dập khuôn, máy móc, đồng thời chống lại việc xa rời các nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin.

+ Trong quá trình hoạt động, Đảng ta phải chú ý học tập, kế thừa những kinh nghiệm tốt của các đảng cộng sản khác, đồng thời Đảng ta phải tổng kết kinh nghiệm của mình để bổ sung chủ nghĩa Mác- Lênin.

+ Đảng ta phải tăng cường đấu tranh để bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác- Lênin.

Chú ý chống giáo điều, cơ hội, xét lại chủ nghĩa Mác- Lênin; chống lại những luận điểm sai trái xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác- Lênin.

b. Xây dựng Đảng về chính trị

- Tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc xây dựng Đảng về chính trị có nhiều nội dung, bao gồm xây dựng đường lối chính trị, bảo vệ chính trị, xây dựng và thực hiện nghị quyết, xây dựng và phát triển hệ tư tưởng chính trị…Trong đó, đường lối chính trị là một vấn đề cốt tử trong sự tồn tại và phát triển của Đảng.

- Đảng cộng sản Việt Nam cầm quyền có vai trò định hướng phát triển cho toàn xã hội.

Đảng thực hiện vai trò lãnh đạo của mình, chủ yếu bằng việc đề ra cương lĩnh, đường lối chiến lược, phương hướng phát triển kinh tế- xã hội cũng như sách lược và quy định những mục tiêu phát triển của xã hội theo hướng lâu dài cũng như của từng giai đoạn.

- Đảng muốn xây dựng đường lối chính trị đúng đắn cần phải coi trọng những vấn đề:

đường lối chính trị phải dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác- Lênin, vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta trong từng thời kỳ; phải học tập kinh nghiệm của các đảng cộng sản anh em; để có đường lối chính trị đúng đắn, Đảng phải thật sự là đội tiên phong dũng cảm và là bộ tham mưu sáng suốt của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của toàn dân tộc.

- Hồ Chí Minh cũng cảnh báo nguy cơ sai lầm về đường lối chính trị gây hậu quả nghiêm trọng đối với vận mệnh của tổ quốc.

c. Xây dựng Đảng về tổ chức, bộ máy, công tác cán bộ

- Hệ thống tổ chức của Đảng: Hồ Chí Minh khẳng định sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ tổ chức, một tổ chức tiên phong chiến đấu của giai cấp công nhân. Hệ thống tổ chức của Đảng từ

TW đến cơ sở phải thật chặt chẽ, có tính kỷ luật cao. Sức mạnh của các tổ chức liên quan chặt chẽ với nhau;

mỗi cấp độ tổ chức có chức năng, nhiệm vụ riêng.

Trong hệ thống tổ chức của Đảng, Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của chi bộ.

- Các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng:

+ Tập trung dân chủ.

Đây là nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Đảng. Giữa "tập trung” và "dân chủ” có mối quan hệ khăng khít với nhau, đó là hai vế của một nguyên tắc. Người nói: Tập trung trên nền tảng dân chủ; dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung.

+ Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách

 Vì sao cần phải có tập thể lãnh đạo?

Vì một người dù khôn ngoan tài giỏi đến mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu, cũng chỉ xem xét được một hoặc nhiều mặt của vấn đề không thể xem xét tất cả mọi mặt của vấn đề.

Vì vậy, cân phải có nhiều người.

 Vì sao cá nhân phải phụ trách?

Hồ Chí Minh: "Việc gì đã được đông người bàn bạc kỹ lưỡng rồi, kế hoạch định rõ ràng rồi thì cần phải giao cho một hoặc một nhóm ít người phụ trách theo kế hoạch đó mà thi hành. Như thế mới có chuyên trách, công việc mới chạy. Nếu không có cá nhân phụ trách thì sẽ sinh cái tệ người này ủy cho người kia, người kia ủy cho người nọ, kết quả là không ai thi hành. Như thế thì việc gì cũng không xong”.

Đối với việc thực hiện nguyên tắc này trong công tác xây dựng đảng phải chú ý khắc phục tệ độc đoán chuyên quyền, đồng thời phải chống lại tình trạng dựa dẫm tập thể, không dám quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm.

+ Tự phê bình và phê bình.

Mục đích của phê bình và tự phê bình là để làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở.

Thái độ, phương pháp phê và tự phê được Hồ Chí Minh nêu rõ: phải tiến hành thường xuyên như người ta rửa mặt hàng ngày; phải thẳng thắn, chân thành, trung thực, không nể nang, không giấu giếm và cũng không thêm bớt khuyết điểm; "phải có tình thương yêu lẫn nhau”.

+ Kỷ luật nghiêm minh, tự giác.

