Các trường hợp vận hành khác có thể được thực hiện giải tích lưới theo cách tương tự như trường hợp vận hành độc lập. Các kết quả giải tích lưới giúp xác định dòng điện lớn nhất qua mỗi vị trí xét, từ đó có thể lựa chọn được máy biến dòng điện cho phù hợp.
2.4 Tính toán ngắn mạch
2.4.1 Phương pháp tính toán ngắn mạch theo chuẩn IEC 60909
Ngắn mạch là một loại sự cố xảy ra trong HTĐ do hiện tượng chạm chập giữa các pha không thuộc chế độ làm việc bình thường. Việc tính toán dòng điện ngắn mạch là để phục vụ cho tính toán hiệu chỉnh các thiết bị bảo vệ và tự động hóa trong HTĐ nhằm loại trừ nhanh các phần tử sự cố ngắn mạch ra khỏi HTĐ.
Một trong những cách để tính toán dòng điện ngắn mạch được thừa nhận là nguồn điện áp tương đương ở vị trí ngắn mạch. Theo phương pháp này, nguồn điện áp tương đương chỉ ứng với điện áp hoạt động của hệ thống.
Tiêu chuẩn IEC 60909 ứng dụng để tính các dòng ngắn mạch cho các lưới điện xoay chiều ở cấp hạ áp và cao áp làm việc ở tần số 50Hz hoặc 60Hz. Giá trị dòng điện ngắn mạch được xác định tương ứng với loại ngắn mạch (N(1), N(2), N(1,1), N(3)). Để tính được giá trị dòng điện ngắn mạch, cần xác định được thành phần tổng trở thứ tự thuận (TTT), thứ tự nghịch (TTN), thứ tự không (TTK).
Tùy thuộc vào dạng ngắn mạch mà lập sơ đồ thay thế theo phương pháp nguồn điện áp tương đương tại vị trí ngắn mạch. Sau khi tính được các tổng trở thứ tự và biến đổi sơ đồ về dạng đơn giản, sơ đồ thay thế tổng quát với các dạng ngắn mạch khác nhau trong các hình từ Hình 2. 14 đến Hình 2. 17.