Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.4. Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của Học viện
4.4.2. Tăng cường công tác đàotạo bồi dưỡng đội ngũ giảng viên
Học viện cần xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp của giảng viên, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, tự đào tạo lại đối với đội ngũ giảng viên nhằm nâng cao chất lượng của giảng viên cả về năng lực chuyên môn lẫn kiến thức, nghiệp vụ sư phạm. Thực hiện rà soát toàn bộ đội ngũ giảng viên để có đánh giá thực tế nhất về trình độ, năng lực của mỗi người từ đó đưa các giảng viên này đi học tập nâng cao trình độ.
Trong mục 4.3.2, 100% các giảng viên đều tham gia các chương trình đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn của Học viện tổ chức. Tuy nhiên, hiệu quả của các khóa đào tạo đó chưa thực sự cao, chỉ có khoảng 60% ý kiến giảng viên cho rằng hiệu quả, số còn lại đánh giá chưa thực sự hiệu quả (Bảng 4.19).
Do đó, Học viện cần có những giải pháp phù hợp hơn như: cần có các chính sách hỗ trợ cả về kinh phí, thời gian cho đội ngũ giảng viên tham gia nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về chuyên môn nghiệp vụ để giảng viên cập nhật kiến thức, phương pháp mới về chuyên môn, NCKH mà giảng viên cần và đề xuất.
Hơn nữa, với đánh giá về thực trạng chất lượng của đội ngũ giảng viên của Học viện trong mục 4.2.4, cần có những giải pháp sau:
Cần tập trung nâng cao kiến thức chuyên môn theo yêu cầu chuẩn hóa; cập nhật những kiến thức liên quan đến chuyên môn như: ngoại ngữ, tin học…
Mở các lớp học về tin học và ngoại ngữ ngay trong Học viện để giảng dạy cho đội ngũ cán bộ và giảng viên Học viện.
Bồi dưỡng về phương pháp dạy học tích cực, phương tiện dạy học hiện đại; kỹ năng tổ chức quản lý.
Bồi dưỡng về phương pháp luận nghiên cứu khoa học, tổ chức tiến hành các đề tài nghiên cứu khoa học. Nâng cao năng lực tổ chức hội thảo, thảo luận các chuyên đề.