phố trong nước.
1.3.1.1. Thị trường du lịch Đà Nẵng
Thành phố Đà Nẵng nằm bên dòng sông Hàn; phía Đông vươn ra biển Đông với những bãi biển dài tăm tắp và bán đảo Sơn Trà còn rất hoang sơ; phía Bắc và phía Tây được bao bọc bởi đèo, núi cao. Đèo Hải Vân cheo leo hiểm trở là ranh giới tự nhiên giữa thành phố và tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngoài sự ưu đãi của thiên nhiên cho Đà Nẵng, thành phố còn được bao bọc bởi 3 di sản văn hoá thế giới: Huế, Hội An, Mỹ Sơn. Xa hơn một chút nữa là di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng. Vì thế Đà Nẵng được xem là điểm trung chuyển quan trọng trên con đường di sản miền Trung.
Đà Nẵng là một thành phố có diện tích khá nhỏ 1.255,53 km2, trong đó có phần đất liền là 950,53 km2 ; Phần Huyện đảo Hoàng Sa là 305 km2. dân số 887000 người (theo số liệu điều tra dân số 1/4/2009) với mật độ dân số 906,7 người/km2.
Đà Nẵng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình, nhiệt độ cao và ít biến động, khí hậu Đà Nẵng là nơi chuyển tiếp đan xen giữa khí hậu miền bắc và miền nam, với tính trội là khí hậu nhiệt đới điển hình ở phía nam. Mỗi năm có 2 mùa rõ rệt. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 25,9oC, độ ẩm không khí trung bình là 83,4%, lượng mưa trung bình năm là 2.504,57mm. Số giờ nắng bình quân trong năm là 2156,2 giờ.
Đà Nẵng là một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, với nhiều danh lam thắng cảnh, có thể kể đến một số địa danh như:
Ngũ Hành Sơn (còn gọi là Non Nước) nằm cách trung tâm thành phố khoảng 5km. Ngũ Hành Sơn bao gồm 6 ngọn núi: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thuỷ Sơn, Dương Hoả Sơn, Âm hoả Sơn và Thổ Sơn tượng trưng cho 5 yếu tố của vũ trụ. Trong lòng núi có
nhiều hang động đẹp và nhiều chùa chiền. Dưới chân núi có làng nghề đá Non Nước nổi tiếng bên cạnh là bãi biển Non Nước khá hoang sơ.
Bà Nà- Núi chúa. Là một khu nghỉ mát cách trung tâm thành phố 40km về phía tây nam. Được ví như Đà Lạt của miền Trung. Bà Nà được xây dựng thành nơi nghỉ mát cho các quan chức người Pháp trong thời kì Pháp còn đô hộ Việt Nam. Sau khi thực dân Pháp rút khỏi Đông Dương, khu này bị bỏ hoang và bị tàn phá nhiều bởi chiến tranh. Gần đây, thành phố Đà Nẵng cho tái tạo lại và hi vọng trong tương lai Bà Nà- Núi Chúa sẽ lại trở thành một khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Bán đảo Sơn Trà là nơi mà Đà Nẵng vươn ra biển Đông xa nhất. Đây là khu bảo tồn thiên nhiên với nhiều động thực vật quý hiếm. Dưới chân bán đảo Sơn Trà là khu du lịch Suối Đá và nhiều bãi biển đẹp như: Bãi Bụt, Bãi Rạng, Bãi Bắc, Bãi Nồm.
Ngoài ra Đà Nẵng còn nổi tiếng bởi những bãi biển cát vàng còn hoang sơ chạy dài cả cây số, nước trong xanh và ấm áp quanh năm. Trong đó bãi biển Mỹ Khê của Đà Nẵng đã được tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh.
Dựa vào sự ưu đãi đặc biệt của thiên nhiên mà thành phố Đà Nẵng có khả năng phát triển kinh tế rất mạnh, trong đó các lĩnh vực được ưu tiên đầu tư là: Các khu du lịch biển cao cấp, các khu du lịch sinh thái, xây dựng khách sạn cao cấp tại trung tâm thành phố, các trung tâm giải trí, trung tâm mua sắm phục vụ khách du lịch...
Năm 2010 được xem là năm khá thành công của du lịch Đà Nẵng với những chuyển biến mới mẻ, khởi sắc cả về lượng khách lẫn doanh thu chuyên ngành. Du lịch Đà Nẵng đã tìm ra hướng mở cần thiết để đột phá, tạo nền tảng phát triển bền vững ngành kinh tế mũi nhọn chiến lược này.
