Giao tiếp trong hệ thống quan hệ liên nhân cách

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG môn tâm lý học xã hội TRẦN QUỐC THÀNH (Trang 144 - 146)

VI. QUAN HỆ LIÊN NHÂN CÁCH

a) Giao tiếp trong hệ thống quan hệ liên nhân cách

Không thể có quan hệ người - người (bao hàm cả quan hệ xã hội và quan hệ liên nhân cách) nói chung nếu thiếu giao tiếp. Giao tiếp là phương tiện là công cụ để thực hiện các quan hệ đó. Do vậy, giao tiếp có một vị trí trung tâm trong hệ thống phức tạp các quan hệ của con người. Hiểu chung nhất, giao tiếp như là sự tác động qua lại giữa hai hay nhiều người để trao đổi thông tin, nhận thức hay tình cảm. Trong cấu trúc của giao tiếp có những phương diện sau: 1) Sự gắn kết, thành lập cộng đồng; 2) Sự trao đổi thông tin; 3) Sự hiểu biết lẫn nhau. Cả ba phương diện này của giao tiếp đều tác động mạnh mẽ đến quan hệ liên nhân cách.

Giao tiếp là điều kiện cho sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Nó vừa là phương thức phát triển cá nhân vừa là phương thức để thống nhất các cá nhân. Cần đặc biệt nhấn mạnh ý tưởng rằng, trong giao tiếp, cá nhân lĩnh hội các chuẩn mực, các giá trị xã hội, đồng thời biểu hiện sự gắn bó tình cảm, sự ghét bỏ, chối từ hay đơn giản là thờ ơ,

lãnh đạm đối với các cá nhân khác. Cũng trong giao tiếp, các định hướng giá trị của cá nhân có thể xích gần lại với định hướng giá trị của cá nhân khác hay theo chiều ngược lại là phân hóa rõ ràng hơn. Chính điều này tác động đến quan hệ liên nhân cách.

Hai hàng quan hệ của con người - quan hệ xã hội và quan hệ liên nhân cách được bộc lộ và thực hiện chính trong giao tiếp. Vì vậy có thể nói, nguồn gốc khởi thủy của giao tiếp được bắt nguồn từ hoạt động trong cuộc sống của cá nhận. Giao tiếp là thực hiện toàn bộ hệ thống các quan hệ của con người. Các mối quan hệ đa dạng của con người chỉ có thế thực hiện trong giao tiếp. Xã hội loài người không thể tồn tại nếu không có giao tiếp. Nó vừa như một phương thức thống nhất các cá nhân vừa như là một phương thức phát triển các cá nhân đó. Chính vì vậy giao tiếp cùng một lúc thực hiện hai nhiệm vụ: vừa thực hiện quan hệ xã hội và vừa thực hiện quan hệ liên nhân cách.

Mỗi loại quan hệ vận hành trong các hình thức đặc trưng của giao tiếp. Giao tiếp với tư cách thực hiện quan hệ liên nhân cách được nghiên cứu rất nhiều trong Tâm lý học xã hội. Giao tiếp liên nhân cách được nảy sinh từ hoạt động cùng nhau của con người. Vì vậy, nó được thực hiện trong các quan hệ liên nhân cách đa dạng, có nghĩa là nó được hình thành trong trường hợp khi quan hệ giữa con người với con người mang tính tích cực và ngay cả khi quan hệ đó mang tính tiêu cực.

Giao tiếp khi thực hiện các quan hệ xã hội là giao tiếp giữa các nhóm hay các cá nhân như là đại diện của các nhóm xã hội. Trong trường hợp này hoạt động giao tiếp cần thiết phải được diễn ra thậm chí ngay cả khi có sự đối kháng giữa các nhóm. Trong tác phẩm của mình, Mác đã viết rằng: giao tiếp là người bạn đồng hành tuyệt đối của lịch sử nhân loại. Theo Lêônchiev, giao tiếp cũng là người bạn đồng hành tuyệt đối trong hoạt động hàng ngày, trong sự tiếp xúc hàng ngày của con người. Như vậy, chúng ta có thể nghiên cứu lịch sử thay đổi các hình thức của giao tiếp trong phạm vi phát triển xã hội cùng với sự phát triển các quan hệ kinh tế, quan hệ chính trị và các quan hệ xã hội khác. Với tư cách là người đại diện cho một số nhóm xã hội, con người giao tiếp với đại diện của nhóm xã hội khác và cùng một lúc đã thực hiện được hai loại quan hệ: quan hệ xã hội và quan hệ nhân cách. Ví dụ, người nông dân khi bán sản phẩm của mình ngoài chợ và nhận được một số tiền, số tiền này như một công cụ cần thiết của giao tiếp trong hệ thống quan hệ xã hội. Mặt khác, người nông dân này khi bán hàng đã bộc lộ những đặc điểm tâm

lý riêng của mình, tác động qua lại với khách hàng hay nói cách khác là chính bằng nhân cách của mình để giao tiếp với khách hàng.

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG môn tâm lý học xã hội TRẦN QUỐC THÀNH (Trang 144 - 146)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(148 trang)