2.4.2.1 Đối với hàng rào về kỹ thuật (TBT)
Mặt dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đều tăng qua các năm. Tuy nhiên các doanh nghiệp cũng đang gặp phải nhiều khó khăn. Hàng năm, xảy ra nhiều trường hợp hàng hóa bị trả về khi xuất khẩu sang Mỹ, EU, Nga,. do vi phạm các quy định về
bao bì đóng gói, môi trường,... ( Ví dụ như việc năm 2016 hàng trăm lô hàng thủy sản bị trả về nước một phần nguyên nhân do tàu đưa nhầm cảng, bao bì, nhãn mác không đúng tiêu chuẩn, bị rách, ghi sai quy cách). Nhiều trường hợp không được thị trường đón nhận vì sản phẩm đóng gói không phù hợp với đặc tính, văn hóa của quốc gia ... (bao bì nông sản Việt Nam bị chê lòe loẹt tại Hàn Quốc). Bên cạnh đó việc xây dựng hàng rào kỹ thuật trong nước cũng chưa thực sự hiệu quả, vẫn có nhiều mặt hàng không đáp ứng được các quy định nhưng vẫn được tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Từ khi gia nhập WTO, Việt Nam chưa một lần nêu quan ngại của mình đối với hàng rào kỹ thuật của các thành viên WTO khác, cũng như chưa một lần tham gia là bên thứ ba (quan sát viên) trong các quan ngại và tranh chấp về TBT tại WTO. Có thể chỉ ra nguyên nhân chính sau: các cấp, các ngành chưa nhận thức đầy đủ về ảnh hưởng của hàng rào kỹ thuật của nước ngoài đối với thương mại của Việt Nam, còn quá dè dặt trong việc nêu quan điểm, sự phối hợp và đồng thuận giữa các Bộ vì lợi ích chung chưa tốt, bên cạnh đó chưa có cơ chế hữu hiệu và chưa huy động đầy đủ các nguồn lực để có thể đối phó với các tác động tiêu cực của hàng rào của nước ngoài một cách hiệu quả vì thế các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi tham gia thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là đến từ bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự quan tâm đến các tiêu chuẩn mà các quốc gia nhập khẩu đưa ra. Năng lực yếu kém của các doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất còn hạn chế nên khó khăn trong việc sản xuất, đóng gói sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuât. Hơn nữa, các doanh nghiệp khó khăn trong việc thu thập, tiếp cận các thông tin mới của thị trường nhập khẩu nên nhiều quy định được quốc gia nhập khẩu đưa ra nhưng các doanh nghiệp chưa kịp nắm bắt nên phạm phải các quy định tại thị trường nhập khẩu.
Cùng với sự phối hợp của các doanh nghiệp với cơ quan nhà nước trong tìm hiểu, phản ứng, đối phó với các rào cản kỹ thuật còn yếu, có quá ít phản ứng của các doanh nghiệp trước những thông báo về những hàng rào kỹ thuật mà các nước dự kiến áp dụng. Đồng thời trong nhiều báo cáo của các Bộ, ngành và địa phương đề cập đến
trình độ cán bộ làm việc trong lĩnh vực TBT cũng là một trở ngại, cán bộ lâu năm thì ngoại ngữ, tin học hạn chế, cán bộ trẻ thì lại thiếu về nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật.
2.4.2.2. Các biện pháp kiểm dịch động thực vật
Sản phẩm nông, thủy sản là ngành hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều mặt hàng được xác định là sản phẩm bẩn, chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm với tỷ lệ rất cao. Các trường hợp xảy ra gần đây như: năm 2017 nhiều công ty xuất nhập khẩu rau quả, thủy sản bị một số quốc gia trả về do hàm lượng chất cấm có trong sản phẩm, gạo của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ cũng bị trả về do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó hàng hóa nước ngoài nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam
Nguyên nhân: có một bộ phận người dân và doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận đã thực hiện không theo nguyên tắc, không đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch và phân phối sản phẩm ra thị trường. Điều này khiến nhiều trường hợp, chúng ta phun đúng thuốc, đúng liều lượng nhưng các chất cấm vẫn vượt ngưỡng cho phép. Cùng với, hệ thống kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng còn lạc hậu, mặc dù hàng hóa đã được kiểm tra về chất lương, hàm lượng các chất có trong sản phẩm nhưng khi xuất khẩu sang nước ngoài hàng hóa vẫn xác định là vi phạm các quy định. Có lẽ đây cũng là một phần lý do của việc mặc dù Việt Nam xây dựng các biện pháp kiểm dịch động thực vật nhưng các hàng hóa bẩn, gây nguy hiểm đến con người vẫn được tiêu thụ trong nước, chỉ đến khi nó thực sự gây ảnh hướng đến sức khỏe con người, môi trường thì hoạt động điều tra, kiểm tra sản phẩm mới được thực hiện.
