Chương 2: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN PHÒNG NGỪA TÌNH HÌNH TỘI PHẠM VỀ MÔI TRƯỜNG
2.2. Nguyên tắc và ý nghĩa của phòng ngừa tình hình tội phạm về môi trường
Phòng ngừa THTP nói chung và phòng ngừa THTP về môi trường nói riêng đòi hỏi phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định nhằm đảm bảo các yêu cầu về tính hiệu quả, tính tuân thủ pháp luật và tính đồng bộ. Cụ thể các nguyên tắc của phòng ngừa THTP về môi trường gồm:
Thứ nhất, Nguyên tắc đề cao vai trò của công tác phòng ngừa THTP về môi trường. Các chủ thể có thẩm quyền và xã hội cần xem công tác phòng ngừa THTP về môi trường là cơ sở quan trọng nhất đạt đến mục tiêu loại trừ tội phạm về môi trường ra khỏi đời sống thực tiễn. Để ngăn chặn, trấn áp và loại bỏ THTP ra khỏi đời sống xã hội phải có một quy trình chặt chẽ và hiệu quả. Trong đó, phòng ngừa THTP là khâu đầu tiên và đóng vai trò hạn chế tối đa THTP về môi trường diễn biến phức tạp trên thực tiễn. Nếu thực hiện tốt công tác phòng ngừa THTP, các hoạt động khác sẽ đảm bảo được giảm tải các áp lực cho việc đấu tranh tội phạm. Chính vì thế, nguyên tắc đầu tiên trong thực hiện công tác phòng ngừa THTP về môi trường phải xác định đây là khâu quan trọng, đóng vai trò quyết định đối với mục tiêu loại bỏ THTP về môi trường ra khỏi đời sống xã hội. Nắm rõ được nguyên tắc cốt yếu này, sẽ đảm bảo cho các chủ thể thực hiện công tác phòng ngừa THTP về môi trường quyết tâm cao, lựa chọn được các công cụ và phương tiện hợp lý để đạt được mục tiêu của công tác.
Thứ hai, Nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Các chủ thể phòng ngừa cần tuân thủ pháp luật, đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa. Hoạt động phòng ngừa THTP về môi trường nói riêng và phòng ngừa THTP nói chung là hoạt động áp dụng pháp luật của các chủ thể có thẩm quyền, do đó bản chất của hoạt động được dựa trên pháp luật. Ở một khía cạnh khác, các hoạt động áp dụng pháp luật luôn tồn
tại cơ chế bất bình đẳng (chủ thể áp dụng pháp luật có quyền đơn phương áp đặt các hệ quả pháp lý lên đối tượng của hoạt động áp dụng pháp luật) do đó, tất yếu xảy ra xu hướng lạm quyền thông qua lợi dụng quyền lực được pháp luật ghi nhận. Chính nguy cơ này mà trên thực tiễn, nhiều chủ thể phòng ngừa THTP về môi trường lại có những mối quan hệ hợp tác với các đối tượng phạm tội về môi trường nhằm chia sẻ lợi ích hoặc áp đặt các điều kiện có lợi cho mình. Tình trạng này khiến cho công tác phòng ngừa THTP về môi trường không những không đạt được mục tiêu mà còn khiến cho THTP môi trường diễn biến theo chiều hướng tiêu cực.
Nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật trong phòng ngừa THTP về môi trường sẽ đảm bảo cho các chủ thể thực hiện các nhiệm vụ phòng ngừa của mình theo quy định pháp luật, tránh được các hành động lợi dụng quyền lực để áp đặt các hoạt động phòng ngừa hành vi vi phạm những quyền tự do và dân chủ, móc nối với các đối tượng phạm tội để tạo ra mối quan hệ tương hỗ tiêu cực về lợi ích, làm cho THTP về môi trường trở nên phức tạp. Bên cạnh đó, nguyên tắc bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong phòng ngừa THTP về môi trường sẽ duy trì được một hệ thống các chủ thể thực hiện chức năng phòng ngừa có sự phân quyền theo thứ bậc chặt chẽ. Sự phân quyền này đảm bảo sự thống nhất từ trên xuống dưới của các chủ thể. Các mệnh lệnh đều được truyền tải từ trên xuống dưới và được thực hiện một cách đồng bộ. Điều này tạo nên sức mạnh của các chủ thể thực hiện công tác phòng ngừa THTP về môi trường.
