Quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mại

Một phần của tài liệu Pháp luật về hoạt động khuyến mại và quảng cáo thương mại tại việt nam (Trang 45 - 48)

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG KHUYẾN MẠI VÀ QUẢNG CÁO THƯƠNG MẠI TẠI VIỆT NAM

1. Thực trạng quy định của pháp luật Việt Nam về hoạt động khuyến mại

1.5. Quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mại

Để ngăn ngừa những hành vi vi phạm các nguyên tắc thực hiện khuyến mại gây phương hại đến lợi ích của các thương nhân khác và của chính người tiêu dùng, các hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mại được quy định chi tiết tại Điều 100 Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH năm 2019. Cụ thể:

- “Hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại và hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh; hàng hóa chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép cung ứng”. Các loại “hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh” là các đối tượng đặc biệt được Chính phủ quy định cụ thể trong danh mục các loại hàng hóa bị cấm hay hạn chế kinh doanh căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của từng thời kỳ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia do mức độ nguy hiểm của các loại hàng hóa, dịch vụ này đối với môi trường và xã hội. Vì vậy, các loại hàng hóa, dịch vụ trên không được sử dụng cho hoạt động khuyến mại.

- “Khuyến mại hoặc sử dụng rượu, bia để khuyến mại cho người dưới 18 tuổi”.

Theo đó, rượu, bia là các loại đồ uống có cồn, có tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Nó không những gây hại đến sức khỏe của người lớn mà còn ảnh hưởng rất tiêu cực đến người chưa thành niên. Ngoài ra, khoản 2 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 cũng nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.

Vì vậy, quy định về việc cấm hành vi “khuyến mại hoặc sử dụng rượu, bia để khuyến mại cho người dưới 18 tuổi” là hoàn toàn phù hợp nhằm bảo vệ cho những người chưa thành niên.

- “Khuyến mại hoặc sử dụng thuốc lá, rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức”. Thuốc lá và rượu, bia đều là những đối tượng gây nên những tác động không tốt đến xã hội. Trong khi sử dụng rượu, bia có thể chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của chính người sử dụng thì thuốc lá gây tác động tiêu cực đến người sử dụng cũng như những người xung quanh. Vì vậy, việc cấm khuyến mại thuốc lá và rượu, bia có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên là hoàn toàn cần thiết. Ngoài ra, việc sửa đổi quy định “cấm khuyến mại rượu, bia có nồng độ cồn từ 30 độ trở lên

thành “cấm khuyến mại rượu, bia có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên” đã cho thấy Chính phủ ngày càng thắt chặt hơn việc tiêu thụ rượu, bia.

- “Khuyến mại thiếu trung thực hoặc gây hiểu lầm về hàng hóa, dịch vụ để lừa dối khách hàng”. Các thương nhân thực hiện hoạt động khuyến mại cần phải trung thực;

chú thích rõ ràng về hàng hóa, dịch vụ khuyến mại để tránh gây hiểu lầm cho khách hàng từ đó ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

- “Khuyến mại để tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng, làm phương hại đến môi trường, sức khỏe con người và lợi ích công cộng khác”. Các thương nhân thực hiện khuyến mại không được vì mục tiêu lợi nhuận hay lợi dụng sự tin tưởng, tâm lý quan tâm đến hàng khuyến mại của khách hàng để tiêu thụ hàng lỗi, hàng kém chất lượng.

Những hành vi đó sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của người tiêu dùng cũng như các thương nhân, tổ chức và cá nhân khác. Vì vậy, hàng hóa sử dụng để khuyến mại cần được đảm bảo về chất lượng, tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn hàng hóa theo quy định của pháp luật.

- “Khuyến mại tại trường học, bệnh viện, trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân”. Các chương trình khuyến mại cần phải được tổ chức ở các địa điểm phù hợp để có hướng đến các khách hàng tiềm năng như ở chợ, siêu thị, các trung tâm thương mại hay ở các cửa hàng trưng bày. Việc khuyến mại tại các địa điểm kể trên là không phù hợp vì nó có thể gây mất an ninh trật tự, gây ảnh hưởng tiêu cực cho các đơn vị này.

- “Hứa tặng, thưởng nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng”. Các thương nhân thực hiện hoạt động khuyến mại cần công khai, minh bạch và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng. Không được lừa dối, lợi dụng lòng tin của khách hàng để làm lợi cho mình gây ảnh hưởng đến khách hàng và các thương nhân khác.

- “Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh”. Khuyến mại là hoạt động được nhiều thương nhân thực hiện nhằm thu hút khách hàng sử dụng hàng hóa, dịch vụ của mình. Tuy nhiên do tính chất cạnh tranh gay gắt trên thị trường, nhiều thương nhân đã lợi dụng các hình thức khuyến mại không lành mạnh để loại bỏ bớt các đối thủ cạnh tranh trực tiếp trên thị trường nhằm tăng thị phần của mình.

- “Thực hiện khuyến mại mà giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại vượt quá hạn mức tối đa hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại quá mức tối đa theo quy định của pháp luật”. Nhiều thương nhân khi tổ chức các chương trình khuyến mại đã đưa ra các hình thức khuyến mại không lành mạnh, trong đó có hành vi bán phá giá. Hành vi này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến các thương nhân, tổ chức và cá nhân khác. Để hạn chế các hành vi đó, các quy định về “hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại; mức giảm tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ

được khuyến mại” được quy định chi tiết tại Điều 6, Điều 7 Văn bản hợp nhất 22/VBHN-BCT năm 2020.

Khuyến mại là công cụ hữu hiệu thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ nhưng nó cũng có thể trở thành hành vi gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh giữa các thương nhân. Vì vậy, các quy định cấm các hoạt động khuyến mại nêu trên là hoàn toàn cần thiết để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng cũng như của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác; xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Một phần của tài liệu Pháp luật về hoạt động khuyến mại và quảng cáo thương mại tại việt nam (Trang 45 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)