2.4.2.3. Phòng vệ thương mại
Dù các biện pháp này được quy định trong WTO và quy định của các quốc gia nhưng các doanh nghiệp vẫn còn lúng túng và thường bị kiện khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Không chỉ các doanh nghiệp hay cơ quan quản lý hạn chế trong việc đối phó với các biện pháp phòng vệ thương mại mà việc sử dụng phòng vệ thương mại để bảo vệ nên sản xuất trong nước cũng chưa thực sự hiệu quả.
Nguyên nhân: do trước đây các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm, thiếu kiến thức về các quy định liên quan, mặc dù hiện nay các doanh nghiệp dần nhận thức được
nhưng chưa có các biện pháp đối phó khi bị khởi kiện. Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt thường là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên nguồn tài chính cũng hạn chế trong việc theo đuổi các vụ kiện. Cũng chính vì các doanh nghiệp nhỏ, không tập hợp được lực lượng để khởi kiện các doanh nghiệp có hành vi bán phá giá hay trợ cấp tại Việt Nam. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa sử dụng hiệu quả biện pháp tự vệ mà WTO cho phép để bảo hộ nên sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài.
2.4.2.4 Giấy phép xuất nhập khẩu hàng hóa
Việc quy định giấy phép nhằm mục đích giúp các cơ quan quản lý kiếm soát được lượng hàng xuất nhập khẩu ra vào của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, với quy định này đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp do quá trình thực hiện, tốn nhiều thời gian cũng như chi phí cho các doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục, xin giấy phép từ đó gây ra những chậm trễ trong quá trình buôn bán, giao thương với doanh nghiệp nước ngoài, ảnh hưởng đến nguồn tài chính, doanh thu của doanh nghiệp.
Nguyên nhân chính dẫn đến quy định này chưa thực sự hiệu quả tại Việt Nam đó là cơ chế quản lý, bộ máy công chức còn cồng kềnh, gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xin cấp phép.
2.4.2.5. Hạn ngạch thuế quan
Việc xây dựng hạn ngạch cũng như các quy định về hạn ngạch của quốc gia nhập khẩu đã gây những thiệt hại cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng của mỗi quốc gia. Hạn ngạch làm giảm lượng, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp, đồng thời giảm lợi ích của người tiêu dùng.
Nguyên nhân: hạn ngạch quy định lượng, giá trị tối đa được phép nhập khẩu kiến cho các doanh nghiệp giảm lượng xuất khẩu sang các quốc gia, vì thế mà giảm doanh thu của các doanh nghiệp. Đồng thời, người tiêu dùng cũng bị tác động bởi hạn ngạch do khi các quốc gia quy định hạn ngạch khiến lượng hàng nhập khẩu ít đi so với nhu cầu thực tế, làm tăng giá hàng hóa trong nước, người tiêu dùng phải bỏ ra chi phí cao hơn để mua hàng hóa, sự lựa chọn về hàng hóa cũng bị hạn chế
TÓM TẮT CHƯƠNG 2
Hoạt động thương mại quốc tế tại Việt Nam ngày càng trở nên sôi động hơn, giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu tăng mỗi năm trong đó một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Hoa kỳ, EU, Trung Quốc,.. trong khi các quốc gia này có các quy định khắt khe đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Các mặt hàng xuất khẩu chính vẫn là các mặt hàng chủ lực của Việt Nam, bao gồm hàng dệt may, rau củ, thủy sản, điện thoại và các linh kiện, ...và đây cũng là các mặt hàng chịu ảnh hưởng lớn dưới tác động của các hàng rào phi thuế của các quốc gia bao gồm: các tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về kiểm dịch động thực vật, các biện pháp chống bán phá giá, trợ cấp, tự vệ cũng như tiêu chuẩn về môi trường lao động
Với mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người, động thực vật cũng như các ngành công nghiệp non trẻ trong nước. Việt Nam cũng đã xây dựng các hàng rào phi thuế quan như: giấy phép xuất nhập khẩu, cấm xuất nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số ngành hàng quan trong hoặc các ngành hàng bị cạnh tranh mạnh mẽ từ các doanh nghiệp nước ngoài.
Trong quá trình xây dựng hàng rào thuế quan trong nước cũng như thực hiện các quy định của quốc gia nhập khẩu, các doanh nghiệp đã đạt được những kết kết quả tích cực lẫn những hạn chế còn gặp phải. Tuy nhiên, nhìn nhận được điều này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý, hiệp hội đưa ra các biện pháp để cải thiện, đối phó nhằm đạt được các mục tiêu cả về kinh tế, chính trị và xã hội.
CHƯƠNG 3
MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA KHI ÁP DỤNG HÀNG RÀO PHI THUẾ QUAN TẠI VIỆT NAM VÀ KHUYẾN NGHỊ