Giọng điệu trần thuật

Một phần của tài liệu tiểu thuyết lịch sử của nguyển xuân khánh (Trang 87 - 93)

LỊCH SỬ CỦA NGUYỄN XUÂN KHÁNH

3.2. Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh 1. Điểm nhìn trần thuật

3.2.2. Giọng điệu trần thuật

“Giọng điệu là một phạm trù thẩm mĩ của tác phẩm văn học”. Giọng điệu thể hiện

“thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quyết định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm…” [30, 134].

Giọng điệu của nhà văn thể hiện lập trường xã hội, thái độ tình cảm của tác giả, tạo nên phong cách riêng cho mỗi người. Ta bắt gặp giọng điệu thâm trầm, sâu sắc của nhà nho

Nguyễn Khuyến, giọng điệu châm biếm đã kích của Tú Xương, giọng khách quan lạnh lùng mà ẩn chứa bao tình cảm của nhà văn Nam Cao…

3.2.2.1. Giọng điệu trang trọng, khoan thai

Trong tác phẩm Hồ Quý Ly, Nguyễn Xuân Khánh sử dụng giọng kể trang trọng, khoan thai. Giọng điệu này phù hợp với một tác phẩm viết về không khí cổ xưa và những nhân vật lịch sử tầm cỡ như Hồ Quý Ly, Trần Khát Chân, Trần Nguyên Hàng, Trần Nghệ Tông…

Giọng điệu trang trọng thể hiện rất rõ ở cách nói năng, xưng hô giữa các nhân vật.

Cách nói năng, xưng hô phải tuân theo một chuẩn mực nghiêm ngặt của chốn cung đình, phải thể hiện được thứ bậc chức danh, địa vị của từng người, không thể xưng hô một cách tùy tiện, suồng sả. Trong chốn cung đình, lễ nghĩa là điều tối quan trọng, có những cách nói năng, xưng hô không đúng mực sẽ mang trọng tội, đặc biệt là trong mối quan hệ quân - thần. Nhà vua tượng trưng cho sức mạnh, quyền lực tối cao trong một nước, được gọi là thiên tử (tức con trời). Cách xưng hô với nhà vua phải vô cùng cung kính, trang nghiêm.

Khi nói chuyện với nhà vua phải quỳ lạy, tâu, bẩm… Chu Văn An là một thầy giáo “đạo cao đức trọng”, tuổi tác đã cao lại từng là thầy dạy của Nghệ Hoàng nhưng trước nhà vua (học trò cũ) vẫn phải giữ phép quân - thần. Khi Nghệ hoàng tỏ ý muốn mời ông ra giúp việc nước. Chu Văn An đã cung kính thưa: “Tâu bệ hạ, thần nay đã quá già, lại ốm yếu luôn e không đương nổi công việc. Bệ hạ là người sáng suốt nhân từ, đó là điều đại phúc cho dân.

Bệ hạ lại trải qua nhiều năm làm quan đầu triều, hiện nay, lại xuất hiện nhiều nhân tài…

Thần chỉ mong bệ hạ coi dân như con, cùng chia sẻ vui buồn với dân… lấy vương đạo làm con đường hướng thượng” [35, 118].

Hồ Quý Ly vừa có quan hệ họ hàng với Trần Nghệ Tông, là bạn từ nhỏ của nhà vua và cùng kết nghĩa thông gia nhưng vẫn xưng hô với nhà vua trong quan hệ quân – thần:

“Một hôm Nghệ Tông gọi Quý Ly vào cung và hỏi:

- Phu nhân của khanh khuất núi đã được mấy năm rồi?

- Tâu bệ hạ đã tròn 5 năm. Cháu Nguyên Trừng năm nay tám tuổi, cháu được ba tuổi khi mẹ cháu qua đời.

- Khanh có còn nhớ công chúa Huy Ninh, cô công chúa Nhất Chi Mai ấy – Nghệ Tông mỉm cười.” [35, 117].

Trong xã hội phong kiến, tất cả mối quan hệ đều đặt dưới quan hệ quân – thần. Đứng trước nhà vua mọi người đều phải cung kính, trang nghiêm kể cả những người thân ruột thịt.

Điều này thể hiện quyền lực tối thượng của người đứng đầu đất nước.

Đối với các quan thì xưng hô theo chức danh, thứ bậc. Trần Nguyên Hàng là quan thái bảo, Trần Khát Chân là thượng tướng nên khi nói chuyện với nhau sẽ gọi theo chức quan:

“Câu chuyện chợt sững lại, Nguyên Hàng trầm ngâm rất lâu rồi thì thầm:

- Thượng tướng nhớ truyện Trần Nguyên Diệu chứ? Chính tay ông đã chặt đầu Nguyên Diệu

- Diệu đầu hàng Chế Bồng Nga…

- Không hẳn là đầu hàng. Diệu căm giận Quý Ly, cầu viện họ Chế, định nhờ tay Chế để giết Quý Ly.

- Tôi hiểu ý thái bảo rồi!

- Phải tự tay chúng ta thôi…

- Thái bảo đúng.” [35, 155]

Ngay trong quan hệ gia đình: vợ - chồng, cha – con cũng vừa gần gũi vừa trang trọng. Đối với Hồ Nguyên Trừng và Hồ Hán Thương vừa là cha vừa là thái sư đương triều, nắm nhiều quyền lực. Hồ Hán Thương coi cha mình là vị “minh chủ”, vì vậy rất tôn kính, sùng bái cha: “Con khâm phục cha! Con sùng kính cha! Cha thân mật mà tài giỏi! Cha kiêu ngạo mà giản dị, cha cứng rắn mà dịu dàng” [35, 89].

Giọng điệu khoan thai thể hiện rất rõ ở cách trần thuật của nhà văn. Nguyễn Xuân Khánh có vốn hiểu biết rộng, kiến thức uyên thâm và vận dụng linh hoạt những điều đó vào trong tác phẩm. Ở mỗi sự việc, nhân vật, tác giả đều từ tốn dẫn dắt người đọc tìm hiểu cặn kẽ. Mở đầu Hồ Quý Ly là Hội thề Đồng Cổ, tác giả giới thiệu cho người đọc về nguồn gốc, việc chuẩn bị, nghi thức diễn ra hội thề… và giới thiệu kỹ hai đồ tế khí là Đại Hồng Chung và Đại Đồng Cổ. Đại Hồng Chung là chiếc chuông chùa Yên Tử. Khi vua Trần Thái Tông bỏ lên núi Yên Tử định cắt tóc đi tu, Trần Thủ Độ kéo cả triều đình lên cầu xin nhà vua trở về. Khi vua chia tay, Phù Vân quốc sư đã tặng nhà vua để kỉ niệm cái duyên kỳ ngộ ấy. Còn Đại Đồng Cổ là chiếc trống đồng do nhân dân vùng An Định, Thanh Hóa đào được năm Mậu Ngọ (1258) khi vua Trần Thái Tông đại thắng quân Nguyên lần thứ nhất. Nhân dân đã rước chiếc Đại Đồng Cổ lên Thăng Long tiến vua để đưa vào thờ ở miếu thần hộ quốc. Khi

viết về vườn ngự uyển, nhà văn giới thiệu về diện tích, địa điểm, hình dáng, quá trình “thịnh suy” và cả những giai thoại gắn liền với nó:

“Vườn ngự uyển nằm ở phía Bắc hoàng thành, trên một diện tích hàng trăm mẫu ruộng.

Dựa trên địa thế tự nhiên, nó được ngăn cách với bên ngoài bằng một cái hồ dải ở phía đông, hai phía tây, bắc là những cánh rừng giới hạn bởi hào và lũy tre, phía nam liền với hoàng thành. Bên kia hồ là những dinh thự, đình các của các vương hầu soi bóng vàng son nguy nga xuống mặt nước. Bên này hồ là những công trình nhằm phục vụ việc vui chơi giải trí, việc nghỉ ngơi hóng mát của hoàng gia…” [35, 419]

Mỗi nhân vật, nhà văn đều giới thiệu đầy đủ nguồn gốc, hoàn cảnh xuất thân, phát triển của nhân vật, kể cả những nhân vật phụ. Thanh Mai là một kỹ nữ xinh đẹp, tài hoa, nổi tiếng khắp kinh thành. Nàng được nhiều người mến mộ, nhiều người muốn lấy nàng làm vợ nhưng nàng đều từ chối. Một người con gái đẹp, trẻ trung lại cự tuyệt mọi tình cảm khiến nhiều người thắc mắc. Ít ai biết được rằng, nàng đã trải qua một cuộc đời đầy loạn lạc, tủi cực, phải chịu nhiều đau đớn, giày vò. Xuất thân trong một gia đình làm nghề chài lưới, sống ven biển, cha mẹ đều là những người hát hay, đàn giỏi. Thanh Mai thừa hưởng tất cả những điều đó từ song thân. Năm lên mười ba tuổi, mẹ nàng và nàng bị quân Chiêm bắt sang Chiêm Thành, cha nàng bị giết chết. Nàng trở thành vũ nữ của vua Chiêm và được Chế Bồng Nga để ý. Ông vua kiệt hiệt của nước Chiêm có một thú vui là giày vò những người con gái Đại Việt. Họ càng đau đớn, ông càng vui thích. Chính vì nàng biết đau đớn mỗi lần bị ông giày vò nên thoát chết. Nhưng cũng từ đó, nàng ghê sợ đàn ông. Khi Trần Khát Chân giết được Chế Bồng Nga, đánh tan quân Chiêm. Nàng được thượng tướng cứu thoát, đưa về và trở thành con nuôi của Trần Khát Chân. Thượng tướng đã dùng nàng khi thực hiện mỹ nhân kế nhằm chống lại Hồ Quý Ly nhưng nàng đã thú nhận với cha nuôi rằng nàng không thể làm được điều đó vì nàng đã yêu Hồ Nguyên Trừng. Đêm trước khi lên Yên Tử, Thanh Mai đã kể cho Nguyên Trừng nghe tất cả về cuộc đòi mình.

Một nhân vật phụ ít người đọc để ý nhưng cũng được nhà văn giới thiệu khá đầy đủ và có những phẩm chất thật đáng quý, đó là ông già Lặc, lão bô bộc của cụ lang Phạm, ông ngoại Hồ Nguyên Trừng. Ông già Lặc vốn người Chiêm, được cụ lang Phạm đưa về trong đoàn quân Chiêm bị Đại Việt bắt. Cụ Phạm đối xử với ông như người thân nên ông già Lặc vô cùng tận tụy và trung thành. Khi cụ lang Phạm lên núi Yên Tử, người nô bộc già vẫn phục vụ Hồ Nguyên Trừng và chăm nom vườn thuốc. Thương người nô bộc già cả, cô đơn nên Hồ Nguyên Trừng đã cho ông lên núi Yên Tử sống cùng với ông ngoại mình.

Với giọng kể chậm rãi, khoan thai, nhà văn đã cho chúng ta một cái nhìn đầy đủ và sâu sắc về mỗi sự việc và nhân vật trong tác phẩm. Giọng điệu này phù hợp với chất tiểu thuyết, một thể loại tự sự cỡ lớn, có khả năng bao quát nhiều phương diện về cuộc sống, con người. Đồng thời, giọng điệu này cũng phù hợp với một nhà văn từng trải, có nhiều kinh nghiệm, kiến thức như Nguyễn Xuân Khánh.

3.2.2.2. Giọng điệu hài hước, dí dỏm, suồng sả.

Mẫu Thượng Ngàn lại là một giọng điệu hoàn toàn khác. Nhà văn viết về văn hóa Việt, tìm cội rễ ở văn hóa làng, văn hóa dân gian. Vậy nên, tác giả sử dụng giọng điệu hài hước, dí dỏm, suồng sả. Khi đọc Mẫu Thượng Ngàn, nhiều lần người đọc phải phá lên cười bởi giọng điệu hài hước, dí dỏm của nhà văn. Trong cuộc họp của các vị kỳ mục làng, không khí trang trọng bị phá vỡ khi Lý Cỏn nhắc đến tích “lên tiên”. Tích “lên tiên” có nguồn gốc như sau:

“Ở cuối làng có quán bà đĩ Ong, dưới gốc cây gạo. Chồng bà đĩ Ong mắc ho lao, nhưng vợ lại đẻ được thằng cu xinh đẹp đáo để. Ông Lý ra quán, bế thằng bé lên, hỏi tên nó là gì. Bà đĩ Ong bảo:

- Ông ấy là Ong, tôi định đặt tên cho nó là Bướm.

- Bướm hả? Con trai sao lại đặt là Bướm. Nghe nó tức cười. hay thế này, tôi đặt tên hộ cho.

Gọi nó là Điệp thì hay hơn. Nguyễn Văn Điệp. Đúng! Chữ nho điệp cũng có nghĩa là Bướm.

Bà đĩ Ong cảm cái ơn ấy nên để ông Hương nhận Điệp là con nuôi. Ông hương không có con trai, chỉ độc mụn con gái, nên cũng khoái. Tiếng là nhận con nuôi, nhưng ông hương có nuôi Điệp ngày nào đâu. Thằng Điệp được cái học hành sáng láng. Bà đĩ Ong nuôi nó đỗ được bằng Sép phi ca. Ông hương đi đến đâu cũng khoe nhắng lên: Thằng Điệp nhà tôi đỗ bằng Sép phi ca, ngang như các cụ ngày xưa đỗ tú tài. Người làng vẫn ngờ cái vụ con nuôi này lắm. Đến mấy năm sau, ông chồng bà Ong ốm nặng, suốt ngày đêm trùm cái chăn chiên đỏ nằm trên giường. Rồi một đêm, ông hộc ra một đống máu mà chết. Các bà chép miệng:

- Khổ! Vợ thì cứ phây phây. Chồng lại ho lao thổ huyết. Chết là phải.

Cánh trai tuần đinh cười hì và kể:

- Có phải thổ máu vì ham mê vợ đâu. Còn sức đâu mà làm.

- Ông ấy không làm thì đã có ông tiên làm hộ. Một đêm ông tiên mò vào nhà lão Ong, lên giường với mụ đĩ Ong. Lão Ong nằm ở giường bên cạnh đã ngủ thiếp rồi. Lão tiên cùng mụ Ong ôm nhau ở giường sát bên, lấy cái chăn rách trùm lên người. Lão Ong đang ngủ cứ

thấy bên giường vợ cục kịch. Lão bỏ chăn trùm đầu ra. Ánh ngọn đèn dầu lạc tuy mù mờ nhưng cũng đủ để lão trông thấy cái chăn rách cứ nhô lên hụp xuống liên tục. Lão hổn hển, định ngồi dậy bắt quả tang, thì lại nghe tiếng vợ lão rên lên ầm ầm:

- Sao thế này? Tôi lên tiên, ới ông tiên ơi! Lên tiên!

Lão Ong tức quá, hét to, thế là hộc máu ra ồng ộc, ngã vật xuống chết tươi.” [36, 126 – 127]

Ông Đùng bà Đà đã trở thành những nhân vật huyền thoại đối với người dân làng Cổ Đình. Hội rước ông bà luôn được mọi người háo hức chờ đợi. năm ấy, làng Cổ Đình làm hội rất to, cụ phó cối đã làm hai hình nhân ông bà đầy tinh quái:

“Lúc này, tất cả mọi người đều đổ dồn nhìn vào hai người hình nhân. Bảo là hai người hình nhân khổng lồ cũng được, mà bảo là hai con rối khổng lồ cũng được. Ông Đùng cao to gấp ba, bốn người thường, cao to tới mức có đủ chỗ cho hai người lớn chui vào bên trong để khiêng và điều khiển những máy gỗ kiểu như ta điều khiển con rối. Họ có thể làm cho cái đầu lắc lư và đôi mắt đảo đi đảo lại để biểu lộ sự hoan hỉ tinh quái. Họ cũng có thể làm cho đôi tay người khổng lồ giơ lên, hạ xuống, ôm choàng thân mật. Bà Đà là một hình nhân bé hơn ông Đùng chút ít. Cũng như ông Đùng, bà cũng có thể lắc lắc đầu và giơ tay lên xuống.

Chỉ có một điều khác: người ta có thể điều khiển cho ông bà há miệng tròn to, kiểu há miệng thơ ngây khi con người vui thích.

Ông Đùng mặc áo đỏ, quần đỏ. Mặt hồng, có râu, có ria. Thực ra, người ta không làm máy điều khiển râu, ria nhưng cụ phó Cối là người hóm hỉnh, cho nên cụ để cho hai chòm ria có thể tự chuyển động. Khi cái đầu ngoẹo sang một bên, lập tức bộ ria cũng biết cử động theo. Nhờ đôi mắt biết đảo đi đảo lại, đôi ria biết ngọ nguậy, nên trông bộ mặt ông Đùng thật ngộ nghĩnh và sinh động.

Bà Đà mặc áo xanh, quần xanh. Mặt trắng, lông mày đen nhánh. Trông bà thật đẹp và đa tình. Ông cụ phó cối này đã già rồi mà vẫn còn tếu. Ông làm cho bà Đà một đôi vú hẳn hoi, mà lại là loại vú ấm giỏ mới nghịch chứ. Đan đôi vú bằng nan tre, phất giấy hồng.

