Phần 4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.2. Thực trạng hệ thống thông tin đất đai huyện Đoan Hùng
4.2.1. Cơ sở dữ liệu đất đai
Công tác khảo sát, đo đạc, lập hồ sơ địa chính của huyện đã được triển khai, cơ bản đáp ứng được mục tiêu của ngành. Tuy nhiên hồ sơ địa chính trên địa bàn huyện Đoan Hùng so với quy định hiện hành về việc lập và quản lý hồ sơ địa chính theo Thông tư 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa đạt yêu cầu (Bảng 4.3).
a. Tư liệu bản đồ
Hiện nay trên địa bàn huyện và tại các xã đang sử dụng hệ thống bản đồ địa chính được lập từ năm 1992 và hệ thống bản đồ được số hóa từ bản đồ giải thửa.
Ngoài ra, tại một số xã có BĐĐC tỷ lệ 1/500, 1/1000 và 1/5000 được lập cho các tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất (chủ yếu ở thị trấn Đoan Hùng, xã Chí Đám, Vân Du, Hùng Quan, Nghinh Xuyên, Phú Thứ và Phong Phú).
Tình hình chỉnh lý biến động bản đồ: Trong quá trình sử dụng, bản đồ ít được cập nhật chỉnh lý biến động. Các bản đồ sử dụng tại Văn phòng Đăng ký đất đai và các xã chủ yếu ở dạng giấy, công tác cập nhật biến động về đất đai mới được thực hiện từ khi thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai và nhu cầu chỉnh lý biến động từ chính người dân trong những năm gần đây.
b. Hệ thống sổ sách
Thực hiện Nghị định 60/CP (năm 1994) của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Thọ. Hiện nay, hệ thống sổ mục kê, sổ địa chính và sổ cấp GCNQSD trên địa bàn huyện Đoan Hùng được lập đầy đủ ở tất cả các xã, thị trấn. Tuy nhiên sổ đăng ký biến động chưa được lập đầy đủ và việc quản lý để theo dõi biến động ở các xã, thị trấn còn nhiều hạn chế. Hệ thống sổ sách trong hồ sơ địa chính tất cả vẫn ở dạng giấy, chưa được số hóa.
Từ thực trạng hồ sơ địa chính trên địa bàn huyện Đoan Hùng so với quy định hiện hành về việc lập và quản lý hồ sơ địa chính theo Thông tư 24/2014/TT- BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể rút ra một số đánh giá như trình bày ở bảng 4.3.
Bảng 4.3. Đánh giá hệ thống hồ sơ địa chính của huyện Đoan Hùng Yêu cầu về hồ sơ địa chính Thực trạng hồ thống
hồ sơ địa chính Đánh giá Bản đồ địa chính phải được đo
đạc với công nghệ mới theo quy phạm hiện hành;
Hệ thống bản đồ phục vụ đăng ký kê khai, cấp GCN không thống nhất về quy phạm, tỷ lệ, phương pháp đo vẽ.
Chưa đạt yêu cầu
Hệ thống HSĐC phải được cập nhật biến động thường xuyên cho phù hợp với hiện trạng.
Chưa được cập nhật thường xuyên.
Chưa đạt yêu cầu
Hệ thống tư liệu địa chính, đặc biệt là BĐĐC có thể sử dụng cho các ngành, tránh phải đo đạc nhiều lần gây tốn kém.
Chưa được phổ biến rộng rãi để phục vụ các mục tiêu khác.
Chưa đạt yêu cầu
c. Công tác đăng ký đất đai
Việc đăng ký cấp GCN QSDĐ trên địa bàn huyện được thực hiện trên đất ở, đất sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; đất trụ sở cơ quan công trình sự nghiệp của các cơ quan, tổ chức; đất cơ sở sản xuất kinh doanh, đất dự án của các tổ chức được giao đất, thuê đất. Việc đăng ký kê khai được tiến hành theo Nghị định 64/CP, việc cấp GCN QSDĐ ở hầu hết các xã dựa trên bản đồ đo đạc 299. Toàn huyện đã kê khai đăng ký cấp GCN QSD đất ở cho 698,37 ha, đạt tỷ lệ 94,81%; đất nông nghiệp đã cấp được 19.437,58 ha, đạt tỷ lệ 89,64% diện tích cần cấp (Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đoan Hùng, 2015).
Tại thị trấn Đoan Hùng, việc đăng ký cấp GCN QSDĐ được thực hiện trên cơ sở bản đồ đo đạc địa chính đo vẽ năm 2001. Còn lại 03 xã, gồm: Phúc Lai, Bằng Doãn, Quế Lâm việc đăng ký cấp GCN QSDĐ được thực hiện trên cơ sở bản đồ đo đạc địa chính đo vẽ năm 2011. Theo số liệu của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đoan Hùng (2015) thì chúng tôi tổng hợp được bảng 4.4.
