Huyền thoại từ tín ngưỡng dân gian

Một phần của tài liệu Yếu tố huyền thoại trong tiểu thuyết nguyễn xuân khánh (Trang 47 - 53)

Chương 2. CÁC DẠNG THỨC YẾU TỐ HUYỀN THOẠI

2.1. Yếu tố huyền thoại bắt nguồn từ tín ngưỡng và truyện kể dân gian

2.1.1. Huyền thoại từ tín ngưỡng dân gian

Thể hiện rõ nhất dạng thức huyền thoại lấy từ tín ngưỡng cộng đồng và truyền thuyết văn hóa dân gian là tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn. Nguyễn

Xuân Khánh đã từng tâm sự, khi viết tác phẩm này, có những nhân vật như

“từ ký ức bật ra”, và “Tôi viết cuốn tiểu thuyết này bằng thi hứng dân gian”

Vốn được định nghĩa là những “mô hình, hình ảnh đầu tiên”, “luôn bảo lưu ý nghĩa và chức năng của mình. Nó không bị hủy hoại mà chỉ bị biến thái, bộc lộ mình dưới dạng các hình thức mới ở các giai đoạn lịch sử mới” [31, tr.348], cái mẫu gốc “mà Nguyễn Xuân Khánh dựa vào ở đây để nói về văn hóa Việt, về sức sống và khả năng biến chuyển của văn hóa đó là đạo Mẫu”

[41]. Nhà văn tiếp cận tín ngưỡng dân gian và miêu tả với một ý thức huyền thoại hóa để cho Đạo Mẫu bao bọc không gian làng Cổ Đình trong không khí của cái thiêng. Đạo Mẫu hiện diện trong mỗi nếp nhà, hằn sâu trong nếp nghĩ của con người. Không ngẫu nhiên mà thiên tiểu thuyết này mở ra bằng hình ảnh nhân vật Phác, con cụ đồ Tiết, một “người trở về” sau hai chục năm xa quê mà vẫn thấy cảnh làng Vũ Đình chẳng khác xưa mấy tý. Anh nhìn cảnh làng và nhớ như in từng chi tiết một:

Hồ này tên là hồ Huyền vì nước sâu màu đen. Tuy thế nước trong lắm. Ở phía phía Tây hồ có con sông, hồ thông với sông. Sang bên kia sông, ngọn núi phía đầu dòng là núi Mẫu, trên có đền thiêng. Ngọn núi phía dưới là núi Đùng, ở đó có nhiều chuyện lạ” [36, tr.10]. Và cô Nhụ từ bé đã nghe lời bố Phác: “Thầy em nói: ở nước mình, chỗ nào cũng có Mẫu” [36, tr.68], và tiểu thuyết này khép lại cũng bằng sự tuyệt đối hóa bằng sự khẳng định về tính chất trường tồn: “Đã là con người ta, con ơi, ai chẳng là con của Mẫu

[36, tr.807].

Các nhà văn hóa học đã lý giải, với một dân tộc sống với nền văn minh nông nghiệp lúa nước thì sự sống của con người gắn với tự nhiên và sùng bái sự sinh sôi nảy nở của tự nhiên chính là nhu cầu thiết yếu để duy trì và phát triển sự sống. Mà để duy trì sự sống thì cần mưa thuận gió hòa cho mùa màng xanh tốt; để phát triển sự sống thì con người cần sinh sôi nảy nở. Từ đó, tín

ngưỡng phồn thực đã ra đời. Bản chất của tín ngưỡng này là sự sùng bái, thần thánh hóa sự sinh sôi nảy nở của tự nhiên và con người (phồn = nhiều, thực = nảy nở). Đã nói đến sự sinh sôi nảy nở thì vai trò của người phụ nữ rất được coi trọng. Cũng từ đó, nền văn hóa nông nghiệp giàu âm tính với lối sống thiên về tình cảm. Vì vậy tục thờ đạo Mẫu cũng từ lâu đời đã lưu truyền trong dân gian, thành một đặc trưng tín ngưỡng của người Việt. Nguyễn Xuân Khánh khéo léo đan cài hình ảnh của Mẫu đầy huyền hoặc, vừa hư vừa thực thấm vào trong tiếng hát của những người phụ nữ làng Cổ Đình chảy dọc thân truyện. Và nhiều ý kiến cho rằng, tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh rất giàu tính nữ cũng là do vậy.

