Sự kế thừa kinh nghiệm, chất liệu nghệ thuật của ca dao, dân ca các vùng miền khác và của văn học viết

Một phần của tài liệu Ca dao, dân ca vùng mỏ quảng ninh dưới góc nhìn văn hóa (Trang 72 - 77)

Chương 3 CÁC ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT VÀ DIỄN XƯỚNG CỦA CA DAO, DÂN CA VÙNG MỎ QUẢNG NINH DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HOÁ

3.1. Đặc điểm nghệ thuật của ca dao, dân ca vùng mỏ Quảng Ninh dưới góc nhìn văn hóa

3.1.1. Sự kế thừa kinh nghiệm, chất liệu nghệ thuật của ca dao, dân ca các vùng miền khác và của văn học viết

Trước khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, hầu hết những công nhân mỏ là nông dân, một số ít là thợ thủ công. Giặc Pháp tàn phá quê hương, cướp đoạt ruộng đất, khiến nhiều gia đình sống cuộc đời tối tăm, khổ cực. Bởi vậy, họ sục sôi căm thù quân xâm lược và đó là động lực mạnh mẽ của tinh thần đấu tranh yêu nước luôn thường trực trong họ.

Quảng Ninh là vùng đất tụ hội dân cư nhiều nơi về sinh sống, làm ăn từ thời kỳ Pháp thuộc cho đến tận ngày nay. Trong đó, chủ yếu là các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, từ Nghệ An, Hà Tĩnh ra các tỉnh phía Bắc cùng với những người dân gốc tại Quảng Ninh. Họ đến từ các địa phương Nam Định, Thái Bình, Kiến An, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh…

Những phu mỏ có thể là những người có học hoặc không có học, từ nhiều miền quê trên ra khu mỏ, họ có chung những đặc điểm đó là có cùng nguồn gốc xuất thân, ra mỏ làm thuê lúc tình cảnh quẫn bách, thiên tai mất mùa. Bên cạnh đại bộ phận là người Kinh còn có một số dân tộc thiểu số Tày, Sán Dìu, Hoa… gốc gác dân địa phương, sống lâu đời ở mỏ. Những con người đó đã cùng nhau chung sống hài hòa, tạo nên sự đa dạng về văn hóa rất phong phú đến từ nhiều vùng miền.

Trong các làng mỏ, xóm thợ, nhiều gia đình thợ mỏ từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng ra lập nghiệp và gắn kết với nhau như anh em một nhà. Đa số các gia đình xuất thân từ nông thôn, nông dân với đặc thù văn hoá làng xã đậm đặc. Bởi thế, gia đình thợ mỏ là nơi hội tụ, lưu giữ các giá trị văn hóa vùng miền và tạo thành kết cấu làng xã mới trên đất mỏ. Bên cạnh đó, hoàn cảnh sống và làm việc cùng nhau trên đất mỏ đã giúp các gia đình hoà trộn, giao thoa văn hóa nhiều

vùng miền với văn hoá bản địa, tạo nên văn hoá cộng đồng của cư dân vùng mỏ.

Người thợ mỏ sống với nhau rất cởi mở, giao thoa văn hoá các vùng, miền. Mặc dù thợ mỏ ở đây trước kia nhiều người đi ra từ Thái Bình, Nam Định…. Nhưng vùng mỏ với những điều kiện lao động, điều kiện sống mới đã rèn luyện con người, con người phải hòa nhập vào vùng mỏ này, từ đó tạo ra những nét văn hoá mới khiến cho văn hoá vùng mỏ Quảng Ninh khác ở Thái Bình, Nam Định…

Văn hóa của thợ mỏ, vùng mỏ có nhiều nét đặc biệt. Đó là sự đa dạng, phong phú, nhiều sắc màu. Nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa cho rằng, sự phong phú, đa dạng của văn hóa vùng mỏ có được là do có sự giao thoa kỳ diệu giữa nhiều vùng văn hóa với nhau. Kết quả của sự giao thoa ấy là ca dao, dân ca vùng mỏ đã có sự học tập, kế thừa kinh nghiệm và chất liệu nghệ thuật của ca dao, dân ca các vùng miền khác và của văn học viết.

Trong ca dao, dân ca vùng mỏ, chúng ta dễ dàng bắt gặp âm hưởng những bài ca phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ:

Trời mưa cao xắn ống quần Hỏi cô bán thuốc nhà gần hay xa

Thân tôi đã xác như vờ Đồng cân xin chị cho vừa chớ non.

Hoặc bài ca tỏ tình mang tính chất tự trào, cười ra nước mắt của người phu mỏ trong tình cảnh khốn khó nơi mỏ than:

Áo anh rận cắn sờn vai

Nhờ em mạng giúp, chớ nài quản công Công kia anh để bên lòng

Đến khi lấy chồng anh sẽ trả ơn…

Bài ca này mang âm hưởng rất gần gũi với bài ca dao Tát nước đầu đình - lời tỏ tình vòng vo mà tinh tế, ý nhị, duyên dáng của chàng trai ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ:

Áo anh sứt chỉ đường tà Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu…

Điểm khác biệt giữa bài ca của người thợ mỏ và bài ca Tát nước đầu đình là ở chỗ bài ca của người thợ mỏ đã được thêm bớt chút ít cho hợp người, hợp cảnh, đặc biệt là không mang giọng điệu yêu thương, trữ tình trong sáng nữa mà mang giọng điệu trào phúng chua xót.

Trong kho tàng ca dao, dân ca của dân tộc, có chùm bài ca Mười thương, mười yêu với nhiều bài ca gắn với các vùng miền khác nhau trong cả nước, ở nhiều thời kì. Trong đó, nổi bật nhất, tiêu biểu nhất và sớm nhất là bài ca ở vùng Bắc Bộ:

Một thương tóc bỏ đuôi gà

Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.

