- Tiểu luận cuối kỳ Văn học Trung đại Việt Nam thế kỷ X - XVII, trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh - Văn hóa ứng xử giới thông qua cái chết của các nhân vật nữ trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ
Trang 1TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
KHOA NGỮ VĂN
TIỂU LUẬN CUỐI KÌ
VĂN HỌC VIỆT NAM THẾ KỶ X - XVII
BÀI DẠY ĐỌC MỞ RỘNG VĂN HÓA ỨNG XỬ GIỚI THÔNG QUÁ CÁI CHẾT CỦA CÁC NHÂN VẬT NỮ TRONG TRUYỀN KỲ
MẠN LỤC CỦA NGUYỄN DỮ
SINH VIÊN THỰC HIỆN: HUỲNH XUÂN QUAN
MÃ SỐ SINH VIÊN: 48.01.601.035
MÃ HỌC PHẦN: 2311LITR1806
GIẢNG VIÊN:
TS ĐÀM ANH THƯ
Thành phố Hồ Chí Minh – 2022
Trang 2Để hoàn thành bài tiểu luận cuối học phần Văn học Việt Nam thế kỷ X - XVII, ngoài
sự nỗ lực hết mình của bản thân, người viết xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến TS Đàm Anh Thư – giảng viên hướng dẫn bộ môn Cô luôn tận tình chỉ bảo và hướng dẫn em trong suốt quá trình học tập, thực hiện phần sâu khấu hóa giữa kì và tiểu luận cuối kì
Qua quá trình học tập cùng cô, em đã có thêm nhiều hiểu biết về nghiên cứu khoa học văn học, phương pháp giảng dạy sao cho lôi cuốn, hấp dẫn và đặc biệt, là những tri thức về văn hóa – văn học Việt Nam thế kỷ X - XVII Những kiến thức ấy sẽ trở thành hành trang quý
báu cho em trong quá trình thực hiện nhiệm vụ “trồng người” trong tương lai.
Mặc dù, em đã nỗ lực và cố gắng hết mình trong quá trình thực hiện đề tài tiểu luận Tuy nhiên, cũng không thể tránh khỏi nhiều thiếu sót, hạn chế Em rất mong được sự nhận xét, góp ý của giảng viên để ngày càng hoàn thiện năng lực nghiên cứu của bản thân
Người viết xin chân thành cảm ơn!
Trang 31
1 Dẫn nhập
Với Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, “lần đầu tiên trong văn học Việt Nam, người
phụ nữ đã xuất hiện rầm rộ [ ] với tất cả diện mạo, tâm hồn, tình cảm, nhu cầu và khát vọng với số phận của mình” (Lê Thu Yến, 2000, tr 119) “Tập thiên cổ kỳ bút” này có tổng cộng 20 truyện mà có đến 11 trong số đó được Nguyễn Dữ khắc họa rõ nét hình ảnh
nữ giới Hình tượng các nhân vật nữ trong Truyền kỳ mạn lục được hiện lên với vẻ đẹp nổi
bật là tấm lòng thủy chung, yêu thương chồng con, hiếu thuận và giàu đức hy sinh Họ đẹp người, đẹp nết, đẹp cả tài năng Thế nhưng, trước những áp bức phong kiến, cái chết như
là mặc định cho cuộc đời họ, là đỉnh cao bi kịch và cũng là con đường giải khổ duy nhất Nàng Nhị Khanh phải thắt cổ tự tử, Vũ Nương phải gieo thân xác nơi dòng Hoàng Giang lạnh lẽo, Lệ Nương hết bị đưa vào cung, đến bị giặc bắt, cuối cùng tự tuẫn, thây chôn trong rừng, Sự lặp đi lặp lại của những cái chết trên không chỉ là một motif quan trọng trong kết cấu truyện truyền kì của Nguyễn Dữ mà còn phản ánh văn hóa ứng xử giới trong thời
kỳ trung đại Tất nhiên là trong Truyền kỳ mạn lục có rất nhiều cái chết của các nhân vật
nữ nhưng không phải tác phẩm nào thể hiện được văn hóa ứng xử giới, vì thế mà bài viết
chỉ tập trung giải quyết trong các văn bản sau: Khoái Châu nghĩa phụ truyện, Nam Xương
nữ tử truyện, Lệ Nương truyện Cái chết của họ khi được soi xét từ góc nhìn của văn hóa