Từ bao đời nay, Thánh Mẫu vốn được coi là một trong tứ bất tử thể hiện cho khát vọng, cho tâm hồn người Việt, hiện diện một mẫu nghi thiên hạ vừa dịu hiền, vừa oai nghiêm, vừa an ủi vỗ về chở che cũng như có sự răn đe cần thiết. Hình ảnh của Mẫu hóa thân trong hình ảnh những người đàn bà đậm chất Việt, nồng nàn như chính cuộc sống, như hơi thở. Nói một cách chính xác hơn chỉ có Mẹ - Văn hóa Việt mới có một sức sống mãnh liệt, dữ dội đến như vậy. Trong Mẫu Thượng Ngàn, từ bà Tổ cô, cô Mùi, bà cả Cỏn, mẹ con đĩ Váy, đến cô Thơm, cô Ngát, cô Ngơ, chị mõ Pháo, mõ Thắm… với vẻ đẹp phồn thực và số phận ít nhiều bi thương, những người đàn bà đều có số phận không bình thường, tất cả đều là những bằng chứng sống, những phiên bản khác nhau của Mẹ - Văn hóa Việt “Ở nước ta, đạo Mẫu thờ tứ phủ, tức là bốn Mẹ: Mẹ Trời, Mẹ Đất, Mẹ Nước và Mẹ Người. Mẹ Trời là Mẫu Thượng Thiên, Mẹ Người là Mẫu Liễu. Mẹ Nước là Mẫu Thoải. Mẹ Đất rừng là Mẫu Thượng Ngàn….Thân phận đạo Mẫu chẳng khác gì số kiếp của những người đàn bà của quê hương chúng ta….Mẫu cho ta tất cả”.

Đạo Mẫu che chở cho con người trong bước đường hoạn nạn, là chứng nhân cho những đau khổ bất hạnh của con người bởi những run rủi của số

phận và cũng dang tay đón nhận để che chở, ôm ấp vào lòng. Che chở cho số phận long đong của những người phụ nữ trong tác phẩm như bà Tổ cô, cô Mùi… Nhụ cuối cùng cũng trở về được với núi Mẫu, chỉ khi có “bóng trắng hiện lên dẫn con về… chắc là có bóng Mẫu. Không có bóng Mẫu… thì con đã trẫm mình xuống sông rồi” [36, tr.797]. “Mẫu đã thương xót đưa dắt con về đây, tức là Người đã che chở cho con. Sống với Mẫu, con sẽ thấy thảnh thơi, vơi nhẹ” [36, tr.798] “chỉ có Mẫu mới an ủi được họ, mới giải tỏa được cho họ khỏi những cay cực, những ẩn ức của chốn thế gian”.

Mẫu và những hóa thân thiên hình vạn trạng của Mẫu chính là thứ tạo nên hồn đất, là yếu tố làm nên sự thiêng liêng của mảnh đất này, như một sức đề kháng tự nhiên và nhà văn đã để cho nhân vật phát biểu tư tưởng ấy hộ cho mình:

“Nước chúng tôi là một nước văn hiến hơn xử sở này; vậy tại sao rất nhiều người sang đây, lại không bao giờ quay trở về quê cũ, để cuối cùng trở thành người xứ này…Điều phải bàn là tại sao người ta có thể muốn từ cao xuống thấp. Có thể nguyên nhân chính là người đàn bà chăng? Người đàn bà là Mẫu, là Mẹ - Người đàn bà là Đất xứ sở. Người đàn bà là văn hiến. Mà người đàn bà xứ này có hai điểm để cho nhiều người đàn ông muốn lập nghiệp yêu thích, đó là sự đằm thắm và sự gánh vác cam chịu” [36, tr.807]

Viết về Mẫu và dựa vào đạo Mẫu, được thể hiện ngay từ tên tiểu thuyết là Mẫu Thượng Ngàn, vốn là tín ngưỡng văn hóa dân gian thẳm sâu trong tiềm thức của dân tộc trong niềm tin vĩnh cửu về sức mạnh của sự chở che:

“Người ta tìm sự an ủi chở che ở đạo Mẫu, bởi ai cũng tin rằng tất cả đều sinh ra từ Mẫu, đều là con của Mẫu” (Nguyễn Văn Lung), đến mức hình thành trong truyền thống văn hóa Việt cái gọi là “Nguyên lý tính Mẫu”, tôn sùng tính nữ, tôn thờ tính phồn thực, sự sinh sản, bảo tồn các chức năng trong đời sống và trong văn hóa. Với nguồn chất liệu ấy của văn hóa dân gian, văn học

Việt Nam từ bao đời nay đã không ngừng khai thác văn hóa Thánh Mẫu, coi đó là một trong những cơ sở cho sự phản ánh cuộc sống.

Nếu như “huyền thoại anh hùng” được coi như “huyền thoại gốc” của mọi huyền thoại và xác định là “huyền thoại trung tâm của toàn bộ sáng tác nghệ thuật, một huyền thoại có thể lưu giữ nguyên vẹn ý nghĩa riêng của mình trong sáng tác văn học” [40, tr.95]. Người anh hùng mang “nghìn khuôn mặt”

