3.3. Nhóm giải pháp về nhân sự
3.3.2. Đổi mới cách thức tuyển chọn nhân sự
Cần thiết phải đổi mới cách thức tuyển chọn nhân sự, nhất là những vị trí quan trọng. Có thể nhận thấy điều đó từ tình hình thực tế về công tác nhân sự của các đơn vị sản xuất các chương trình THCĐ về BC, HĐ như tôi đã trình bày ở chương 2 còn tồn tại nhiều vấn đề phải giải quyết. Một trong số đó là nâng cao năng lực chuyên môn của PV và người TCSX.
3.3.2.1. Người tổ chức sản xuất
Về lý thuyết, người lãnh đạo phải là người có thái độ, năng lực, kỹ năng hướng dẫn, thúc đẩy người khác tích cực hành động để đi đến thành công và có khả năng giúp người khác phát triển năng lực cá nhân. Sáu kỹ năng cần thiết của
người lãnh đạo được tổng hợp: (1) Hiểu được vai trò và tầm quan trọng của người lãnh đạo; (2) Thể hiện được tư cách bản thân qua những hành động cụ thể; (3) Hiểu được động cơ làm việc và thái độ của những người xung quanh; (4) Truyền đạt thông tin một cách có hiệu quả trong công việc; (5) Có thái độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro; (6) Có năng lực nhận thức sáng suốt để giải quyết vấn đề [24, tr.10]. Là những chương trình đinh của các Kênh, phục vụ nhiệm vụ thông tin tuyên truyền đối ngoại trọng điểm, người đứng đầu, phụ trách các chuyên mục, hay nói cách khác là người lãnh đạo các ê – kíp sản xuất các chuyên mục này phải hội tụ đủ 6 phẩm chất của một người lãnh đạo như trên. Trước nhất, họ phải là một “hình mẫu về chuyên môn” để cán bộ, PV soi vào, như:
- Là một “chuyên gia” để dẫn dắt và giải đáp những thắc mắc cần thiết của
cấp dưới – người sản xuất trực tiếp. “Giỏi ít nhất một và biết mọi thứ”, đó là tiêu chí nên có ở chủ nhiệm chương trình/ giám đốc sản xuất chương trình/ TCSX chương trình/ người phụ trách chương trình. Họ có thể xuất sắc trong chuyên môn về nghiệp vụ truyền hình: giàu ý tưởng, sáng tạo trong triển khai, thẩm định được chất lượng chương trình, có khả năng chỉ ra điểm mạnh, yếu của từng tác phẩm. Họ cũng có thể là chuyên gia trong tổ chức chương trình với những mối quan hệ công việc thân tín có thể gỡ rối cho người sản xuất bất cứ lúc nào.
- Là người có tố chất lãnh đạo: kiên định với tầm nhìn và mục tiêu chính yếu của các chương trình do mình quản lý, luôn tìm tòi, đổi mới, vì cấp dưới. Họ phải đảm bảo việc sản xuất chương trình phù hợp với đường lối biên tập chung của đài và các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp; nắm vững các nguyên tắc và các quy định chặt chẽ về dây chuyền sản xuất nghe nhìn, các quy tắc cơ bản về lãnh đạo và điều hành nhóm; có khả năng huy động được cán bộ, PV, BTV, các kỹ thuật viên ... cùng nhau góp phần thực hiện mục tiêu mà chương trình hướng tới.
Theo đó, có thể đưa ra các tiêu chí về người TCSX chương trình, như: (1) Có phẩm chất chính trị, kiên định với mục tiêu cần đạt được của chương
trình;(2) Chính trực, minh bạch, quyết đoán, nghiêm túc thực hiện những gì mình đã cam kết;(3) Ngay thẳng, công bằng và biết kỳ vọng, lắng nghe, chia sẻ với cấp dưới; (4) Dám gánh vác trách nhiệm cá nhân về những sai sót và dám sửa chữa sai lầm; (5) Có khát vọng làm người lãnh đạo giỏi (vì có như thế mới làm được những điều tốt đẹp nhất cho tập thể, vì tập thể chứ không vì cá nhân mình); (6) Giỏi chuyên môn.
3.3.2.2. PV, quay phim hội đủ ba tiêu chí cơ bản: chuyên môn tốt, nhạy bén, sức khỏe, yêu nghề
Chuyên môn tốt là tiêu chí đầu tiên và cơ bản của người làm công tác nội dung chương trình truyền hình, nhất là những chuyên đề về BC, HĐ. Trong mỗi tác phẩm PV không chỉ phản ánh những thông tin trên bề mặt, xuất hiện rõ ràng trong từng bối cảnh, mà phải tìm được cái cốt lõi, chính yếu của nó để phản ánh, đó mới là những thông tin thể hiện được xu thế vận động của xã hội. Tình trạng những chương trình có nội dung na ná như nhau, từ góc độ tiếp cận đến cách xử lý thông tin, lối kể chuyện hời hợt, thiếu chiều sâu... đòi hỏi phải thay đổi là những thử thách đối với đạo diễn, biên kịch các chương trình chuyên đề về mảng đề tài BC, HĐ. Tư duy và phản xạ ngôn ngữ tốt, có ngoại hình bắt mắt để xuất hiện trước ống kính khi cần thiết, mặt khác cũng phải có chất giọng truyền cảm khi phỏng vấn và đối thoại, đó cũng là những yếu tố cần thiết mà chỉ số ít họ đáp ứng được.