ứng xử giới sẽ phản ánh nhiều vấn đề xã hội Bên cạnh đó, trong chương trình giáo phục phổ thông, các tác phẩm truyền kỳ được đưa vào giảng dạy chiếm số lượng không nhỏ Vì thế, mà việc tiếp cận tác phẩm từ mới góc nhìn mới là điều vô cùng cần thiết Với những
lý trên, người viết thực hiện đề tài tiểu luận này
2 Nội dung
2.1 Nhìn chung về giới và văn hóa ứng xử giới: Trong tiểu luận này, người viết
đề cập đến giới (gender) như một cấu trúc xã hội, nghĩa là không xem xét các đặc tính sinh học của cơ thể người mà chỉ nhìn nhận đặc điểm cấu tạo về mặt xã hội của phụ nữ và nam giới như các chuẩn mực, vai trò và mối quan hệ giữa phụ nữ và nam giới dẫn đến cách ứng
xử của những người phụ nữ trong văn học Như vậy, con người sinh ra từ ban đầu không mang trong mình những đặc tính về giới (gender) mà được tạo thành thông qua giáo dục,
nề nếp gia đình quy ước xã hội và những chuẩn mực của nền văn hóa nơi họ đang sống Con người bị định giới từ trước khi họ được sinh ra Giống như cách nói của Simone de
Trang 4Beauvoir khẳng định “người ta không sinh ra là phụ nữ mà trở thành phụ nữ” (Jane Pilcher
& Imelda Whelehan, 2022, tr 154) Trong quyển Key concepts in gender studies second
edition, hai nhà xã hội học Imelda Whelenhan và Jane Pilcher đã đưa ra các lập luận của
Beauvoir như sau: “sự khác biệt về giới được thiết lập trong đối lập mang tính thứ bậc, trong đó nguyên tắc nam tính luôn là “quy chuẩn” được thiên vị, còn nguyên tắc nữ tính thì bị định vị ‘cái khác’ Đối với Beauvoir, nữ tính chỉ có thể được định nghĩa là sự khuyết
thiếu - nằm giữa nam giới và kẻ bị thiến” (Jane Pilcher & Imelda Whelehan, 2022, tr 154)
Nhìn chung, “văn hóa ứng xử” có thể hiểu là sự thể hiện lối nhìn, lối cảm, lối hành động của một cộng đồng người trong việc ứng xử và giải quyết những mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên, với xã hội từ vi mô (gia đình) đến vĩ mô (nhân gian) Ở đây, người viết muốn đề cập thêm một vấn đề nữa là “văn hóa ứng xử” ấy phải được nhìn trong tính lịch sử Như thế, “văn hóa ứng xử” không phải là “nhất thành bất biến” mà luôn
có sự vận động, biến đổi theo thời gian, phụ thuộc vào trình độ phát triển của một cộng đồng người trong mỗi thời kỳ lịch sử “Văn hóa ứng xử giới” cũng như vậy, bởi lẽ, trong mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau, vai trò xã hội, hành vi ứng xử và những áp chế, định kiến lên nam và nữ sẽ có sự thay đổi Văn hóa ứng xử giới của Việt Nam thời kỳ trung đại chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Nho giáo Vì thế mà, “Tam tòng - Tứ đức” chính là mô hình đạo đức lý tưởng, là cái đích hướng tới, là thước đo, tiêu chỉ mà mọi người phụ nữ phải thực hiện Theo đó, thì người phụ nữ phải cả đời phục tùng người đàn ông, gắn chặt mình với các công việc nội trợ, gia đình
2.2 Cái chết như là văn hóa ứng xử giới trong Truyền kỳ mạn lục
2.2.1 Cái chết - sự bảo toàn trinh tiết: Trước khi cái chết diễn ra, văn hóa ứng
xử giới của những người phụ nữ trong Truyền kỳ mạn lục là luôn tuân theo giáo điều của
đạo đức Nho gia Cuộc đời của người phụ nữ, dẫu là tiên nữ như Giáng Hương, đều một lòng một dạ hy sinh, phục tùng cho nam giới mà không có bất kỳ đòi hỏi Và cũng không quá khi nói rằng, văn hóa ứng xử giới của những người phụ nữ trong các câu truyện truyền