với chất thơ, vừa hiện thực vừa khát vọng là mảnh đất mầu mỡ cho văn học nhân loại hơn một thế kỷ qua. Thì với Mẫu Thượng Ngàn, Nguyễn Xuân Khánh cũng tìm thấy một “huyền thoại anh hùng” từ trong chính sự giàu có trong văn hóa dân gian của dân tộc, có khác chăng, người anh hùng của ông không phải là cá nhân kiệt xuất mang khát vọng ngàn đời của tập thể, mà là cả hình tượng tập thể vừa vô hình vừa hữu hình, đó là đạo Mẫu, là hiện thân của văn hóa. Vì vậy, nhà văn Nguyên Ngọc rất có lý khi cho rằng: “Nếu đi tìm một nhân vật chính cho cuốn tiểu thuyết này, thì hẳn có thể nói nhân vật chính đó là nền văn hóa Việt, vừa thực tại vừa vô cùng hiện thực, vừa rất hư ảo, bền chặt, xuyên suốt mà cũng lại biến hóa khôn lường, rất thiêng và cũng rất chung, rất bản địa mà cũng lại rất nhân loại”. [50]. “Nhân vật” ấy “có một tầm khái quát lớn lao hơn, vừa thánh thiện, lại vừa gần gũi thân quen, mộc mạc, dân dã; vừa đầy ắp nhân tâm, nhưng cũng không kém phần táo tợn; long lanh, dễ vỡ, nhưng cũng lì lợm như sỏi đá và ngời sáng hơn gấp bội lần những mẫu nhân vật trung tâm mà chúng ta vẫn thường bắt gặp ở tiểu thuyết truyền thống” [73]. “Đa thanh và nhiều cung sắc” [73] cũng với “mang nghìn khuôn mặt” bởi lúc linh thiêng như đạo Mẫu, lúc hóa thân trong những người phụ nữ, lúc là bóng chìm của câu chuyện ẩn hiện trong những câu chuyện hoang đường, vừa thực lại vừa hư. Mang trong mình cái phẩm chất chung của hình tượng người anh hùng trong huyền thoại nhân loại ở chỗ “gần với giấc mơ, gần với tiềm thức ẩn chứa bao khát vọng khẳng định bản thể, một bản thể

chứa đựng những phẩm chất anh hùng”, nhưng cũng không kém duyên riêng, nhuần nhị phương Đông, nét duyên văn hóa Việt, nét thâm trầm hóm hỉnh của nhà văn lão làng.

Ngoài ra, yếu tố huyền thoại bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian trong Mẫu Thượng Ngàn còn được thể hiện qua việc thờ cúng bách thần và tín ngưỡng “vật linh” [1] như thờ cả thực vật, động vật.

Cây đa đầu làng Cổ Đình như một “đại thụ linh thần”, “một cây đa cổ thụ trứ danh, gốc to chục người ôm không xuể. Nó là niềm kiêu hãnh của dân làng. Một cây đa vừa hùng vĩ, vừa đẹp, người trong vùng ai cũng biết. Người ta dùng nó làm điểm xác định vị trí. Ví dụ: Làng tôi là làng Già cách cây đa Cổ Đình hai cây số về phía đông”... [36, tr.220].

Rồi nói tới cây đa làng, còn phải kể đến ông Thần Cẩu, tức là tục thờ con chó đá. Mỗi tục thờ với các mẫu như vậy đều mang màu sắc tâm linh, và tạo ra cả không gian tâm linh như một nội lực có ý nghĩa cố kết cộng đồng, làm nên sức mạnh bền chặt của ngôi làng Việt mà Nguyễn Xuân Khánh vừa đắm say miêu tả, vừa muốn thức tỉnh nó trước cuộc sống của xã hội hiện đại.

Tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn với việc lựa chọn đạo Mẫu vốn là tín ngưỡng hoàn toàn thuần Việt ở làng Cổ Đình, trong bối cảnh thành Hà Nội đã thất thủ, thực dân Pháp xâm lược chiếm được Bắc kỳ, ngôi làng này đã thành đồn điền của thực dân Pháp, Nguyễn Xuân Khánh không chỉ muốn cho thấy sức sống và sức mạnh của văn hóa Việt Nam hiện thân trong văn hóa làng trước sự tấn công của các nền văn hóa ngoại lai, mà còn là niềm tự hào cho ý thức tự cường và tinh thần dân tộc một yếu tố làm nên văn hiến của cả xứ sở.

Sức mạnh ấy không phải chỉ từ hiện thực, từ con người mà còn được trợ giúp từ thần linh, không phải chỉ bằng hiện tại mà còn tìm được sự đồng vọng linh thiêng của quá khứ ngàn đời. Với ý thức đó Nguyễn Xuân Khánh đã để cho hình ảnh Mẫu vừa mơ hồ, vừa biểu trưng, đầy linh thiêng xuyên suốt trong

mạch truyện như một người đồng hành chưa hẳn thật, nhưng lại đáng tin cậy bởi hiện hữu trong niềm tin. Bằng khát vọng và tưởng tượng, nhà văn đã nâng đối tượng lên tầm huyền thoại một cách chừng mực song hành cùng với bạn đọc qua hơn 800 trang sách.

Một phần của tài liệu Yếu tố huyền thoại trong tiểu thuyết nguyễn xuân khánh (Trang 47 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)