CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG CHO VAY ĐỐI VỚI HỌC SINH SINH VIÊN TẠI NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
1.2. Hoạt động cho vay đối với học sinh sinh viên tại Ngân hàng Chính sách Xã hội
1.2.1. Khái niệm cho vay đối với học sinh sinh viên
Theo Nguyễn Văn Tiến (2013), cho vay là một hình thức tín dụng, qua đó ngân hàng cho khách hàng vay một lượng tiền nhất định để phục vụ cho mục đích của khách hàng.
Theo Trầm Thị Xuân Hương (2013), cho vay là một hình thức cấp tín dụng, theo đó, ngân hàng chuyển giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng cho mục đích và thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc hoàn trả cả nợ gốc và lãi.
Theo Phan Thị Cúc (2008), cho vay của ngân hàng là chuyển nhượng quyền sử dụng vốn và tài sản từ ngân hàng cho khách hàng trong một thời hạn nhất định với một khoản chi phí nhất định. Theo đó, hoạt động cho vay của ngân hàng có những đặc trưng cơ bản như sau: Có sự chuyển nhượng quyền sử dụng vốn và tài sản từ người sở hữu sang người sử dụng; Sự chuyển nhượng theo nguyên tắc hoàn trả theo thời gian như trong hoạt động thỏa thuận giữa khách hàng và ngân hàng; Giá trị hoàn trả bao gồm cả vốn gốc, lãi và phí tín dụng; Sự chuyển nhượng phải dựa trên cơ sở pháp lý như hợp đồng tín dụng, phụ lục hợp đồng... Trong đó khách hàng cam kết với ngân hàng hoàn trả khi đến hạn thanh toán.
Cho vay đối với HSSV nói riêng đã được thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo Jackson (2002), cho vay đối với HSSV là các khoản vay dành cho HSSV chi trả các khoản chi phí trong quá trình học ở trường như là học phí, các chi phí nghiên cứu và sinh hoạt phí. Yue Ping Chung (2003) cho rằng chương trình vay vốn đối với HSSV là chương trình hỗ trợ tài chính được phân bổ dựa trên nhu cầu và sự hỗ trợ tài chính này là giúp HSSV có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay.
Ở Việt Nam, theo Quyết định số 157/2007/QĐ – TTg ngày 27/09/2007 của TTCP về tín dụng đối với HSSV thì: “Chính sách tín dụng đối với HSSV được áp dụng để hỗ trợ cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn góp phần trang trải chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của HSSV trong thời gian theo học tại trường bao gồm: tiền học phí;
chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập, chi phí ăn, ở, đi lại.” Do nguồn lực của
Việt Nam còn hạn chế, nên cho vay HSSV ở Việt Nam được giới hạn tới những HSSV có hoàn cảnh khó khăn.
Trong luận văn này, cho vay đối với HSSV có thể được hiểu như sau: “Cho vay HSSV là loại hình cho vay đối với đối tượng đặc biệt là HSSV có hoàn cảnh khó khăn.
Cho vay HSSV là việc NHCSXH sử dụng các nguồn lực tài chính do Nhà nước huy động để cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn đang học Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và học nghề vay nhằm hỗ trợ tiền học phí, mua sắm phương tiện học tập và các chi phí khác phục vụ cho việc học tập tại trường.”
1.2.2. Vai trò của hoạt động cho vay học sinh sinh viên
Thứ nhất, cho vay đối với HSSV giúp HSSV có hoàn cảnh khó khăn giảm bớt gánh nặng về tài chính trong quá trình học tập.
Học tập là nhu cầu của mọi người dân nhằm cập nhật kiến thức, xây dựng kỹ năng, phẩm chất nghề nghiệp và đạo đức để có thể theo đuổi công việc, nuôi sống bản thân gia đình. Đối tượng đi học là những người trẻ tuổi, chưa có việc làm, sống phụ thuộc vào cha mẹ hoặc người thân. Trong khi đó, để có thể học tập thì chi phí bỏ ra là không nhỏ. Hầu hết thu nhập của người có hoàn cảnh khó khăn là để giải quyết chi tiêu tối thiểu của đời sống hàng ngày, nên rất khó khăn về kinh phí cho con em đi học.
Thu nhập thấp không đủ trang trải các khoản chi tiêu tối cần thiết, nên nhiều gia đình buộc con em phải bỏ học. Hàng năm ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, số HSSV xin tạm dừng học để củng cố kinh tế gia đình không nhỏ.
