Cách xây dưng kết cuộc số phận của nhân vật

Một phần của tài liệu truyện đường rừng của lý văn sâm (Trang 82 - 86)

CHƯƠNG 2: CON NGƯỜI VÀ THIÊN NHIÊN TRONG TRUYỆN ĐƯỜNG

3.2. Ngh ệ thuật xây dựng nhân vật

3.2.4. Cách xây dưng kết cuộc số phận của nhân vật

Trong văn xuôi tự sự nói chung, việc xây dựng kết cuộc số phận nhân vật rất quan trọng. Một nhà văn đích thực, khi xây dựng một câu chuyện nào đó, lúc chọn cho nhân vật số phận kết cuộc như thế nào đều rất cân nhắc, vì số phận ấy thể hiện chủ đề của câu chuyện, thể hiện cả nhân sinh quan nhà văn. Có những nhân vật nhà văn chọn cho họ cái

83

chết, nhưng đó lại là cái chết tất yếu, cái chết ám ảnh tâm hồn người đọc (Anna Karênina cua Lép Tônxtôi, Từ Hải của Nguyễn Du chẳng hạn). Đặc biệt trong truyện đường rừng, theo chúng tôi, việc chọn cho nhân vật mình một số phận cuối cùng như thế nào, là cả một nghệ thuật. Truyện đường rừng thường miêu tả những cái gì ghê gớm, độc đáo, vượt khỏi thế giới bình thường (một cuộc gặp gỡ định mệnh, một âm mưu trả thù, giành giật quyền lực hay kho báu...). Sau tất cả những cái gì đã đến với cuộc đời nhân vật trong truyện, việc họ sẽ sống phần đời còn lại ra sao hay chết như thế nào có ý nghía rất lớn. Khi miêu tả hình tượng các nhân vật trong truyện đường rừng, Lý Văn Sâm thường xây dựng họ là những người có số phận bi kịch. Đặc điểm này trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm của ông cho thấy đó là một thủ pháp nghệ thuật có dụng ý của nhà văn. Lữ Quốc Văn nhận xét: “Tác phẩm của Lý Văn Sâm , như một tập hợp những bi kịch: Một tướng cướp đa tình bị bắn chết (Kòn Trô); một người đi tìm một kho châu báu bị mất tích (Thần Ngư động); một thiếu nữ nhan sắc bị sấu bắt (Ngăn rạch bắt sấu); một đứa con bị chết thảm dưới móng vuốt của người cha (Răng Sa Mát). Chưa kể một thần nỏ bị đánh mù mắt (Mũi Tổ). Một tù trưởng bị giết (Xác Mu Mi trên núi đá)...Trong lịch sử văn học Việt Nam, chưa có một tác phẩm nào tập trung nhiều cái chết như Kòn Trô của Lý Vãn Sâm.” (40,400). Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sâm từng cho rằng hình ảnh những con người anh hùng lâm vào bi kịch này phản ảnh hình ảnh của nhà văn trong cuộc đời : “Kòn Trô, Cả Tiễn, Phrakeo Tha, Phú là những anh hùng đội đá vá trời, chiếm riêng một cõi của Lý Văn Sâm. Nhưng họ cũng như tác giả khỉ sắp bước vào làng văn, chỉ có bạn cùng cây bút tập giấy, chỉ là những người hùng cô độc, thui thủi một mình, rốt cục toàn là thất bại, bi thương.” (40,312). Nhưng theo chúng tôi, đó không phải là lý do chính yếu, vì Lý Văn Sâm ngoài đời, ngay cả trong nghiệp văn, cũng không phải là một người hùng cô độc. Ông là một người lạc quan, giàu ý thức tranh đấu mạnh mẽ. Cái chết của các nhân vật của ông được ông lựa chọn theo những ý đồ nghệ thuật nhất định để thể hiện cái nhìn, quan niệm của ông về cuộc sống chứ không đơn thuần để thỏa mãn những cảm xúc cá nhân. Hơn nữa, trong các truyện đường rừng của các tác giả khác, các nhân vật có số phận bi kịch, bị thần linh, thú dữ, con người giết chết hoặc tự sát cũng rất nhiều. Đây gần như là một hệ quả tất yếu vì các nhân vật truyện đường rừng thường được đặt vào trong bối cảnh nhiều xung đột (xung đột với thiên nhiên hung dữ, xung đột giữa các thế lực thù địch với nhau trong cuộc sống đường rừng). Xây dựng những số phận như vậy, các nhà văn đã dùng cái bi để nhấn mạnh thực tế cuộc sống rừng núi dữ dội. Có khác chăng là ý nghĩa cái chết của các nhân vật. Các nhân vật của Thế Lữ chết vì tham vọng muốn có kho báu