Công tác đăng ký cấp GCN QSDĐ đối với đất ở cho hộ gia đình cá nhân trên địa bàn huyện đã hoàn thành (đạt 89,99%; trong đó đất nông nghiệp đạt 89,64%; đất phi nông nghiệp đạt 95,79%), những trường hợp chưa được cấp GCN do có các vướng mắc như đất được giao bán trái thẩm quyền, một số trường hợp khác do các giấy tờ xác nhận nguồn gốc đất bị thất lạc chưa có cơ sở để xác định, có tranh chấp trong quá trình sử dụng, không phù hợp quy hoạch sử dụng đất hiện tại. Tuy nhiên khi triển khai công tác kê khai đăng ký, cấp GCN đã sử dụng dữ liệu bản đồ từ nhiều loại BĐĐC được thành lập theo cách thức khác
nhau. Nhiều trường hợp được cấp GCN nhưng chưa được cập nhật trên các loại hệ thống hồ sơ địa chính như sổ mục kê, sổ địa chính nên các biến động về đất đai chưa được cập nhật đầy đủ (Bảng 4.4).
Bảng 4.4. Kết quả đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của huyện Đoan Hùng (đến 31/12/2015)
STT Loại đất Diện tích
cần cấp (ha)
Diện tích đã cấp (ha)
Tỷ lệ (%) A Nhóm đất nông nghiệp 21.683.27 19.437,58 89,64 1 Đất sản xuất nông nghiệp 9.437,86 9.022,28 95,60 1.1 Đất trồng cây hàng năm 4.196,42 4.137,24 98,59 1.2 Đất trồng cây lâu năm 5.241,44 4.885,04 93,20
2 Đất lâm nghiệp 12.195,95 10.371,69 85,04
3 Đất NTTS 48,48 42,63 87,93
4 Đất nông nghiệp khác 0,98 0,98 100,00
B Nhóm đất phi nông nghiệp 1.289,51 1.235,21 95,79
Đất ở 736,62 698,37 94,81
1 Đất ở tại nông thôn 702,38 664,63 94,63
2 Đất ở tại đô thị 34,24 33,74 98,54
3 Đất chuyên dùng 532,88 526,99 98,89
- Đất trụ sở CQ, công trình SN 29,43 29,43 100,00
- Đất quốc phòng 261,57 261,57 100,00
- Đất an ninh 35,52 35,52 100,00
- Đất sản xuất, kinh doanh PNN 97,66 97,66 100,00 - Đất có mục đích công cộng 108,70 102,81 94,58
4 Đất tôn giáo 14,77 8,86 59,99
5 Đất tín ngưỡng 4,84 0,99 20,45
6 Đất phi nông nghiệp khác 0,40 0,00 0,00
Tổng 22.972,78 20.672,79 89,99
4.2.1.2. Cơ sở dữ liệu hiện trạng, quy hoạch sử dụng đất a. Cơ sở dữ liệu hiện trạng sử dụng đất
Tư liệu thống kê, kiểm kê đất đai là sản phẩm của công tác thống kê, kiểm kê đất đai, được thực hiện theo định kỳ nhằm nắm chắc về số lượng đất đai và diễn biến đất đai trong quá trình quản lý và sử dụng.
Theo kết quả điều tra, khảo sát tư liệu thống kê, kiểm kê đất đai của huyện cho thấy:
- Bản đồ hiện trạng sử dụng đất các cấp (xã, huyện) năm 2014 được lập từ nguồn BĐĐC, được lưu trữ dạng số (định dạng file dgn); Bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2015 được thành lập từ kết quả hiện chỉnh bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014.
- Bảng biểu, số liệu thống kê đất đai 2015 được lập và lưu trữ trên phần mềm TK-Tool (phần mềm kiểm kê đất đai do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành), nội dung các bảng, biểu được xây dựng và tổng hợp theo Thông tư số 28/2014/TT-BTNMT ngày 02/8/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất.
Chất lượng tư liệu thống kê, kiểm kê đất đai:
- Số liệu thống kê đất đai hàng năm được tính toán từ nguồn hồ sơ địa chính (giao đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất) và được tổng hợp đầy đủ lên hệ thống bảng biểu. Tuy nhiên phần lớn số liệu biến động này không được điều chỉnh chính xác lên bản đồ hiện trạng sử dụng đất;
- Bản đồ hiện trạng sử dụng đất được thành lập từ nguồn bản đồ nền là BĐĐC, kết hợp khoanh vẽ bổ sung ngoài thực địa, cho số liệu thống kê từng loại đất, từng đối tượng sử dụng. Bản đồ được biên tập theo quy định thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, đóng gói theo đúng quy định (file số phần mềm MicroStation). Tuy nhiên, số liệu thống kê đất đai hiện trạng còn có sự sai lệch với số liệu tổng hợp từ bản đồ hiện trạng sử dụng đất dạng số (tập trung ở chỉ tiêu diện tích các loại đất).
