Một số yếu tố cơ bản tác động đến hôn nhân xuyên biên giới ở vùng biên

Một phần của tài liệu Hôn nhân của người Tày ở vùng biên giới huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng (Trang 123 - 128)

CHƯƠNG 3. HÔN NHÂN XUYÊN BIÊN GIỚI

3.6. Một số yếu tố cơ bản tác động đến hôn nhân xuyên biên giới ở vùng biên

3.6. Một số yếu tố cơ bản tác động đến hôn nhân xuyên biên giới ở vùng biên

Khi hỏi người dân ở vùng biên giới huyện Phục Hòa lý do dẫn tới các cuộc hôn nhân xuyên biên giới, họ thường đúc kết 3 lý do căn bản gồm:

những người kết hôn thường có hoàn cảnh đặc biệt, có quan hệ họ hàng với người Trung Quốc hay thường đi lại làm ăn buôn bán qua Trung Quốc. Trong nghiên cứu của hai tác giả Lương Mậu Xuân, Trần Văn [147], các tác giả chỉ ra những nguyên nhân làm gia tăng hôn nhân qua biên giới Việt -Trung gồm:

117

mạng lưới xã hội qua biên giới không ngừng được mở rộng (bao gồm: mạng lưới nhóm tộc người (cùng tộc người), mạng lưới bạn bè người thân; mạng lưới bạn bè, đồng nghiệp, mạng lưới Hoa Kiều), phí đi lại của cư dân biên giới tương đối thấp bởi hầu hết đi qua đường mòn dân sinh không mất tiền, tỉ lệ chênh lệch giới tính giữa Trung Quốc -Việt Nam. Ở Việt Nam, tỉ lệ nữ giới sau những năm chiến tranh kéo dài nhiều hơn nam giới. Trong nghiên cứu của Đặng Thị Hoa tác giả chỉ ra các yếu tố tác động đến hôn nhân xuyên biên giới gồm: Bối cảnh thế giới và trong khu vực trong xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập, các yếu tố về lịch sử và vùng cư trú như có cùng nguồn gốc tộc người và cư trú gần gũi, các yếu tố kinh tế - xã hội, yếu tố văn hóa tộc người. Các yếu tố được các tác giả nêu ra và diễn giải hoàn toàn phù hợp và đã là nhân tố quan trọng tạo nên chiều hôn xuyên biên giới ở vùng biên [50, tr. 208-225].

Ở luận án này, dựa trên tình hình thực tế địa bàn nghiên cứu, trên kế thừa nghiên cứu của các tác giả đi trước, NCS sẽ chỉ đưa ra một vài nhân tố căn bản nhất tác động hình thành hôn nhân xuyên biên giới ở vùng biên giới huyện Phục Hòa.

3.6.1.Quan hệ tộc người gần gũi

Trong quan niệm truyền thống của người Tày hay người Nùng ở vùng biên giới huyện Phục Hòa, kết hôn đồng tộc là lựa chọn tối ưu. Quan niệm đó được phản ánh và tiếp nối tạo dựng nên các cuộc hôn nhân xuyên biên giới. Người Tày và Nùng (Việt Nam) và người Choang (Trung Quốc) có chung nguồn gốc tộc người, có sự tương đồng về văn hóa, ngôn ngữ, quan niệm sống…

Theo kết quả điều tra ở hai huyện Bảo Lạc và Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng của đề tài cấp Nhà nước “Hôn nhân xuyên biên giới với phát triển xã hội ở các tỉnh miền núi nước ta hiện nay” cho thấy, hôn nhân xuyên biên giới có quan hệ đồng tộc chiếm tới (72,2%). Tỷ lệ này ở người Nùng là 79,7%,

118

cao hơn so với người Tày là 56,3% kết hôn xuyên biên giới đồng tộc. Kết quả nghiên cứu phản ánh tương đồng với tình hình ở huyện Phục Hòa. Người Nùng có văn hóa gần gũi với người Choang nên tỉ lệ kết hôn nhiều hơn so với người Tày.

Vào năm 2015, một học viên người Trung Quốc, Qin Yu Qiao (Đàm Vũ Tiêu) đã làm luận văn thạc sĩ ngành Việt Nam học về Phong tục cưới hỏi của dân tộc Tày, Nùng khu vực biên giới tỉnh Cao Bằng, Việt Nam và dân tộc Choang khu vực biên giới phía Nam Quảng Tây, Trung Quốc tại Học viện Khoa học xã hội. Bên cạnh chú trọng đến yếu tố nguồn gốc tộc người, điểm nhấn luận văn chỉ ra sự tương đồng và khác biệt trong hôn nhân của người Tày, Nùng (Việt Nam) với người Choang (Trung Quốc). Sự tương đồng được chỉ ra ở lứa tuổi kết hôn, quá trình chuẩn bị cho việc kết hôn rất kỹ lưỡng, số lượng khách mời đông, nghi lễ hôn nhân tiến hành theo các bước giống nhau.