Đa phần các HSSV có hoàn cảnh khó khăn chủ yếu đến từ vùng sâu vùng xa, địa bàn nông nghiệp nông thôn. Một số gia đình vì quá khó khăn đã vay tiền nặng lãi để chu cấp tiền cho con đi học. Điều này càng tăng thêm gánh nặng nợ nần. Do đó, việc cho vay đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn giúp cho các đối tượng này giải quyết được những khó khăn về tài chính trong quá trình học tập tại trường để tiếp tục theo học, đảm bảo được sinh kế của hộ gia đình.
Thứ hai, cho vay đối với HSSV là công cụ để Nhà nước thực hiện mục tiêu phát triển nguồn nhân lực của quốc gia.
Nhân lực đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của một quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh phát triển của CMCN 4.0, nền kinh tế tri thức và xu thế toàn cầu hóa.
Thực tế này đòi hỏi con người phải học tập, học thường xuyên, học suốt đời thì mới có thể tồn tại và phát triển với sự phát triển chung của xã hội. Đồng thời, đối với mỗi quốc gia để không bị tụt hậu không thua thiệt trong quá trình toàn cầu hóa tất yếu phải coi trọng giáo dục đào tạo để có được nguồn nhân lực chất lượng cao và đội ngũ nhân tài nhằm phát triển và ứng dụng kịp thời tri thức của nhân loại vào hoạt động kinh tế xã hội.
Do đó, hoạt động cho vay đối với HSSC là một chính sách quan trọng của các quốc gia trong việc hỗ trợ tài chính cho các HSSV có hoàn cảnh khó khăn, giúp các đối tượng này có thể tiếp cận được với hệ thống giáo dục đào tạo, giảm tỷ lệ thất học, qua đó góp phần phát triển tri thức, đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước.
Thứ ba, cho vay đối với HSSV góp phần giảm bớt bình đẳng trong giáo dục đào tạo, thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Chính sách cho vay đối với cho HSSV là công cụ hữu hiệu giúp cho HSSV tiếp cận được dịch vụ đào tạo, phát huy năng lực để có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế xã hội, tạo ra thu nhập đảm bảo cuộc sống của chính bản thân và gia đình, đồng thời góp phần cân đối đào tạo cho các vùng miền và các đối tượng là người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên; thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về dân trí, về kinh tế giữa các vùng miền tạo nên sự ổn định trong cấu trúc kinh tế xã hội ở mỗi quốc gia.
Với những nội dung trên cho thấy, việc thực hiện chính sách cho vay đối với HSSV là cần thiết trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Thể hiện tính ưu việt của chế độ mới trong việc bảo đảm công bằng cơ hội trong tiếp cận dịch vụ giáo dục cho mọi người. Chính sách cho vay đối với HSSV phải quan tâm đủ mức trước hết đối với những đối tượng yếu thế trong xã hội bao gồm người nghèo, người khuyết tật... những khu vực khó khăn cần có sự hỗ trợ, giúp cho những đối tượng này
có thể vượt qua được những khó khăn, nâng cao tri thức, có nghề nghiệp, ổn định cuộc sống và có chiều hướng phát triển tốt.
1.2.3. Đặc điểm cho vay đối với học sinh sinh viên
Cho vay đối với HSSV có có một số đặc điểm cơ bản như sau:
Thứ nhất, đối tượng vay vốn là HSSV có hoàn cảnh khó khăn.
HSSV là khái niệm dùng để chỉ những người đang theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật. Ở mỗi quốc gia có quy định khác nhau về đối tượng HSSV được vay vốn song đa số các quốc gia trong đó có Việt Nam có quy định là những HSSV có khó khăn về tài chính cần được hỗ trợ từ Chính Phủ. Đó là những HSSV sinh sống trong những gia đình nghèo khổ, những gia đình thiếu thốn các điều kiện sống cơ bản, những gia đình không may gặp phải hoạn nạn, thiên tai, mồ côi… gọi chung là những HSSV có hoàn cảnh khó khăn.
Thứ hai, cho vay HSSV không có tài sản bảo đảm.
Đa phần gia đình HSSV muốn vay vốn nhưng họ không có điều kiện thế chấp tài sản thông thường như đất đai, nhà cửa, máy móc và các tài sản khác. Chính điều này đã làm ảnh hưởng nhiều tới khả năng tiếp cận vốn tín dụng ở khu vực tín dụng chính thức. Để việc cho vay đảm bảo sự bảo tồn và sinh lãi vốn vay cũng như đồng tiền cho vay đến với HSSV giải quyết nhu cầu cho vay tiêu dùng (vay để hỗ trợ chi phí cho việc nộp học phí, ăn, ở, đi lại, mua sắm dụng cụ học tập…) thì hình thức cho vay trong trường hợp này dựa trên uy tín của chính khách hàng vay, cho vay không cần tài sản bảo đảm (TSBĐ) là điều cần thiết.
