Ở Việt Nam ngày từ cuối thập kỷ 90, nghiệp vụ này đã được một số chi nhánh NH nước ngoài hoạt động tại Việt Nam giới thiệu cho các NHTM trong nước, các nhà xuất nhập khẩu Việt Nam. Đặc biệt Chi nhánh NH Credit Lyonnair tại Hà Nội đã giới thiệu nghiệp vụ tín dụng người mua hàng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Một số chi nhánh NH nước ngoài khác giới thiệu nghiệp vụ bao thanh toán cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Song nghiệp vụ này quá mới mẻ nên chưa được áp dụng. Trong một số năm gần đây nghiệp vụ bao thanh toán bắt đầu thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp và NH trong nước. Trước nhu cầu của thực tế, Thống đốc NH Nhà nước (NHNN) cũng đã ban hành Quyết định số 1096/2004/QĐNHNN, ngày 06/09/2004 về nghiệp vụ bao thanh toán.
Tại Việt Nam hiện nay đã có 11 NH (trong đó có 7 NH nước ngoài) đang thực hiện loại hình dịch vụ này. Bốn NH trong nước gồm ACB, Sacombank, Techcombank và Vietcombank là các NH đầu tiên nghiên cứu và tổ chức cung cấp dịch vụ bao thanh toán tại Việt Nam. Bốn NH này cũng là những thành viên đầu tiên của VN tham gia Hiệp hội Bao thanh toán quốc tế - FCI. Nhưng 4 NH VN mới chỉ dừng lại ở dịch vụ bao thanh toán mua bán trong nước với doanh số thực hiện còn thấp. Đơn vị tiên phong triển khai dịch vụ chính là ACB, với 20 hợp đồng đã thực hiện và 30 khách hàng tiềm năng. Dự kiến trong Quý 4/2006, 4 đơn vị trên sẽ triển khai dịch vụ bao thanh toán xuất khẩu, nhằm giúp doanh nghiệp VN tránh rủi ro khi bán hàng và xoay vòng vốn sản xuất. Một số NH nước ngoài như Deutsche Bank của Đức, Chi nhánh NH nước ngoài Far East National Bank của Mỹ - FENB (đặt tại TP.HCM), Citibank của Mỹ, Bank of Tokyo Mitsubishi Ltd của Nhật Bản cũng giới thiệu dịch vụ này.
Với mục đích mở rộng hoạt động bao thanh toán, ngày 20/01/2006, tại TPHCM, lần đầu tiên đã diễn ra "Hội thảo về Bao thanh toán xuất khẩu" do Hiệp hội Bao thanh toán Quốc tế tổ chức. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới doanh nhân, các chuyên gia lĩnh vực NH trong và ngoài nước.
Ở Việt Nam hiện nay rất nhiều doanh nghiệp vẫn chưa biết đến dịch vụ bao thanh toán. Trong khi đó, tiện ích của dịch vụ này rất quan trọng đối với nhà sản xuất, nhất là những đơn vị chuyên làm hàng xuất khẩu. Hiện các nhà nhập khẩu quy mô, ưu thế thường chỉ chấp nhập hình thức trả sau và từ chối yêu cầu mở L/C của nhà xuất khẩu. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp VN mất đơn hàng xuất khẩu, nếu không có khả năng về vốn.
Tuy nhiên, thực tế chi phí cho dịch vụ này cũng tốn kém đối với nhà xuất khẩu. Do vậy, các nhà chuyên môn khuyến cáo những đơn vị thực hiện dịch vụ bao thanh toán cần tính toán kỹ lưỡng đối với những mặt hàng nhiều rủi ro như nông sản, thực phẩm tươi, bởi đây là sản phẩm khó bảo quản và rất dễ hỏng.
Phí bao thanh toán xuất khẩu gồm phí tài trợ vốn, tương tự như lãi suất tín dụng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu phải chịu phí dịch vụ khoảng 1-2%, tùy thuộc vào tổng doanh số xuất khẩu, giá trị bình quân của mỗi hóa đơn, thời hạn thanh toán và uy tín của nhà nhập khẩu. Riêng phí chuyển nhượng mỗi hóa đơn mất từ 10 đến 20 USD.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam cho rằng: hiện ở VN dịch vụ bao thanh toán của các NH vẫn chưa thật tiện lợi. NH thường đòi hỏi cao đối với đối khách hàng. Ngoài phí dịch vụ, nhà xuất khẩu phải chứng minh với NH về uy tín của bên mua hàng hoá. Đây là khó khăn lớn cho nhà sản xuất, bởi sự hiểu biết về thị trường xuất khẩu của còn hạn chế, sự thiếu thốn thông tin về thị trường xuất khẩu là mối lo chính đối với nhà xuất khẩu khi phải quyết định bán hàng theo điều kiện trả chậm.
Sản phẩm bao thanh toán hiện nay tại Việt Nam đang trong giai đoạn sơ khai, vừa triển khai thăm dò thị trường, vừa hoàn thiện quy trình sản phẩm. Trong số 04 NHTM thực hiện sản phẩm bao thanh toán, doanh số thực hiện rất ít mang tính thăm dò khách hàng, NH Á Châu ACB là NH trong nước hiện nay đi đầu trong việc phát triển về quy mô và doanh số thực hiện.
Theo số liệu thống kê của FCI, doanh số bao thanh toán của Việt Nam năm 2009 là 95 triệu EUR. Tuy rằng con số này còn rất nhỏ so với nhiều nước trong khu vực, nhưng nó cũng thể hiện bước chuyển biến tích cực của thị trường bao thanh toán ở Việt Nam. Từ năm 2004 trở về trước, doanh số bao thanh toán của Việt Nam chỉ là con số 0,
nhưng đến năm 2009 thì doanh thu này tăng lên đến 95 triệu EUR và dừng lại ở mức 100 triệu EUR năm 2013.
Doanh số bao thanh toán ở Việt Nam qua các năm có biến động rất mạnh. Tuy vậy, đây vẫn là những con số khá khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, một thực trạng đáng kể, hoạt động BTT trên thế giới luôn có doanh số cao ở lĩnh vực BTT nội địa (chiếm từ 70 – 80% tổng doanh số BTT). Điều này chứng tỏ, hoạt động mua bán hàng hóa – dịch vụ ở quốc gia đó rất sôi nổi và tin cậy lẫn nhau. Còn tại Việt Nam, doanh số BTT xuất khẩu lại chiếm hơn 80%, còn BTT nội địa chiếm 20%.