Sự khác biệt chỉ ở những điểm nhỏ trong phần nghi lễ hôn nhân như: “Nếu ở buổi lễ cưới của dân tộc Tày, Nùng, tiết mục lễ nghi đầu tiên để đón chào chú rể được gọi là tục căng dây chặn đường, thì dân tộc Choang gọi là tục chặn cửa, và có những nghi thức khác nhau”… [94, tr. 75].

Quan hệ gần gũi về văn hóa tộc người giúp người Tày hay Nùng không cảm giác xa lạ với người Choang, để dễ dàng chấp nhận hơn trong hôn nhân xuyên biên giới.

3.6.2. Quan niệm giá trị hôn nhân

Người Tày xem trọng hôn nhân gia đình, coi gia đình là điểm tựa cả về tinh thần và vật chất, đặc biệt ở phụ nữ. Bởi vậy dù ở hoàn cảnh nào, họ cũng luôn cố gắng xây dựng một hạnh phúc riêng. Khi không thể hoặc khó tìm bạn đời ở Việt Nam, ở bên kia biên giới nhiều đàn ông đang muốn lấy vợ trở thành cơ hội với họ.

119

Những khó khăn có thể lường trước như khó trở về thăm bố mẹ, có thể bị gia đình nhà chồng ngược đãi, khác biệt về văn hóa vì mong muốn xây dựng hạnh phúc gia đình đều có thể vượt qua. Giá trị truyền thống hôn nhân là yếu tố quan trọng, thúc đẩy hình thành hôn nhân xuyên biên giới với những người có hoàn cảnh đặc biệt. Niềm hy vọng có cuộc sống kinh tế tốt hơn sau hôn nhân khi lấy chồng Trung Quốc là có nhưng thực tế không phải là nhân tố quyết định với hầu hết trường hợp kết hôn xuyên biên giới ở vùng biên giới huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng.

3.6.3. Mạng lưới xã hội phát triển

Từ cuối những năm 1980, việc đi lại qua biên giới Việt -Trung dần được bình thường hóa trở lại. Các hoạt động thăm thân sau nhiều năm bị ngăn cản diễn ra mạnh mẽ và trở thành cầu nối cho bùng phát hôn nhân xuyên biên giới. Trong đời sống hàng ngày, người Tày rất cởi mở, gần gũi, bởi vậy, họ có xu hướng muốn mở rộng quan hệ xã hội. Những người mới quen biết hoặc cùng chung công việc, nếu cảm thấy quý nhau có thể kết tồng với nhau.

Người kết tồng được xem như anh em ruột thịt, khi gia đình có việc hiếu, hỉ, anh em đều có nghĩa vụ phải tham dự, ngày lễ tết phải thăm hỏi nhau. Thường mỗi người có nhiều bạn tồng, với cư dân vùng biên, hầu như ai cũng có bạn tồng là người Trung Quốc.

Theo tìm hiểu, số lượng cư dân vùng biên sang Trung Quốc tìm việc làm ngày càng gia tăng. Nhờ công việc, họ quen biết với người bên kia biên giới nhiều hơn. Nhiều người tạo dựng được mối quan hệ thân thiện để khi có bất cứ việc gì, người Trung Quốc gọi sang làm việc. Trong cuộc sống hiện nay, hầu hết thanh niên nam nữ khi cần mua quần áo hoặc có thời gian đi chơi, họ đều sang thị trấn Long Châu để mua bán… Tất cả các chiều tương tác này đều giúp cho cư dân hai bên biên giới hiểu và gần gũi nhau hơn, là cơ sở kết nối, hình thành hôn nhân xuyên biên giới.

120

Tiểu kết chương 3

Hôn nhân qua biên giới Việt - Trung của cư dân ở vùng biên giới huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng phần lớn không xuất phát từ tình yêu đôi lứa mà từ những mong muốn thoát khỏi sức ép vì sự chê bai của cộng đồng, làng xóm khi lớn tuổi mà chưa có chồng, vì muốn có gia đình, có chồng, có con… Cộng đồng và cả gia đình vì vậy có thể vô tình đẩy những cô gái gặp rất nhiều rủi ro ở nơi đất khách quê người, thậm chí trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người.

Kết hôn qua biên giới là một sản phẩm tất yếu của quan hệ xã hội ở vùng biên giới nhưng do không có đăng ký kết hôn nên hôn nhân của họ trở thành bất hợp pháp vì vậy cuộc sống gia đình của họ thiếu bền vững. Để giải quyết những việc này, chính quyền địa phương cần có công tác tuyên truyền giúp người dân hiểu được rằng hôn nhân cần xuất phát trên cơ sở tình yêu, có sự tìm hiểu kỹ lưỡng đối tượng kết hôn, đúng với truyền thống hôn nhân của người Tày, Nùng. Tạo điều kiện để người tham gia kết hôn với người nước ngoài dễ dàng nắm bắt và thực hiện được các thủ tục pháp lý của hai nước, việc đăng ký kết hôn của đôi vợ chồng.

121

CHƯƠNG 4

Một phần của tài liệu Hôn nhân của người Tày ở vùng biên giới huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng (Trang 123 - 128)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(185 trang)