Cơ sở lý luận của nguyên tắc chủ quyền quốc gia đối với thềm lục địa

Một phần của tài liệu Xác lập chủ quyền quốc gia về thềm lục địa (Trang 62 - 67)

Chương 2: Xác định chủ quyền quốc gia về thềm lục địa

2.1. Cơ sở lý luận của nguyên tắc chủ quyền quốc gia đối với thềm lục địa

2.1.1. Thềm lục địa là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia

Theo quan niệm và định nghĩa về lãnh thổ quốc gia đã được công nhận rộng rãi thì “lãnh thổ quốc gia bao gồm các vùng đất, các vùng biển và khoảng không trên các vùng đất và vùng biển đó.” Như vậy, vùng biển cũng là một bộ phận cấu thành lãnh thổ quốc gia. Vùng biển trong đó bao gồm: nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, và thềm lục địa. Chính những nhân tố này đã làm cơ sở để xuất hiện “Thuyết thềm lục địa”

“Thuyết thềm lục địa” là phần kéo dài tự nhiên của lục địa quốc gia ven biển khẳng định mối liên hệ hữu cơ và mối liên hệ về nhiều mặt địa lý, địa chất, kinh tế và chính trị giữa thềm lục địa và lãnh thổ đất liền của quốc gia ven biển. Với những lý do này mà thuyết kéo dài tự nhiên bản thân nó quy định rằng các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với thềm lục địa là thuộc quốc gia ven biển, chứ không thể thuộc quốc gia khác được. Nếu thềm lục địa không phải là phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia ven biển, không phải là phần ngập nước của đất liền quốc gia này thì quốc gia ven biển không thể có được những quyền như vậy. Điều đó chứng tỏ rằng thuyết kéo dài tự nhiên là cơ sở để khẳng định một cách tự nhiên rằng quốc gia ven biển được ở tư thế thực hiện các quyền của mình đối với thềm lục địa, đồng thời cũng khẳng định bản chất của thềm lục địa nói chung và bản chất pháp lý của thềm lục địa nói riêng.

Thuyết kéo dài tự nhiên đã được thể hiện tập trung nhất trong Phán quyết ngày 20 tháng 2 năm 1969 của Toà án quốc tế về thềm lục địa ở Biển Bắc. Toà cho rằng theo pháp luật quốc tế, cơ sở pháp lý để xác lập chủ quyền quốc gia đối với thềm lục địa phát sinh từ một thực trạng là những vùng đáy biển ngập nuớc về mặt thực tế có thể xem là một phần lãnh thổ của quốc gia ven biển đã thực hiện quyền lợi của mình với nghĩa là tuy những vùng bị ngập nước ấy, chúng vẫn là phần kéo dài, phần nối tiếp của lãnh thổ mở rộng ra

biển. Cho nên quyền chủ quyền và tài phán của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa xuất phát từ chủ quyền của quốc gia ven biển với lãnh thổ.

Xét về mặt địa lý, địa chất, thềm lục địa không phải là đường hành hải quốc tế giống như vùng nước biển và đại dương. Về mặt quan hệ quốc tế, thềm lục địa chủ yếu liên quan tới thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên ở vùng biển này. Thực tế đó làm cho việc quốc gia ven biển khai thác, sử dụng thềm lục địa khác một cách căn bản so với vấn đề sử dụng và khai thác vùng nước của biển cả.

Đáy biển và lòng đất của lãnh hải cũng là phần kéo dài tự nhiên của đất liền và là một bộ phận cấu thành của thềm lục địa xét về tổng thể. Tuy nhiên người ta không thể áp dụng chế độ pháp lý của lãnh hải cho thềm lục địa được, bởi vì khi giải quyết vấn đề thềm lục địa theo pháp luật quốc tế còn cần phải xuất phát từ lợi ích của quốc gia ven biển cũng như lợi ích của các quốc gia khác,đặc biệt là tự do bơi và tự do bay.

Trên thực tế thì thềm lục địa là sự kéo dài tự nhiên của lãnh thổ quốc gia”. Trong vụ thềm lục địa Biển Bắc - 1969 Toà tuyên bố: “Quốc gia ven biển thực thi các quyền đối với thềm lục địa dựa vào chủ quyền của mình trên đất liền, mà thềm lục địa là sự kéo dài tự nhiên của nó, và như một sự mở rộng của mình trong việc thực thi các quyền chủ quyền vì mục đích thăm dò đáy biển, và khai thác các tài nguyên thiên nhiên của đáy biển.”

Sự kéo dài tự nhiên này được đặt dưới chủ quyền của quốc gia ven biển, có tính chất cũng như lãnh thổ trên đất liền đặt dưới chủ quyền của quốc gia đó. Nhưng mặt khác người ta cũng thấy rằng thềm lục địa là một vùng biển-là một bộ phận của biển nói chung. Do đó, thềm lục địa không chỉ có quan hệ với những quyền lợi của quốc gia ven biển mà nó còn liên quan tới lợi ích của các nước khác, của cộng đồng quốc tế vì vai trò quan trọng của nó trong lĩnh vực khoa học và đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.

Trong Luật biển quốc tế, nguời ta đã tìm cách giải quyết dung hoà quyền lợi của quốc gia ven biển được thể hiện ở các mặt của chủ quyền quốc gia và quyền lợi của cộng đồng quốc tế thông qua các Công ước về Luật biển của Liên hợp quốc.

2.1.2. Nội dung của nguyên tắc chủ quyền quốc gia đối với thềm lục địa.

Ngày nay, người ta đã công nhận quốc gia ven biển ven biển có chủ quyền đối với thềm lục địa của mình được ghi nhận tại Điều 77 Công ước Luật biển 1982 như sau: [4]

1. Quốc gia ven biển thực hiện các quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình.

2. Các quyền nói ở khoản 1 có tính chất đặc quyền, nghĩa là nếu quốc gia ven biển này không thăm dò thềm lục địa hay không khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy nếu không có sự thoả thuận rõ ràng của Quốc gia đó.

3. Các quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa không phụ thuộc vào sự chiếm hữu thực sự hay danh nghĩa, cũng như vào bất cứ tuyên bố nào.

Từ 3 khoản trên ta thấy quyền quốc gia ven biển có 3 nội dung chủ yếu sau:

- Các quyền này là quyền chủ quyền (sovereign right) chứ không phải là chủ quyền (sovereignty). Khái niệm quyền chủ quyền này không giống khái niệm quyền chủ quyền áp dụng với vùng đặc quyền kinh tế. Trong vùng đặc quyền kinh tế quốc gia chỉ được áp dụng quyền chủ quyền đối với các tài nguyên thiên nhiên của vùng chứ không phải bản thân vùng. Trên thềm lục địa quốc gia có quyền áp dụng quyền chủ quyền đối với bản thân nó. Điều này xuất phát từ cơ sở thềm lục địa là sự kéo dài tự nhiên của lãnh thổ quốc gia. Trong vụ Thềm lục địa Biển Bắc-1969. Toà tuyên bố: “Quốc gia ven biển thực thi các quyền đối với thềm lục địa dựa vào chủ quyền của mình trên đất liền, mà thềm lục địa là sự kéo dài tự nhiên của nó, và như một sự mở rộng của mình trong việc thực thi các quyền chủ quyền vì mục đích thăm dò đáy biển và khai thác các tài nguyên thiên nhiên của đáy biển”. Sự kéo dài tự nhiên là nền tảng trong các quy định của Công ước Luật biển 1982 về Thềm lục địa và chính điều này tạo nên tính hợp lý và hệ thống cho các quy định về chế độ pháp lý Thềm lục địa của Công ước Luật biển 1982, điều mà Công ước 1958 về Thềm lục địa chưa đạt được.

- Các quyền này có tính đặc quyền (exclusive), nghĩa là nếu quốc gia ven biển này không thăm dò thềm lục địa hay không khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm thì không ai có quyền tiến hành những hoạt động như vậy, nếu không có sự thoả thuận của quốc gia ven biển. Điều này đưa đến hậu quả quy định của Điều 81: “Quốc gia ven biển có đặc quyền cho phép và quy định việc khoan ở Thềm lục địa bất kỳ vào mục đích gì.” và Điều 85: “Quyền của quốc gia ven biển được khai thác lòng đất dưới đáy biển bằng cách đào đường hầm, bất kể độ sâu của các vùng nước ở nơi ấy là bao nhiêu”. Điều này cũng phù hợp với phán quyết của Toà án pháp lý quốc tế vụ Thềm lục địa

biển Bắc 1969: “Nếu một quốc gia ven biển lựa chọn không thăm dò hoặc không khai thác các vùng của thềm lục địa của họ, thì điều đó chỉ liên quan đến họ và không ai có thể làm gì được nếu không có sự đồng ý rõ ràng của họ.”

Như vậy, nếu quốc gia ven biển không cho phép thì không một quốc gia nào có thể tiến hành khai thác trên thềm lục địa của quốc gia ven biển.

Đây là một thắng lợi lớn cho các nước đang phát triển vốn có trình độ khoa học kỹ thuật chưa cao, bảo vệ quyền lợi của mình trên thềm lục địa mà không sợ các quốc gia khác dựa vào trình độ khoa học kỹ thuật cao hơn xâm phạm.

- Các quyền này tồn tại đương nhiên và ngay từ đầu (ipso facto and ab initio), ít nhất là từ khi tồn tại khi nhà nước. Đó là điều khoản không thể chuyển nhượng, không thể mất hiệu lực trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Trong vụ

“Thềm lục địa biển Bắc 1969” Toà tuyên bố: “Sự tồn tại các quyền này có thể được tuyên bố (và nhiều quốc gia đã làm như vậy) nhưng không cần phải được thiết lập. Thêm vào đó, các quyền này không phụ thuộcvào việc chúng đang được thực thi hay không”. Điều này cũng khác với vùng Đặc quyền kinh tế, bắt buộc phải có một tuyên bố đơn phương của Quốc gia ven biển để khai sinh vùng Đặc quyền kinh tế của mình.

Qua ba nội dung trên, rõ ràng về mặt thực tế, như đã nói ở trên, vấn đề thăm dò và khai thác thềm lục địa không chỉ có liên quan tới lợi ích quốc gia ven biển mà nó còn tác động tới lợi ích của cả cộng đồng quốc tế. Nếu coi chủ quyền quốc gia đối với thềm lục địa như là chủ quyền quốc gia ven biển đối với lãnh thổ trên đất liền thì theo Khoản 2 Điều 77 Công ước Luật biển 1982.

“Các quyền nói ở khoản 1 có tính chất đặc quyền, nghĩa là nếu quốc gia ven biển này không thăm dò thềm lục địa hay không khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy nếu không có sự thoả thuận rõ ràng của Quốc gia đó”.

Với quy định như vậy, thật ra chủ quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa đã không quy định một cách cứng nhắc nó đã đáp ứng nhu cầu, lợi ích của các nước ven biển, và đồng thời vừa bảo đảm những nhu cầu của cộng đồng quốc tế.

Quốc gia ven biển xuất phát từ quyền lợi và nhiều mặt của mình (về an ninh, quốc phòng, thuế quan) đã đặt ra những yêu cầu về cách xác định đường ranh giới cho thềm lục địa để nhằm xác lập chủ quyền của quốc gia mình đối với thềm lục địa được bắt đằu từ đâu thì việc quy định của Công ước Luật

biển cho phép các quốc gia có thể xác định bằng các ranh giới trong và ranh giới ngoài cho thềm lục địa. Nhưng điều cần bàn ở đây là: Để xác định được ranh giới cho thềm lục địa thì các quốc gia ven biển ven biển cần phải vạch rõ được đường cơ sở cho mình. Vì việc xác định đường cơ sở hoàn toàn thuộc quyền của quốc gia ven biển.

Đường cơ sở thường được xác định theo mức thuỷ triều xuống thấp nhất dọc theo bờ biển. ở những nơi bờ biển có nhiều chỗ lỗi lõm hoặc có những đảo nối tiếp dọc theo bờ biển, người ta áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng nối các điểm thích hợp với nhau. Tất nhiên những đoạn thẳng này không được đi chệch quá xa so với hướng của bờ biển. Quốc gia ven biển được quyền chọn một trong hai cách vạch đó hoặc là có thể sử dụng cả hai sao cho có lợi nhất cho mình.