Năm 2010, Đà Nẵng tập trung đẩy mạnh kích cầu, khai thác tối đa thị trường khách nội địa thay vì quá trú trọng vào thị trường khách quốc tế vốn sụt giảm nghiêm trọng. Bước đi khá mới mẻ và táo bạo này đã tạo cú hích mạnh khiến lần đầu tiên du lịch Đà Nẵng thắng lớn trên thị trường khách nội. Sự khởi sắc của thị trường khách nội địa góp phần tăng tổng doanh thu chuyên ngành du lịch Đà Nẵng
năm 2010 đạt hơn 1275 tỷ đồng, tăng 39% so sới năm 2009, tổng thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch cũng mang lại 3116 tỷ đồng. Ngành du lịch Đà Nẵng đã tự làm mới mình bằng nỗ lực xây dựng hình thành được nhóm sản phẩm, thương hiệu du lịch đặc trưng, có sức cạnh tranh cao nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường khách nội. Một trong số đó là cuộc thi bắn pháo hoa trên sông Hàn, đây là sự kiện gây tiếng vang lớn có sức hút cực lớn đối với du khách trong nước và quốc tế và cũng là cơ hội để Đà Nẵng quảng bá hình ảnh với bạn bè quốc tế. Ngoài ra Đà Nẵng còn hướng đến phát triển mạnh các nhóm sản phẩm du lịch biển, du lịch văn hoá lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch lễ hội...
Vừa chú trọng đột phá vào thị trường nội địa, ngành du lịch Đà Nẵng vừa tiếp tục duy trì phát triển ổn định thị trường khách quốc tế bằng đường hàng không, tuy khá mới mẻ nhưng hết sức nhộn nhịp và đầy triển vọng.
Cùng với các chương trình, chính sách giảm giá, khuyến mãi kích cầu du lịch thời gian qua, việc Đà Nẵng mạnh dạn đột phá vào những hướng đi mới cho ngành du lịch đã mang lại những kết quả lạc quan, hứa hẹn nhiều triển vọng tăng tốc bền vững trong tương lai, nhất là khi kinh tế thế giới và trong nước đang có xu hướng phục hồi. Đặc biệt, năm du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung bộ 2011, những chuyển biến tích cực lạc quan của du lịch Đà Nẵng càng hứa hẹn tạo điểm nhấn cho ngành du lịch nói riêng và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội thành phố Đà Nẵng nói chung.
1.3.1.2. Thị trường du lịch Quảng Ninh.
Quảng Ninh là tỉnh ven biển thuộc vùng Đông bắc Việt Nam. Phía tây giáp tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang, phía đông giáp Vịnh Bắc Bộ, phía tây nam giáp tỉnh Hải Dương và Thành phố Hải Phòng, phía bắc giáp huyện Phòng Thành và thị trấn Đông Hưng( tỉnh Quảng Tây- Trung Quốc) với cửa khẩu Móng Cái và Trinh Đường. Đường biên giới với Trung Quốc dài 132,8 km. Trong quy hoạch phát triển kinh tế Quảng Ninh vừa thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc vừa thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ. Dân số Quảng Ninh là 1.144.381 người (1/4/2009). Quảng Ninh
có 3 thành phố trực thuộc là Thành phố Hạ Long, thành phố Móng Cái, thành phố Uông Bí, 1 thị xã và 10 Huyện.
Quảng Ninh là một trọng điểm kinh tế, một đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía bắc đồng thời là một trong bốn trung tâm du lịch lớn của Việt Nam với di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đã 2 lần được UNESCO công nhận về giá trị thẩm mĩ và địa chất. Quảng Ninh có khu kinh tế Vân Đồn, trung tâm thương mại Móng Cái là đầu mối giao thương giữa hai nước Việt Nam- Trung Quốc và các nước trong khu vực. Năm 2010 Quảng Ninh là tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ 7 ở Việt Nam. Với các di tích văn hoá Yên Tử, bãi cọc Bạch Đằng, Đền Cửa Ông, Đình Quan Lạn, Đình Trà Cổ, núi Bài Thơ...thuận lợi cho phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch thể thao, du lịch văn hoá tâm linh. Đặc biệt cửa khẩu quốc tế Móng Cái là nơi hội tụ giao lưu thương mại, du lịch, dịch vụ và thu hút các nhà đầu tư; là cửa ngõ giao dịch xuất nhập khẩu với Trung Quốc và các nước trong khu vực. Tiềm năng du lịch Quảng Ninh còn nổi bật bởi gần 2000 hòn đảo, trong đó phải kể đến:
Đảo Cô Tô, các bãi tắm đẹp như Hồng Vàn, Bắc Vàn, Vàn Chảy, đảo Cô Tô được đánh giá là những bãi biển đẹp nhất tại phía Bắc.