Nguyên nhân là do số liệu kiểm kê được tổng hợp từ hồ sơ địa chính khi khoanh vẽ lên bản đồ hiện trạng chưa đạt được độ chính xác theo quy định.
b. Cơ sở dữ liệu quy hoạch sử dụng đất
Hiện nay trên địa bàn huyện đã lập và phê duyệt phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của huyện và các xã, thị trấn trong huyện. Công tác quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngày càng được chú trọng, góp phần tích cực cho việc sử dụng đất hợp lý và hiệu quả; việc giao đất, cho thuê
đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cơ bản đã bám sát và tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
- Bản đồ HTSDĐ được xây dựng trên cơ sở bản đồ HTSDĐ đã được lập từ kết quả kiểm kê đất đai và kết quả điều tra bổ sung các chỉ tiêu sử dụng quy định tại thời điểm lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Bản đồ chuyên đề do cơ quan lập quy hoạch sử dụng đất xác định theo yêu cầu thực tế của từng xã, thị trấn, gồm: bản đồ thổ nhưỡng, bản đồ quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông, thủy lợi, bản đồ quy hoạch phân vùng sản xuất nông - lâm nghiêp; bản đồ quy hoạch điểm dân cư nông thôn...
Chất lượng các tư liệu quy hoạch sử dụng đất:
- Bản đồ quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2010-2020 được thành lập đối với các xã, thị trấn và toàn huyện theo đúng quy định.
- Bản đồ chuyên đề bao gồm: Bản đồ quy hoạch xây dựng nông thôn mới đối với khu vực nông thôn, bản đồ quy hoạch phân khu chức năng, giao thông…
Được xây dựng từ nhiều nguồn bản đồ khác nhau kết hợp với đo đạc trực tiếp ngoài thực địa, sản phẩm được quản lý trên phần mềm Autocad;
- Việc chồng xếp bản đồ quy hoạch sử dụng đất và hệ thống bản đồ chuyên đề cho thấy cơ bản khớp nhau về cơ sở toán học, ranh giới các khu vực quy hoạch;
- Bản đồ quy hoạch sử dụng đất cấp xã, bản đồ chuyên đề được sử dụng để tham khảo trong công tác cấp GCNQSD đất.
4.2.1.3. Cơ sở dữ liệu chất lượng đất
Hiện nay, tư liệu về chất lượng đất đai đang sử dụng tại huyện là bản đồ đất tỷ lệ 1/25000 do Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp xây dựng năm 2008 (tư liệu ở dạng giấy). Nguồn gốc của tư liệu này được xây dựng trên nền bản đồ địa hình cùng tỷ lệ cùng với các tư liệu khác như bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ quy hoạch sản xuất nông nghiệp kết hợp với quá trình điều tra thực địa, lấy mẫu và phân tích đất.
Tại phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, tư liệu về chất lượng đất đai của huyện là tư liệu cơ sở phục vụ công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quản lý việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang các mục đích khác. Thông tin về chất lượng đất của các loại sử dụng đất là căn cứ xác định tiềm năng sản xuất cũng như định hướng sử dụng đất trên địa bàn huyện.
Điểm hạn chế trong khai thác tư liệu chất lượng đất tại huyện là do tư liệu chỉ có ở dạng giấy, các số liệu thuộc tính của các đơn vị đất đai được quản lý trên
phần mềm Excel, trong khi các tư liệu khác như bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ quy hoạch sử dụng đất... của huyện đã được xây dựng và quản lý trên máy tính, nên việc tra cứu thông tin, xác định vị trí, diện tích và phạm vi dự án gặp nhiều bất tiện. Vì vậy cần thiết phải số hóa, chuẩn hóa tư liệu này để quản lý trên cùng hệ thống cơ sở dữ liệu cùng với các CSDL đất đai khác để tiện lợi cho quá trình cập nhật và khai thác thông tin đất đai của huyện.
Như vậy, cơ sở dữ liệu đất đai hiện tại của huyện mới chỉ sử dụng chủ yếu là cơ sở dữ liệu địa chính để trợ giúp cho công tác kê khai, đăng ký đất đai, cấp GCNQSDĐ, quản lý biến động đất đai. Việc hỗ trợ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai; Trợ giúp trong công tác thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại tố cáo về đất đai còn rất hạn chế. Nghĩa là mới trả lời được một số câu hỏi đặt ra cho công tác quản lý sử dụng đất của huyện như: Thửa đất này ở đâu? Hình dạng, kích thước ra sao? Của ai? Đang sử dụng để làm gì? Các câu hỏi khác như: chất lượng đất ra sao? Có thể chuyển đổi sang loại sử dụng đất nào để mang lại hiệu quả tốt hơn? Cần cải thiện chất lượng cho thửa đất này như thế nào? ... để giải các bài toán tối ưu khi đưa ra các phương án lựa chọn trong quy hoạch và hỗ trợ ra quyết định còn rất hạn chế. Vì vậy cần xây dựng CSDL chất lượng đất để tích hợp với CSDL đất đai của huyện nhằm tăng cường năng lực quản lý sử dụng đất cho huyện là yêu cầu cấp thiết.