kỳ này chính là không làm gì cả, họ buộc phải rơi vào thế bị động, phó mặc cuộc đời mình cho nam giới Đây là cách ứng xử thống nhất của đại đa số các nhân vật nữ trong truyện,
từ người bình dân như Vũ Nương, Lệ Nương, cho đến những người có xuất thân danh giá như Nhị Khanh, phu nhân Ngô Chi Lan, tiên nữ Giáng Hương, Với những phẩm chất
Trang 53
đáng quý cùng những hy sinh, họ xứng đáng được hưởng hạnh phúc viên mãn Thế nhưng,
xã hội phong kiến với đầy rẫy những bất công, ngang trái cùng lề thói cổ hủ hà khắc đã giết chết ước mơ của những người phụ nữ Giấc mơ hạnh phúc của họ mãi vẫn chỉ là giấc
mơ Không ít người trong số họ phải lựa chọn cái chết để bảo toàn trinh tiết của mình
Chết chính là điểm dừng chân cuối cùng của cuộc đời mỗi con người trong vòng tuần hoàn của trời đất “sinh, lão, bệnh, tử” nhưng có nhiều cái chết của những người phụ
nữ trong Truyền kỳ mạn lục diễn ra đầy oan trái Để bảo vệ mình khi rơi vào tay quân giặc
hung tàn, cách ứng xử của Lệ Nương cùng với hai người bạn của mình là quyết “chẳng thà chết rấp ở ngòi lạch, gần gũi quê hương, còn hơn là sang làm những cái cô hồn ở bên đất Bắc” (Nguyễn Dữ, 2012, tr 249) Họ thà chết để bảo vệ tiết hạnh của phụ nữ nước Nam,
để làm tròn lý tưởng đạo đức Cái chết lúc này là sự phản kháng trong bất lực của người phụ nữ trong chiến tranh Họ trở thành mục tiêu cho các hành vi bắt cóc, cưỡng hiếp, trở thành cống vật cho lũ ngoại xâm Theo một lẽ hiển nhiên, những người đàn ông đang sử dụng cơ thể phụ nữ như một công cụ để tấn công, hạ bệ lẫn nhau, như món hàng để tranh
đoạt Còn trong Khoái Châu nghĩa phụ truyện, Nhị Khanh cũng đã lựa chọn cái chết để
bảo toàn danh tiết trước tình cảnh bị chồng gán cho một người đàn ông khác “Cha con bạc
tình, mẹ đau buồn lắm Biệt ly là việc thường thiên hạ Một cái chết với mẹ có khó khăn
gì Nhưng mẹ chỉ nghĩ thương các con mà thôi.” (Nguyễn Dữ, 2012, tr 29) Sau đó, nàng Nhị Khanh đã lấy dây thắt cổ chết Khi mà trinh tiết chính là thước đo đạo đức thiêng liêng của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, cái chết chính là cách ứng xử duy nhất của nàng nhằm mong muốn gìn giữ trinh tiết của mình với chồng Ở đây, ta thấy được tình cảnh đau đớn, tuyệt vọng đến đỉnh điểm của người phụ nữ trong xã hội cũ
2.2.2 Cái chết - sự chứng minh cho lòng chung thủy: Có những trường hợp như
Lệ Nương phải chịu bức tử đến chết, vì nàng “vóc mềm tựa liễu, mệnh bạc như voi, nước
vỡ nhà tan lưu ly đến đó” (Nguyễn Dữ, 2012, tr 249) nên đành phải tự tận Nhưng cũng
có trường hợp, nhân vật nữ chọn cái chết để làm minh chứng cho tấm lòng thủy chung, son sắt của mình với đấng lang quân Vũ Nương cũng đã lựa chọn cái chết để chứng minh cho tấm lòng trinh bạch của mình với chồng Nàng đã tắm rửa sạch sẽ rồi ra bến Hoàng Giang ngửa mặt lên trời mà than: “Kẻ bạc này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh xin ngài chứng giám Thiếp nếu đoan
Trang 6trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mỵ Nương, xuống đất xin làm
cỏ Ngu Mỹ Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, chẳng những là chịu khắp mọi người phỉ nhổ” (Nguyễn
Dữ, 2012, tr 220) Nói xong những lời này, nàng đã gieo mình xuống dòng sông mà chết