Sức mạnh của mỗi tổ chức cộng sản và của mỗi đảng viên bắt nguồn từ ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm minh, tự giác. Tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng đòi hỏi tất cả mọi tổ chức đảng, tất cả mọi đảng viên đều phải bình đẳng trước điều lệ Đảng, trước pháp luật của nhà nước, trước mọi quyết định của Đảng. Tính tự giác là một yêu cầu bắt buộc đối với mọi tổ chức và đảng viên.

+ Đoàn kết thống nhất trong Đảng

Sự đoàn kết thống nhất của đảng phải dựa trên cơ sở lý luận của Đảng là chủ nghĩa Mác- Lênin; cương lĩnh; điều lệ đảng; đường lối, quan điểm của Đảng; nghị quyết của tổ chức đảng các cấp. Muốn đoàn kết, thống nhất trong Đảng phải thực hiện dân chủ rộng rãi. Có đoàn kết tốt thì mới tạo ra cơ sở vững chắc để thống nhất ý chí và hành động, làm cho "Đảng ta tuy đông người nhưng khi tiến đánh chỉ như là một người”

- Cán bộ, công tác cán bộ của Đảng

Hồ Chí Minh ý thức rất rõ về vai trò, vị trí của cán bộ trong sự nghiệp cách mạng. Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy, là mắt khâu trung gian nối liền giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Muôn việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém. Người cán bộ phải có đủ đức và tài, phẩm chất và năng lực, trong đó, đức, phẩm chất là gốc.

Công tác cán bộ là công tác gốc của Đảng. Nội dung gồm: tuyển chọn cán bộ; đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ; đánh giá cán bộ, thực hiện các chính sách đối với cán bộ.

d. Xây dựng Đảng về đạo đức

Hồ Chí Minh khẳng định: Một đảng chân chính cách mạng phải có đạo đức. Đạo đức tạo nên uy tín, sức mạnh của đảng, giúp đảng đủ tư cách lãnh đạo, hướng dẫn quần chúng nhân dân.

- Xét về thực chất, đạo đức của Đảng ta là đạo đức mới, đạo đức cách mạng. Đạo đức đó mang bản chất của giai cấp công nhân, cũng là đạo đức Mác- Lênin, đạo đức cộng sản chủ nghĩa mà nội dung cốt lõi là chủ nghĩa nhân đạo chiến đấu.

- Giáo dục đạo đức cách mạng là nội dung quan trọng trong việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên. Nó gắn chặt với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân dưới mọi hình thức nhằm làm cho Đảng luôn thật trong sạch.

- Đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức, gắn đạo đức với một đảng chân chính cách mạng, Hồ Chí Minh đã góp phần bổ sung, mở rộng, phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin về nội dung công tác xây dựng Đảng, phù hợp với truyền thống văn hóa lịch sử của các nước phương Đông, Việt Nam.

III. KẾT LUẬN

Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng Sản Việt Nam. Từ nhu cầu giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết Mác- Lênin, Hồ Chí Minh đã kết hợp chặt chẽ giữa nhận thức lý luận và hoạt động, tổng kết thực tiễn, xác lập nên một hệ thống các quan điểm tư tưởng về Đảng cộng sản và xây dựng Đảng cộng sản Việt Nam trong điều kiện một nước thuộc địa, nửa phong kiến, kinh tế nông nghiệp lạc hậu với các đặc điểm văn hóa truyền thống phương Đông. Những quan điểm tư tưởng đó bao gồm các vấn đề có tính quy luật có liên quan đến sự hình thành, vị trí, vai trò, bản chất của Đảng cộng sản và những vấn đề có tính nguyên tắc liên quan tới công tác xây dựng Đảng cộng sản Việt Nam trong sạch, vững mạnh, nhất là trong điều kiện Đảng trở thành Đảng cầm quyền.

- Trong giai đoạn cách mạng mới, đẩy mạnh CNH- HĐH đất nước theo định hướng XHCN dân tộc ta đang đứng trước nhiều thời cơ, vận hội nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức.

Vai trò lãnh đạo của Đảng càng phải được khẳng định, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng cần được nâng cao hơn bao giờ hết để ngang tầm với các yêu cầu, nhiệm vụ mà lịch sử dân tộc giao phó. Trong bối cảnh mới, Đảng ta xác định rõ nhiệm vụ, xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt gắn chặt với xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo nền tảng tinh thần cho sự phát triển dân tộc.

CHƯƠNG V

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC VÀ ĐOÀN KẾT QUỐC TẾ

Một phần của tài liệu BAI GIANG Tư tưởng Hồ Chí Minh (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(51 trang)
w