Chuyên môn vững và nhạy bén trong công tác thường đi kèm với nhau. Giỏi chuyên môn là cơ sở để người làm công tác sản xuất có thể xoay xở trong mọi tình huống khi ra hiện trường tác nghiệp. Các chương trình chuyên đề về BC, HĐ có địa bàn sản xuất với rất nhiều khó khăn: quãng đường di chuyển xa, phương tiện di chuyển bị hạn chế (tàu, xuồng, xe máy...), điều kiện thời tiết, khí hậu, con người nhiều khác biệt... Điều kiện ấy đòi hỏi ở những PV khả năng nhạy bén cao: nhạy bén trong phát hiện
vấn đề, nhạy bén trong phát hiện chi tiết hay, linh hoạt xử lý tình huống nếu thực tế hiện trường khác biệt so với những dự kiến ban đầu được đề xuất. Trong những chuyến công tác vùng sâu, vùng xa, dài ngày, nếu không có sự nhạy bén này, nguy cơ đổ chương trình sẽ tăng lên rất nhiều.
Ngoài ra, các phóng biên của chuyên đề BC, HĐ rất cần có sức khỏe tốt. Do điều kiện di chuyển, tác nghiệp thường xuyên ở địa bàn miền biển, đảo là tàu, xuồng, đi xe máy, hoặc đi bộ qua đèo, dốc nếu sản xuất chương trình về biên cương, biên giới. Nếu không có một nền tảng sức khỏe tốt sẽ không thể tiếp cận được hiện trường. Hoặc “khi anh đau chân thì anh chỉ nghĩ được đến cái chân đau của anh”, sẽ không thể tập trung cho công việc nếu như PV đến địa bàn trong tình trạng say xe và mệt lả.
Bên cạnh điều kiện sản xuất ngặt nghèo, những chương trình truyền hình nói chung và chuyên đề truyền hình nói riêng về biên giới, hải đảo cũng đòi hỏi ở người làm chương trình sự tìm tòi, đam mê, say nghề, yêu nghề. Những yếu tố này phải được xem là trọng tâm trong các tiêu chí tuyển chọn nhân sự của các đơn vị truyền hình.
3.3.2.3.Xây dựng đội ngũ cộng tác viên: gắn bó, có tâm huyết
Đội ngũ cộng tác viên luôn là lực lượng quan trọng của các cơ quan báo chí, truyền hình trong chiến lược tăng cường chất lượng thông tin (nâng cao tính toàn diện, vùng miền của chương trình) và giảm thiểu chi phí sản xuất. Đối với nhóm chương trình chuyên đề về BC, HĐ, đội ngũ này lại càng thể hiện vai trò quan trọng, khi mà địa bàn ghi hình đa phần là những khu vực vùng sâu, vùng xa, điều kiện tiếp cận còn nhiều hạn chế. Chính vì thế, bất cứ một đơn vị sản xuất chương trình nào, bất kể theo mô hình TCSX nào thì cũng đều quan tâm, xây dựng đội ngũ cộng tác viên tại một số địa bàn trọng yếu. Tuy nhiên, đội ngũ này chưa thực sự trở thành “người nhà” của các Đài và chính các Đài, Kênh truyền hình cũng chưa dành sự quan tâm đích đáng
với đội ngũ này, từ công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, cho đến các chế độ khuyến khích, động viên. Do đó việc khai thác tin bài từ đội ngũ này còn hạn chế. Dĩ nhiên, việc xây dựng đội ngũ cộng tác viên “thiện chiến” không thể là câu chuyện của ngày một ngày hai. Và một số giải pháp mà các đơn vị có thể tham khảo, đó là:
- Nên có công văn/ thư mời cộng tác chính thức đến các đầu mối đơn vị đứng chân trên các địa bàn khu vực BC, HĐ để người có tâm huyết với nghề sẽ có cơ hội tham gia vào đội ngũ này.
- Các lớp tập huấn ngắn ngày những kiến thức cơ bản về nghiệp vụ báo chí cho đội ngũ cộng tác viên là rất cần thiết. Không chỉ là cầm tay chỉ việc, các lớp tập huấn này sẽ kịp thời điều chỉnh những thói quen tư duy, cách thức hoạt động chưa phù hợp, định hướng cho họ đường hướng để TCSX chương trình hiệu quả hơn.
- Thường xuyên có các đơn “đặt hàng” theo yêu cầu của chương trình kèm theo những gợi ý cụ thể trong quá trình triển khai. Đồng thời thường xuyên theo dõi để kiểm soát các bước thực hiện chương trình, có sự can thiệp phù hợp nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra sản phẩm.
- Công khai thang đánh giá chương trình để từ đó cộng tác viên có thể soi vào để tự đánh giá mức độ hoàn thành công việc của mình. Đồng thời có chế độ đãi ngộ rõ ràng, minh bạch để khuyến khích lòng nhiệt tình công việc họ.
- Các hội nghị cộng tác viên được tổ chức định kỳ một hoặc vài năm một lần là cơ hội tốt để thắt chặt thêm mối quan hệ với cơ sở, từ đó công tác tổ chức thực hiện chương trình sẽ có những thuận lợi mới.