III. Thực trạng xây dựng mô hình tập đoàn tài chính ngân hàng ở Việt
2. Các điều kiện xây dựng mô hình tập đoàn tài chính ngân hàng ở Việt Nam
2.1.2. Môi trường pháp lí
Chính phủ cũng đã ban hành luật để điều tiết hoạt động các tập đoàn như: Luật các Tổ chức tín dụng điều 32, 61, và các điều từ 69 đến 76 chỉ rõ các tổ chức tín dụng được phép: (i) Thành lập sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, (ii) Thành lập các công ty trực thuộc có tư cách pháp nhân hoạt động kinh doanh trên một số lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và quản lí, khai thác, bán tài sản bảo đảm, (iii) Góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp và của các tổ chức tín dụng khác. Như vậy, về mô hình tổ chức quản lí, Luật các tổ chức tín dụng chưa có qui định về mô hình tổ chức quản lí và hoạt động của tổ chức tín dụng nói chung và ngân hàng thương mại nói riêng dưới hình thức tập đoàn ngân hàng tài chính. Tuy nhiên, với các qui định cho phép tổ chức tín dụng được thành lập công ty trực thuộc 100% vốn, đầu tư góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp khác, thì các NHTM có thể tự phát hình thành nhóm công ty xoay quanh một ngân hàng mẹ - đây là cơ sở ban đầu của một tập đoàn tài chính - ngân hàng.
Theo quy định của Luật doanh nghiêp (thống nhất) 2005, chương 7, nhóm công ty là “tập hợp các công ty có mối quan hệ gắn bó lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác”. Hình thức của nhóm công ty là: (i) công ty mẹ công ty con, (ii) tập đoàn công ty, (iii) các hình thức khác. Trong đó, điểm khác biệt cần lưu ý là tập đoàn công ty là nhóm công ty có qui mô lớn. Tuy nhiên, luật doanh nghiệp chưa có các qui định cụ thể về tổ chức và hoạt động của Tập đoàn công ty mà giao cho chính phủ quy định cụ thể về tiêu chí, tổ chức và hoạt động của tập đoàn công ty. Cho đến nay, nghị định của chính phủ vẫn chưa được ban hành.
Hiện nay, trong dự thảo luật các TCTD dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 5/2008, đã có qui định về tập đoàn ngân hàng (điều 4), công ty sở
hữu ngân hàng (điều 128), quyền và trách nhiệm của công ty sở hữu ngân hàng, ngân hàng mẹ đối với công ty thành viên (điều 129), góp vốn, mua cổ phần giữa các công ty trong tập đoàn ngân hàng (điều 130), báo cáo tài chính của tập đoàn ngân hàng (điều 131). Trong đó, tập đoàn ngân hàng là một nhóm công ty hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực ngân hàng, trong đó một NHTM hoặc một công ty sở hữu ngân hàng là công ty mẹ đầu tư vốn vào các công ty thành viên là công ty con hoặc công ty liên kết dưới các hình thức pháp lí khác nhau, hoạt động trên các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, đầu tư và một số lĩnh vực khác có liên quan chặt chẽ và phục vụ trực tiếp cho hoạt động ngân hàng [1].
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng tập đoàn không phải là một thực thể pháp nhân và thực tế các tập đoàn ở VN hiện nay mới chỉ ở giai đoạn sơ khai trong quá trình cơ cấu lại các tổng công ty hay công ty để hướng tới hình thành tập đoàn trong tương lai nên chưa có cơ cấu tổ chức rõ nét như các tập đoàn trên thế giới. Do đó, hoặc là Luật các TCTD không nên đưa tập đoàn tài chính - ngân hàng vào phạm vi điều chỉnh, hoặc nếu đưa vào phạm vi điều chỉnh thì nên điều chỉnh thực thể này như là mô hình nhóm công ty theo hình thức công ty mẹ, công ty con phù hợp với chương VII Luật Doanh nghiệp.
Như vậy, hệ thống văn bản pháp lí điều chỉnh hoạt động của tập đoàn kinh tế nói chung, tập đoàn tài chính - ngân hàng nói riêng, đặc biệt là cơ chế quản lí tài chính và chuẩn mực kế toán còn thiếu. Hệ thống văn bản hiện hành hướng dẫn hoạt động của các tổng công ty tài chính và các ngân hàng thương mại nhà nước, đa phần các văn bản pháp quy này đều được xây dựng trên quan điểm xem doanh nghiệp nhà nước là một đơn vị trực thuộc.
Tóm lại, với thực trang pháp luật hiện hành, vẫn còn vướng mắc về mặt pháp lí là chưa có đủ cơ sở pháp lí về tiêu chí phân loại, mô hình tổ chức quản lí và hoạt động của tập đoàn kinh tế nói chung và tập đoàn tài chính - ngân hàng nói riêng.