Nội dung phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục phổ thông

Một phần của tài liệu Phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 55 - 59)

Chương 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHÁP LÝ CỦA PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

2.3. Nội dung, điều kiện và các yếu tố ảnh hưởng đến phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục phổ thông

2.3.1. Nội dung phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục phổ thông

Khi nghiên cứu nội dung phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục phổ thông có thể xem xét ở nhiều khía cạnh với những nội dung khác nhau. Tuy nhiên trong phạm vi nghiên cứu của luận án, tập trung làm rõ phân cấp quản lý nhà nước về GDPT ở 3 lĩnh vực chủ chốt: (i)bộ máy, nhân sự; (ii) cơ sở vật chất và tài chính; (iii)lập kế hoạch phát triển giáo dục phổ thông, xây dựng nội dung, chương trình và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông

Một là, phân cấp về tổ chức bộ máy, nhân sự

Về tổ chức bộ máy, phân cấp QLNN về GDPT cần phân định thẩm quyền của từng cấp trong các nội dung như: ra quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập, thu hồi quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đổi tên, chuyển đổi loại hình trường

Về quản lý nhân sự, phân cấp QLNN về GDPT cần phân định thẩm quyền của từng cấp trong các nội dung như: xác định cấp có thẩm quyền quy

định tiêu chuẩn chức danh, chế độ làm việc của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục, sử dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chính sách đối với đội ngũ công chức, viên chức và người lao động tại các cơ sở giáo dục…

Hai là, phân cấp về chuyên môn

Chuyên môn được hiểu là nhưng công việc liên quan đến lập kế hoạch phát triển giáo dục phổ thông, xây dựng nội dung, chương trình và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Ví dụ như việc quy định việc tổ chức biên soạn, thẩm định, phê duyệt được phép sử dụng và hướng dẫn lựa chọn tài liệu học tập, sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy trong các cơ sở giáo dục phổ thông;

ban hành quy chế thi cử thuộc thẩm quyền của cấp trung ương hay địa phương.Có hai xu hướng chính: một là thống nhất về chuyên môn trên phạm vi toàn quốc gia, hai là phân quyền mạnh về chuyên môn, có nghĩa là địa phương sẽ xây dựng chương trình, nội dung giáo dục theo điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

Ba là, phân cấp trong chức năng quản lý cơ sở vật chất, tài chính

Quản lý cơ sở vật chất là một trong những nội dung quan trọng phải phân cấp rõ ràng giữa Trung ương và địa phương cũng như giữa các cấp địa phương với nhau. Bởi lẽ, để chính quyền địa phương thực hiện được các nhiệm vụ, quyền hạn trong QLNN về GDPT, điều kiện tiên quyết là phải có tài chính. Vì thế nắm bắt được công cụ tài chính sẽ chi phối hay kiểm soát được việc thực hiện các nhiệm vu, quyền hạn khác.

Ngân sách cho giáo dục thông thường bao gồm 2 thành tố chính: chi thường xuyên và chi đầu tư cơ bản. Chi thường xuyên bao gồm chi lương và chi ngoài lương. Chi ngoài lương bao gồm các khoản chi hành chính, mua tài liệu phục vụ giảng dạy và học tập, chi cho các dịch vụ và bảo dưỡng. Chi đầu tư cơ bản bao gồm chi phí xây dựng trường mới và nâng cấp trường hiện có.

Xem xét phân cấp trong việc quản lý cơ sở vật chất tài chinh về giáo dục ở bình diện rộng cần phải xác định xem chính quyền trung ương quản lý ngân sách những cấp học nào? Địa phương quản lý ngân sách cấp học nào? Ngoài ra, chi tiết hơn có thể xem xét như mức độ, tính chất của dự án. Ở Việt Nam, chính quyền trung ương quản lý ngân sách chi cho giáo dục đại học, một số giáo dục nghề và cao đẳng. Khoảng hai phần ba ngân sách trung ương nằm dưới quyền điều hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phần còn lại do các Bộ, ngành có trường quản lý. Ngân sách trung ương cũng bao gồm kinh phí cho các chương trình mục tiêu. Tuy nhiên, kinh phí chi cho các chương trình mục tiêu được cấp thông qua ngân sách trung ương nhưng lại do chính quyền địa phương thay mặt trung ương thực hiện.

Chính quyền địa phương quản lý ngân sách chi cho các bậc học mầm non, phổ thông, dạy nghề và cao đẳng. Trong hệ thống chính quyền địa phương thì chính quyền cấp tỉnh quản lý ngân sách chi cho các trường THPT, THCN, cao đẳng và dạy nghề. Chính quyền cấp huyện quản lý ngân sách chi cho các trường THCS, tiểu học và mầm non.

Về mức độ phân cấp trong từng nội dung trên cũng hoàn toàn phải phụ thuộc vào mô hình tổ chức chính quyền ở mỗi quốc gia. Ví dụ với các nước theo hệ thống pháp lý Ăng-glô-xắc xông như Anh, Mỹ, Canada, Úc, Niudilân và các nước trước đây là thuộc địa của Anh thì tính độc lập của hệ thống chính quyền địa phương, mối quan hệ lỏng lẻo và sự phân cách giữa các cấp chính quyền là nét đặc trưng cơ bản nhất của mô hình này. Trung ương không phải là cơ quan quản lý cấp trên của địa phương và không điều khiển địa phương. Các cấp chính quyền địa phương cũng độc lập với nhau và không có sự trực thuộc lẫn nhau. Trong phạm vi quyền hạn của mình các chính quyền đều có quyền tổ chức hoạt động chỉ phụ thuộc vào pháp luật mà không phụ thuộc vào bất cứ một sự chỉ đạo nào của cấp trên. Trong trường hợp có mâu thuẫn, tranh chấp hoặc có hiện tượng vi phạm pháp luật sẽ bị sự phân giải của tòa án.Vì vậy về cơ bản các nội dung phân cấp QLNN về GDPT sẽ rất lớn.

Còn với các quốc gia theo hệ thống pháp lý Châu Âu lục địa điển hình như Pháp thì quyền lực về pháp lý vẫn là của chính phủ trung ương, tuy nhiên đã có sự chuyển giao quyền ra các quyết định cụ thể, những chức năng tài chính và quản lý cụ thể bằng các phương tiện hành chính cho các cấp khác nhau. Điểm cốt lõi của tản quyền là các bộ vẫn giữ lại quyền lực đối với những nhiệm vụ then chốt tại cấp Trung ương và chuyển giao các vai trò thực hiện liên quan đến các nhiệm vụ đó xuống các cán bộ nằm tại các cơ quan khu vực của bộ (ví dụ như ở Pháp là các tỉnh trưởng). Các cá nhân này thường đóng một vài trò chính trị và đại diện cho thẩm quyền nhà nước. Họ chịu trách nhiệm về luật pháp và trật tự. Trong một vài nước, họ còn có trách nhiệm thúc đẩy sự phối hợp các hoạt động của chính quyền và theo dõi các cơ quan nhà nước ở địa phương của họ. Chức năng của hệ thứ bậc này là có một viên chức nhà nước trong mỗi địa phương đại diện cho nhà nước, do đó thúc đẩy sự ổn định chính trị trong những xã hội không yên ổn và bị chia nhỏ. Mức độ của sự điều phối từ Trung ương, hiệu quả và hiệu suất phần lớn phụ thuộc vào ai nắm quyền hành kỹ thuật đối với các cán bộ khu vực của các bộ, ngành theo ngành dọc. Với mô hình này, việc phân cấp QLNN về GDPT, cũng được thiết lập từ trung ương đến địa phương, trong đó vai trò của người đại diện của trung ương ở địa phương có giá trị nhất định.

Ở Việt Nam, tổ chức theo hình thức nhà nước đơn nhất, tổ chức hệ thống giáo dục quốc dân là trách nhiệm của chính quyền trung ương, theo đó Nhà nước quy định cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân thống nhất trên phạm

vi toàn quốc, bao gồm các cấp bậc học, số năm học của từng cấp, thời gian biểu dạy học trong năm, thi cử và hệ thống văn bằng của các cấp bậc học, quy định về cấu trúc tổ chức của ngành đến các cơ sở giáo dục - đào tạo... Bên cạnh đó vẫn phân quyền QLNN về GDPT cho chính quyền địa phương theo những nội dung và mức độ cụ thể.

Một phần của tài liệu Phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 55 - 59)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(185 trang)
w