Vịnh Hạ Long, có giá trị đặc biệt về văn hoá và thầm mĩ, được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Trên vịnh có nhiều đảo đất, hang động, bãi tắm, cảnh quan đẹp thuận lợi cho phát triển nhiều điểm, nhiều hình thức du lịch hấp dẫn. Vịnh Hạ Long cùng với đảo Cát Bà là khu du lịch trọng điểm quốc gia, động lực phát triển vùng du lịch bắc bộ.
Ngoài ra Quảng Ninh còn có các bãi tắm đẹp như Trà Cổ, Bãi Cháy, đảo Tuần Châu đã được cải tạo, nâng cấp với nhiều loại hình dịch vụ, phục vụ đa dạng các nhu cầu của khách du lịch.
Cả tỉnh có gần 500 di tích lịch sử, văn hoá, nghệ thuật...gắn với nhiều lễ hội truyền thống, trong đó có những di tích nổi tiếng như: chùa Yên Tử, đền Cửa Ông, đình Trà Cổ, di tích lịch sử Bạch Đằng, chùa Long Tiên, đình Quan Lạn, chùa Cái
Bầu, thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm. Đây là những điểm thu hút khách thập phương đến với các loại hình du lịch văn hoá, tôn giáo, nhất là những dịp lễ hội.
Quảng Ninh còn nổi bật với các món ăn được chế biến từ các loại hải sản của biển, trong đó có những đặc sản giá trị như hải sâm, bào ngư, tôm, cua, sò, ngán, hàu, hà, sá sùng, rau câu, sam...
Có thể nói, năm 2010 là một năm ngành du lịch Quảng Ninh có nhiều bước tiến mới trong tất cả các lĩnh vực hoạt động du lịch. Trong năm 2010 Quảng Ninh đã đón 5,4 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 2,2 triệu lượt. Tổng doanh thu đạt 3.100 tỷ đồng. Có được kết quả đó là do Quảng Ninh làm tốt công tác tuyên truyền quảng bá thông qua các sự kiện văn hoá, thể thao diễn ra trên địa bàn tỉnh, như lễ hội du lịch Hạ Long, đại hội diễn đàn du lịch liên khu vực Đông Á- EATOF 2010, cuộc thi hoa hậu Việt Nam và các giải thể thao lớn... bên cạnh đó, sự hợp tác quốc tế về mặt du lịch được đẩy mạnh, đặc biệt là thị trường khách Trung Quốc. Sự phục hồi của tuyến du lịch đường biển đến với Hạ Long bằng các con tàu du lịch lớn, cao cấp, một số sản phẩm du lịch chất lượng cao thu hút được lượng khách khá đông, như sản phẩm du lịch ngủ đêm trên Vịnh Hạ Long. Ngoài ra, một trong những yếu tố không thể không nói tới là công tác quản lý nhà nước được tăng cường đã tạo ra những định hướng và hành lang pháp lý tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch phát triển.
Năm 2011 là năm mở đầu cho kế hoạch 5 năm 2011- 2015, ngành du lịch Quảng Ninh đặt mục tiêu tổng quát là; thúc đẩy tăng trưởng du lịch theo hướng bền vững, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch. Nâng cao năng lực và hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch và đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi đầu tư phát triển du lịch. Tăng cường quảng bá xúc tiến và hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hoá sản phẩm du lịch. Chú trọng phát triển thị trường tiềm năng và thị trường mới. Xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện và văn minh. Trên cơ sở đó, du lịch Quảng Ninh phấn đấu đón từ 5,6 triệu đến 6 triệu lượt khách trong đó có 2,5 triệu khách quốc tế, doanh thu khoảng 4000 tỷ đồng.
Để thực hiện mục tiêu nói trên, ngành du lịch Quảng Ninh đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể: Tổ chức, thực hiện thành công tuần du lịch Hạ Long- Quảng Ninh 2011; tổ chức và thực hiện thành công lễ công bố 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới tại Quảng Ninh; chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước; hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2010- 2020, định hướng đến năm 2030…với sự ủng hộ, vào cuộc mạnh mẽ, tích cực của các bộ, ngành, trung ương, địa phương, các tổ chức xã hội và đông đảo người dân trong và ngoài nước, Vịnh Hạ Long sẽ có khả năng lớn trở thành 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới.