Tuệ Trung và thơ thiền Tuệ Trung trong văn học Lý Trần

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN THẠC SĨ: TINH THẦN NHÂN VĂN TRONG THƠ THIỀN TUỆ TRUNG (Trang 37)

6. Kết cầu đề tài

1.2.2. Tuệ Trung và thơ thiền Tuệ Trung trong văn học Lý Trần

Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230 – 1291) là một Thiền sư đạt đạo đời Trần. Căn cứ vào bài viết của vua Trần Nhân Tông, “Thượng sĩ là con trai đầu lòng của Khâm Minh Từ Thiện Thái vương và là anh cả của Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái Hậu. Khi Thái vương mất, Hoàng đế Trần Thái Tông cảm nghĩ phong cho Thượng sĩ tước Hưng Ninh Vương” [22; tr 221]. Thời gian trước đây, thân thế của Thượng sĩ vẫn còn là một “ẩn số” bởi có quá ít ghi chép của sử sách. Thậm chí, có ghi chép cũng không được nhất quán. Về sau, thân thế và tên thật của Thượng sĩ mới được nhìn nhận rõ ràng hơn. Về tên thật của Tuệ Trung Thượng sĩ trong một thời gian rất dài, từ thế kỉ XVII – XVIII sang nửa cuối thế kỉ XX, các nhà nghiên cứu đều cho Tuệ Trung là Trần Quốc Tảng. Đến năm 1972, tác giả Nguyễn Lang lần đầu tiên đã xác định tên thật của Tuệ Trung là Trần Tung trong sách VIỆT NAM PHẬT GIÁO SỬ LUẬN – tập 1, NXB Lá Bối, Sài Gòn. Năm 1977, lần thứ hai, trên Tạp chí Văn học số 4, trang 116 - 135, tác giả Nguyễn Huệ Chi tiếp tục khẳng định điều này trong bài TRẦN TUNG – MỘT GƯƠNG MẶT LẠ TRONG LÀNG THƠ THIỀN THỜI LÝ – TRẦN. “Thuở nhỏ, Thượng sĩ bẩm tính thanh cao, nổi tiếng thuần hậu. Được cử trấn giữ quân dân ở lộ Hồng. Hai lần giặc Bắc xâm lăng, có công với nước, lần hồi được thăng chuyển giữ chức Tiết độ sứ vùng biển trại Thái Bình” [Trần Nhân Tông; 22; tr 221]. Thượng sĩ từng xông pha trận mạc, cùng các tướng lĩnh nhà Trần lập nên không ít chiến công. Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất, Thượng sĩ tham gia với tư

cách là người chỉ huy cùng với Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai, Tuệ Trung Thượng sĩ lại cùng tôn thất nhà Trần chung vai sát cánh trên trận mạc: “Đầu tháng 5, Thái Thượng Hoàng nhà Trần là Trần Thánh Tông cùng Hoàng đế Trần Nhân Tông đem quân từ vùng Thanh Hóa ra đánh cấp tập vào khu vực Trường Yên và quét sạch quân Nguyên ra khỏi khu vực này vào ngày 7-6-1285 (nhằm ngày 3 tháng 5 năm Ất Dậu). Ngày 10-6-1285, quân Thoát Hoan bắt buộc phải rút khỏi bờ bắc sông Hồng. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Hưng Ninh Vương Trần Tung cho quân đón đánh. Một trận kịch chiến đã diễn ra tại Như Nguyệt (sông Cầu, Bắc Ninh ngày nay)” [Nguyễn Khắc Thuần; 39; tr 197]. Đến cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần ba, Tuệ Trung Thượng sĩ nhận thêm một nhiệm vụ mới: đi vào doanh trại giặc là Thoát Hoan để điều đình, làm cho kẻ thù càng hoang mang, hoảng loạn hơn. Lê Mạnh Thát đã có ghi nhận về việc này trong LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM – tập 3, chương XIII: “… An Nam chí lược 4 tờ 56 của tên Việt gian Lê Thực, khi viết về sự kiện Thoát Hoan đã cho rút quân về đồn trú tại Vạn Kiếp, đã ghi nhận: Tháng 2, Thế tử sai người anh họ là Hưng Ninh Vương Trần Tung nhiều lần đến ước hàng, để cố tình làm mệt quân ta, rồi ban đêm sai quân cảm tử đến cướp doanh trại…” [34; tr 547-548]. Từ đây, có thể thấy, Tuệ Trung Thượng sĩ không chỉ xuất hiện như một nhà chỉ huy quân sự, mà còn với tư cách một nhà ngoại giao đi điều đình với giặc, tạo thời cơ để quân ta tiến công. Và, Hưng Ninh Vương Trần Tung đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tạo tiền đề cho chiến thắng Bạch Đằng (9-4-1288) vang dội sau đó.

Như vậy, với lịch sử dân tộc, Tuệ Trung Thượng sĩ là một tướng lĩnh có công, có đóng góp quan trọng cho nền hòa bình của đất nước. Tuy nhiên, không như các tướng lĩnh nhà Trần khác, hành tung và công trạng của Tuệ Trung không được sử sách ghi chép đầy đủ. Có thể đây là một thiếu sót của lịch sử do nhiều lý do mà người thời nay chưa lý giải được. Song, theo chúng tôi, có khi đây lại là điều thú vị về một bậc “xuất trần thượng sĩ”. Đó là con người đến và đi hết sức tự tại giữa cuộc đời này. Khi cuộc đời cần, người đến. Lúc xong việc, người ra đi. Không cần lưu dấu, chẳng màng

tiếng tăm. Nói như tác giả Thích Phước An, Tuệ Trung Thượng sĩ thuộc hàng ngũ của “những con người đi và muốn xóa sạch vết chân của chính mình” [23; tr178]. Vô tình, chính những thiếu sót của lịch sử đã giúp cho bức chân dung Tuệ Trung Thượng sĩ được hoàn chỉnh và hoàn hảo hơn.

Bên cạnh những đóng góp cho cuộc đời, không thể không kể đến vai trò quan trọng của Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung trong Thiền học Việt Nam. Tư tưởng Thiền học của Tuệ Trung Thượng sĩ có ảnh hưởng lớn đối với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử sau này. Trong bài TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ HÀNH TRẠNG, vua Trần Nhân Tông đã hết lời khen ngợi ngài: “Về cốt cách, Thượng sĩ là người khí tượng thâm trầm, phong thần nhàn nhã. (…) Thượng sĩ trộn lẫn cùng thế tục, hòa cùng ánh sáng, chứ không trái hẳn với người đời. Nhờ đó mà nối theo được hạt giống pháp và dìu dắt được kẻ sơ cơ. Người nào tìm đến hỏi han, người cũng chỉ bảo cho biết điều cương yếu khiến họ trụ được cái tâm, mặc tính hành tàng, không rơi vào danh hư thực” [22; tr 221]. Tuy không phải là người xuất gia, không sống đời phạm hạnh như các bậc tu hành đương thời, song, phải nói rằng, Thượng sĩ đích thực là của một chân sư đạt đạo.

“Thượng sĩ là người thần thái nghiêm trang, cử chỉ đĩnh đạc. Khi người đàm luận về cái lẽ cao siêu huyền diệu thì như gió mát trăng thanh. Đương thời các bậc đạo cao đức trọng đâu đâu cũng đều tôn trọng, cho Thượng sĩ là người “tin sâu biết rõ”, ngược xuôi thật khó mà lường được” [22; tr 224].

Đối với người học theo pháp Thiền, cả một đời hành đạo chỉ có duy nhất một mục tiêu, đó là được giải thoát sinh tử luân hồi, ra vào tự tại trong Tam giới. Thông thường, biểu hiện rõ nhất để chúng ta “đo” độ giác ngộ của một hành giả tu Phật chính là phút giây cuối đời của họ. Một người muốn tự tại trong sinh tử, trước hết phải tự tại, tự chủ được việc sống chết của bản thân. Hãy xem lại những phút cuối đời của Thượng sĩ: “Sau, người nhuốm bệnh ở trang Dưỡng Chân, không nằm ở phòng riêng mà cho kê một chiếc giường gỗ giữa ngôi nhà bỏ trống, và nằm theo phép “cát tường”, nhắm mắt là tịch. Người hầu hạ và thê thiếp trong nhà khóc rống lên. Thượng sĩ mở mắt ngồi dậy, gọi người lấy nước rửa tay súc miệng, đoạn quở nhẹ rằng: Sống chết là lẽ thường,

làm gì phải xót thương quyến luyến làm rối chân tính của ta?. Dứt lời, người êm thấm mà tịch” [22; tr224]. Ở đây, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến chi tiết Thượng sĩ đã “nhắm mắt là tịch”, nhưng khi nghe tiếng khóc thương của người xung quanh thì lại “sống dậy”, trách nhẹ rồi mới tịch hẳn. Xưa nay chúng ta nghe một người biết trước ngày giờ chết, hay những bậc thiền sư muốn thị tịch lúc nào có thể thị tịch lúc ấy là đã rất đặc biệt. Với trường hợp Tuệ Trung, lại càng là một minh chứng sống động cho việc tự tại giữa sống chết. Muốn đến – đi như thế thì đạo lực, bản lĩnh của Thượng Sĩ phải ở vào hàng siêu xuất của Thiền học. Nếu Thiền học Trung Hoa từng tự hào với những cư sĩ ngộ đạo như ngài Bàng Long Uẩn thì Thiền học Việt Nam hoàn toàn có quyền kiêu hãnh với Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung.

Không chỉ là một Thiền gia đạt đạo, Tuệ Trung Thượng sĩ còn là một nhà thơ “có phong cách”. Tìm hiểu thơ Thiền không thể bỏ qua thơ Thiền Trần Tung – một “gương mặt lạ” của làng thơ Thiền Việt Nam nói chung, thơ Thiền Lý – Trần nói riêng. Thơ Thiền Tuệ Trung đa số tập trung thể hiện những trải nghiệm Thiền, những sở đắc của bản thân tác giả. Đó vừa là cách “tỏ lòng”, “trình kiến giải”; vừa là một lối “khai thị” cho người học đạo. Cái hay, cái độc đáo của thơ Thiền Tuệ Trung nằm ở chỗ tuy nói chuyện Thiền nhưng ông rất ít khi sử dụng ngôn ngữ “chuyên môn” của Thiền mà sử dụng ngôn ngữ của thơ ca trữ tình, đầy thi vị. Tức là, Tuệ Trung đã dùng ngôn ngữ của trần gian để nói chuyện giải thoát. Thơ Thiền Tuệ Trung, do đó, vừa là thơ vừa thấm đẫm tinh thần đạo vị. Điều này đã khiến cho thơ Thiền Tuệ Trung mang vẻ đẹp đặc biệt: nói chuyện “xuất thế” nhưng không “thoát thế”. Ở ông có phong thái của một bậc chân nhân giác ngộ luôn lạc quan, an nhiên đi giữa trần gian. Phong thái này mang đến cho thơ ông vẻ đẹp phóng khoáng, tự do; hồn nhiên mà thâm trầm, sâu sắc như chính con người ông trong cuộc sống đời thường.Theo chúng tôi, đây là những nhân tố quan trọng tạo nên nét độc đáo của tinh thần nhân văn trong thơ Thiền Tuệ Trung.

* Tiểu kết chương 1:

1. Khái niệm “nhân văn” được sử dụng khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực của đời sống như: văn hóa, xã hội, chính trị, văn học, nghệ thuật, mỹ học….Hiểu theo

nghĩa bao quát nhất, khái niệm “nhân văn” được dùng để chỉ chung cho những giá trị tinh thần của nhân loại, xuất phát từ sự tôn trọng giá trị, nhân phẩm con người, lòng thương yêu con người, niềm tin vào năng lực và sức sáng tạo không cùng của con người.