Ở đây, chúng ta bắt gặp một vấn đề đầy thú vị trong những lời cuối đời của Vũ Nương Một người phụ nữ bình dân đã đặt mình trong không gian vũ trụ mà thảng thốt cất lời thề Điều này có lẽ xuất phát từ lòng thương cảm của Nguyễn Dữ trước sự oan khiên của người phụ nữ đoan chính này Vũ Nương đã tận tâm tận lực để tạo dựng một cuộc sống ấm êm cho gia đình khi người chồng đang trên chiến trận nhưng rồi cũng chính vì gia đình ấy đã đẩy nàng đến cái chết Chính cái chết đã hoàn thiện vẻ đẹp lý tưởng của hình tượng nhân vật Vũ Nương trước những đòi hỏi đầy khắt khe của chế độ phong kiến Thế nhưng chính những “tín đồ ngoan đạo” nhất của quan niệm ấy lại là những kẻ bất hạnh nhất, cuộc đời của họ gắn liền với những bi kịch Sống tuân thủ, phục tùng người đàn ông một cách vô điều kiện vẫn không đổi lại được hạnh phúc mà còn trở thành nạn nhân đau đớn, bị bức tử
từ thứ lễ giáo khắc nghiệt ấy
Cái chết đã chứng tỏ họ là những liệt nữ trong văn học trung đại nói chung và Truyền
kỳ mạn lục nói riêng Họ sẵn sàng xả sinh thủ nghĩa của bản thân để bảo toàn trinh tiết,
chứng minh sự trinh bạch, thể hiện lòng chung thủy của mình với đấng lang quân Nhìn chung, cái chết dù hoàn thiện cho vẻ đẹp thập toàn thập mỹ của những người phụ nữ và giúp họ giải được oan khuất Nhưng cái chết ấy đã và đang phục vụ cho một áp chế phụ quyền, thực thi để tiếp tục hoàn thành những quy định mà xã hội cũ tạo ra Và cũng nhìn nhận rằng, sau cái chết, các nhân vật nữ đều trở về và phải nhận được sự giải oan từ chồng thì mới sớm an yên Sự trở lại này cũng chính là một cách ứng của các nhân vật nữ
2.3 Dạy về văn hóa ứng xử giới qua cái chết của các nhân vật nữ trong Truyền
kỳ mạn lục trên tinh thần sư phạm nữ quyền
Chương trình giáo dục 2018 với định hướng mở đã tạo ra những tiềm năng lớn cho giáo viên có thể tổ chức dạy đọc hiểu văn bản từ nhiều góc nhìn khác nhau (phê bình sinh thái, phê bình nữ quyền, ) như một hoạt động mở rộng Bởi lẽ, trục chính của chương trình vẫn là dạy đọc hiểu văn bản theo đặc trưng thể loại Trong tiểu luận này, người viết lựa chọn hướng tích hợp các văn bản đọc mở rộng để thiết kế bài dạy
Trang 75
BÀI DẠY ĐỌC MỞ RỘNG
VĂN HÓA ỨNG XỬ GIỚI THÔNG QUA CÁI CHẾT CỦA CÁC NHÂN VẬT NỮ
TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC CỦA NGUYỄN DỮ
MỤC TIÊU BÀI HỌC
- Học sinh hiểu được các văn bản tự sự hư cấu được lựa chọn để giảng dạy theo đặc trưng của thể loại truyền kỳ thời Trung đại
- Học sinh có khả năng nhìn nhận các vấn đề trong văn bản thông qua lăng kính phê bình nữ quyền
- Học sinh hình thành ý niệm về cái chết, hiểu biết các vấn đề về văn hóa ứng xử giới, định kiến giới, các phân biệt đối xử lên người phụ nữ trong thời kỳ trong đại và có khả năng nhìn nhận lại vấn đề giới đang diễn ra trong đời sống
TRI THỨC ĐỌC HIỂU
Hình tượng nhân vật phụ nữ: Những người phụ nữ trong Truyền kỳ mạn lục được xây dựng như thế nào? Những quy chuẩn, định kiến nào chi phối các nhân vật nữ trong thời kỳ trung đại? Các nhân vật nữ trong các văn bản được lựa chọn được xây dựng từ góc nhìn của nam giới hay nữ giới? Mối quan hệ giữa các nhân vật trong truyện với các nhân vật nam diễn ra như thế nào?