84

hoặc trả thù cho dòng họ, cho người thân của mình. Những cái chết ấy khá dữ dội và rùng rơn nhưng mang màu sắc trả giá cho những tham vọng, cho những bi kịch cá nhân. Các nhân vật cua Tchya lại thường có những cái chết bi thảm mang tính định mệnh (có số bị hổ vồ, có số làm ma trành). Đèo Thắng Hổ chẳng hạn. Anh ta dù tìm mọi cách để thoát khỏi cái số bị hổ vồ nhưng rồi vẫn không thoát nổi (Thần Hổ). Mà một khi cái chết đã mang tính định mệnh thì nó rất riêng biệt, không phổ biến và đậm ý nghĩa dị đoan. Các nhân vật của Lan Khai thường chết vì bị kẻ ác sát hại (lão Ghình Gùng trong Mọi rợ), chết vì không giải quyết được các mâu thuẫn nội tâm trong tâm hồn mình (Nạng Ẻn trong Suối Đàn), chết vì giận kẻ mình yêu phụ bạc (cô gái dân tộc Dao đỏ trong Hồng thầu), tất cả cùng chết chỉ vì hiểu nhầm nhau (Đôi vịt con). Có những cái chết trong truyện Lan Khai rất có ý nghĩa, giàu sức tố cáo những thế lực đen tối dùng đồng tiền chà đạp lên tình yêu và số mệnh con người như cái chết của đôi tình nhân tự sát để chống lại cường quyền toan cướp đi tình yêu của họ (Tiền mất lực). Song, trong truyện của Lan Khai, cũng có những cái chết ghê rợn quá mà lại chỉ đơn giản là cái kết cho một câu chuyện lạ như cái chết của vợ con người thầy cúng (Ma thuồng luồng), cả gia đình anh lính người Kinh cưới vợ người Dao chết vì một sự hiểu nhầm (Đôi vịt con). Những cái chết như thế chỉ mới như dấu chấm hết cho một câu chuyện ghê gớm, đưa đến sự xót xa, hụt hẫng mà chưa tạo được cảm xúc thẩm mỹ lớn nơi người đọc.

Nếu như nói có một cái chết nào trong truyện đường rừng tạo cảm xúc thẩm mỹ lớn, thì đó là trường hợp cái chết của người thợ cả kíp thợ mộc Chàng Thôn trong Trên đỉnh non Tản, một truyện ngắn mang màu sắc đường rừng và có yếu tố truyền kỳ của Nguyễn Tuân. Đó là một cái chết vừa bi thảm, vừa nghệ sĩ. Trong truyện có một chi tiết là Thần núi Tản Viên bắt những người thợ làng Chàng Thôn tham gia sửa đền Thượng phải nuốt lá trúc đao trước khi rời tiên cảnh về với cõi trần thế, Lá trúc đao ấy buộc những người thợ phải giữ bí mật, không được tiết lộ những gì đã thấy trên cõi tiên cho người trần biết, nếu bất tuân phải trả giá bằng sinh mệnh của chính mình. Thế nhưng, bác thợ mộc trong câu chuyện đã không thể giữ nổi bí mật và đã chết. Qua cái chết ấy, phải chăng, nhà văn muốn gửi gắm một ngụ ý: muốn nói về cái Đẹp, muốn diễn tả cái Đẹp cũng là một nhu cầu tinh thần hiện hữu của con người ?

Còn trong truyện Lý Văn Sâm, những số phận bi kịch có ý nghĩa khác nhau. Như Kòn Trô, một nhân vật được yêu thích nhất của Lý Văn Sâm chẳng hạn. Kòn Trô, chàng tướng cướp nghĩa hiệp đã chết vì tình yêu của mình. Đây là một câu chuyện được viết trước Cách

85

mạng tháng Tám, nên cái chết của Kòn Trô thường được coi có ý nghía bi kịch. Nhà văn Thế Phong, khi phân tích truyện ngắn Kòn Trô đã cho rằng “Lý Văn Sâm tỏ ra rất thành thạo tả một tay tướng cướp của lí tưởng trong giai đoạn tranh tối tranh sáng ấy...”

