Thất nghiệp ở các nước Châu Âu

Một phần của tài liệu Giáo trình Kinh tế vĩ mô 2 - TS. Nguyễn Tất Thắng (Trang 91 - 92)

Hình 4-5 dưới đây cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở 4 nền kinh tế lớn nhất Châu Âu: Pháp, Đức, ý và Anh trong giai đoạn từ 1960 đến 2012 có xu hướng tăng dần đặc biệt là ở Pháp và Đức. Nếu như ở Pháp thập niên 60 thì tỷ lệ thất nghiệp chỉ khoảng dưới 2%, nhưng đến giai đoạn 2012 thì đã tăng lên đến 8%.

Câu hỏi đặt ra đó là nguyên nhân nào dẫn tới sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp ở các nước Châu Âu. Cho đến nay, có nhiều giả thuyết được các nhà kinh tế đưa ra, tuy nhiên hầu hết các giả thuyết đều cho rằng chính chính sách trợ cấp thất nghiệp quá rộng rãi của chính phủ các nước này đã làm giảm động lực tìm kiếm việc làm của người lao động, đặc biệt là những người lao động trình độ cao vì trước đó họ đã có mức thu nhập rất cao.

Một lý do khác được các nhà kinh tế đưa ra đó là do tác động của khoa học kỹ thuật dẫn đến làm thay đổi cầu lao động của các nước châu Âu. Được biết đến là các nước phát triển với ngành công nghiệp tiên tiến, nên điều đó dẫn đến có rất nhiều ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong các lĩnh vực sản xuất hàng hóa, dịch vụ của các nước này. Điều này dẫn đến sự phân hóa về cầu lao động, các doanh nghiệp muốn thuê những lao động có trình độ cao (với số lượng hạn chế) để có thể vận hành, xử lý được những máy móc, trang thiết bị hiện đại, trong khi đó cầu về lao động tay nghề thấp sẽ giảm đi. Điều này cũng dẫn tới làm tăng tỷ lệ thất nghiệp ở các nước này.

Mặt khác, thực tế nghiên cứu của OECD cho thấy, thời gian làm việc thực tế ở các nước châu Âu những năm gần đây có xu hướng giảm dần. Trung bình người lao động Mỹ phải làm việc 1100 giờ/năm, nhưng ở Pháp và Đức thì họ chỉ làm việc khoảng 800 giờ/năm. Người lao động ở Châu Âu cũng có nhiều kỳ nghỉ lễ với thời gian dài hơn ở Mỹ cũng như các nước khác trên thế giới. Điều này cho thấy, thời gian nghỉ ngơi tăng làm giảm mong muốn làm việc của người lao động, nhưng chủ sử dụng lao động vẫn phải trả lương, thưởng cho họ trong những ngày nghỉ này. Do vậy làm giảm động lực thuê lao động của họ.

Hình 4-5. Tỷ lệ thất nghiệp ở các nước châu Âu

Nguồn: số liệu OECD

Một phần của tài liệu Giáo trình Kinh tế vĩ mô 2 - TS. Nguyễn Tất Thắng (Trang 91 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)