Thứ ba, Nguyên tắc hài hoà lợi ích. Các chủ thể phòng ngừa cần đảm bảo hài hoà giữa vấn đề BVMT và phát triển kinh tế quốc gia. Môi trường và kinh tế có mối quan hệ chặt chẽ và qua lại lẫn nhau. Ban đầu, môi trường là nguồn lực cho sự phát triển của kinh tế. Sau đó sự thịnh vượng của kinh tế sẽ đảm bảo các nguồn lực cần thiết để thực hiện BVMT. Chính vì thế, trong giai đoạn phát triển, khai thác và sử dụng môi trường luôn là nhu cầu tất yếu để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc khai thác này phải trong một giới hạn cho phép của pháp luật để đảm bảo sự phát triển bền vững và giữ gìn môi trường sống cho con người. Công tác phòng ngừa THTP về môi trường nhằm đảm bảo cho quá trình khai thác, sử dụng môi trường được duy trì trong giới hạn đó. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, nhiều biện pháp phòng ngừa sẽ ít nhiều tác động đến hoạt động khai thác, sử dụng môi trường hợp pháp, bằng cách gia tăng thêm nhiều thủ tục, nhiều điều kiện về vật chất, nhiều điều kiện về con người… khiến cho hoạt động khai thác, sử dụng môi trường hợp pháp bị cản
trở, không đảm bảo được các điều kiện cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính vì thế, công tác phòng ngừa THTP về môi trường phải được thực hiện dựa trên sự cân đối của lợi ích phát triển kinh tế và đảm bảo đẩy lùi được THTP về môi trường.
Sự cân đối được pháp luật quy định, song ở nhiều trường hợp cụ thể cần đến sự tính toán, cân nhắc và quyết định của chính các chủ thể phòng ngừa THTP về môi trường.
Thứ tư, Nguyên tắc phòng ngừa từ dưới lên. Thực hiện phòng ngừa hiệu quả từ cấp cơ sở, huy động sức mạnh nhân dân vào công tác phòng ngừa. Phòng ngừa THTP về môi trường là hoạt động của toàn thể hệ thống chính trị và toàn dân. Tuy nhiên, nguyên tắc trong phòng ngừa THTP về môi trường phải chú trọng phòng ngừa hiệu quả từ cấp cơ sở, huy động và tận dụng tối đa sức mạnh nhân dân vào công tác phòng ngừa. Cụ thể:
- Đối với phòng ngừa hiệu quả từ cấp cơ sở: THTP về môi trường là tập hợp các hành vi phạm tội về môi trường từ những đơn vị lãnh thổ nhỏ nhất trong một khoảng thời gian nhất định. Do đó, đến lượt công tác phòng ngừa cũng cần được tiến hành ở những đơn vị nhỏ nhất đó một cách hiệu quả để đảm bảo đạt được kết quả của công tác phòng ngừa một cách vững chắc. Phòng ngừa hiệu quả THTP về môi trường từ cơ sở là công tác triển khai thực tiễn phải được ưu tiên thực hiện mạnh mẽ và hiệu quả từ những đơn vị cơ sở nhỏ nhất, sau đó tiến dần đến mở rộng phòng ngừa là cấp cao hơn và tiến tới phòng ngừa tổng thể có hiệu quả. Đây chính là quy trình phòng ngừa từ gốc rễ của tình hình, đảm bảo quá trình phòng ngừa nhắm đúng vào bản chất của tình hình, được thực hiện từ phần gốc rễ của vấn đề thay vì phần ngọn. Khác với phòng ngừa THTP từ các chiều hướng khác, phòng ngừa THTP về môi trường ở cấp cơ sở sẽ chậm hơn trong việc cho thấy hiệu quả của công tác, tuy nhiên đây được xem là việc đặt nền tảng quan trọng cho hoạt động phòng ngừa THTP bền vững, thực chất, không sa vào tính phong trào, hình thức và nặng tính báo cáo.
- Đối với huy động và tận dụng tối đa sức mạnh nhân dân vào hoạt động phòng ngừa THTP về môi trường. Nhân dân đóng vai trò quan trọng trong hoạt động phòng ngừa THTP về môi trường. Bởi vì nhân dân vừa là đối tượng, vừa là khách thể và vừa là chủ thể của hoạt động này. Nhân dân với vai trò là cá nhân đơn lẻ hay các tổ chức pháp nhân, trong quá trình sống và hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, là các đối tượng chủ yếu gây ra THTP về môi trường. Đồng thời,
với vai trò là khách thể hưởng lợi trực tiếp từ công tác phòng chống THTP về môi trường, nhân dân cũng là một chủ thể có nghĩa vụ đối với công tác này. Cụ thể, nhân dân đóng vai trò quan trọng trong việc đóng góp các thông tin quần chúng tự phát giác, nắm bắt các biểu hiện phạm tội của các đối tượng thông qua hoạt động sống, sản xuất, kinh doanh hàng ngày. Không những thế, khả năng tuyên truyền nhanh, rộng và hiệu quả của nhân dân cũng góp phần lan toả các nội dung của phòng ngừa THTP về môi trường ở phạm vi khu vực cư trú nói riêng và xã hội nói chung. Việc nắm rõ vai trò này để tận dụng và khai thác tối đa sức mạnh nhân dân vào phòng ngừa THTP về môi trường sẽ đảm bảo công tác phòng ngừa đạt được tính đồng bộ. Cả hệ thống chính trị và nhân dân đều thực hiện tích cực công tác phòng ngừa sẽ đảm bảo sử dụng hiệu quả các công cụ, phương tiện và đồng bộ các phương pháp, từ đó đạt được hiệu quả phòng ngừa toàn diện.