Bà Đà mặc yếm trắng. Đôi vú cũng lại biết cử động. Khi rước, đôi lúc gió núi đánh tốc cái yếm lên, để lộ ra đôi vú hồng thây lẩy, núng nính. Đám con gái lại được dịp ồ lên ngắm nghía đôi vú to đúng bằng hai quả mít đại” [36, 727 – 728].

Nhiều đoạn văn miêu tả cơ thể người phụ nữ cũng như hoạt động giao phối giữa người đàn ông và người đàn bà. Người phụ nữ trong Mẫu Thượng Ngàn, người nào cũng đẹp,cũng hừng hực sức sống, một vẻ đẹp gợi sự mặn nồng và hứa hẹn sự sinh sôi, nảy nở.

Cô Ngơ mặc dù ngớ ngẩn lại nghèo nhưng thân hình cô đầy gợi cảm: “Tuy không đứa nào chịu lấy Ngơ, nhưng đám con trai trông thấy cô đứa nào cũng thèm. Thèm vì cô không xấu lại trắng trẻo bụ bẫm. Thèm vì cô đặc biệt có đôi vú ấm giỏ rõ to. Cái yếm đào rách, lại bé, không đủ rộng che đôi vú ấy. Đôi vú quá cỡ làm chiếc yếm luôn luôn hếch ra, làm đôi vú thường ở tình trạng nửa kín nửa hở, làm đám con trai trong làng trông thấy cô, như rồ hết lên cả lũ. Mùa nóng nực, buộc chặt hai chiếc dải yếm ra phía sau lưng thì bức bối khó chịu, nên khi về túp lều nhà mình, cô Ngơ thường cởi yếm ra, để mặc đôi vú ấm giỏ được tự do thỗn thện. Đám con trai tinh nghịch, vào đêm trăng sáng, thường mò đến túp lều, chọc thủng vách đất để nhìn trộm đôi vú trắng và nhễ nhạt ấy. Nhìn trộm thoải mái, sau đó cười khúc khích với nhau. Nghe tiếng rúc rích, cô Ngơ liền vác cây gậy tre, chẳng thẹn thùng gì, cứ để đôi vú trần nhún nhẩy để vừa xua đuổi lũ quỷ sứ, vừa chửi rủa ầm ĩ” [36, 159 - 160).

Trông thấy bà ba Váy là trông thấy sự ngọt ngào của da thịt: “Ở bà ta, chỗ nào da thịt hở ra cũng thấy ngồn ngộn ngọt ngào” [36, 57]. Vẻ đẹp của cô Mùi là vẻ đẹp của người đàn bà gợi nhiều lạc thú: “So với người Việt ta, cô Mùi là một người đàn bà cao lớn. Cô cao bằng người đàn ông loại quá trung bình nhưng không gầy. Tuy cao nhưng dáng người cân đối.

Đôi vú nở nang. Eo thon nhỏ. Đôi mông nảy đều chắc nịch hứa hẹn sự đông đàn dài lũ”

[36, 244]. Có thể nói tính nữ trong Mẫu Thượng Ngàn rất mạnh, có người gọi nó là “nguyên lí tính nữ”. Vẻ đẹp đầy nữ tính, đậm tính phồn thực mang lại bao lạc thú cho người đàn ông lúc ái ân. Nhà văn viết về những cuộc tình với sự say sưa, rạo rực. Đó là cuộc tình đầy mãnh liệt, cuồng dại giữa hai Phác và cô Váy trong “mùa trải ổ”. Cuộc tình giữa ông hộ Hiếu – thím ba Pháo thiêng liêng mà cảm động. Tình yêu hồn nhiên, mộc mạc của anh Mường Rồ - Cô Ngơ. Tình yêu trong sáng đầu đời của Điều – Nhụ…

Sử dụng giọng điệu hài hước, dí dỏm, suồng sả, tác giả đã chạm vào cái bề sâu của văn hóa làng, văn hóa dân gian. Đồng thời thể hiện một niềm tin mãnh liệt vào sự trường tồn của văn hóa dân tộc. Nhân dân luôn luôn lạc quan, sống chan hòa, tình nghĩa. Vì vậy, nó sẽ chiến thắng tất cả sự tàn bạo, hung ác của kẻ thù.

Một phần của tài liệu tiểu thuyết lịch sử của nguyển xuân khánh (Trang 87 - 93)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)