(40,281); lí giải cái chết của Kòn Trô trong sự so sánh với cái chết của Từ Hải, Thế Phong nhận định: “Tác giả muôn nhấn mạnh: Tình yêu rất dễ phá sự nghiệp.” (40,280). Thực ra điều Lý Văn Sâm muốn gửi gắm là khát vọng về một xã hội tự do, công bằng không thể thực hiện được trong hoàn cảnh xã hội lúc bây giờ. Cho nên những con người yêu tự do như Kòn Trô phải chết. Còn cái chết của Lương Điền khi đi tìm kho báu (trong truyện Thần Ngư Động) là cái chết do tham vọng điên rồ. Trong một tạp văn viết năm 1987, tác giả từng nói về cái chết ấy “thực là đau khổ khi con người không còn đủ lý trí để làm chủ bản thân mình”(40,502). Cái chết của Răng Sa Mát là cái chết tự nguyện của một người con thương cha, muốn đánh đổi cuộc sống của mình cho cha từ kiếp thú trở lại làm người. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi người dân cả nước đứng lên chống Pháp với tinh thần

“Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh” , cái chết của những nhân vật như anh Tư lục lộ (Tiếng rên trong rừng lạnh), Cả Tiễn (Mũi Tổ), Trực (Ngày ra đi), Thọ (Đờn Chìn kha la) lại là cái chết vì chính nghĩa, vì cuộc đấu tranh cách mạng. Những cái chết ấy cho thấy sự khốc liệt trong cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Bộ chống quân xâm lược Pháp, khi mà đối với những người tranh đấu trong cuộc chiến không cân sức chỉ có “nóp với giáo mang ngang vai”chống lại xe tăng và đại bác của một đội quân xâm lược hùng mạnh, cái chết lúc nào cũng cận kề (bản thân nhà văn từng chứng kiến anh trai của nhà văn Hoàng Văn Bổn bi giặc Pháp cắt cổ ở bót Cây Đào năm 1946. Ông cũng đã nhiều lần suýt chết). Nhưng qua những cái chết đó, nhà văn lại nói được rất nhiều về ý nghía cuộc sống, một cuộc sống mà nói như N.Oxtơrốpxki “Đời người chỉ sống có một lần. Hãy sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng sống hoài sống phí, sao cho đến lúc cuối cùng của cuộc đời, ta có thể nói rằng: Cả cuộc đời ta đã cống hiến cho một sự nghiệp cao đẹp nhất - Sự nghiệp giải phóng con người”. Cho nên, chúng tôi cho rằng, cùng một cách xây dựng số phận nhân vật như các nhà văn đường rừng khác, nhưng trong từng trường hợp, Lý Văn Sâm có cách xử lý riêng. Số phận các nhân vật cua ông có lúc là bi kịch khi chết vì tham vọng cá nhân, vì ước mơ bị xã hội bất công dập tắt, nhưng có những trường hợp là những cái chết bi tráng, đáng ca ngợi vì đó là sự hy sinh cho Tổ quốc, cho lý tưởng tranh đấu. Đây là nét riêng trong cách xây dựng nhân vật trong truyện đường rừng cua Lý Văn Sâm. Nhà văn Nguyễn Đức Thọ trong bài viết Người thổi sáo Bến Xuân” đăng trên Báo Văn nghệ số 14 (1999), sau này

86

được các tác giả biên soạn công trình “Nhà văn Việt Nam thế kỷ XX”chọn in lại trong phần nói về tác giả Lý Văn Sâm có nhận xét “Truyện đường rừng của ông là những khúc ca bi tráng về những số phận cuộc đời và tâm hồn của con người miền thượng. Họ sống phóng khoáng khao khát tự do trong không gian lãng mạn chứa đầy chất sử thi. Những nhân vật của ông thường bị đẩy đến cùng đường nhưng với bản năng bạo liệt, họ biết sống dũng cảm sẵn sàng chiến đấu tới hơi thở cuối càng, sẵn sàng hi sinh vì lẽ công bằng...” (130,545). Có lẽ đó là một sự chia sẻ rất tâm đắc với các ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Khi đọc câu chuyện về số phận các nhân vật như thế, người đọc càng thấm thìa về tính chất bi tráng trong số phận nhân vật, lại càng phải nghĩ ngợi đến ý nghĩa của cuộc sống: phải sống sao cho có ích, và nếu phải chết, thì chọn một cái chết xứng đáng vì Tổ Quốc, vì nhân dân. Trong hoàn cảnh cuộc chiến đấu lúc bấy giờ, đó là cả một thông điệp nghệ thuật tích cực của nhà văn hoạt động trong lòng địch gởi đến cho nhân dân mình. Có lẽ đó chính là điều đã góp phần làm nên giá trị truyện đường rừng của Lý Văn Sâm.

Một phần của tài liệu truyện đường rừng của lý văn sâm (Trang 82 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)