Từ kiến thức về văn hóa ứng xử giới, một số câu hỏi có thể được hình thành như: Nhân vật nữ đã ứng xử như thế nào với nhân vật nam như thế nào trong các văn bản? Vai trò của nam và nữ có phân định rõ ràng trong các câu truyện không và vì sao? Cái chết của các nhân vật nữ trong truyện có phải quyết định khó khăn không và Vì sao? Vì sao các nhân vật nữ trong truyện lại lựa chọn cái chết? Cái chết của các nhân vật nữ trong truyện phản ánh văn hóa ứng xử giới của người phụ nữ như thế nào?
ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN
I Khởi động:
Cái chết vốn luôn là một vấn đề tồn tại xung quanh cuộc sống con người Tình yêu, hạnh phúc, danh vọng, cái đẹp, đều có thể phôi pha theo thời gian Duy chỉ có cái chết là một tồn tại thật sự, là con người không ai có thể tránh khỏi Thế nhưng, có những cái chết
là đúng theo quy luật tuần hoàn của tự nhiên “sinh - lão - bệnh - tử” và cũng nhiều trong
Trang 8số đó không đi theo quy luật nào Con người bị bức ép đến tự tuẫn, bị đẩy đến cùng đường tuyệt lộ và phải buộc phải chết để giữ mình
II Đọc văn bản
Bao gồm các văn bản sau, có thể lược bỏ một số đoạn để học sinh tìm chi tiết dễ dàng và bảo đảm dung lượng tiết dạy: 1 Chuyện người con gái Nam Xương 2 Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu 3 Chuyện Lệ Nương
III Câu hỏi hướng dẫn đọc hiểu văn bản
1 Đọc nhanh, tìm và tổng hợp các chi tiết về cái chết của các nhân vật trong truyện?
2 Bước đầu nêu lên cảm nghĩ của bản thân từ những cái chết ấy trong các nhân vật nữ?
Chi tiết về cái chết Cảm nhận Chuyện người con Nam Xương
Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu
Chuyện Lệ Nương
3 Tìm hiểu nguyên nhân cái chết của các nhân vật nữ trong các văn bản?
4 Bạn hãy tìm những điểm giống và khác nhau về văn hóa ứng xử giới qua cái chết của của những nhân vật nữ trong các văn bản, có thể dựa vào sơ đồ sau:
5 Liên hệ với đời sống: 5.1 Theo bạn, văn hóa ứng xử giới ngày nay có giống trong các văn bản được tìm hiểu không? Nếu có thì biểu hiện của nó là gì? Vì sao? 5.2 Với tư cách
Trinh tiết chính là mạng sống
của người phụ nữ trung đại?
Bạn đã từng thấy cái chết nào thức tỉnh người sống hay chưa?
Trang 97
là một học sinh, bạn cần làm gì để giảm thiểu bất bình đẳng giới? 5.3 Trong vai trò là nam giới, bài học bạn rút ra được từ ba văn bản trên là gì?