Xét về mặt ý nghĩa, 3 khái niệm “nhân văn”, “nhân đạo” và “nhân bản” đều có ý nghĩa tương đương nhau. Tuy nhiên, cần phân biệt phạm vi sử dụng của 3 từ này. “Nhân đạo” thường được sử dụng trong lĩnh vực đạo đức, luân lý; “nhân bản” chủ yếu được sử dụng trong lĩnh vực triết học, tâm lý; trong khi đó “nhân văn” là khái niệm có phạm vi sử dụng khá rộng rãi, hầu như ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Xét về mặt thái độ, nhận thức, khái niệm “nhân văn” biểu hiện sự nhận thức toàn diện về cả ba khía cạnh: CHÂN – THIỆN – MỸ của con người. Riêng khái niệm “nhân đạo” thể hiện nhận thức về cái THIỆN của con người. Trong khi đó, khái niệm “nhân bản” là quan tâm đến cái CHÂN, bản tính gốc của con người.

Dù có những điểm khác biệt nhất định, song, sự phân biệt giữa ba khái niệm “nhân văn”, “nhân đạo”, “nhân bản” chỉ mang tính tương đối, tùy thuộc vào mục đích của người sử dụng.

2. Tinh thần nhân văn là một vấn đề khá quen thuộc trong văn học. Có thể bước đầu hình dung về những biểu hiện của tinh thần nhân văn trong văn học trung đại Việt Nam: đó là con đường đi từ chiều sâu đến chiều rộng của tâm hồn con người.

Nằm trong giai đoạn sơ khai, cùng với đặc điểm riêng về lịch sử - xã hội, văn học Lý – Trần luôn được đánh giá là một nền văn học “đặc biệt” của văn học trung đại Việt Nam. Ở đây, tinh thần nhân văn – cách nhìn nhận và đánh giá về con người – có sự “giao thoa” thú vị giữa Thiền đạo và Văn học. Con người nhân văn thời Lý – Trần là con người luôn linh hoạt, lạc quan, bao dung và rộng mở với đời, với người, với chính mình: Mỗi con người là một bản thể, vừa rất riêng mà lại rất chung, rất trần thế nhưng đồng thời cũng rất thoát tục.

3. Thời đại Lý – Trần là một trong những thời đại hoàng kim của lịch sử xã hội phong kiến Việt Nam. Nhìn ở góc độ văn hóa tư tưởng và văn học, đây là thời đại phục hưng và phát triển rực rỡ các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc.

Trong thời Lý – Trần, Phật giáo Thiền tông có những đóng góp quan trọng cho dân tộc và văn học. Quan niệm nhân sinh tích cực của Thiền phái Trúc Lâm đã tạo nên những “hình mẫu” Thiền gia có phong thái an nhiên, tự tại, sẵn sàng “tùy duyên” mà “nhập thế” và bình thản “xuất thế”. Nhìn ở góc độ văn chương nghệ thuật, đó chính là vẻ đẹp của tinh thần nhân văn thấm đẫm màu sắc minh triết của con người và thơ Thiền Lý – Trần.

4. Với lịch sử dân tộc, Tuệ Trung Thượng sĩ là một tướng lĩnh có công, có đóng góp quan trọng cho nền hòa bình của đất nước. Tuy nhiên, không như các tướng lĩnh nhà Trần khác, hành tung và công trạng của Tuệ Trung không được sử sách ghi chép đầy đủ.

Bên cạnh những đóng góp cho cuộc đời, không thể không kể đến vai trò quan trọng của Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung trong Thiền học Việt Nam. Tư tưởng Thiền học của Tuệ Trung Thượng sĩ có ảnh hưởng lớn đối với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Không chỉ là một Thiền gia đạt đạo, Tuệ Trung Thượng sĩ còn là một nhà thơ “có phong cách”. Thơ Thiền Tuệ Trung đa số tập trung thể hiện những trải nghiệm Thiền, những sở đắc của bản thân tác giả. Thơ Thiền Tuệ Trung vừa là thơ vừa thấm đẫm tinh thần đạo vị. Điều này đã khiến cho thơ Thiền Tuệ Trung mang vẻ đẹp đặc biệt: nói chuyện “xuất thế” nhưng không “thoát thế”. Đây là những nhân tố quan trọng tạo nên nét độc đáo của tinh thần nhân văn trong thơ Thiền Tuệ Trung.

CHƯƠNG 2 - NỘI DUNG TINH THẦN NHÂN VĂN TRONG THƠ THIỀN TUỆ TRUNG

2.1. Nhân văn trong quan niệm về cuộc đời và con người 2.1.1. Thấu suốt lẽ “vô thường”

Lý “vô thường” là một trong những quan niệm cơ bản của Phật giáo. Nói đến Phật giáo, ngoài quan niệm từ bi – hỷ xả - bình đẳng – bác ái, chúng ta thường nghe nhắc đến lý “vô thường”. “Vô thường” có nghĩa là không thường còn, là luôn biến đổi. Trong kinh Bát Đại Nhân Giác, đức Phật đã dạy các đệ tử:

“Đệ nhất giác ngộ Thế gian vô thường Quốc độ nguy thúy Tứ đại khổ không Ngũ ấm vô ngã

Sanh diệt biến dị Hư ngụy vô chủ Tâm thị ác nguyên Hành vi tội tẩu Như thị quán sát Tiệm ly sanh tử”

(Điều thứ nhất phải thường giác ngộ; Đời vô thường quốc độ bở dòn, Khổ không tứ đại thon von, Năm ấm vô ngã có còn chi đâu Đổi đời sanh diệt chẳng lâu, Giả dối không chủ, lý mầu khó tin Tâm là nguồn ác xuất sinh

Thân hình rừng tội mà mình chẳng hay. Người nào quán sát thế này

Lần hồi sanh tử sớm chầy thoát ra)

(Kinh Bát Đại Nhân Giác ) [46; tr12]

Theo đây, “vô thường” bao gồm: đời vô thường – thân vô thường – tâm vô thường. Đời vô thường nên thời cuộc thịnh suy, thời đại luôn có nhiều biến cải, “bãi biển hóa nương dâu” là chuyện chỉ trong chớp mắt. Thân vô thường nên việc còn – mất, sống – chết của nhân sinh chỉ trong hơi thở. Tâm vô thường nên những buồn – vui, thương – ghét của tình người luôn biến chuyển không ngừng. Những điều này không có gì xa lạ đối với nhận thức của con người chúng ta về cuộc sống. Nói cách khác, quá trình vận động của “vô thường” chính là quá trình vận động của tự nhiên, của

vũ trụ từ bao đời qua. Như vậy, trước khi trở thành một trong “tam pháp ấn” của nhà Phật (Vô thường – Khổ - Vô ngã), “vô thường” là một “chân lý”, một “sự thật” hiển nhiên của cuộc đời.

Cảm thức vô thường về cuộc đời là điều không mới đối với các nhà thơ trung đại. Thậm chí, nó còn trở thành nguồn cảm hứng cho thơ ca thời này. Nó chi phối quan niệm về thời gian của con người trung đại; đồng thời chi phối cách nhìn nhận, hành xử của con người trước cuộc đời. Thi nhân thường ngậm ngùi, tiếc nuối trước thời gian nhiều dâu bể. Và, quá khứ trở thành hoài niệm theo mãi họ trên suốt dọc hành trình của đời người. Trong khi đó, thiền nhân tĩnh tại nhìn ngắm thời gian trôi qua trước mắt. Cho nên, những trải nghiệm của quá khứ - hiện tại – tương lai luôn trở thành những “phát hiện” hết sức thú vị dưới mắt thiền gia:

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN THẠC SĨ: TINH THẦN NHÂN VĂN TRONG THƠ THIỀN TUỆ TRUNG (Trang 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(148 trang)
w