Tuy nhiên, hình thức này đòi hỏi rất cao tính trách nhiệm của người đứng ra tín chấp. Trong trường hợp cho vay HSSV bên đứng ra tín chấp là gia đình HSSV.
Thứ ba, trong một số trường hợp người vay vốn không phải là người trực tiếp sử dụng vốn vay.
Khác với các chương trình cho vay thông thường, NHCSXH cho HSSV vay vốn thông qua hộ gia đình, người đứng ra vay vốn và trực tiếp nhận nợ là hộ gia đình, nhưng hộ gia đình không phải là người trực tiếp sử dụng đồng vốn đã vay, mà họ
chuyển số tiền vay này cho con, em mình sử dụng phục vụ cho việc học tập như nộp học phí, ăn ở, đi lại và chi phí học tập cho HSSV trong thời gian học tập tại trường.
Thứ tư, các khoản cho vay HSSV thường có quy mô nhỏ, lãi suất ưu đãi và chi phí quản lý khoản vay cao
Về quy mô khoản vay: cho vay đối với HSSV được triển khai với mục đích tạo nguồn kinh phí trang trải việc học tập, vì vậy mức cho vay của tín dụng thường là món vay nhỏ dùng chi trả học phí và các khoản chi phí khác cho học tập, là khoản kinh phí đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của HSSV khi học tập tại trường. Mức chi trả của các khoản này đối với mỗi ngành học, mỗi địa phương các trường cư trú có sự khác nhau;
vì vậy, mức cho vay có thể khác nhau. Tuy nhiên, tùy theo nguồn lực của các TCTD, tùy theo mức độ hỗ trợ của mỗi quốc gia, mức cho vay có thể là mức chi tiêu toàn bộ hay một phần của các nhu cầu chi tiêu đó. Trong bối cảnh đó, có thể có những quy định chung về mức cho vay đối với HSSV của một quốc gia.
Về lãi suất cho vay: tính ưu việt của tín dụng cho HSSV thể hiện ở sự hỗ trợ về lãi suất. Vì vậy, lãi suất cho vay đối với HSSV là lãi suất ưu đãi - lãi suất thấp so với các mức lãi suất cho vay của các NHTM trong cùng thời kỳ. Đối tượng vay là HSSV có hoàn cảnh khó khăn và mục đích cho vay là hỗ trợ để giảm bớt gánh nặng về tài chính cho những HSSV này, cho nên mức lãi suất cho vay thường được quy định thấp hơn lãi suất thị trường và mức chênh lệch lãi suất thường được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Về chi phí quản lý khoản vay: Do HSSV nghèo thường sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn trong khi đó mức cho vay các đối tượng thường nhỏ, lẻ với số lượng khách hàng lớn vì vậy chi phí quản lý cao, việc quản lý bị phân tán và việc thực hiện nghiệp vụ cho vay đối với các cán bộ cũng gặp không ít khó khăn. Bởi vậy, cần có cơ chế cho vay riêng, phù hợp với đối tượng HSSV có hoàn cảnh khó khăn nhằm đưa vốn đến tận tay các hộ gia đình HSSV nghèo và kiểm tra, quản lý sử dụng vốn có hiệu quả.
Thứ năm, việc thu hồi nợ các khoản vay HSSV thường được thực hiện trong thời gian dài và chia làm nhiều kỳ
Do đối tượng vay vốn là HSSV để chi trả cho việc học tập nên trong thời gian đi học không phải trả nợ, chỉ đến khi HSSV tốt nghiệp có việc làm, có thu nhập mới bắt đầu thời gian trả nợ món vay. Vì vậy, đây là những món vay dài hạn. Mặt khác, diện cho vay rộng, phân tán với những món vay nhỏ, phụ thuộc vào việc làm và thu nhập của HSSV sau khi ra trường, nên thu hồi nợ thường phải mất một thời gian dài, với nhiều kỳ. Bên cạnh đó, việc theo dõi của NHCSXH rất phức tạp, nên việc thu hồi nợ của chương trình cần có sự phối hợp của các đơn vị nơi cha mẹ HSSV cư trú, của đơn vị nơi HSSV làm việc, của các đơn vị đã được hưởng lợi từ chương trình cho vay HSSV và của nhiều cấp, nhiều ngành (Trần Thị Minh Trâm, 2016).