3 Kết luận
Về giá trị giáo dục, trong bối cảnh đổi mới toàn diện ở Việt Nam, hoạt động giảng
dạy Ngữ văn trong trường học dời trọng tâm giảng dạy từ chuẩn kiến thức sang chuẩn năng lực, việc giảng dạy đọc hiểu văn bản theo tinh thần sư phạm nữ quyền là một yếu tố cần thiết Người viết tin chắc rằng với việc lồng ghép các vấn đề về giới, nữ quyền luận vào
trong giảng dạy đọc hiểu văn bản tự sự hư cấu nói chung và các tác phẩm trong Truyền kỳ
mạn lục nói riêng sẽ giúp cho bài giảng văn hóa gắn bó hơn với “mảnh đất” sinh thành ra
nó - đời sống; giúp cho học sinh giải định kiến giới; có cái nhìn đa dạng và tôn trọng sự khác biệt để hình thành lối sống văn minh, tôn trọng quyền bình đẳng của mỗi con người Dạy học Ngữ văn trong đổi mới không còn là câu chuyện của đi tìm và giải mã các tác phẩm văn học mà còn phải dẫn đưa học sinh đến với giải mã thế giới muôn màu Thông qua các vấn đề về giới, các văn bản được lựa chọn cũng cho người học nhìn thấy được cảnh ngộ đau khổ của những người dân lương thiện bị chà đạp, hà hiếp; đặc biệt là những người phụ nữ
Về giá trị nghệ thuật, trước hết ta bàn về nghệ thuật của cái chết, quyết định từ giả
cõi trần của các nhân vật nữ được Nguyễn Dữ miêu tả rất dứt khoác nhưng ẩn sâu trong đó
là gióng lên lời kêu cứu tha thiết của tác giả đối với số phận con người trong thời kì phong kiến: làm sao có thể tìm được tình yêu tự do, người phụ nữ khó có thể tìm được hạnh phúc đích thực trong xã hội này Thành công của Nguyễn Dữ là ông đã mở đường đưa người phụ nữ Việt Nam bước vào tòa lâu đài văn chương bác học, nâng niu, và bênh vực quyền sống, quyền yêu và được yêu của họ Vì thế mà sau cái chết, bao giờ người phụ nữ cũng tiếp tục được “sống” trong cõi âm để tiếp tục những ước mơ, những khác hoặc để minh oan cho bản thân Nếu những nhân vật nam sau khi bước vào thế giới kỳ ảo có thể tạm chết
rồi trở về dương thế thì những người phụ nữ trong Truyền kỳ mạn lục sẽ mãi mãi không
thể trở về cõi thực, cho dù có được minh oan đi chăng nữa Cánh cửa cuộc đời đã mãi mãi khép chặt, và người phụ nữ chỉ có thể tự do trong thế giới sáng tạo của Nguyễn Dữ Mà ta cũng có thể hiểu rằng, vì nếu trở lại thực tại thì người phụ nữ chưa chắc có hạnh phúc
Trang 10Tài liệu tham khảo
Hoàng Thị Thùy Dương (2018) Tiếp cận "Truyền kỳ mạn lục" của Nguyễn Dữ từ
quan niệm về vô thức cá nhân của Sigmund Freud (Vol tập 54, số 3C) Tạp chí khoa học
Trường Đại học Cần Thơ 10.22144/ctu.jvn.2018.059
Hoàng Thị Tuyết Ly (2017) Tư tưởng của Nguyễn Dữ trong tác phẩm "Truyền kỳ
mạn lục" [Luận văn thạc sĩ Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn]
Huỳnh Hoàng Phương Uyên (2021) Hình tượng nhân vật trong "Truyền kỳ mạn
lục" của Nguyễn Dữ dưới góc nhìn văn hóa ứng xử giới [Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ,
văn học và Văn hóa Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh]
Jane Pilcher & Imelda Whelehan (2022) Key concepts in gender studies second
edition (Khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới) (Nguyễn Thị Minh, Trans.) Nhà
xuất bản Phụ nữ Việt Nam
Lê Thu Yến (2000) Văn học Trung đại - Những công trình nghiên cứu Nhà xuất
bản Giáo dục
Nguyễn Dữ (2012) Truyền kỳ mạn lục (Trúc Khê Ngô Văn Triện, Trans.) Nhà
xuất bản Trẻ, tái bản
Thân Văn Kiều (2016) Nghiên cứu nhân vật trong Truyền kỳ mạn lục Nguyễn
Dữ [Luận văn thạc sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn]
Trần Lê Duy (2020) Dạy đọc hiểu văn bản ở trường phổ thông dưới lăng kính
phê bình nữ quyền: một số vấn đề lý luận và thực tiễn [Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học
Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh]