Chương 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ CÁC HÌNH THỨC TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
2.2 Thực tiễn thi hành và áp dụng pháp luật về các hình thức tổ chức hành nghề luật sư
(iii) chấm dứt hợp đồng lao động đã ký với luật sư, nhân viên của tổ chức hành nghề luật sư và (iv) thực hiện xong các hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng, trong trường hợp không thể thực hiện xong hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng thì phải thỏa thuận với khách hàng về việc thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý đó. [34, Điều 47].
Tuy nhiên, Luật luật sư chưa quy định rõ về trách nhiệm của các luật sư thành viên trong công ty luật hợp danh, Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư; dẫn đến việc lúng túng khi thực hiện trên thực tế trong trường hợp có xung đột quyền lợi và trách nhiệm giữa các thành viên xảy ra.
2.2 Thực tiễn thi hành và áp dụng pháp luật về các hình thức tổ chức hành nghề luật sư
2.2.1 Những kết quả đạt được khi thực hiện pháp luật về các hình thức tổ chức hành nghề luật sư
Trong tiến trình đổi mới và hội nhập của đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm đến vai trò, vị trí của hoạt động luật sư, đến sự phát triển của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư. Bên cạnh đó, bằng những sự nỗ lực chung khi thực thi pháp luật về các hình thức tổ chức hành nghề luật sư đã đạt được một số thành tựu sau đây:
Thứ nhất: Tại thời điểm Liên đoàn luật sư Việt Nam được thành lập (5/2009) cả nước có 5.300 luật sư, tính đến 31/3/2015, số lượng luật sư cả nước là 9.436 luật sư (sau hơn 05 năm số lượng luật sư tăng hơn 4100 luật sư tương đương hơn 40%) [12, tr.6]. Đến năm 2018 số lượng luật sư của cả nước là 12.821 luật sư hoạt động tại hơn 4000 tổ chức hành nghề luật sư tại 63 đoàn luật sư trong cả nước. [19, tr.4], tính trung bình mỗi năm phát triển được gần 900 luật sư. Nhiều luật sư đã trưởng
thành nhanh chóng, tham gia tư vẫn những hợp đồng thương mại, dự án lớn đạt kết quả tốt, được khách hàng trong và ngoài nước hài lòng, tin tưởng. Các tổ chức hành nghề luật sư ở Việt Nam bước đầu đã xây dựng được thương hiệu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các cá nhân, cơ quan, tổ chức, góp phần tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của tổ chức, cá nhân.
Thứ hai: Tình hình hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư: Cùng với việc gia tăng số lượng, chất lượng dịch vụ pháp lý của luật sư cũng được nâng cao đáng kể. Về tham gia tố tụng, luật sư đã tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trong tất cả các lĩnh vực hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, lao động. Ngoài việc số vụ án hình sự mà luật sư tham gia bào chữa tăng hàng năm, thì đặc biệt số vụ án kinh tế, hành chính có chiều hướng tăng nhanh.
Nhìn chung chất lượng tham gia tố tụng của các luật sư đang được nâng cao.
Hoạt động bào chữa trong các vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của đội ngũ luật sư.
Trong những năm qua, đội ngũ luật sư đã đảm nhận 100% việc bào chữa trong các vụ án theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.
Chất lượng dịch vụ tư vấn pháp luật ngày càng được nâng cao, ngoài các lĩnh vực tư vấn truyền thống như dân sự, hành chính, hôn nhân gia đình, nhiều luật sư và tổ chức hành nghề luật sư đã lựa chọn tư vấn sâu về lĩnh vực kinh tế, điều này thể hiện trình độ hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực kinh tế ở các đội ngũ luật sư ngày càng rõ ràng và khởi sắc.
Theo thống kê của Liên đoàn Luật sư Việt Nam từ năm 2009 đến năm 2015 các tổ chức hành nghề luật sư đã thực hiện bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, cung cấp dịch vụ pháp lý cho các cá nhân, tổ chức là 77.129 vụ án hình sự, trong đó có 34.635 vụ án hình sự được mời; 42.494 vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng; 65.236 vụ việc dân sự 5.486 vụ án kinh tế; 5.575 vụ án hành chính; 724 vụ án lao động; 272.365 vụ tư vấn trong các vụ việc khác; 9.133 đại diện ngoài tố tụng; 89.491 dịch vụ pháp lý khác; 37.827 vụ việc trợ giúp pháp lý miễn phí. Số lượng dịch vụ pháp lý của luật sư nhìn chung năm sau cao hơn năm
trước Trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm đội ngũ luật sư đã tham gia hơn 96.000 vụ việc tư vẫn pháp luật. Hơn 4.000 vụ việc về dịch vụ pháp lý khác, trong đó gần 2.000 vụ việc trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh thương mại [18, tr.11]. Trong đó, năm 2018 các tổ chức hành nghề luật sư đã tham gia 12.450 vụ án hình sự với 7.395 vụ án hình sự theo chỉ định của cơ quan tiến hành tố tụng và 5.055 vụ được khách hàng mời. Tham gia 12.858 vu việc dân sự, 4.543 vụ việc tư vấn trong lĩnh vực kinh tế kinh doanh thương mại. 539 vụ án hành chính, 20 vụ án lao động. Tham gia tư vấn pháp luật 79.499 vụ việc; tham gia đại diện ngoài tố tụng 5.869 vụ việc; tham gia vào các dịch vụ pháp lý khác 402 vụ việc và rợ giúp pháp lý miễn phí 20.653 vụ việc. [19, tr.15]
2.2.2 Một số khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật về các hình thức tổ chức hành nghề luật sư
2.2.2.1 Vốn điều lệ và vốn góp khi thành lập tổ chức hành nghề luật sư
Pháp luật về luật sư không có quy định nào về đăng ký vốn điều lệ và đăng ký vốn góp của Luật sư, trong khi Luật doanh nghiệp có quy định về vốn góp và tài sản góp vốn lại không có quy định về loại tài sản là “uy tín, danh tiếng’ của Luật sư.
Việc này dẫn đến một số khó khăn như sau:
Thứ nhất, không có căn cứ pháp lý đáng tin cậy trong việc xác định phạm vi chịu trách nhiệm đối với nghĩa vụ về tài sản của các hình thức tổ chức hành nghề luật sư và luật sư:
Theo lý thuyết về loại hình doanh nghiệp và theo quy định của Luật doanh nghiệp thì Công ty trách nhiệm hữu hạn nói chung thuộc mô hình Công ty đối vốn, thành viên chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn góp vào Công ty. Như vậy, nếu tuân theo quy định này thì loại hình Công ty luật trách nhiệm hữu hạn sẽ không còn giữ bản chất đối nhân vốn có của hình thức tổ chức hành nghề luật sư, các luật sư thành lập Công ty luật trách nhiệm sẽ chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn góp vào Công ty đối với mọi nghĩa vụ của Công ty. Tuy nhiên, Luật luật sư năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2012 cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của Luật luật sư từ 2006 đến nay, đều không có quy định
nào về việc đăng ký vốn điều lệ, phần vốn góp của Công ty luật trách nhiệm hữu hạn và các luật sư thành viên và cũng “bỏ ngỏ” về khả năng thực hiện theo các quy định của Luật doanh nghiệp về vấn đề này. Do Luật luật sư không có quy định về việc phải đăng ký vốn điều lệ, phần vốn góp của các thành viên mà hoàn toàn phụ thuộc vào thỏa thuận nội bộ của các Luật sư trong Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc ý chí chủ quan của Luật sư chủ sở hữu Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên và hoàn toàn có thể sửa đổi theo ý chí của Luật sư.
Điều này dẫn đến việc sẽ không có căn cứ pháp lý đáng tin cậy để xác định phạm vi chịu trách nhiệm về nghĩa vụ của Công ty luật trách nhiệm hữu hạn và các Luật sư thành viên; dẫn đến việc gây khó khăn và lúng túng cho chính các tổ chức hành nghề luật sư, các Luật sư; khách hàng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có tranh chấp phát sinh liên quan đến việc phải xác định phạm vi trách nhiệm về tài sản đối với nghĩa vụ (đặc biệt là thanh toán nợ và bồi thường thiệt hại) của Luật sư thành viên và tổ chức hành nghề.
Thứ hai: Việc xác định giá trị phiếu biểu quyết của các Luật sư thành viên đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng thành viên Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
Theo quy định của Luật doanh nghiệp thì giá trị phiếu biểu quyết của các thành viên đối với các vấn đề thảo luận và thông qua tại cuộc họp Hội đồng thành viên của Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được tính theo giá trị (số lượng) phần vốn góp mà họ sở hữu hoặc đại diện, tức là ai có phần vốn góp cao hơn thì phiếu biểu quyết của họ có giá trị cao hơn.
Tuy nhiên, do Luật luật sư không có quy định về việc đăng ký vốn điều lệ và phần vốn góp của các Luật sư thành viên khi đăng ký hoạt động Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên, mà phụ thuộc hoàn toàn vào thỏa thuận của các Luật sư khi tham gia thành lập tổ chức hành nghề theo hình thức Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên. Nếu các Luật sư không có thỏa thuận về vốn và việc góp vốn thì mặc định phiếu biểu quyết của các Luật sư trong các cuộc họp Hội đồng thành viên có giá trị như nhau.
Thứ ba: Đối với việc thực hiện các thủ tục về việc chuyển nhượng phần vốn góp, mua bán doanh nghiệp tư nhân và xác định số tiền thuế thu nhập cá nhân mà các Luật sư phải nộp khi thực hiện việc chuyển nhượng vốn:
Luật luật sư cho phép các tổ chức hành nghề được thực hiện các thủ tục thay đổi nội dung đăng ký hoạt động liên quan đến danh sách Luật sư thành viên và thay đổi người đại diện theo pháp luật.
Đối với việc thay đổi danh sách Luật sư thành viên của Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có thể được thực hiện thông qua thủ tục chuyển nhượng phần vốn góp của các Luật sư. Tuy nhiên, do không có quy định về việc đăng ký vốn điều lệ và phần vốn góp của các Luật sư thành viên nên sẽ gây khó khăn trong việc xác định giá trị chuyển nhượng cũng như xác định việc chuyển nhượng có phát sinh thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân hay không?
Đối với Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên và Văn phòng luật sư, theo đăng ký hoạt động chỉ có một Luật sư đứng tên thành lập (có thể Giám đốc - chủ sở hữu Công ty hoặc Trưởng văn phòng - chủ doanh nghiệp tư nhân) và đây cũng là người đại diện theo pháp luật của tổ chức hành nghề luật sư. Nếu Luật luật sư đã cho phép tổ chức hành nghề được thay đổi người đại diện theo pháp luật, tức là nếu Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên thực hiện việc thay đổi người đại diện theo pháp luật thì phải thực hiện thông qua thủ tục chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, thay đổi chủ sở hữu Công ty; còn đối với Văn phòng luật sư khi thực hiện thay đổi người đại diện theo pháp luật thì phải thực hiện thủ tục mua bán doanh nghiệp tư nhân. Nhưng Luật luật sư lại không có quy định về việc đăng ký vốn điều lệ của tổ chức hành nghề luật sư nên sẽ gây khó khăn trong việc xác định giá trị chuyển nhượng Công ty; mua bán doanh nghiệp tư nhân cũng như xác định việc chuyển nhượng có phát sinh thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân hay không?
Thứ tư: Đối với việc thực hiện nghĩa vụ góp vốn của Luật sư và kê khai, hạch toán sổ sách kế toán đối với phần vốn góp của tổ chức hành nghề luật sư
Tổ chức hành nghề luật sư được xác định là loại hình doanh nghiệp hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý và phải tuân thủ các quy định của pháp luật thuế và
kế toán trong việc kê khai, hạch toán vốn góp. Chính vì vậy, khi Luật luật sư không có quy định về việc đăng ký vốn điều lệ, phần vốn góp của Luật sư thành viên sẽ dẫn đến việc gây khó khăn trong việc xác định chính xác, cụ thể nghĩa vụ góp vốn của Luật sư cũng như số lượng vốn để kê khai và hạch toán sổ sách kế toán.
2.2.2.2 Đăng ký tên tổ chức hành nghề luật sư:
Theo quy định doanh nghiệp nói chung và các tổ chức hành nghề luật sư nói riêng đều không được vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức thuần phong mĩ tục của dân tộc nhưng những quy định này chỉ mang tính định tính, rất khó áp dụng trên thực tế bởi không có một quy định chi tiết cụ thể nào trong Luật doanh nghiệp và kể cả Luật luật sư. Điều này dẫn đến việc gây khó khăn cho các Luật sư và tổ chức hành nghề luật sư khi đăng ký hoạt động, bởi vì sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí chủ quan của cơ quan cấp phép hoạt động (Sở tư pháp cấp tỉnh).
2.2.2.3 Tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư
Thứ nhất, trong việc quản lý và điều hành tổ chức hành nghề luật sư nói chung: Theo quy định của Luật luật sư thì việc quản lý và điều hành tổ chức hành nghề luật sư do các Luật sư thực hiện. Đối với Văn phòng luật sư là Luật sư Trưởng văn phòng; đối với Công ty luật là Luật sư - Giám đốc Công ty. Tổ chức hành nghề luật sư không được thuê người khác làm Giám đốc điều hành doanh nghiệp. Điều này xuất phát từ đặc thù hoạt động nghề nghiệp của Luật sư và đặc thù hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý của các tổ chức hành nghề luật sư. Tuy nhiên, chính điều nay lại có thể đưa các tổ chức hành nghề luật sư vào thế khó bởi vì đã hạn chế quyền điều hành và phát triển của doanh nghiệp, bởi vì có thể có trường hợp luật sư vừa giỏi chuyên môn nghề nghiệp vừa thành thạo kĩ năng về quản lý điều hành công ty, tuy nhiên các Luật sư được đào tạo và chuyên sâu về lĩnh vực luật nên phần lớn Luật sư không giỏi về kỹ năng quản trị kinh doanh theo đúng nghĩa một doanh nghiệp hoạt động tìm kiếm lợi nhuận nên quy định này của Luật luật sư có thể dẫn đến nguy cơ gây thiệt hại, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng cho chính các Luật sư, người lao động làm việc trong các tổ chức hành nghề luật sư. Chính vì vậy, theo tác giả đánh giá Luật luật sư đã can thiệp sâu vào cơ cấu tổ chức quản lý, điều
hành doanh nghiệp của tổ chức hành nghề luật sư, không tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát huy tính sáng tạo và chủ động thiết lập cơ chế quản lý nội bộ nhằm đáp ứng yêu cầu của cơ chế thị trường, nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết kiệm chi phí và tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý.
Thứ hai: Đối với trường hợp có Luật sư thành viên xin rút tên ra khỏi công ty luật hợp danh và Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên:
Luật luật sư quy định thành viên của Công ty luật phải là các Luật sư. Các công ty luật có danh sách luật sư thành viên như Công ty luật hợp danh và Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, có quyền thay đổi danh sách thành viên (tăng, giảm số lượng hoặc thay thế thành viên). Đối với trường hợp Hội đồng thành viên công ty có sự đồng thuận cao, đạt đủ tỷ lệ biểu quyết để thông qua việc thay đổi danh sách thành viên theo quy định của Điều lệ công ty luật thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên, đối với trường hợp có Luật sư xin rút tên khỏi danh sách thành viên mà các Luật sư thành viên còn lại không đồng ý cho rút tên thì sẽ giải quyết như thế nào?
Đối với Công ty hợp danh: Theo quy định của Luật doanh nghiệp thì thành viên hợp danh chỉ được rút vốn khỏi công ty hoặc chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho người khác khi được Hội đồng thành viên/các thành viên hợp danh còn lại chấp thuận. Quy định này xuất phát từ bản chất đối nhân, mối liên kết chặt chẽ giữa các thành viên hợp danh trong công ty hợp danh. Như vậy, đối với Công ty hợp danh thì thành viên không được rút tên nếu không được Hội đồng thành viên chấp thuận. Tuy nhiên, theo luật doanh nghiệp thì thành viên hợp danh trong công ty hợp danh chỉ bị hạn chế về việc không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác (Điều 175 Luật doanh nghiệp), tức là trong trường hợp không được chấp thuận để rút khỏi Công ty hợp danh thì thành viên đó vẫn có thể tham gia góp vốn vào Công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc Công ty cổ phần khác. Nhưng, Luật luật sư quy định một luật sư chỉ được tham gia thành lập một tổ chức hành nghề luật sư. Như vậy, nếu Luật sư không được Hội đồng thành viên chấp thuận cho rút tên khỏi Công ty luật hợp danh theo quy định của Điều lệ