Thứ năm, Nguyên tắc nhanh chóng, kịp thời và thường xuyên. Phòng ngừa THTP về môi trường phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, nhanh chóng và có hiệu quả. Hiệu quả phòng ngừa THTP nói chung và THTP môi trường nói riêng muốn đạt được mục tiêu cần thiết phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và kịp thời. Tính thường xuyên, liên tục đảm bảo cho các tác động của quá trình phòng ngừa THTP được duy trì, từ đó từng bước phát hiện, ngăn chặn và đẩy lùi THTP về môi trường ra khỏi đời sống xã hội. Tính ngắt quãng sẽ làm cho sức mạnh của các phương pháp áp dụng bị yếu đi. Không những thế, công tác phòng ngừa THTP về môi trường cũng đòi hỏi tính nhanh chóng. Quá trình phòng ngừa có hiệu quả hay không được đánh giá bởi khả năng làm giảm nguy cơ của THTP. Sự kịp thời trong phòng ngừa sẽ ngăn chặn THTP về môi trường diễn ra trên thực tiễn.
2.2.2. Ý nghĩa của phòng ngừa tình hình tội phạm về môi trường
Phòng ngừa THTP về môi trường đóng vai trò phương hướng chính, là tư tưởng chủ đạo trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm môi trường. Theo đó, phòng ngừa THTP về môi trường có những ý nghĩa cơ bản sau:
Thứ nhất, phòng ngừa THTP về môi trường góp phần phát triển bền vững đất nước. Phát triển bền vững là mục tiêu phát triển của hầu hết các quốc gia đương đại.
Phát triển bền vững cần đến sự trụ cột của ba yếu tố gồm: phát triển bền vững kinh tế, phát triển bền vững xã hội và phát triển bền vững môi trường.
Phòng ngừa THTP về môi trường trước hết có ý nghĩa trong việc duy trì trạng thái phát triển bền vững môi trường. Phát triển bền vững môi trường là việc duy trì hiện trạng môi trường trong lành bằng cách ngăn ngừa các hành vi làm tổn hại môi trường; khắc phục các điểm ô nhiễm và suy thoái của môi trường; phát triển các giá trị của môi trường bằng những cơ chế nhân tạo. Phòng ngừa THTP về môi trường với bản chất là việc ngăn ngừa các hành vi phạm tội gây ra những tổn hại cho môi trường. Đồng thời hoạt động phòng ngừa cũng mang tới ý nghĩa về việc nâng cao nhận thức xã hội để chung tay khắc phục ô nhiễm suy thoái. Và cuối cùng, việc phòng ngừa tốt sẽ tạo ra được những điều kiện nền tảng cho các hoạt động phát triển môi trường tự nhiên bằng các cơ chế nhân tạo.
Phòng ngừa THTP về môi trường cũng có ý nghĩa rất lớn đối với trụ cột phát triển bền vững kinh tế. Phát triển bền vững về kinh tế là phát triển nhanh, an toàn, chất lượng và thực chất. Phát triển bền vững về kinh tế đòi hỏi sự phát triển của hệ thống kinh tế trong đó cơ hội để tiếp xúc với những nguồn tài nguyên được tạo điều kiện thuận lợi và quyền sử dụng những nguồn tài nguyên thiên nhiên cho các hoạt động kinh tế được chia sẻ một cách bình đẳng. Bên cạnh đó, phát triển bền vững kinh tế cũng đòi hỏi kiến tạo các giá trị kinh tế vững chắc cho tương lai, bằng một chuỗi giá trị kinh tế thực chất, phát triển dựa trên cơ sở nội tại. Trong phát triển kinh tế, môi trường đóng vai trò là nền tảng tồn tại, vừa cung ứng đầu vào nhưng đồng thời cũng là nơi lưu chứa phế phẩm đầu ra của hoạt động kinh tế. Do đó, có thể nói môi trường là điều kiện tồn tại và phát triển của kinh tế. Chính vì thế, phòng ngừa THTP về môi trường với mục tiêu cuối cùng là đảm bảo môi trường được trong lành, toàn vẹn cũng chính là đảm bảo cho kinh tế một cơ sở phát triển bền vững.
