7. Cấu trúc luận văn
2.1. Vùng Tây Bắc Việt Nam với tư cách là một đối tượng phản ánh của du
ký nửa đầu thế kỷ XX
Bước sang thế kỉ XX, kí mới thực sự chiếm được vị trí quan trọng trong đời sống văn học, nhờ sự ra đời của báo chí, các nhà xuất bản, chữ quốc ngữ và đặc biệt là nhờ điều kiện giao thông thuận lợi. Người có công đầu trong việc thúc đẩy thể kí phát triển là Tản Đà (1889-1939). Ông là người sáng lập ra mục “Việt Nam nhị thập kỉ - xã hội ba đào kí” trên An Nam tạp chí. Tiếp sau đó, với mục Du ký trên Nam Phong tạp chí, Phạm Quỳnh đã tiếp bước Tản Đà, đã cho đăng nhiều tác phẩm du ký: Mười ngày ở Huế, Pháp du hành trình nhật kí
(Phạm Quỳnh), Cuộc đi chơi năm tầng núi (Tùng Vân), Hương Sơn Du ký
(Minh Phượng)... Những tác phẩm kí thời kì này được viết bởi nhiều kiểu tác giả, với lối viết mang tính trữ tình, in đậm dấu ấn cá nhân, bởi thế nó cũng đậm tính văn học hơn. Như vậy, du ký nửa đầu thế kỷ XX phát triển rực rỡ với những đề tài, nội dung phản ánh phong phú, đa dạng.
Vùng Tây Bắc Việt Nam với tư cách là đối tượng đề tài của du ký nửa đầu thế kỷ XX. Đối tượng phản ánh bắt nguồn từ hiện thực khách quan, có thể là sự vật, hiện tượng và được nhà văn hướng tới chiếm lĩnh, nhào nặn để chuyển thành nội dung tác phẩm. Xuất phát từ đặc trưng là ghi chép về vẻ kỳ thú của cảnh vật thiên nhiên và cuộc sống con người; những cảm nhận, suy tưởng của con người trong những chuyến du ngoạn. Du ký phản ánh, truyền đạt những nhận biết, những cảm tưởng, suy nghĩ mới mẻ của bản thân người du lịch về những điều mắt thấy tai nghe ở những xứ sở xa lạ, nơi mọi người ít có dịp đi đến, chứng kiến. Tác giả của du ký tường bộc lộ niềm say mê khát khao tìm kiếm, khám phá những điều mới lạ. Bởi vậy, vùng Tây Bắc
với những vẻ đẹp đặc trưng đương nhiên cũng là đối tượng phản ánh của du ký nửa đầu thế kỷ XX.
Vùng Tây Bắc gồm các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Lào Cai, Yên Bái. Về mặt địa lý, có thể nói, Tây Bắc là vùng có quá trình kiến tạo khá phức tạp và là vùng núi cao hiểm trở nhất Việt Nam. Nói một cách chung nhất, đây là “miền đất của những núi cao và cao nguyên" (Lê Bá Thảo), là một khối liền mạch núi sông kéo dài từ Vân Nam (Trung Quốc) được cấu tạo theo hướng Tây Bắc - Đông Nam song song với thung lũng sông Hồng. Từ Đông sang Tây được đánh dấu bởi dãy núi cao Hoàng Liên Sơn dài 180 km có đỉnh Phan Xi Păng cao nhất Việt Nam. Xen giữa dãy Hoàng Liên và dải cao nguyên phía Tây là các vùng bồn địa. Nhật Nham có ghi trong Sau tám năm trở lại thăm Laokay có ghi: “Theo số phỏng đoán của sở Địa dư thì quãng sông này cao hơn mặt biển chừng 1.200 thước. Ruộng nương cầy cấy giữa lưng chừng sườn núi; từng cao hơn nữa là đất bỏ hoang, không có cây cối mọc, chỉ có cỏ non để nuôi súc mục. Trên đỉnh núi có rừng rậm, có nhiều thác và nhiều đá mọc treo leo. Thác reo xuống qua các đồi núi rồi dần dần yếu sức mà hợp thành suối mà chảy ra sông Mường Hòa. Nhờ có nước suối ấy, các ruộng lúa trong vùng khỏi phải cái nạn khô khan" [51].