Ba thương má lúm đồng tiền

Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua.

Năm thương cổ yếm đeo bùa

Sáu thương nón lá quai tua dịu dàng.

Bẩy thương nết ở đoan trang

Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh.

Chín thương cô ở một mình

Mười thương con mắt hữu tình với ai?

Ca dao, dân ca vùng mỏ sau giải phóng cũng có bài ca Mười yêu nói về những phẩm chất ưu tú, đúng đắn của chàng thợ mỏ khiến người con gái nể trọng và yêu say đắm:

Một yêu sản xuất hăng say Hai yêu cảnh giác hằng ngày đề cao.

Ba yêu hưởng ứng phong trào Bốn yêu năng suất luôn cao hơn người.

Năm yêu học tập không lười Sáu yêu rèn luyện trau dồi bản thân.

Bảy yêu công tác chuyên cần Tám yêu văn nghệ góp phần liên hoan.

Chín yêu tuyệt đối an toàn Mười yêu khỏe mạnh là chàng em yêu.

Ca dao cổ truyền có cả chùm ca dao với công thức Còn duyên… hết duyên…:

- Còn duyên kẻ đón người đưa Hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng.

- Còn duyên kẻ đón người đưa,

Không duyên vắng ngắt như chùa Bà Đanh.

Còn duyên kén cá chọn canh,

Hết duyên cặn bã dưa hành cũng nhai.

Ca dao, dân ca vùng mỏ Quảng Ninh cũng có những câu tương tự:

- Còn duyên, còn cuốc, còn khao Hết duyên bị gậy ra vào cổng kho.

- Còn duyên, còn cuốc, còn khao Hết duyên bị gậy ra vào bến xe.

Như thế, những công thức, những lối mòn sáng tác trong ca dao cổ truyền đã được tác giả dân gian vùng mỏ thổi vào đó điệu hồn mới, khiến cho bài ca mang đậm tính chất nghề nghiệp và thời sự ở vùng mỏ. Ở đó, chúng ta dễ dàng bắt gặp các công thức quen thuộc: Còn duyên… hết duyên…, Không đi không biết… Đi rồi…, Ai đi…, Sáng ngày…, Ngày ngày…, Hôm qua…, Nàng về…, Chồng người… Chồng em…, Chém cha…, Hỡi cô, Ru con con ngủ cho ngon…, Ai về…

Bên cạnh việc sáng tác những bài ca dao, dân ca mang hơi hướng những bài ca dao cổ truyền, chủ yếu ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, tác giả dân gian của kho tàng ca dao, dân ca vùng mỏ Quảng Ninh còn đưa vào trong các bài ca của mình những chất liệu nghệ thuật được học tập từ vốn văn học viết của dân tộc.

Đây là những bài được sáng tác bởi những người có học thức. Trong ca dao, dân ca vùng mỏ, không khó để bắt gặp những bài ca dao, dân ca phảng phất hơi hướng Truyện Kiều của Nguyễn Du. Chẳng hạn, đọc những câu ca dao, dân ca vùng mỏ nói về tình trạng cuộc sống vất vả nơi đất khách quê người và nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương của những người phu mỏ khi trông ra bến tàu, chúng ta dễ

dàng liên tưởng tới những câu thơ miêu tả Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:

Buồn trông cửa bể chiều hôm Quảng Đông tầu đã tếch miền xa xa Trông tầu lại nhớ đến nhà Cánh buồm lơ lửng biết là về đâu Buồn trông thăm thẳm theo tầu Khách xuôi, khách ngược biết đâu là nhà.

Hay có bài lại mang âm điệu của Cung oán ngâm khúc:

Canh cá ót chua me mà ngọt Nướng cá mòi muối ớt mà thơm Sớm chiều lọ nước niêu cơm

Canh sam cháo sắn gầy còm cực thay.

Có bài lại hao hao câu thơ trong Chinh phụ ngâm:

Trời xanh xanh ngắt một màu

Trăng lồng bóng nước, vui câu lên đường.

Rõ ràng, kho tàng ca dao, dân ca vùng mỏ đã có sự kế thừa văn học viết của dân tộc về mặt thi liệu, thể thức, cấu tứ cùng với tính phong phú, đa dạng về loại hình, ngôn ngữ… Người phu mỏ không chỉ có nguồn gốc là những người nông dân thất học mà còn bao gồm cả những người có học, có ít nhiều chữ nghĩa. Họ có đặc điểm chung là bị bần cùng hóa, phải dồn về đây tìm đường làm ăn, sinh sống. Họ đã mang theo những hiểu biết về văn học viết của dân tộc để sáng tác, ứng tác những bài ca dao, dân ca cho phù hợp với hoàn cảnh mới, tình hình mới.

Có thể nói, với sự dung hợp về văn hóa từ nhiều thành phần dân cư, đến từ nhiều vùng miền về tụ cư trên những khu mỏ, của cả những người có học hoặc không có học, kho tàng ca dao, dân ca vùng mỏ Quảng Ninh được mang một diện mạo đa sắc màu. Nó không mang một màu thuần nhất của ca dao, dân ca của riêng một vùng đất, một tỉnh mà nó thể hiện sự đa dạng trên một nền tảng thống nhất của văn hóa của người công nhân nhân mỏ Quảng Ninh, biểu hiện cụ

thể là sự kế thừa các thi liệu, chất liệu, những công thức sáng tác từ kho tàng ca dao, dân ca cổ truyền của các vùng miền và từ văn học viết của dân tộc.

Một phần của tài liệu Ca dao, dân ca vùng mỏ quảng ninh dưới góc nhìn văn hóa (Trang 72 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)