Xác định đường cơ sở có tác dụng rất lớn, vì khi vạch đường cơ sở mà một phần vùng biển sát bờ trở thành nội thuỷ nơi mà quốc gia ven biển có chủ quyền như trên đất liền. Phụ thuộc vào cách vạch đường cơ sở nước ven biển có thể mở rộng thêm thềm lục địa, và do đó mở rộng phạm vi chủ quyền của mình trên biển. Tuy có toàn quyền xác định đường cơ sở nhưng quốc gia ven biển phải sử dụng quyền đó phù hợp với luật pháp quốc tế.

Khi đường cơ sở được vạch ra thì thềm lục địa của quốc gia ven biển được xác định phù hợp với luật pháp, các nước khác mà muốn thăm dò và khai thác trên thềm lục địa của quốc gia ven biển thì phải được sự đồng ý của quốc gia ven biển đó. Việc làm này nhằm mục đích tôn trọng quy chế pháp lý của thềm lục địa và tôn trọng quyền chủ quyền của quốc gia ven biển mà pháp luật quốc tế quy định.

Như đã phân tích ở trên nếu thềm lục địa của quốc gia ven biển được mở rộng ra có nghĩa là chủ quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa được mở rộng ra một phạm vi rộng hơn, quyền tài phán của quốc gia ven biển trên thềm lục địa cũng được mở rộng ra hơn. Về mặt kinh tế mà nói thì quốc gia ven biển sẽ được khai thác một nguồn tài nguyên thiên nhiên sinh vật và không sinh vật vô cùng to lớn hơn và phong phú hơn. Với một “Vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của vùng kế cận bờ biển nhưng ở ngoài lãnh hải cho tới độ sâu 200m, hoặc ngoài giới hạn đó, tới độ sâu của nước biển bên trên cho phép khai thác những tài nguyên thiên nhiên ở vùng đó hoặc Đáy biển và lòng đất dưới đáy biển ở những vùng tương tự kế cận với bờ

biển của các đảo”. thì người ta có thể tìm thấy dầu hoả hoặc nhiều mỏ khoáng sản quý giá khác có ý nghĩa đối với nền kinh tế quốc dân.

Về mặt an ninh quốc phòng mà nói thì quốc gia ven biển với bề rộng thềm lục địa của mình được mở rộng ra, sẽ tạo điều kiện tăng cường khả năng bảo vệ và phòng thủ hơn. Quốc gia ven biển có quyền kiểm soát vùng biển rộng hơn, có thể ngăn chặn từ xa đối với những hoạt động có thể làm nguy hại với những gì đến an ninh của mình. Trong thời đại ngày nay, khoa học và kỹ thuật phát triển mạnh mẽ càng thúc đẩy lĩnh vực hàng hải phát triển. Do đó nếu quốc gia ven biển không biết cách khai thác các nguồn thềm lục địa ở thềm lục địa một cách hợp lý thì sẽ dẫn đến tình trạng môi trường biển bị ô nhiễm. Mặt khác thềm lục địa được mở rộng ra cho quốc gia ven biển thì việc kiểm soát nó đòi hỏi phải luôn mang tính kịp thời, nếu không sẽ ảnh hưởng tới các nguồn tài nguyên sinh vật, đây được coi là một nguồn thực phẩm quan trọng để nuôi dưỡng người dân ở các nước đó, đặc biệt là những người dân ở các miền duyên hải, sống bằng ngư nghiệp.

Tóm lại, chủ quyền quốc gia đối với thềm lục địa là hoàn toàn đầy đủ.

Không một nước nào có thể tranh chấp về chủ quyền hoặc một mặt nào đó về chủ quyền. Đó là một vấn đề lợi ích thiết thực nhất cho mỗi quốc gia ven biển.

Một phần của tài liệu Xác lập chủ quyền quốc gia về thềm lục địa (Trang 62 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)