Ở bài ký Hai ngày dưới bóng núi Fan-Si-Pan, tác giả cho ta thấy "Một
cảnh rừng núi chấm phá, đẹp tuyệt trần" của núi rừng Tây Bắc: "Lao - kay, Chapa cách nhau 38 cây số. Xe rời khỏi tỉnh lỵ, qua Cốc-lếu, đến Cốc-San. Cảnh Cốc-san đã làm cho tôi hoa mắt lên khi trông thấy những cô Thỏ ngây thơ và xinh tươi như các cô nàng đã về sòe tại Hanoi. Các bạn lên mà thưởng thức cảnh sắc của Cốc - san (cách Cốc - lều có 9 cây số). Một cảnh rừng núi chấm phá, đẹp tuyệt trần.
Từ đây xe cứ lên dốc mãi và lần lượt đem đến cho khách những mộng đẹp êm đềm. Ô tô (bò) 38 cây số trong 2 tiếng đồng hồ đủ để khách thu cả những cảnh cao cả, hoang vu vào hai gương mắt" [84].
Trong bức tranh chung về các tộc người vùng Tây Bắc, các sắc thái văn hóa khá đa dạng. Có thể thấy rõ điều này trên các khía cạnh về nhà cửa, trang phục, ẩm thực; các biểu hiện về quan hệ gia đình và cộng đồng; các hình thức tổ chức xã hội: "Theo tục dân thượng du Bắc kỳ, nhà vùng này không hợp
thành làng, thỉnh thoảng lơ thơ vài cái ở dưới chân núi. Nếu tính số kiến ốc thì vùng đó được độ ba mươi nóc nhà. Dân ở đây phần nhiều là người Mèo và lẫn một ít Mán, Thổ, có kỳ mục, sèo phái, binh đầu, giáp trưởng trông nom dưới quyền phó lý, lý trưởng và Bang tá (…)
Laokay giáp Trung Hoa có nhiều thứ thổ dân: nào Thổ, nào Nhắng, nào Nùng, nào Xá, nào Tu Dí, nào Phá Dí, nào Phù Lao, nào Quý Châu, nào Lự, nào Lào, nào Mèo, nào Mán, vân vân… Mà nhất là người Mán lại chia làm nhiều thứ: Mán Thao (trắng đầu) và Mán Lam Điền (đỏ đầu) chiếm phần đông hơn cả các thứ Mán khác, mà ở lan cả sang địa phận Vân Nam" [51].
Bàn về khía cạnh văn hóa, con người vùng Tây Bắc, tác giả Đặng- v- Đàm có bài Khảo cứu về người Mường, các tác giả Tam Lang, Việt Dân với bài ký- phóng sự dài kỳ Lạc trong giang sơn Đinh, Quách. Có thể thấy, các tác giả đã khảo cứu những nét độc đáo về người Mường vùng Hòa Bình. Từ nguồn gốc người Mường, cho đến cách phân chia, cách cai trị bởi bốn dòng họ Đinh - Quách - Bạch - Hoàng. Đó đều là những tư liệu quý giá.
Tóm lại, sự đa dạng trong vẻ đẹp tự nhiên, văn hóa, con người vốn có của vùng này chính là yếu tố tạo nên sự giàu có của các tác phẩm du ký. Tìm hiểu các tác phẩm du ký về vùng Tây Bắc nửa đầu thế kỷ XX người đọc nhìn thấy bức tranh toàn cảnh nhưng cũng không kém phần chi tiết về đặc điểm tự nhiên, kinh tế xã hội, văn hóa vùng Tây Bắc Việt Nam.