Cuối cùng, phòng ngừa THTP về môi trường có ý nghĩa quan trọng trong phát triển bền vững xã hội. Phát triển bền vững về xã hội là việc xây dựng một xã hội hài hoà, nhân văn, phúc lợi và có tính đồng thuận cao. Nội dung này được đánh giá bằng các tiêu chí, như HDI, hệ số bình đẳng thu nhập, các chỉ tiêu về giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội, hưởng thụ văn hóa. Ngoài ra, bền vững về xã hội là sự bảo đảm đời sống xã hội hài hòa; có sự bình đẳng giữa các giai tầng trong xã hội, bình đẳng giới;
mức độ chênh lệch giàu nghèo không quá cao và có xu hướng gần lại; chênh lệch đời sống giữa các vùng miền không lớn. Các giá trị của mục tiêu xã hội bền vững này muốn có được ý nghĩa của nó cần phải có một nền tảng môi trường tự nhiên bền vững. Một nền y tế phát triển cũng không thể chống lại một môi trường xuống cấp
và nhiều mầm mống dịch bệnh; một xã hội nhân văn, phúc lợi cao cũng không có ý nghĩa nếu liên tiếp hứng chịu thiên tai, hiểm hoạ tự nhiên. Phòng ngừa THTP vừa góp phần giảm thiểu tội phạm, đảm bảo trật tự xã hội nói chung, vừa có ý nghĩa trực tiếp kiến tạo những điều kiện nền tảng cho tồn tại xã hội.
Thứ hai, phòng ngừa THTP về môi trường có ý nghĩa khắc phục những sơ hở, thiếu sót, hạn chế trong hệ thống các quy định của pháp luật về BVMT. Phòng ngừa THTP về môi trường với các cơ chế phòng ngừa như: chủ thể phòng ngừa, cơ sở pháp lý của phòng ngừa; nội dung phòng ngừa; phương pháp phòng ngừa… bao quát toàn bộ các nội dung pháp lý về tội phạm môi trường và phòng ngừa THTP về môi trường ở Việt Nam hiện nay. Thông qua việc thực hiện các cơ chế phòng ngừa THTP này, các quy định pháp luật sẽ được thực thi trên thực tiễn. Kết quả thực thi trên thực tiễn không chỉ giúp pháp luật về phòng ngừa THTP về môi trường đi vào đời sống xã hội và phát huy tác dụng ngăn ngừa THTP về môi trường mà còn giúp kiểm nghiệm tính hợp lý và khả thi của các quy định của pháp luật đó. Bằng cách tổng hợp các vướng mắc, khó khăn từ công tác phòng ngừa thực tiễn, những hạn chế hay thiếu hụt của luật pháp sẽ được phát hiện và kịp thời chỉnh sửa, hoàn thiện với đòi hỏi khách quan.
Bên cạnh đó, phòng ngừa THTP về môi trường còn có ý nghĩa giảm thiểu hoạt động áp dụng pháp luật khi đấu tranh chống tội phạm môi trường. Hoạt động phòng ngừa THTP về môi trường mang đến nhiều hiệu quả, đồng nghĩa với việc THTP về môi trường được đẩy lùi, các nguy cơ tội phạm về môi trường được ngăn chặn kịp thời trong tư tưởng nền sẽ hạn chế hành vi thực hiện trên thực tiễn. Từ đó làm giảm áp lực cho công tác đấu tranh chống tội phạm về môi trường, đồng thời cũng làm giảm việc áp dụng pháp luật của các cơ quan chức năng đối với người phạm tội về môi trường.
Thứ ba, phòng ngừa THTP về môi trường có ý nghĩa giữ vững trật tự xã hội.
Tội phạm về môi trường cũng giống như các tội phạm khác ở chỗ tác động tiêu cực lên trật tự xã hội, làm đảo lộn hành vi, mối quan hệ giữa cá nhân, tổ chức với pháp luật. Chính vì thế, xã hội tồn tại THTP nói chung hay THTP về môi trường nói riêng tất yếu sẽ dẫn tới tình trạng mất trật tự. THTP càng phức tạp, tình hình trật tự xã hội càng xấu đi. Do đó, phòng ngừa THTP về môi trường với mục đích làm giảm tiến tới xoá bỏ tội phạm môi trường trong đời sống xã hội sẽ có ý nghĩa quan trọng đến duy trì trật tự xã hội.